Làng Vân Từ nức tiếng với nghề may, đặc biệt là những bộ comple, veston đã trở thành thương hiệu
Cổng vào làng biệt thự cổ Vân Từ |
Đến Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội), bạn sẽ cảm nhận được ở nơi đây, một vùng quê đã thay da đổi thịt, với những nhà cao tầng mọc lên và nhịp sống đã được đô thị hóa đến từng ngóc ngách của làng quê. Người Vân Từ tự hào, mình là một trong những cái nôi của nghề may Comple, Veston… nức tiếng gần xa cả trăm năm nay.
Giàu lên từ nghề truyền thống...
Cả xã Vân Từ có 10 thôn, cả 10 thôn có nghề may, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Từ Thuận và thôn Chung với trên 90% số hộ gia đình tham gia. Quê hương Vân Từ - Phú Xuyên xưa kia chỉ là một vùng quê nghèo khó. 100% dân cư sống bằng nghề nông, trồng lúa và chăn nuôi. Vân Từ nằm trọn trong địa thế của khu vực đồng chiêm trũng, người dân có tiếng chăm chỉ, khéo tay. Khoảng những năm đầu thế kỷ 20, nơi đây đã xuất hiện những nghệ nhân tài danh, với đôi tay khéo léo và cần mẫn, các cụ cao niên nơi đây đã nổi tiếng một thời với sản phẩm độc đáo là tạo lên những bộ Comple, Veston có kỹ thuật cao, làm đẹp cho những bậc tài tử Hà thành.
Vân Từ không chỉ nổi tiếng là một làng nghề truyền thống từ trăm năm nay, ở nơi đây còn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ, mang đậm dấu ấn của một thời phát triển vàng son. |
Thừa kế và phát triển giá trị truyền thống từ thời cha ông để lại, cùng với công cuộc mưu sinh, người Vân Từ đã tìm cách rời ra Hà Nội mang nghề may đi làm giàu cho quê hương và đất nước. Đến hôm nay với truyền thống hàng trăm năm nay, nơi đây đã và đang sản sinh ra rất nhiều những người thợ tài hoa. Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều những gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những công ty có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm của quê hương Vân Từ đã đi đến rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong khu vực và cả trên thế giới.
Đất nước Việt Nam có một nét văn hóa vô cùng độc đáo. Đó là những làng nghề truyền thống, ngoài xứ mệnh giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề còn tạo ra những giá trị gia tăng lớn đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, từng bước nâng tầm để đưa sản phẩm quảng bá ra tầm thế giới và nâng cao thu nhập cũng như mức sống cho người thợ. Việt Nam có khá nhiều những làng nghề truyền thông nổi tiếng như Bát Tràng, Đồng Kỵ, Chuông, Vạn Phúc… Ngay từ thời Pháp thuộc, Vân Từ đã có nhiều thợ may giỏi, trở thành thương gia, buôn bán Bắc - Nam.
Trải qua một thời gian dài tạm lắng do khó khăn chung của đất nước, những năm 1990 trở lại đây, nghề may ở Vân Từ bắt đầu phát triển trở lại. Năm 1992, được chính quyền quan tâm cùng các bậc cao niên trong làng - lớp thợ có bàn tay vàng trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may Comple cho thế hệ trẻ. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên đó, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ đã ra đời. Nghề may truyền thống ở đây phát triển mạnh trong toàn xã. Hàng comple Vân Từ đã làm vừa lòng cả những vị khách khó tính nhất. Những người thợ trẻ còn sáng tạo may trang phục công sở rất đắt hàng.
Cụ Đào Văn Dự một trong những nghệ nhân của làng Từ Thuận vẫn còn gắn bó với nghề May từ nhữn năm đầu thế kỷ 20. |
Những lớp thợ Vàng...
Từ chỗ người Vân Từ làm hàng đại trà, hoặc nhận may gia công cho nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, Hà Đông, đến nay đã có một lớp chủ mới. Làng Vân Từ xuất hiện ông chủ trẻ sở hữu từ vài chục công nhân đến có hộ có tới cả trăm người. Thợ làng Vân Từ còn mở cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Giờ thì từ cao nguyên Lâm Đồng đến phố thị Sài thành, Hà thành… ở đâu cũng đều đã có các cửa hiệu lớn buôn bán đồ Comple, Veston mang thương hiệu Vân Từ.
Sản phẩm trưng bày tại hội trợ làng nghề Phú Xuyên của những người thợ tài hoa Vân Từ |
Thu nhập từ nghề may ở đây khá cao, đối với thợ gia công bình thường, mỗi năm thu nhập vài chục triệu, còn thợ giỏi cả trăm triệu đồng. Vui nhất là hiện nay ở Vân Từ số lượng các chủ cơ sở sản xuất, đến giám đốc doanh nghiệp may ngày một nhiều. Riêng thôn Từ Thuận, hiện có hơn 40 chủ may lớn góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo làng quê.
Ông Nguyễn Ngọc Dương - Chủ tịch UBND xã cho hay: Nhịp sống làng nghề lúc nào cũng hối hả, lôi cuốn mọi tầng lớp tham gia, nhất là lớp trẻ. Vì thế, thanh thiếu niên Vân Từ ít sa vào tệ nạn xã hội. Các ông chủ trẻ đua nhau làm giàu chính đáng. Thu nhập bình quân ở xã đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Dẫn chúng tôi đến thăm các xưởng sản xuất comple, veston lớn trong xã, anh Nguyễn Văn Cường, một người con của quê hương Vân Từ, dù hiện nay không còn sinh sống tại quê hương nữa, và đã có thời gian gần 20 năm đi xa để học tập và phát triển cuộc sống cá nhân cũng không giấu được niềm tự hào khi kể về quê hương mình.
Anh Cường tự hào cho biết: Đến làng may Từ Thuận - Vân Từ, ai cũng có thể sắm được một bộ comple ưng ý. Bất kể họ là ai, từ cán bộ công chức, người nghỉ hưu, thanh niên, những người hoạt động nghệ thuật…
Những bộ áo quần ở đây được may với mức giá hấp dẫn, mẫu mã phong phú, chất liệu đẹp, người thợ may khéo léo sẽ thiết kế và tạo lên những sản phẩm tinh sảo và đẹp mắt.
Một trong số các cửa hàng may đo Veston tại Vân Từ. |
Đến thăm một trong số những người thợ trẻ và tài hoa của Vân Từ chúng tôi được gặp anh Nguyễn Hùng Vương – Chủ tịch hợp tác xã may Hùng Vương. Anh Hùng tâm sự, chúng tôi mong mỏi làng nghề may Vân Từ sẽ có nhiều điều kiện phát triển sánh ngang tầm với nhiều làng nghề truyền thống ở Việt Nam như làng nghề như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng… Người thợ may Vân Từ luôn tự hào có thể cho ra đời những sản phẩm mà khách hàng không thể không hài lòng.
Về Vân Từ các bạn không những được chiêm ngưỡng những sản phẩm may mặc mà Vân Từ có nhiều giá trị văn hóa khác nữa như làng Cựu, làng Chản những làng cổ đẹp và nguyên sơ vào loại nhất nhì Thủ đô đang thu hút rất nhiều khách tham quan.
Những nét kiến trúc cổ kính vẫn còn được lưu giữ tại làng Cựu – Vân Từ. |
Ông Nguyễn Ngọc Dương - Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết: Nếu một ngày nào đó, nghề may mặc của làng, kết hợp được với du lịch thăm làng cổ, chắc hẳn ở đây sẽ lại sản sinh ra nhiều thương gia nổi tiếng. Chúng tôi mong muốn việc phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm bảo tồn tôn tạo, xếp hạng "làng biệt thự cổ" để Vân Từ càng giàu có thêm và nổi tiếng hơn nữa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương và các khu vực lân cận, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề Việt Nam, làm giàu có thêm cho quê hương và đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét