Văn hóa Mường là một nền văn hóa đã sớm khẳng định bản sắc riêng, qua lối sống, nếp sống và phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống. Trong đó tục cưới xin của người Mường ở Hòa Bình là một nét văn hóa đặc sắc, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển gia đình, dòng tộc dân tộc Mường qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hiện nay, đám cưới của người Mường đã đơn giản hơn xưa, nhưng về cơ bản vẫn giữ được những nét truyền thống. Ngày xưa, việc dựng vợ gả chồng là do cha mẹ xếp đặt, con cái không có quyền lựa chọn, nhất là con gái. Tuy nhiên hiện nay, trai gái được tự do tìm hiểu, lựa chọn bạn đời và hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện.
Chính vì lẽ đó, đám cưới của người Mường được chuẩn bị rất công phu từ vài tháng, một năm, thậm chí đến một vài năm. Khi mọi khâu chuẩn bị được hoàn tất người ta tiến hành làm đám cưới. Đầu tiên là chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ, chọn được ngày gia chủ họp gia đình để thông báo hôn sự và cắt cử công việc. Ông Bùi Văn Bân, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Đám cưới, ăn hỏi trong đám cười người Mường chúng tôi, đối với nhà trai, trước tiên là họp anh em trong gia đình, để xem các thành viên trong gia đình có đồng ý hay không. Khi các thành viên trong gia đình nhà trai đồng ý thì chọn một người uy tín trong gia đình làm người mai mối cho đám cưới (ông mối hoặc bà mối). Khi mời “Ông mối” đến phải bày ra mâm cơm, ăn cơm xong thì trao cho “Ông mối” hai chai rượu, một gói chè để mang đến nhà gái. Khi đến nhà gái, nhà gái sẽ tiếp đón “Ông mối” và lại họp anh em trong gia đình xem có đồng ý cho nhà trai xây dựng mối quan hệ hay không”.
Trong đám cưới của người Mường không thể thiếu được vai trò của người mai mối. Ông mối được nhà trai chọn làm đại diện để đến nhà gái dạm hỏi, thương thảo công việc chuẩn bị cho hôn sự của đôi trai gái. Hôn sự được sắp xếp vừa ý, hợp lòng của hai họ có sự đóng góp rất lớn của ông mối. Người Mường vẫn có tục thách cưới. Đại diện của nhà trai, ông mối sẽ thỏa thuận với nhà gái về việc thách cưới, nếu việc thỏa thuận chưa ngả ngũ, ông mối sẽ xin phép được về trao đổi lại với họ nhà trai. Nhà gái sẽ trình bày các yêu cầu của mình và đồ thách cưới nhà gái yêu cầu thường là: Một con trâu nhỏ, tai (dài) bằng sừng. Một gánh bánh dày không nhân (ám chỉ sự trinh trắng của cô dâu). Một ít tiền (có thể chỉ để làm của hồi môn cho cô dâu sau này khi về nhà chồng). Một vò rượu cần hoặc 60 lít rượu. 60 kg gạo tẻ. 40 kg gạo nếp. Một gánh trầu cau.
Nếu nhà trai đồng ý thì về chuẩn bị, nếu không đồng ý thì có thể thông qua ông mối sang nhà gái thoả thuận lại. Song, mỗi lần sang phải mang theo một chai rượu. Sau khi đã thống nhất việc thách cưới với họ nhà gái, nhà trai sẽ phải mang lễ vật quy định đến nhà gái; thông thường là lợn hơi, gạo nếp, gạo tẻ, rượu…số lượng ít nhiều tùy theo sự thống nhất của hai bên.
Ông Bùi Văn Viện, ở xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, một người có uy tín, khéo ăn nói, hay được mời làm “Ông mối” cho các đám cưới, cho biết: “Tôi cũng làm mai mối cho các con cháu đã hơn 20 năm. Đi làm mai mối thì tôi nhận lễ của gia đình nhà trai mang đến nhà gái và trình bày việc thành hôn của các cháu. Khi đến thì gia đình nhà gái có mặt đông đủ tiếp đón để đợi người mai mối nói những ý kiến của nhà trai về việc thành hôn như thế nào. Sau đó bàn bạc với nhà gái xem ngày giờ, lễ cưới như thế nào. Khi đã xong thì tôi về nhà trai thống nhất là các lễ vật cho đám cưới như thế nào rồi lại qua nhà gái thống nhất lại lần cuối với nhà gái. Vai trò của ông/bà mối rất quan trọng vì tất cả các thủ tục, liên quan đến việc của hai gia đình thì ông/bà mối phải chịu trách nhiệm và gián xếp cho êm đẹp”.
Sau khi thống nhất việc thách cưới và ấn định ngày cưới, hai họ tiến hành chuẩn bị đám cưới. Sính lễ được nhà trai chuẩn bị mang đến nhà gái trước ngày cưới một ngày. Tuy nhiên ở một số địa phương như người Mường Bi, huyện Tân Lạc, trong ngày cưới chú rể và đoàn rước dâu sẽ mang lễ vật, quà cưới đến nhà gái.
Đặc biệt chú rể phải là người gánh trầu cau đến nhà cô dâu. Tục đi đón dâu của người Mường cũng rất độc đáo. Số lượng người đi đón dâu được quy định về số người và phân công nhiệm vụ cụ thể. Trưởng đoàn là bậc cao niên trong dòng họ dẫn đầu; đoàn nhà trai đến đón dâu dù ở xa hay gần đều được nhà gái mời ở lại ăn cỗ. Ở Mường bi, huyện Tân Lạc, lại có tục rất hay đó là sau khi mang sính lễ đến nhà gái, chú rể phải đi về trước còn đoàn nhà trai vẫn ở lại ăn cỗ. Ông Bùi Văn Bân, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Thủ tục đám cưới nhất quyết theo quy luật của dân tộc Mường phải có trầu cau, cây mía và một số thứ như: lợn, gà. Ngoài ra phải có quà khác gọi là “tiền đầu” với một ít tiền tượng trưng cho nhà gái”.
Cuối Lễ đón dâu, nhà trai bao giờ cũng phải có quà tặng ông mối và các thành viên tham gia đưa, đón dâu. Nếu nhà gái cách xa nhà trai thì những người đưa dâu thường ngủ qua đêm ở nhà trai và ra về vào sáng hôm sau. Lúc này nhà trai sẽ làm một mâm cơm để tiễn họ hàng nhà gái và chuẩn bị thức ăn đi đường cho họ. Theo truyền thống, sau Lễ đón dâu, cô dâu chưa ở ngay nhà chồng, mà trở về nhà mình, nhưng ban ngày phải sang nhà chồng để làm việc, chỉ tối mới về nhà ngủ. Một thời gian sau mới lại ở hẳn nhà chồng, thường là sau khi sinh con đầu lòng. Hiện nay, người Mường ở mường Vang (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) còn giữ phong tục này qua lệ cô dâu thường về nhà bố mẹ ở vài ba ngày sau lễ cưới.
Theo VOV5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét