Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

CHÙA PHÚ SƠN

(binhthuan.gov.vn) Chùa Phú Sơn tọa lạc ở thôn Phú Điền, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Chùa được xây dựng trên một khuôn viên có diện tích 1.965mtheo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng hết sức độc đáo để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và tôn giáo của người dân địa phương.

Di tích nằm ở vị trí cách UBND xã Phú Lạc 1.600m và cách UBND huyện Tuy Phong khoảng 1.500m về hướng Bắc, cách thắng tích Cổ Thạch tự 12km và cách di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đình làng Bình An 13km về hướng Đông Bắc; cách nhóm đền tháp Pô Đam 4km về hướng Tây Nam.

Chùa Phú Sơn là thiết chế tôn giáo với chức năng thờ phụng và sinh hoạt gắn với Phật giáo, là nơi chiêm bái và cầu nguyện của giới tín đồ Phật tử và nhân dân điạ phương để cầu mong đức Phật chở che, độ trì và ban phát cho chúng sinh có cuộc sống an lạc, hạnh phúc và sung túc. Từ khi tạo dựng đến nay, chùa đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người dân đại phương qua nhiều thế hệ.

Chùa Phú Sơn là một công trình kiến trúc trang nghiêm mang đậm sắc thái Phật giáo của dân tộc. Tính tôn giáo được thể hiện rõ nét qua kiểu dáng, kết cấu kiến trúc, cách bố trí từng hạng mục, các họa tiết trang trí trên đỉnh nóc, các góc mái, trên các điện thờ cho đến nội dung, cách bài trí thờ phụng bên trong nội thất đều thể hiện rõ nét đây là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo.

Chùa Phú Sơn được xây dựng vào nữa cuối thế kỷ XIX, thuở sơ khai chùa chỉ là một tiểu am nhỏ che tạm bằng tranh lá đơn sơ để có nơi thiền định và phục vụ nhu cầu chiêm bái, lễ Phật của tín đồ Phật tử. Những thập niên trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, do những biến động của lịch sử nên nhân dân điạ phương đã di dời ngôi chùa nhiều lần đến nhiều địa điểm khác nhau. Mãi đến năm 2011, chùa Phú Sơn mới được đại tu lại tươm tất và khang trang để có nơi tôn nghiêm thờ đức Phật và đáp ứng nhu cầu lễ bái của tín đồ Phật tử và nhân dân. Nhìn từ phía trước vào, các hạng mục chính của chùa đều có hướng chính quay về phía Bắc nhưng lệch sang Đông 15 độ, phân bố thành một trục dọc theo trình tự gồm: cổng chính, pho tượng Phật Quan Âm, cột cờ, chính điện, nhà thờ Tổ, nhà nhóm; cách nhà Tổ khoảng 2m về phía bên phải là am thờ vị nữ thần Chăm Thiên Ya Na; phía sau là các hạng mục phục vụ sinh hoạt của Trụ trì, tăng ni Phật tử của chùa; bên trái nhìn từ phía trước là nhà khách, nhà nghỉ của sư Trụ trì, nhà ăn, nhà nghỉ của tăng ni Phật tử và nhà bếp.

 


 




Điểm nổi bật tại chùa Phú Sơn là chiếc Đại hồng chung (chuông đồng) có đường kính miệng 52 cm, cao 100.5cm, trọng lượng khoảng 100kg. Quai chuông là 2 hình rồng đấu lưng vào nhau. Rồng có đuôi xoáy 5 dãi, râu và bờm dài. Về niên đại, đây là quả chuông thuộc thời Nguyễn; dòng chữ khắc trên chuông cho biết năm đúc chuông là năm Đinh Sửu, theo niên biểu lịch sử Việt Nam, năm Đinh Sửu 1877 là phù hợp hơn cả. Nét đặc biệt của quả chuông là 4 ô dưới trang trí 4 hình rồng theo chiều thuận kim đồng hồ, là trường hợp khác biệt so với đề tài tứ linh phổ biến trong văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, chùa Phú Sơn còn lưu giữ nhiều di vật qúy bao gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau như: tượng phật, tiểu hồng chung, mõ gõ, trống, hoành phi, câu đối,… gắn liền với lịch sử khai mở đất đai, lập làng, xây dựng và phát triển cuộc sống của cha ông ta ngày trước.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ, quản lý (đặc biệt là chiếc đại hồng chung) và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa chùa Phú Sơn trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, cũng như giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương, UBND tỉnh có Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 công nhận chùa Phú Sơn, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Thu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét