Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Lạng Sơn tưng bừng lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Là một trong những lễ hội quy mô lớn và dài nhất tại thành phố Lạng Sơn, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội này được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng. Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc.
 
Kiệu Long Đình của quan lớn Tuần Tranh gồm 20 nam người Tày, Nùng khiêng. Đoàn rước đi vòng qua các dãy phố, đến ngã ba, ngã tư lại thực hiện động tác quay vòng thu hút sự chú ý của du khách.
 
Kiệu Bát Cống rước ông Thân Công Tài.
 
Hai bên đường có đoàn rước đi qua, các gia đình bày biện mâm lễ để cầu an, cầu lộc, cầu tài.
 
Tương truyền, nhà nào được đội múa lân, múa rồng đến xông đất sẽ làm ăn may mắn, phát đạt trong cả năm.
 
Múa rồng, sư tử đi trước dẫn đường với nhiều màn biểu diễn hấp dẫn.
 
Múa sư tử mèo của người Nùng trong lễ hội.
 
Dòng người nườm nượp đi theo đoàn rước kiệu, chật kín các con phố. Chị Ngô Thùy Anh (Quế Võ, Bắc Ninh) cho hay, hầu như năm nào gia đình chị cũng đi lễ các đền tại Lạng Sơn và đều được theo dõi màn rước kiệu tại lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ. 
 
Du khách đang làm lễ trong đền Tả Phủ. 
 
Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống sinh động, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong tỉnh và khách thập phương dịp đầu năm. Lực lượng chức năng đã tổ chức hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông và trật tự lễ hội. 
 
Hồng Vân

Lễ hội hoa hồi lần đầu tại Lạng Sơn

Mỗi vụ thu hoạch hồi vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch, đi ngang qua nhiều thôn bản tại Lạng Sơn, hương thơm thoang thoảng của những cánh hoa hồi phơi khô mang lại ấn tượng khó quên.

Cây hồi được coi là cây trồng mũi nhọn về kinh tế của Lạng Sơn trong nhiều năm qua, tổng diện tích khoảng 33.000 ha. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn, hiện nay những rừng hồi đang được người dân tiếp tục phát triển.
 
Lễ hội hoa hồi được tổ chức trong 2 ngày 27 và 28/5 tại thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan) thu hút sự tham gia của người dân địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh.
Lễ hội hoa hồi nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những tiềm năng của địa phương, hướng phát triển và giá trị kinh tế của cây hồi.
 
Tham gia lễ hội, du khác sẽ được giới thiệu, tìm hiểu về cây hồi, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm từ hồi. Hoa hồi thực chất là quả, mỗi hoa gồm 5-8 cánh hình thoi xếp thành hình sao hoặc nan hoa. 
 
Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã có thương hiệu riêng khi được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2007. Sau khi thu hoạch hồi tươi người dân sẽ phơi khô để bán.
 
Các sản phẩm của hoa hồi khá đa dạng như tinh dầu, hoa hồi khô nguyên cánh...
 
Du khách chọn mua sản phẩm tại các gian hàng.
 
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng giới thiệu đến du khách loại quả mới được trồng tại địa phương là mắc ca.
 
Cây hồi giống được giới thiệu tới bà con.
 
Một số hoạt động văn nghệ, thể thao bên lề hấp dẫn như hội trại thanh niên, thi bịt mắt bắt dê...
 
Hồng Vân

Quán bánh rán 28 năm ở Hà Nội

Không biển hiệu quảng cáo, không cửa hàng và chuyển nhiều địa điểm nhưng quán bánh ránh chị Hoa vẫn được nhiều người dân thủ đô tìm đến ăn và giới thiệu cho bạn bè.

Quán bánh rán nổi tiếng này đến nay đã mở được 28 năm. Quán không có tên gọi riêng, mà mọi người vẫn quen gọi là “bánh rán chị Hoa” – theo tên chủ hàng. Điều đặc biệt nữa là quán cũng không có cửa hàng cố định mà bán lưu động ở những vị trí phù hợp trong mỗi thời kỳ; nhưng đều ở quanh khu vực chợ Bưởi. Trước khi chuyển về địa chỉ hiện tại, chị Hoa bán ở đường Thuỵ Khuê trước cổng trường mẫu giáo Bình Minh; còn nay quán nằm trong ngõ 242 đường Lạc Long Quân.
 
Không cửa hàng, không biển hiệu, không quảng cáo, nhưng mấy chục năm nay quán luôn đông khách. Điều quan trọng nhất là bánh rán rất ngon và giá rất mềm. Nhiều người ăn rồi nghiền, trở thành khách quen, rồi rỉ tai nhau tìm đến. Khi cửa hàng chuyển địa điểm cách đây vài năm, không có thông báo, vậy mà vẫn có những người lùng sục tìm ra được nơi bán mới.
 
Chị Hoa cho biết, những người làm cùng đều là anh chị em, chồng hoặc vợ trong cùng nhà, thân thiết và gắn bó, sẻ chia cùng những thăng trầm của quán hàng mấy chục năm qua. Quán ngày càng đông khách nên nhân lực cũng tăng theo. Hiện nay mỗi “ca” làm cần tới 6 người: hai người nặn bánh, 2 người rán bánh và cắt bánh ra bát, một người trông xe và một người phục vụ trà đá, kê bàn ghế, dọn dẹp. Chị Hoa thường dọn hàng từ trưa, và bán hết bánh vào khoảng 6-7 giờ tối.
 
Hiện tại, dù vẫn là một cửa hàng lưu động nhưng quán chị Hoa đã phát triển hơn nhiều. Số người phục vụ tăng so với trước, số lượng bán ra nhiều hơn. Quán nhận giao hàng tới địa chỉ của khách qua điện thoại đặt trước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích tới quán ngồi để cảm nhận cái thú ăn bánh ngay bên bếp lửa và xem bà chủ rán bánh. Khách hàng phần nhiều là các bạn trẻ nhưng cũng có những người trung niên hoặc cao tuổi. Nhiều người có bạn phương xa cũng dẫn đến đây để thưởng thức một đặc sản, và cũng là một phong vị Hà Nội. Khi khách đông, có thể chờ tới 30 phút hay cả tiếng, nhưng khách hàng không ai phàn nàn, mà đều vui vẻ chờ xếp hàng theo đúng thứ tự.
 
Anh Đức và chị Thu, khách hàng quen của quán cho biết: Anh chị ăn bánh rán hàng chị Hoa từ hồi cùng học cấp 3, rồi sau kết hôn với nhau, tới nay có con 11 tuổi vẫn dẫn con đi ăn bánh rán. Ngày ấy bánh rán mặn có 1.500 đồng/ đôi, nay giá đã là 7.000 đồng một chiếc. Bà chủ ở tuổi ngoài đôi mươi nay đã thành trung niên. Nhiều khách hàng quen lâu năm thích món này không thể bỏ, và cũng gắn bó luôn với quán hàng giản dị và đậm chất Hà Nội bình dân.
 
Quán bán hai loại là bánh rán ngọt và bánh rán mặn. Trong đó bánh rán mặn là đặc sản của chị Hoa với bí quyết làm nhân bánh và nước sốt. Nhân bánh mặn chủ đạo là thịt, miến và mộc nhĩ. Bánh bọc bột xong được rán trong những chảo to ngập dầu. Khi ăn bánh được cắt thành từng miếng nhỏ vào trong bát và rưới nước xốt. Một bát có 2-3 cái, gọi là bát 2 hay bát 3 - tuỳ theo người ăn ít hay ăn nhiều. Bánh nóng giòn, vị đậm đà, thơm, ngậy nhưng không hề ngán; nước sốt có đu đủ và vị cay đủ để xuýt xoa. Chính vì vậy, mùa đông quán đông khách hơn mùa hè, nhất là những ngày rét buốt.
 
Địa điểm quán rất dễ tìm. Đi đường Lạc Long Quân từ chợ Bưởi về phía Hồ Tây, qua phố Võng Thị (bên phải) một đoạn là tới ngõ 242 (cũng nằm bên phải). Rẽ vào ngõ là thấy ngay quán bánh rán luôn đông khách nằm bên cạnh trạm điện và trước một ngôi đền. Ngõ khá rộng, để xe và ngồi thoải mái.
 
Bài và ảnh: Hà Thành

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Gặp chúa Trịnh Tráng trên đường xuất chinh


Chân dung giáo sĩ Alexandre De Rhodes
Vì bác ái, chúng tôi chạy tới chỗ người đó và cầu nguyện Thiên Chúa; rồi cho anh ta uống một chút gì, thế là trong chốc lát anh ta hồi phục và lấy lại sức, rồi cầm khí giới trở lại đơn vị.
Trong khi chúng tôi đã rửa tội được ba mươi hai người ở Đàng Ngoài, thì có một sứ giả nhân danh chúa Trịnh Tráng cho chúng tôi hay rằng vì chúa thân chinh xuất trận đánh Đàng Trong (*) nên chúa đợi chúng tôi trên quãng đường chúa đi.
Thế là chúng tôi xuống một chiếc thuyền của viên hoạn quan được chúa sai đến để dẫn chúng tôi.
Hai ngày sau chúng tôi vào một sông lớn rộng hơn mười dặm, nơi chúng tôi được gặp chúa. Trước thuyền của chúa, mở đầu là hơn trăm thuyền chiến rất trau chuốt, lóng lánh vàng, và tô những bức họa đẹp. Quân binh đều mặc nhung phục và mỗi người đều đội thứ mũ tròn màu tía với võ khí hợp thời đẹp và bóng loáng. Tất cả quân binh đều tỏ ra vừa trịnh trọng vừa làm cho người ta khiếp sợ. Điều làm cho tất cả mọi người trông thấy đều cảm phục, đó là tất cả đoàn tàu đông đúc đó tiến, quay, dừng đều hòa, bằng nhau coi như chỉ có một cơ thể, chỉ có một sức chuyển làm lay động tất cả.
Theo sau là đoàn tháp tùng chúa, gồm hai mươi bốn thuyền chiến, dài hơn các thuyền khác và tô điểm lộng lẫy hơn. Gỗ thị chạm trổ và sơn son thiếp vàng, chão buộc hay giữ buồm thì bằng tơ lụa đỏ sẫm. Chiếc thuyền rất đẹp chở chúa thì ở giữa các thuyền khác. Ngài tiếp chúng tôi rất nhân hậu và tỏ ra rất hài lòng thấy chúng tôi tới lãnh thổ ngài.
Người Bồ đi với chúng tôi dâng ngài những phẩm vật (một khẩu súng hộ vệ thân - theo dịch giả) rất thích hợp và rất đúng lúc, nghĩa là những vũ khí đẹp và hoàn bị để bảo vệ bản thân ngài nếu ngài muốn sử dụng khi ra trận. Còn chúng tôi, chúng tôi dâng chúa những phẩm vật thuộc tôn giáo rất khiêm tốn, chúa nhận và thưởng chúng tôi những đồ vật quý. Ngài không có thời giờ để đàm đạo lâu hơn, vì tất cả chí hướng đều quy về cuộc tấn công chúa sắp thi hành. Nhưng chúa truyền cho chúng tôi theo đạo binh trong chiếc thuyền đã đến đón chúa và chúng tôi có dịp thấy đoàn thủy quân cùng đoàn hậu quân cũng nhiều bằng đoàn hải quân mở đầu, không kể vô số thuyền nhỏ và một số lớn đàn bà sẽ để lại ở tỉnh Thanh Hóa sắp tới, để tránh xa tầm quân địch. Người ta đếm được năm trăm thuyền theo sau và chở lương thực cần thiết để nuôi thủy quân và lục quân đã tới trước theo bờ biển gần đó với ba trăm cỗ voi kéo súng.
Chúng tôi có thể ước lượng đạo quân mỗi bên có tới gần hai trăm ngàn binh trực chiến. Chúng tôi ở trong đoàn quân theo chúa chừng tám ngày. Một hôm chúa dừng lại cùng tất cả đạo binh ở một cánh đồng rộng lớn, gần một thôn gọi là An Vực để cúng tế khi thấy mỏm núi đá cao bên bờ sông lớn, giống như một kim tự tháp, trên đỉnh xây một đền thờ thần. Những cỗ voi mới từ nước Lào đánh về và chưa được luyện nên đi lộn xộn đẩy một tên lính xuống sông từ vực cao. Khi kéo lên khỏi nước thì không thấy người đó có dấu hiệu sống. Vì bác ái, chúng tôi chạy tới chỗ người đó và cầu nguyện Thiên Chúa; rồi cho anh ta uống một chút gì, thế là trong chốc lát anh ta hồi phục và lấy lại sức, rồi cầm khí giới trở lại đơn vị.
Được tin này chúa rất khen sự cứu độ nhân ái của chúng tôi đối với người lính này, rồi ngài truyền cho chúng tôi chờ ngài ở tỉnh này cho tới khi chúa đi trận về. Chúa giao chúng tôi và người Bồ cho một hoạn quan trong phủ săn sóc chúng tôi và cắt lính gác để không ai phiền lụy đến chúng tôi. Viên quan này thừa hành rất tốt, ông còn sửa soạn cho chúng tôi một nơi ở khá rộng, bằng gỗ, theo kiểu nhà trong xứ này, nơi chúng tôi đặt một nhà nguyện và một bàn thờ với ảnh Chúa Cứu thế.
Đàng Ngoài  qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Gặp chúa Trịnh Tráng trên đường xuất chinh
Hình ảnh chúa Trịnh Tráng trong Trịnh Gia chính phả(TRANH TƯ LIỆU)
Nguyên do cuộc chiến
(…) Xảy ra việc chúa Sãi ở Đàng Trong thông thương với người Bồ dám tỏ ra gan dạ và hiếu chiến, lại dựa vào tình thân thiện và giúp đỡ của mấy viên quan Đàng Ngoài có thế lực trong phủ chúa nên chúa Sãi nhất quyết không nộp thuế mà đức thân phụ đã buộc mình phải trả. Thế nhưng để không cắt đứt với họ hàng, chúa cho người đem phẩm vật là hai cái tráp chạm trổ rất đẹp đựng đầy những của lạ vật hiếm tuyệt diệu chúa lấy được của người Bồ hay mua lại của các thương gia Trung Quốc và Nhật Bản. Người đem đi đã rõ ràng được chỉ thị (sau khi chúc mừng chúa Đàng Ngoài nhân danh thân chủ mình) thì dâng một tráp lên chúa, còn tráp thứ hai thì dâng các hoàng tử trong phủ lúc đó cũng có mặt.
Việc này làm cho chúa Trịnh giận vì chúa cho là khinh miệt phạm tới thế giá của chúa (chúa phẫn nộ nói với sứ giả): Thế là chủ ngươi dùng hai phẩm vật bằng nhau để tỏ ý xử với ta bằng vai với thần dân ta phải không; ngươi hãy về đi trả tráp cho chủ ngươi và nhắn rằng ta không cần phẩm vật; còn về thuế phải nộp thì ta sẽ thân hành đi lấy lại các tỉnh của ta cùng với đạo binh ta. Đó là nguyên nhân cuộc chinh chiến của chúa Đàng Ngoài theo đuổi, khi chúng tôi tới lãnh thổ ngài, cuộc chiến đã được chuẩn bị hơn ba năm.
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và Nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)
(*) Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, năm Đinh Mão 1627, chúa Trịnh Tráng đưa quân vào đánh chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong.
Alexandre De Rhodes

Loạt địa chỉ "chất lừ" cho tín đồ cháo ở Hà Nội

Vntinnhanh.vn - Khác với suy nghĩ cháo chỉ dành cho trẻ em, người Hà Nội rất ưa chuộng món cháo cho bữa sáng nhẹ nhàng hay lót dạ bữa chiều.

1. Cháo sườn
Trong các món cháo ăn chơi, cháo sườn là món ăn phổ biến hơn cả. Cháo được nấu bằng nước xương, gạo xay nhuyễn và sườn non, trẻ nhỏ chỉ cần ăn cháo là đã đủ chất, đủ chắc bụng; người lớn thì có thể gọi thêm quẩy và ruốc thịt. 
Thưởng thức miếng cháo nóng hổi còn nguyên vị ngọt của gạo ninh,xương hầm, cùng vị giòn giòn của quẩy, thêm chút mặn mà của ruốc thịt đã đủ năng lượng để bắt đầu một ngày mới nhiều bộn bề hay thỏa cơn cồn cào trong một buổi chiều muộn.
Địa chỉ tham khảo:
- 20 Đồng Xuân 
- Đầu Ngõ Huyện, đoạn giao Lý Quốc Sư
- 170 Quán Thánh
- 101 Đội Cấn
2. Cháo lòng
Khi mà bữa sáng phở, bún đã thành nhàm miệng, cháo lòng được nhắc tới như một món ăn đầy thu hút. Cháo lòng Hà Nội thường rất sánh, bí quyết nằm ở thứ nước ninh xương béo ngậy dùng để nấu cháo.
Rồi thêm miếng lòng trắng trong giòn tan, miếng dồi tiết bùi bùi, điểm thêm dăm ba miếng thịt dải, dạ dày, gan luộc, rau sống có hành ngò, húng ớt là đã có ngay bát cháo lòng đầy ắp nóng hổi.
Màu của cháo lòng cũng phải là màu nâu đậm đặc trưng của tiết tươi pha chút cốt gừng, được rây khéo léo từ lúc cháo sôi sao cho thật sánh đều mà không vón cục. Nhìn bát cháo còn sủi tăm, từng miếng dồi, tràng, gan, tim xếp gọn gẽ, khói tỏa nghi ngút khiến người ta nhìn mà ứa nước miếng.
Địa chỉ tham khảo: 
- 166 đường Bưởi, Hà Nội.
- số 4 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- 356 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội.
3. Cháo trai
Cháo trai được chọn ăn sáng, hoặc ăn xế bữa chiều như một món lót dạ ăn chơi. Món cháo bình dân ở xóm chợ, con phố nào cũng bán. Cháo nóng hổi, lẫn cẫn thịt trai băm xào hành, bỏ thêm chút rau răm, chút ớt khô, tiêu bột thêm phức. Tùy theo sở thích của từng người mà nêm thêm trai hay thêm quẩy nóng giòn cho ngon miệng.
Đặc trưng cháo trai để nhân xào bên ngoài, chỉ khi nào múc cháo ra bát mới thêm một thìa thịt trai vào. Có thế, thịt trai mới không bị dai, và vẫn giữ được vị ngọt béo trong bát cháo.
Ở Hà Nội có nhiều phố bán cháo trai đã thành tên tuổi như phố Hòe Nhai, phố Trần Xuân Soạn. Cùng một món ăn, mỗi quán lại có cách ăn điểm với thực khách riêng bằng bí mật gia truyền.
Địa chỉ tham khảo:
- Cháo trai Huế - Sân khu nhà A4, tập thể Thành Công.
- 26 Trần Xuân Soạn
- 3 Hòe Nhai
- Ngõ 17 Tạ Quang Bửu (gần bể bơi Bách Khoa)
4. Cháo đậu phụ cà muối
Đối với người Hà Nội, cháo đậu phụ cà muối là một món ăn vô cùng giản dị. Một bát cháo đặc, nấu nguyên từ hạt gạo cùng đậu xanh hoặc đậu đen, thêm ít đậu phụ rim hành và cà muối giòn tan bỗng trở thành một món ăn hấp dẫn, làm say lòng thực khách. Món ăn giải nhiệt hiệu quả, phù hợp để ăn cho tiết hè oi bức.
Dù các loại nguyên liệu quen thuộc, giản dị và không cầu kỳ song món ăn vẫn có những yêu cầu nhất định như đậu rán vừa tầm vàng vỏ nhưng không quá mềm, mắm rim phải dùng mắm ngon để vừa đậm đà, vừa dậy hương; gạo nấu cháo phải dẻo, đậu ninh vừa tầm để không bị nát hay cà muối phải giòn mà không quá mặn.
Địa chỉ tham khảo:
- Đối Diện 42 Ngõ 252 Tây Sơn, Quận Đống Đa, Hà Nội
5. Cháo lươn
Các quán cháo lươn ở Hà Nội thường nấu cháo theo cách của người Nghệ An, quê hương món ngon nổi tiếng khắp vùng miền này. Cháo được nấu từ nước ninh với xương sống lươn giã dập, có vị ngọt thanh. Khi ăn, cho thêm thịt lươn xào với nghệ, ớt và hành tăm thơm đậm, cay nồng.
Địa chỉ tham khảo:
- Cháo lươn chợ Nam Đồng, ngách 119/1 Hồ Đắc Di: nằm trong khuôn viên khu tập thể, ngoài cháo còn có miến lươn nước và miến lươn trộn, lươn khô.
- Cháo lươn Nghệ An C11 Lương Định Của.
- Cháo lươn Nghệ An 32A - 103 Hào Nam, Ô Chợ Dừa
- Cháo lươn Bà Liêm, 243 Đội Cấn.
T.H