Niraj Naik, một dược sỹ tại Anh sẽ mô tả cho bạn biết về 7 giai đoạn diễn ra kể từ ngụm nước ngọt đầu tiên cho tới thời điểm ngoài 60 phút sau khi uống hết lon nước.
Trong vòng 10 phút đầu tiên: Cơ thể bạn dung nạp một lượng đường tương đương với 10 thìa trà nhỏ, bằng giới hạn lượng đường cao nhất mà các bác sỹ khuyến cáo nên tiêu thụ trong 1 ngày.
Tuy nhiên, bạn không cảm nhận được vị ngọt quá mức này vì trong nước có thành phần acid photphoric giúp kiềm chế cảm giác này và tránh cho bạn bị tình trạng sốc đường.
20 phút sau: Đường huyết của bạn sẽ tăng cao, kéo theo tình trạng tăng insulin trong máu. Gan của bạn sẽ phản ứng bằng cách chuyển hóa lượng đường này thành chất béo.
40 phút sau: Đây là thời điểm quá trình hấp thụ caffeine hoàn thành. Đồng tử giãn nở ra, huyết áp tăng là những hệ quả tiếp theo của việc gan đẩy thêm đường vào mạch máu.
Đồng thời, cơ quan cảm nhận chất adenosine (một chất gây buồn ngủ) trong não sẽ đóng lại, giúp ngăn ngừa tình trạng uể oải. Nói cách khác, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn vào thời điểm này.
45 phút sau: Cơ thể bạn sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất dopamine, một chất gây kích thích trung tâm khoái cảm của não, tạo cảm giác “phê” giống như cảm giác của một người hút thuốc phiện.
Sau hơn 60 phút: Acid photphoric di chuyển xuống phần dưới của ruột, tạo sự liên kết với canxi, magie và kẽm, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Đồng thời, sự kết hợp của liều lượng đường cao cùng chất tạo ngọt nhân tạo sẽ làm tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu.
Sau hơn 60 phút: Caffein “phát huy” tác dụng lợi tiểu và khiến cho bạn cảm thấy phải đi vệ sinh ngay lập tức. Cùng lúc, bạn sẽ bài tiết ra bộ ba liên kết canxi – magie – kẽm và natri, chất điện giải và dĩ nhiên là cả nước.
Sau hơn 60 phút: Sau khi “chuyện buồn” được giải quyết êm xuôi, bạn lại đối mặt với cảm giác giống như lượng đường trong cơ thể đang bị cạn kiệt dần. Bạn sẽ cảm thấy lờ đờ và thậm chí là dễ cáu kỉnh.
Và đó là lý do tại sao một lon nước ngọt thường có tác dụng kích thích tiêu hóa và bạn sẽ có cảm giác mau đói, muốn nạp thêm thức ăn. Vì thế, nếu có ý định ăn kiêng, rõ ràng bạn cần tránh xa các loại nước ngọt có ga.
Ảnh hưởng của nước ngọt có ga đến răng
Ai cũng biết rằng nước ngọt với thành phần chủ yếu là đường và acid sẽ tạo ra lớp men xấu, dẫn tới các tình trạng bào mòn bề mặt răng và gây sâu răng. Nhưng có vẻ như những thông tin đó đã quá “nhàm” và không khiến bạn lăn tăn khi uống một lon nước ngọt.
Với những con số dưới đây, liệu bạn có thay đổi suy nghĩ?
- Khi bạn uống nước ngọt, vi khuẩn chỉ mất có 20 giây để hình thành acid nhưng tác hại của các loại acid này có thể kéo dài lên tới 30 phút.
- Nếu bạn uống nước ngọt liên tục trong vòng 30 phút thì thời gian hoạt động của vi khuẩn sẽ tăng theo hệ số nhân và tác hại cũng tăng gấp nhiều lần.
- Chưa hết, nước ngọt có ga (đặc biệt là Coca) có màu tối nên khi uống nước ngọt, bạn đang vô tình “nhuộm màu” răng mà không hay biết. Răng bạn sẽ dễ bị xỉn màu nếu bạn uống quá nhiều Coca.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải xa rời nước ngọt có ga mãi mãi, vẫn có những mẹo nhỏ để bạn tiết chế các tác hại của loại đồ uống này ví dụ như:
- Luôn uống nước ngọt bằng một chiếc ống hút và uống trong bữa ăn để hạn chế tối đa lượng đường tiếp xúc với răng của bạn, giúp ngăn ngừa sâu răng.
- Nhai kẹo cao su không đường sau khi uống nước ngọt để giúp trung hòa lượng acid trong miệng.
ICTNews/Dailymail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét