Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

ĐÌNH LÀNG LÂM LỘC

(binhthuan.gov.vn) Tọa lạc tại thôn Lâm Lộc 1, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, trên khuôn viên có diện tích hơn 965m2, đình làng Lâm Lộc là thiết chế tín ngưỡng dân gian truyền thống gắn với làng xã của người Việt. Ngoài đối tượng thờ phụng chính tại đình là thần Thành hoàng Bổn cảnh, đình làng Lâm Lộc còn thờ một số vị thần khác như: Thiên Ya Na, Quan Thánh đế quân, Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương theo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn ban tặng.
Đình làng Lâm Lộc được hình thành trên cơ sở hợp nhất 2 ngôi đình: đình làng Tăng Lộc và đình làng Cam Lâm vào đầu thế kỷ XIX. Bên cạnh chức năng thờ phụng các vị thần linh và ông bà tổ tiên, lễ hội hàng năm được tổ chức tại đình là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian quan trọng; đây là những giá trị truyền thống được kết tinh, chắt lọc từ chính cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Tham gia vào Ban nghi lễ là những bậc cao niên có uy tín, am hiểu sâu rộng về phong tục tập quán, gia đình hòa thuận, có cuộc sống ấm no và không có tang chế. Trong quá trình thực hiện nghi lễ, ngoài những người có trách nhiệm được phân công thì không ai được phép vào trong ngôi đình chính nơi hành lễ. Hai lễ chính được diễn ra trong năm bao gồm: tế Xuân diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch và tế Thu tổ chức vào rằm tháng bảy.
Hiện đình làng Lâm Lộc còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị gắn liền với lịch sử khai mở đất. Quan trọng nhất là Sắc phong – đây là một dạng văn bản có tính pháp lý cao nhất của các vua triều Nguyễn để thừa nhận công lao của các vị thần linh; đình làng Lâm Lộc hiện còn lưu giữ 19 Sắc phong từ thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Một số bức hoành phi lưu tại đình được đóng bằng gỗ với nhiều họa tiết trang trí đẹp mắt. Câu đối được khắc trên các thân cột và khám thờ với nét chữ được sơn son thếp vàng. Ngoài ra, các hiện vật khác như: đại hồng chung, tiểu hồng chung, trống đại, mõ gỗ với nhiều chủng loại và đa dạng về kích thước.
Trãi qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, các hạng mục như chính điện, gian thờ tiền hiền vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử; là nguồn tài liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu nguồn gốc dân cư, khai mở đất đai, tạo lập làng.
Giá trị nổi bật của đình làng thể hiện rõ nét trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể thông qua việc duy trì và tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian theo đúng tập tục và nghi thức xưa; phản ánh lối ứng xử mang đậm tính nhân văn của cộng đồng về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ đương thời đối với các bậc tiền nhân. Trên cơ sở của những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, vừa qua UBND tỉnh đã có Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 công nhận Đình làng Lâm Lộc là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.

Xuân vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét