Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Phong tục cưới hỏi ở Mường Bi

Nhắc đến huyện Tân Lạc là nhắc đến một vùng đất nổi tiếng trong bốn Mường của tỉnh Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), và nơi đây cũng chính là cái nôi của người Mường cổ.
Mỗi dân tộc có một phong tục, một nét văn hóa riêng trong đám cưới, nhưng cái khác biệt trong nghi lễ này của người Mường Bi vẫn còn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của họ.
Việc hôn nhân trước kia của người Mường Bi là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Trai gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà chưa có chỗ (để dạm hỏi) thì bố mẹ phải nhờ một người có vai vế trong họ làm ông mối đến nhà trai hoặc nhà gái để đặt vấn đề muốn làm thông gia. Nếu được sự đồng ý của gia đình, họ hàng (nhà gái chẳng hạn), lúc này ông mối hẹn một thời gian nhất định nào đó, gia đình nhà trai đến đặt lễ trầu, cau.
Lễ hỏi vợ gồm có: một con lợn khoảng 15 - 20kg, cùng trầu, cau, rượu và gạo. Người Mường Bi thường tổ chức đám cưới vào các tháng trong năm, riêng tháng 4 âm lịch (tháng 7 Mường Bi) và tháng 10 âm lịch (tháng chạp) thì họ kiêng không làm nhà, cưới hỏi. Vì họ cho rằng hai tháng đó là tháng xấu nhất trong năm.
Ông Đinh Công Nhỏ 65 tuổi ở xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đang bận rộn trong ngày cưới của con trai tâm sự: “ Phong tục cưới của người Mường Bi bây giờ cũng thay đổi nhiều rồi, cưới theo nếp sống mới nên thủ tục không còn rườm rà như trước; trai gái tìm hiểu, yêu đương nên vợ nên chồng là tự nguyện, không còn thách cưới. Nhưng cái gì thuộc bản sắc riêng thì người Mường Bi vẫn còn gìn giữ...”.
Như cách gia đình nhà trai đi xin gạo, tiền để tổ chức cưới cho con, đến mỗi nhà, họ biếu một gói chè. Không phải vì gia đình nghèo mà đi xin, cách làm đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Lễ vật mang sang nhà gái trước ngày cưới là 2 tạ gạo, 2 con lợn (một con 70kg và một con 25kg), cùng 20 lít rượu đưa sang nhà gái để ngày mai đón khách.
Ngày cưới là ngày lành tháng tốt, ngày hạnh phúc của đôi trai gái. Họ hàng nội ngoại nhà gái tổ chức đón tiếp họ hàng nhà trai và bà con trong xóm đến ăn cỗ. Trong đám cưới không thể không có rượu và mỗi dân tộc có cách uống rượu khác nhau. Với người Mường Bi thì uống rượu là một nét văn hóa riêng của họ.
Khi đã có mặt đầy đủ bốn bên nội ngoại của hai gia đình, cùng với anh em bạn bè, trước tiên là uống rượu cần (người Mường Bi gọi là Hạo cận). Nhà gái mang ra 2 vò rượu cần đặt giữa nhà (thẳng cửa ngang vào), trưởng đoàn mời những người có vai vế trong gia đình nhà trai và nhà gái vào làm thủ tục chào rượu. Tất cả phải đứng hai tay chắp trước bụng. Sau đó họ ngồi xuống bắt đầu uống rượu. Trong tiệc rượu có hai phe (nhà trai và nhà gái) có số người bằng nhau. Mỗi phe cử một người làm trưởng. Lúc này trưởng đoàn làm trọng tài đưa ra luật: Mỗi phe vào uống ba lần thay phiên nhau (trong khoảng một thời gian nhất định). Ví dụ: phe nhà gái có mười người luân phiên nhau uống hết một gáo rượu (một gáo chứa khoảng 1/3 lít) trong 5 phút. Cũng khoảng thời gian quy định đó, nhà trai không uống hết, tức là nhà trai bị thua.
Theo luật rượu của người Mường Bi: “phép quân không bằng tuần rượu”, bên thua bị phạt một gáo rượu to cho người trong đoàn, nếu người đó không uống hết thì phạt vào trưởng đoàn bên thua (10 người thì phạt 10 gáo). Cứ như thế cuộc vui được diễn ra cho tới bữa cơm. Lúc này, nhà gái lấy ra một vò rượu cần thứ 3 đặt phía trước, không cần nói thì mọi người cũng biết, đấy là vò rượu kết thúc thủ tục uống rượu để bắt đầu dùng cơm trưa... Mâm cơm nghi lễ của gia đình được đặt trước 3 bình rượu, chủ nhà phía trong (trái), khách phía ngoài (phải). Thủ tục chào cơm cũng giống thủ tục chào rượu, phải đủ nội ngoại của hai bên gia đình. Tan cuộc, gia đình nhà trai ra về, riêng chú rể và một số anh em (khoảng 3 người) ở lại nhà gái 3 ngày, 3 đêm. Đêm cuối cùng, gia đình nhà gái thịt một con lợn để tiễn con gái và con rể về nhà chồng. Khi người con gái về nhà chồng, nếu bên nhà chồng còn đủ ông bà nội ngoại, bố mẹ thì phải làm bấy nhiêu chiếc chăn, đệm và gối...
Thời điểm này, các đôi trai thanh, nữ tú trên đất Mường Bi đang tất bật chuẩn bị cho ngày vui, ngày hạnh phúc của mình. Và chính họ sẽ là những người tiếp nối, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc trong đám cưới của người Mường tỉnh Hòa Bình.
Theo TTXVN

Vai trò của người làm mối trong hôn nhân người Mường xưa
Trong hôn nhân xưa của người Mường ở Hòa Bình, người làm mối chiếm vị trí rất quan trọng, đảm bảo sự thành công hay thất bại trong quá trình đi hỏi vợ của nhà trai.
Tiêu chuẩn làm người làm mối

Người làm mối không phân biệt là đàn ông hoặc đàn bà, song người Mường thường thích nhờ những người có tuổi, có vai vế trong xóm, mường để làm việc này. Bởi đây là cơ sở để gia đình nhà trai hiểu rõ gia cảnh, thân thế và tính tình của người được chọn làm mối.

Trong hôn nhân của người Mường xưa, chỉ con trai mới có quyền được tìm người làm mối.

Người được chọn làm mối phải hội tụ đầy đủ các điều kiện: Ngoại hình bình thường, không bị dị tật; phải am hiểu phong tục, tập quán, khéo ăn nói, có tài ứng đáp và thuyết phục người khác, có uy tín và được nhiều người kính nể; gia đình phải hòa thuận, hạnh phúc, đông con nhiều cháu, có đủ bề trai gái; phải còn đầy đủ cả vợ lẫn chồng, không được góa bụa. Những người cổ cao ba, bốn ngấn cũng không được chọn để làm mối, bởi theo quan niệm những người này có căn cao, số nặng nếu đi làm mai mối sẽ không thành công hoặc khiến đôi vợ chồng trẻ sau này sống không hạnh phúc. Với những người đã từng làm mối nếu có trường hợp bỏ nhau thì sẽ không bao giờ được nhờ làm mối nữa… Việc đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ như vậy khi chọn người làm mối là thể hiện mong muốn, khát khao cho cuộc sống hôn nhân của con cháu được tốt đẹp.

Công việc do người làm mối đảm nhận

Người làm mối đóng một vai trò rất quan trọng và đảm nhận những công việc chính giúp nhà trai trong suốt quá trình đi hỏi vợ. Trong hôn nhân của người Mường, chỉ gia đình nhà trai mới có quyền tìm chọn người làm mối và giao trọng trách se duyên để trai gái tiến tới hôn nhân, thành vợ chồng. Người làm mối được coi là đại diện của nhà trai, thay mặt bố mẹ chàng trai đến tiếp kiến, bàn bạc và thống nhất cách thức tiến hành hôn lễ. Mọi việc từ lúc bắt đầu đi thăm dò, ướm hỏi, vận động bên nhà gái cho đến hôn lễ, mọi việc nhà trai, nhà gái đều phó thác và trao đổi với nhau thông qua người làm mối. Sự thành bại đều dựa vào khả năng ăn nói và thương thuyết của người làm mối. Vì thế, nếu không có người làm mối đám cưới sẽ không được diễn ra.

Người làm mối có vai trò không nhỏ trong hôn nhân người Mường.

Trong xã hội Mường xưa kia, người làm mối rất quan trọng trong hôn nhân, nhất là ở tầng lớp Lang Đạo, quý tộc. Họ cho rằng, hôn nhân là cơ sở, là công cụ và phương tiện để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thôn tính đất đai, là khối liên minh để củng cố, mở mang quyền lực và lợi ích cho mình. Với tầng lớp dân thường, hôn nhân chủ yếu là để con cái có vợ, có chồng, sinh con đẻ cái, có thêm nguồn nhân lực, sức lao động cho gia đình và sau này cha mẹ có chỗ cậy nhờ…

Đối với những gia đình sống cùng mường hoặc các mường lân cận, công việc của người làm mối tương đối thuận lợi, song với những gia đình ở xa nhau, hai bên gia đình chưa biết mặt hoặc ít tiếp xúc với nhau thì vai trò của người làm mối lại càng nặng nề. Việc đi hỏi vợ không đơn thuần là chỉ hỏi một cô gái về làm vợ một chàng trai, làm dâu một gia đình mà người làm mối phải thuyết phục bố mẹ, anh chị em và thậm chí cả dòng tộc bên nhà gái. Nếu người làm mối tạo được sự tin cậy, khéo ăn nói và có tài thuyết phục, có uy tín và có chức vị thì sẽ nhanh chóng được nhà gái nể phục, tin tưởng và chấp thuận. Khi bố mẹ cô gái đã thuận thì mọi việc coi như đã thành công. Lúc này bố mẹ cô gái chỉ tiếp xúc và chuyển lời của trưởng họ nhà gái đến bố mẹ chàng trai thông qua người làm mối.

Công việc của người làm mối bắt đầu từ khi nhà trai nhờ đi ướm hỏi, phải qua nhiều bước mới đi đến đám cưới, nhiều khi kéo dài 2 - 3 năm sau nếu đôi bên gia đình chưa đủ điều kiện tổ chức lễ cưới.

Nhờ vai trò của người làm mối mà trong hôn nhân xưa kia ít có sự đổ vỡ, rạn nứt. Người làm mối đóng vai trò xuyên suốt các nghi lễ, tạo nên sự tôn trọng, sự thông cảm, đi đến quý mến nhau của hai bên gia đình, đôi nam nữ, từ đó tạo cho cuộc sống của hai vợ chồng có trách nhiệm với nhau và với hai bên gia đình. Đây được coi là sự đóng góp to lớn của người làm mối đối với cuộc sống hôn nhân của đôi bạn trẻ.

Bản làng Mường, Thung Nai,Hòa Bình.
Trả công cho người làm mối

Thông thường, sau khi công việc hoàn thành, người làm mối được cả hai bên gia đình cảm ơn theo phong tục và cũng có quy định cụ thể.
Để cảm ơn công lao của người làm mối, trước khi đưa dâu về nhà chồng, nhà gái dọn 2 mâm cơm gồm có thịt, rượu, cơm nếp, trong đó có thêm bá loọi (xương bả lợn đã được luộc chín còn có thịt bám xung quanh).... được bày trên lá chuối và được đặt ở dưới cửa sổ bên gian buồng ngoài nhà sàn để tặng cho người làm mối mang về nhà.

Về phía bên nhà trai, khi đoàn đưa dâu về đến nhà trai, cô dâu đã vào gian buồng, cũng là lúc nhà trai dọn mâm cảm tạ người làm mối. Song có khác là trong mâm phải có thêm phần thịt sống, miếng thịt lợn ở phần vai lợn, chân giò khoảng 5 - 7 kg. Tuy nhiên, một vài nơi người ta lại quy định gia đình mổ bao nhiêu lợn thì phải biếu người làm mối từng ấy khoanh cổ lợn. Có nơi gia đình nhà trai còn phải tặng thêm người làm mối một con gà trống và hai cái bánh chưng. Trong lúc người làm mối ngồi cùng ăn với mọi người, gia đình nhà trai cử người đem số đồ lễ của cả hai gia đình mang đến tận nhà người làm mối. Ngoài những thứ đó ra, cả hai bên gia đình nhà trai và nhà gái còn phải cám ơn người làm mối lễ vật mang ý nghĩa tinh thần, có giá trị sử dụng lâu dài như gối tựa, gối nằm, chăn, màn...

Sau lễ cưới, theo phong tục, việc trả ơn được tiến hành đều đặn cho đến khi người làm mối chết hoặc khi hai vợ chồng “đũa không đủ đôi”. Khi người làm mối chết, đôi vợ chồng phải có tấm “áo chùng” bằng vải đỏ mang đến phúng viếng, giúp đỡ gia chủ chuẩn bị tang lễ như con cháu trong gia đình. Khi bố hoặc mẹ vợ là người chết cuối cùng, hai vợ chồng phải có 1 con lợn hoặc 1 con bò mang đến nhà ngoại mổ thịt dâng cúng. Khi thầy mo cúng, đôi vợ chồng phải bỏ một ít tiền ra chuộc lại một vai thịt bò hoặc lợn đem về nhà luộc chín, gói thành 3 gói, số còn lại bày mâm mời người làm mối ăn và biếu 3 gói thịt đó. Nếu người làm mối không còn sống thì con cháu người làm mối đến ăn và nhận gói thịt, đây được coi là thủ tục cuối cùng trong việc trả ơn.
Theo Langvietonline.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét