Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Bàu Thành xưa và nay

"Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương".
Câu ca dao của người xưa cứ ngân nga vang mãi trong tâm trí chúng tôi trên đường trở lại Bàu Thành, một trong những dấu tích từ thời vua Chân Lạp còn lưu lại trên địa bàn huyện Long Điền, tỉnh BR-VT.
Một góc Bàu Thành ngày nay.
Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian kể rằng vua nước Chân Lạp dùng Bàu Thành làm nơi cho voi tắm và uống nước. Qua nghiên cứu các vết tích và di vật khảo cổ học, các nhà chuyên môn cũng cho rằng nơi đây có thể là một công trình thủy lợi cổ của người Chân Lạp.
Bàu Thành cách đình thần Long Điền (khu phố Long Phượng, huyện Long Điền) 50m về hướng Đông. Đây là một hồ nước nhân tạo, chu vi rộng 600m, đắp đất thành vồng bao chung quanh cao tới 5m. Người dân gọi hồ nước này là Bàu Thành vì ở gần thành lũy xưa, trước đây còn có tên là ao Dục Tượng (tắm voi). Thời Pháp, ở đây có dựng bảng là "Mareau xéléphants", nghĩa là Bàu Voi. Theo nhân dân địa phương, trước đây xung quanh bàu còn có lũy tre mọc dày, phía Bắc bàu giáp với giồng Cây Cấy, phía Đông là đầu Gò Chùa, phía Nam giáp giồng Bà Thông. Khảo sát thực tế cho thấy, có thể người xưa đã sử dụng một gò đất laterít khá lớn để đào bàu. Vì khi xem xét địa hình hai bên bờ Bắc và Nam, thấy bờ có dạng mai rùa, ở giữa cao thoải dần về hai phía và đất ở trên hai bờ này là đất đồi laterít. Ở phía Đông Bắc của bàu còn dấu tích của một cửa nước, cửa này dẫn nước từ suối Ngang là một nhánh của suối Đá Nghệ về bàu. Hiện tại, nước trong bàu sâu khoảng 1m, vào mùa mưa nước sâu khoảng 3-4m, trong bàu người dân đã trồng sen.
Cách Bàu Thành khoảng 800m về phía Nam là địa điểm gò Cây Cám, đây là một gò đất khá lớn nằm trên địa phận xã An Ngãi, huyện Long Điền. Tại đây, vào năm 1999, trong khi san ủi mặt bằng để mở đường chạy qua đỉnh gò, những người công nhân đã phát hiện một tượng đá. Theo giám định của Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, tượng đá này mang phong cách của văn hóa Óc Eo. Bảo tàng tỉnh BR-VT đã đến đây khảo sát và thấy, con đường mới mở đã chạy qua đỉnh gò, đất trên gò là đất pha cát có màu xám đen, hiện nay gò đã san bạt phần lớn để làm nhà. Thu được trên mặt đất một số mảnh gốm màu đỏ xương pha cát, cứng, thuộc thời Chân Lạp.
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, nhận thức sơ bộ về di tích Bàu Thành cho thấy các khu dân cư lân cận Bàu Thành đều có vết tích của người Phù Nam và sau đó là người Chân Lạp, những cư dân đã sinh sống ở đây trước khi có người Việt đến khẩn hoang lập ấp, mở nước vào thế kỷ XVII. Đây là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất vùng Nam bộ của người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI, phục vụ nước tưới cho cả một cánh đồng trồng lúa nước rộng mênh mông kéo dài sang tận Bưng Bạc, Bưng Thơm vào mùa khô.
Hiện nay, di tích Bàu Thành đang được quy hoạch xây dựng và bảo vệ nằm trong khu Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Long Điền. Theo các cán bộ văn hóa của huyện Long Điền, trước đây trung tâm mang tên là Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao Bàu Thành. Cái tên Bàu Thành cũng trở thành tên gọi thân quen của nhiều cơ sở, đơn vị trên địa bàn khu phố Long Phượng, huyện Long Điền hiện nay.
Nguồn: Bảo tàng BRVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét