(Kiến Thức) - Đồi Khau Tý là một di tích lịch sử đặc biệt về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nằm ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, đồi Khau Tý là một di tích lịch sử đặc biệt về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khau Tý (theo tiếng dân tộc Tày nghĩa là Đồi Cây Thị) là một quả đồi cao nổi lên giữa vùng ruộng đồng của đồng bào dân tộc Tày, trước mặt là một con suối, nước trong và đầy. Bác Hồ đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hoá lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hồ Chủ tịch đã sinh sống và làm việc tại đồi Khau Tý từ ngày 20/5 đến tháng 10/1947. Tại đây, Người sống trong một ngôi lán được dựng bên gốc cây đa cổ thụ trên đỉnh đồi.
Ngôi lán của Người được làm từ tre, lá rất đơn sơ với những đồ dùng giản dị như chăn, màn, vài bộ quần áo, chiếc máy chữ, một ít tài liệu sách báo đựng trong chiếc túi nhỏ..
Bên cạnh lán, người trồng thêm một cây hoa dâm bụt, một loài cây gợi nhớ về các vùng quê đồng bằng Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo sáng suốt để cuộc cách mạng vượt qua những ngày đầu gian khổ
Tại đây, Người đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nuớc kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tài liệu học tập, tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ.
Cũng tại đồi Khau Tý, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh lấy ngày 27/7 là ngày “Thương binh, liệt sỹ" của cả nước.
Bên gốc đa cổ thụ, trong một đêm tĩnh mịch Người đã viết bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa; Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa; Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ; Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
Năm 2009, đồi Khau Tý đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia của Việt Nam
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét