Ở miền Tây Nam bộ dọc theo các mé kênh, rạch hay trong các vườn tạp, đất hoang luôn có mặt của cây nhàu. Đây là loài cây thân gỗ, mọc đứng. Nhàu sống lâu năm, có cây cao cả năm, bảy thước tây.
Cành non mập, có 4 cạnh rõ, màu lục hoặc nâu nhạt, có rãnh, nhẵn; cành già tiết diện tròn, màu nâu xám. Lá mọc đối, hình bầu dục dài một, hai gang tay, mép uốn luợn, lá màu xanh bóng đậm ở mặt trên, mặt dưới nhạt hơn. Cụm hoa là đầu hình tròn hay hơi bầu dục, ở ngoài nách lá. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, nhẵn.
Trái nhàu còn non màu xanh nhạt, hình trụ tròn nhỏ dần về cuối. Khi già màu trái ngà vàng, nhẵn bóng, mùi khai. Bên trong lớp da mỏng là lớp thịt, hình trứng gồm nhiều hạch dính vào nhau, chứa cơm mềm, ăn được, vị cay nồng.
Trong dân gian, nhiều bộ phận của cây nhàu được tận dụng để phục vụ cho đời sống con người. Trái nhàu chín rụng lượm về chấm ăn với muối, có tác dụng làm gảm cơn đau lưng, nhức mỏi. Lá nhàu non có thể hái về rửa sạch ăn sống kèm với cá nướng trui, chuột khìa, tép luộc, …
Cây nhàu.
Trái nhàu trên cây.
Trái nhàu chín.
Cầu kỳ hơn, người ta tận dụng vị nhẫn đắng của nó để đem um với lươn. Món ăn này có lá nhàu vừa đỡ ngán vừa có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Khi nấu các món giả cầy, lá nhàu cũng thường xuyên có mặt.
Đặc biệt, ở miền quê, dân gian hay dùng lá nhàu gói với cật heo rồi đem nướng. Lá cháy sém, miếng cật nướng vàng ươm vừa là món lý tưởng để đưa cay cùng bè bạn bên chung rượu đế ngãi tình, vừa là món ăn mà cánh mày râu ưa chuộng vì họ tin rằng nó sẽ … bổ thận tráng dương!
Lươn um lá nhàu
Lá nhàu non được xắt nhuyễn để xào với thịt rắn trun, rắn nước. Mấy miếng bánh tráng, bánh phồng nướng xúc thịt rắn xào lá nhàu chấm nước mắm ớt thì đối với người miền quê quả là món ngon tuyệt hảo khó có cao lương mỹ vị nào bằng.
Rắn trun xào lá nhàu
Ngoài ra, dân gian còn dùng lá nhàu giã nát rồi đắp chữa nhọt mủ. Có ngưới sắc nước lá nhàu để uống chữa sốt, lỵ, bệnh tiêu chảy.
Trái nhàu ngoài chuyện dùng để ăn khi chín, người ta còn dùng nó để ngâm rượu. Có hai cách ngâm. Một là hái trái nhàu già còn cứng về xắt lát phơi khô rồi xao vàng, ngâm với rượu đế cao độ. Hai là, lượm nhàu chín về rửa sạch, để ráo nước rồi xếp vô keo chế rượu vào.
Cả hai loại này sau chừng vài tháng thì gạn bỏ xác, lấy nước thêm chút đường phèn vào rồi để uống dần. Các bậc cao niên thường uống một hai chung nhỏ khi ăn cơm. Họ cho rằng rượu nhào có tác dụng lưu thông khí huyết lại mạnh gân, khỏe cốt, … Không biết tự bao giờ, người ta còn truyền câu ca đong đầy cảm xúc:
"Rượu nhàu tay rót mời anh/ Xa quê, anh có nhớ tình nghĩa quê".
Út Tẻo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét