Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Lễ Tịch điền

Lễ Tịch điền được khôi phục ở Hà NamẢNH: T.L
Trong những phong tục người Đàng Ngoài kính cẩn theo, thì có một phong tục chính yếu họ giữ vào đầu năm mới, đó là lễ Tịch điền, nghĩa là mở đất và cày ruộng.i
Đầu năm, nơi xứ này cũng như nơi người Tàu, thường vào giữa đông chí và xuân phân, đúng ngày tuần trăng mới tương đương với ngày mồng 5 tháng 2 theo cách tính của chúng ta; vào ngày mồng 3, do các nhà toán học hay ma thuật chỉ định (vì ở các nước này có nhiều dị đoan), mọi người có trọng trách, chức vụ hay cấp bậc trong ngành quan võ hay quan văn đều phải đến đền vua với những phù hiệu và y phục chức vụ của mình để theo vua trong đám rước long trọng qua khắp thành cho tới một thửa ruộng, theo thể thức và thủ tục tôi sẽ tả sau đây.
Mở đầu là binh sĩ tập hợp từ khắp nước về đây, nghiêm chỉnh hàng lối và rất đông, có tới mấy nghìn, tất cả đều mang khí giới, kẻ đem cung tên, người mang gươm giáo và súng ống. Sau đó là sĩ quan và hàng quý tộc một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, chừng ba trăm tất cả, có trải thảm quý, đã được huấn luyện dừng bước và tuân lệnh. Vị tướng lĩnh cai trị nước như phó vương gọi là chúa Thanh Đô vương đi sau hàng quý tộc, ngự trong chiếc xe kéo thấp thếp vàng.
Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng, có người dắt, chúa tùy tiện có khi cưỡi voi, tùy tính khí mỗi khi muốn làm đẹp lòng dân đứng nghênh tiếp và ca ngợi. Sau đó là một đám rất đông các ông nghè, ông cử, ông tú mặc áo dài bằng lụa và thứ hàng quý màu tím sẫm, mỗi người với phù hiệu chức vụ hay cấp bậc mình. Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy do nhiều người khiêng trên vai, ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài.
Với đoàn thể quân ngũ, vua ra khỏi nhà gọi là đền rộng chừng bằng một thành phố lớn, rồi qua những phố chính trong kinh thành gọi là Kẻ Chợ, rồi tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi đây tất cả đoàn thể đến trước đang chờ ngài với rất đông dân chúng. Ngài bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc, không nghỉ và chăm sóc đất ruộng. Rồi tới lượt chúa là vị cai trị cả nước, vị có quyền thế đầy đủ và thế giá cao cả trên tất cả thần dân, ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên đất. Sau ông là hoàng tử, tướng lĩnh và toàn thể hoàng tộc, sau cùng là quân sĩ và toàn dân bái phục đức vua và hoan hô chúc mừng. Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm.

Uy quyền của chúa
Rồi mỗi tháng hai lần, vào mồng 1 và ngày rằm, những vị tiến sĩ chính yếu và những bậc quan văn đều đến chầu vua ngự trong đền và cung kính bái yết không phải chỉ là bậc quân vương mà còn là đấng đã ban cấp bậc cho mình sau kỳ thi tuyển mà chúng tôi sẽ nói sau đây. Bởi vì chính nhà vua ban cho tất cả hoàng tộc và kẻ cả trong nước các chức tước thuộc hàng quý tộc, mặc dầu bao giờ cũng qua ý kiến và thỏa thuận của chúa là người nắm mọi quyền trị nước.
Người ta cũng tính các năm, ghi các ngự chỉ, sắc lệnh và hết các giấy tờ công cũng như tư kể từ ngày vua lên ngôi và làm lễ đăng quang, truy tôn niên hiệu, theo phong tục kể từ ngày nào gọi bằng tên nào. Và nếu trong năm có xảy ra tai họa chung nào trong toàn quốc, như mất mùa, đói kém, dịch tả hay điều gì tương tự, thì đầu năm sau niên hiệu nhà vua sẽ thay để cho tai họa ngừng lại với tên cũ và người ta bắt đầu lại từ ngày đổi niên hiệu, để đếm những năm trị vì, như thể một vua mới vừa lên ngôi. Mặc dầu việc lập vua mới bao giờ cũng dựa vào hàng hoàng gia thâm niên nhất mà toàn dân đều biết, thế nhưng ngày nay việc lựa chọn tuyệt đối tùy thuộc vào phán đoán của chúa, vị này có quyền (bởi ông đã chiếm đoạt) vì ích quốc lợi dân thay đổi và lựa chọn người nào khác trong cùng một hoàng tộc. Hoàng tộc của nhà vua được chọn ngày nay là hoàng tộc thứ tư, chừng tám trăm năm nay và từ khi bắt đầu có nước Đàng Ngoài và gọi là nhà Lê, rất danh tiếng và được người Tàu công nhận và cứ ba năm một lần vua sai sứ thần được chúa chỉ định đi sứ sang Tàu.
Sau khi ở Đàng Trong 5 năm (1618 - 1622), nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri đã soạn bản Tường trình về Đàng Trong và cho phát hành bằng tiếng Ý và tiếng Pháp năm 1631. Còn Alexandre de Rhodes, sau khi truyền giáo ở Đàng Ngoài ba năm (1627 - 1630) đã viết bản Tường trình về Đàng Ngoài hay Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài và cho ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latin năm 1652. Người ta còn giữ được một bản viết tay về bản tường trình này soạn vào năm 1636 khi de Rhodes ở Macao. Nhưng hẳn ông đã bổ túc để viết không phải cho tới năm 1636 mà cho tới năm 1647 để được ấn hành năm 1650. Cả hai bản tường trình này đều là những tài liệu quý, cung cấp cho người đời sau những hiểu biết về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự... VN vào thế kỷ 17.


Alexandre De Rhodes 
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét