Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

ĐỀN THỜ PÔ NƯNG RÚP ĐƯỢC XẾP HẠNG LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

(binhthuan.gov.vn) Trên một ngọn đồi cao hơn 10m so với khu dân cư tại thôn Tuy Tịnh, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong là nơi tọa lạc của Đền thờ Pô Nưng Rúp.
Pô Nưng Rúp là người có công lớn trong việc mở mang và khai thác công trình thủy lợi đập Bá Ra, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp, góp phần làm phồn thịnh cuộc sống của nhân dân trong vùng.
Đền thờ Pô Nưng Rúp được xây dựng từ giữa thế kỷ XVII để thờ vua Pô Nưng Rúp cùng vợ, con và dòng họ của ông. Đây là ngôi đền thờ được tạo dựng đơn giản và nhẹ nhàng với các vật liệu thông dụng như gạch, đá, vôi mang nhiều nét đặng trưng của một ngôi đền thờ vua Chăm với phong cách đậm nét văn hóa tâm linh.
Đền chính quay về phía Bắc mà không quay về hướng Đông như các nhóm tháp và đền thờ các vị thần linh và vua Chăm mà ta thường thấy; người Chăm giải thích điều này vì Pô Nưng Rúp là vị vua Chăm đầu tiên nhận tước phong của các vua Đại Việt, mặt khác sau khi mất, thân xác ông được hậu duệ hỏa táng và chôn cất ngay dưới nơi đặt pho tượng thờ Ngài ở chính giữa đền (theo tôn giáo và phong tục tập quán của người Chăm, đối với các vị vua có hài cốt chôn trong đền thờ thì cửa chính bắt buộc phải quay về hướng Bắc). Ở trung tâm của đền thờ chính đặt 2 pho tượng của Pô Nưng Rúp và hoàng tử, phía sau là nơi thờ hoàng hậu Kaphir, ông bà và người thân của Ngài. Ngoài ra, cách am thờ chính về phía Tây là am thờ bà thứ phi Prài.
Ngoài việc tưởng nhớ vua Pô Nưng Rúp, đền thờ còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian với nhiều lễ hội đặc sắc, mang đậm đặc trưng văn hóa Chăm. Thông qua hoạt động lễ hội thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ đến các vị thần linh, các vị vua chúa, tổ tiên có công trong sản xuất nông nghiệp; qua đó cầu mong thần linh phù hộ, che chở cho dân làng có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Người Chăm tại xã Phong Phú thực hiện nghi lễ cúng tế Pô Nưng Rúp tại đền vào tháng 4 và lễ hội Katê và tháng 7 Chăm lịch. Lễ cúng vào tháng 4 được gọi là lễ đầu năm, đây là thời điểm khô hạn trong năm; do đó lễ cúng sẽ cầu cho mưa thuận gió hòa, chuột bọ, sâu rầy không ăn lúa. Thời gian diễn ra trong 1 ngày với các vật cúng tế bao gồm: 1 con dê, 1 trái dừa, 1 nải chuối, cơm, canh, cá kho, trầu cau, trà, rượu, hoa quả.
Thông qua sự tồn tại của di tích, người ta hiểu rõ phần nào về sự kiện lịch sử quan trọng của vương quốc Chămpa vào giai đoạn cuối; đây cũng là giai đoạn quá độ từ kiến trúc truyền thống của dân tộc Chăm chuyển sang dùng kỹ thuật và vật liệu mới của người Việt, kể cả trong kết cầu và kiểu dáng.
Trãi qua nhiều lần di dời và bom đạn hủy hoại, xét về quy mô, kiểu dáng, kết cấu và diện mạo kiến trúc của đền Pô Nưng Rúp có nhiều sai lệch và khác lạ so với đền Pô Klong Mơh Nai, đền Pô Nít, đền Pô Tằm. Đến nay, nhờ sự góp công, góp của của người dân địa phương và sự quan tâm của chính quyền, đền thờ được khôi phục, quy hoạch lại một số hạng mục công trình để tiếp tục phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách về đời sống văn hóa, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng và đặc biệt là văn hóa dân gian của cộng đồng người Chăm địa phương. Nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của di tích trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân, UBND tỉnh đã công nhận Đền thờ Pô Nưng Rúp là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 27/11/2013.
 
Xuân Vũ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét