Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Những nghi thức độc đáo trong đám cưới của người Pa Kô

Hát diễn xướng cũng là nghi thức không thể thiếu trong cưới hỏi của người Pa Kô.


Trong những nghi lễ vòng đời, người Pa Kô rất coi trọng đám cưới và lễ vật là việc quan trọng cần chuẩn bị. Khi con trai, con gái đến tuổi trưởng thành, muốn xây dựng gia đình, cũng là lúc cha mẹ hai bên tính chuyện chuẩn bị lễ vật cho đám cưới hỏi. Hát diễn xướng cũng là nghi thức không thể thiếu trong cưới hỏi của người Pa Kô.
Từ bao đời nay, bản làng của dân tộc Pa Kô vẫn tồn tại tục “đi sim”. Đây là nét sinh hoạt lãng mạn để các đôi nam nữ yêu nhau bày tỏ tình cảm chân thành của mình. Theo tục xưa, khi đã phải lòng nhau, thì chàng trai được phép chủ động đến chỗ cô gái, ra tín hiệu bằng cách dùng cành cây gõ vào gỗ nhà sàn, nếu cô gái “xiêu lòng” thì cánh cửa được mở ra và cả hai sẽ cùng trò chuyện suốt đêm và trao cho nhau những câu hát giao duyên, tình ái qua làn điệu Xoang, Tà Oải, Xà Nớt..Ngày nay tục “ đi sim” đã có phần mai một, nhưng nét văn hóa truyền thống xưa vẫn được duy trì,  nhất là tục hát đối đáp được thể hiện trong các nghi lễ cưới hỏi.

Cặp đôi rời nhà chú rể để sang nhà cô dâu. Ảnh: Báo Tin tức.

Trong hôn nhân nam nữ Pa Kô được tự do tìm hiểu. Tuy nhiên, để thành vợ thành chồng, trai gái Pa Kô phải trải qua nhiều nghi thức độc đáo. Sau khi quyết định đi đến hôn nhân, đôi bạn trẻ sẽ thông báo cho gia đình hai bên.
Theo ông Hồ Văn Hạnh già làng dân tộc Pa Kô ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Lễ báo cáo thể hiện sự tôn trọng lễ phép của đôi bạn trẻ đối với các bậc sinh thành, báo cáo cho bố mẹ biết để chuẩn bị các lễ vật cho lễ cưới hỏi của con: Trước khi đi đám hỏi phải trình Giàng. Trình Giàng tại nhà để báo cho tổ tiên biết đi hỏi con gái nhà người ta về làm dâu gia đình mình. Khi đi hỏi nhà gái thì phải có món quà là hạt cườm, mã não. Theo truyền thống, đó là món quà kết tình thông gia. Điều này cũng có nghĩa bố mẹ bằng lòng cho con lấy vợ, gả chồng. Đó là thủ tục đám hỏi quan trọng bậc nhất.

Trao đồ cưới cho cô dâu, chú rể. Ảnh: Báo Tin tức.

Nghi thức trong lễ cưới của người Pa Kô có nhiều điều thú  vị. Cùng với lễ vật cho cô dâu, chú rể,  hai bên gia đình cũng chuẩn bị lễ vật thết đãi nhau. Bên nhà trai lo sắm vòng bạc, hạt cườm mã não, áo quần. Nhà trai phải chuẩn bị thịt của những con vật bốn chân như: Heo, bò, dê... Còn nhà gái chuẩn bị các tấm rèm, thổ cẩm, các đồ thực phẩm là cá và thịt của những con vật hai chân
Lễ cưới truyền thống của người Pa kô gồm 2 nghi lễ chính. Đó là nghi lễ đón  dâu tại nhà gái và đưa cô dâu về nhà chồng. Đồ lễ mà nhà gái chuẩn bị cho con gái về nhà chồng là những tấm thổ cẩm còn gọi là rèm. Trong lễ vật này có gà luộc và xôi nếp. Ngay khi bước xuống thang, cô dâu được choàng thêm tấm rèm để tránh những điều xui xẻo khi về nhà chống. Khi đoàn nhà gái đến cổng nhà trai, mẹ đẻ của chú rể chờ sẵn để đón nhận dâu hiền.
Việc đầu tiên là bà mẹ chống cởi tấm rèm trên đầu cô dâu, rồi đeo cho cô con dâu chuỗi hạt cườm mã não được chuẩn bị từ trước. Khi nhà gái ngồi ổn định thì bắt đầu làm lễ nhận thông gia bằng những lời hát đối đáp giữa đại diện nhà trai và nhà gái“ Bên nhà tôi thiếu giống ngô, giống lúa, nghe bên nhà anh có giống ngô, giống lúa rất tốt, vậy cho chúng tôi xin về. Còn nhà gái hát đáp lại:“ Cảm ơn các anh đã xin giống ngô giống lúa của nhà chúng tôi, nhưng giống ngô giống lúa nhà tôi cây thì nhỏ, hạt thì lép, chúng tôi sợ các anh chê.

Hai họ ăn mừng tại nhà cô dâu. Ảnh: Báo Tin tức.

Hát đối đáp vừa là văn nghệ vừa là lời bóng gió, ẩn ý nhưng rất tình cảm. Cuộc hát trong các nghi lễ cưới như cuộc thử tài giữa hai gia đình. Qua lời hát nhà trai trình bày hoàn cảnh thiếu người đỡ đần công việc nên đến xin được cưới cô dâu về. Những câu hát mượn hình ảnh thể hiện sự gần gũi tình cảm chân thành mong nhận được cô con dâu tốt. Những món quà được trao cho bên nhà gái kèm theo những câu hát đối đáp chan chứa tình cảm giữa hai bên gia đình.
Ông Hồ Văn Tiến, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Pa Kô, cho biết: Hát diễn xướng đối đáp gần như đã trở thành nghi lễ trong tục cưới hỏi của người Pa Kô. Lời hát giản dị chân thành, nhưng mang ý nghĩa nhất định. Hai bên nhà trai nhà gái bày tỏ tình cảm dành cho nhau, có khi cãi lý với nhau, ngầm khoe con gái tôi giỏi cái này, rồi nhà trai hát đáp lại rằng con trai tôi giỏi việc kia...
Những lời hát trao đổi giữa hai bên đều thể hiện mong muốn đôi trai gái sẽ sống gắn bó, hạnh phúc bên nhau. Các màn hát đối đáp trong các nghi thức cưới nét văn hóa độc đáo, là thước đo giá trị kiến thức, uy tín dòng họ và qua đó thể hiện sự hãnh diện về truyền thống văn hóa của dân tộc Pa Kô. 

Theo VOV5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét