Hiểu nguồn gốc để đón lễ Vu Lan thêm trọn vẹn.
Khi nhắc đến hai từ Vu Lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng, bởi lẽ Phật tính trong những tấm lòng hiếu hạnh một lần nữa được hâm nóng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguồn gốc của ngày lễ trọng đại này.
Rằm tháng Bảy, được giới tăng ni Phật tử gọi là lễ Vu Lan, là dịp đặc biệt để con cái báo hiếu bậc sinh thành và tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, nhà nhà bày mâm cao cỗ đầy để cúng chúng sinh.
Vu Lan, tên gọi tắt của Vu Lan bồn, được phiên âm từ tiếng Phạn là “Ulambana”, nghĩa là “Cứu đảo huyền”, tức cứu người bị tội treo ngược.
Lễ Vu Lan có duyên khởi từ Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi ngạ quỷ. Cho nên, hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhớ con người ta tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ở kiếp này và các kiếp trước.
Sau khi chứng quả A La Hán, Bồ tát Mục Kiền Liên thần thông quảng đại, muốn biết người mẹ đã khuất giờ ra sao nên đã dùng huệ nhãn đi tìm. Bằng khả năng của mình, ông đã biết mẹ mình vì còn sống gây nhiều nghiệp ác nên thác xuống rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, chịu sự đói rách hành hạ nên ông đã mang cơm xuống dâng mẹ.
Do đói lâu ngày không có cơm ăn, bà mẹ bèn bưng vội bát cơm, một tay che không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Lập tức, bát cơm trắng biến thành lửa đỏ khiến mẹ Mục Kiền Liên phải buông vội chiếc bát xuống.
Quá thương cảm với người mẹ của mình, Mục Kiền Liên vội tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật đáp, dù rằng công lực của ông có thần thông đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ mình. Chỉ có một cách là hợp lực chư tăng mười phương mới mong giải cứu mẹ ông thoát khỏi ngạ quỷ.
Đức Phật chỉ dạy rằng, rằm tháng bảy mời chư tăng cúng dường tam bảo thì sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ bảy đời quá vãng.
Quả nhiên, làm theo Phật dạy, vong mẫu của Mục Kiền Liên đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.
Ở Ấn Độ từ xưa đã thực hiện lời dạy này mà thực hành pháp Vu Lan bồn. Ở Trung Quốc, từ năm 538, sau khi nhà vua Lương Võ Đế lần đầu tiên thiết cúng Vu Lan, ngày lễ này đã trở thành một phong tục để các bậc đế vương cũng như thần dân nhiều đời tổ chức báo đáp ân đức cha mẹ, tổ tiên. Ở Nhật Bản, tương truyền lễ cúng tế đầu tiên bắt đầu vào năm 657 thời Thiên hoàng Tề Minh và còn mãi đến ngày nay.
Ở Việt Nam không rõ tài liệu nào ghi chép việc cúng Vu Lan bồn xuất phát từ năm nào, chỉ biết rằng trong một số văn bản của Lê Quý Đôn đã xuất hiện ngày lễ này.Và thế là hằng năm, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn với việc cúng rằm, nhớ ơn tổ tiên, lên chùa lễ Phật phù hộ cho gia đình được phước lộc, bình an. Rằm tháng bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, bởi vậy nhiều gia đình đốt vàng mã cúng gia tiên theo tập tục.
Tuy nhiên, việc báo hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy, ở những bộ quần áo giấy lộng lẫy sắc màu, đồ hitech sành điệu. Những việc này thiết nghĩ chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người sống hơn là người đã khuất. Hãy hiểu rằng ông bà tổ tiên nhiều đời nay đều có mối dây liên hệ nghiệp với mình, do vậy hãy báo hiếu người đã khuất một cách thông minh.
Hãy suy nghĩ từ việc có nên đưa tay giết vài con kiến nhỏ, đến điều to lớn hơn như cưu mang, cứu sống nhiều mạng người.
Từ bát cơm Mục Kiền Liên đưa cho mẹ, mỗi người hãy tự biến bát cơm xưa thành nghiệp tốt và hạn chế biến chúng thành những nghiệp xấu, tốt hơn nữa là đưa họ về với Phật pháp.
Một trong những hành động hữu ích có thể làm hàng ngày, đặc biệt là ngày rằm, mồng 1 và những dịp lễ trọng đại như Phật Đản, rằm tháng bảy, mỗi người nên thực hiện phóng sinh nhằm cứu vớt sinh vật khỏi sự giam cầm hoặc cái chết và tích tập được công đức, tránh được bệnh tật và tăng tuổi thọ.
Như thường lệ, vào ngày rằm và mồng một, nhiều hội nhóm lại tổ chức lễ phóng sinh và quy y, cầu nguyện cho những con vật gặp nhiều duyên thuận đến với Phật pháp.
Tân Hoa
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét