Trong cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên người H'rê có truyền thống làm lúa nước, nên các sinh hoạt tín ngưỡng đều gắn vào chu kỳ vòng đời của cây lúa. Từ xa xưa, người H'rê tin rằng vạn vật đều có thần, nên người H'rê thường tổ chức các nghi thức cúng đầu năm để cầu mong các thần linh che chở, xua đi xui xẻo, dịch bệnh, cho vụ mùa được tươi tốt, con người được bình an trong cuộc sống.
Trong đời sống tâm linh, người H'rê tin rằng mọi hoạt động của con người đều do các thế lực siêu nhiên chi phối, bởi vậy trong cuộc sống cũng như mọi hoạt động sản xuất canh tác, người H'rê có nhiều nghi lễ cúng. Các nghi lễ cúng hồn lúa và nghi lễ cúng thần đất, thần nước… được thực hiện trong quá trình sản xuất lúa, nhưng tập trung chủ yếu vào hai giai đoạn của mỗi mùa, khi gieo cấy và khi thu hoạch, cất lúa vào kho. Đặc biệt, lễ cúng nào cũng đều có con vật hiến sinh và con vật hiến sinh lớn nhất là con trâu.
Lễ cúng trâu là nghi lễ mang tính chất cộng đồng luôn thu hút đông đảo dân làng đến dự. Bà Phùng Thị Lan, cán bộ nghiên cứu ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Lễ cúng trâu cũng là nghi lễ lớn nhất trong đời sống tâm linh của họ. Người H'rê chọn con trâu bởi đó là con vật quý, được coi như người bạn gần gũi thân thiết gắn bó với con người trong lao động sản xuất. Lễ hiến sinh trâu thường chỉ tổ chức vào những dịp đặc biệt như khánh thành nhà Rông mới ( nhà cộng đồng), ngày lễ mừng chiến thắng trước đây hay vào năm dân làng được mùa. Nghi lễ này nhằm biểu thị sự biết ơn, tạ ơn thần linh đã giúp dân làng tạo nên sức mạnh có được sự thành công".
Trong các lễ hội cúng trâu, cúng được mùa cũng là dịp để trai gái trong và ngoài làng gặp gỡ giao lưu, cùng uống rượu, cùng múa hát và tỏ tình với nhau.
Trong các nghi lễ cúng thần lúa, thì nghi lễ “cúng cơm mới” được người H'rê rất coi trọng. Theo quan niệm truyền thống của người H'rê: Người đàn bà là chủ lúa, nên trong các gia đình, vợ chủ nhà là người quản lý lương thự, được coi là có liên hệ thần bí với hồn lúa. Ngày cúng cơm mới, bà chủ lúa lấy lúa từ ruộng rẫy về rang, giã gạo, nấu cơm rồi chịu lễ và một mình ăn cơm nấu trong “nồi thiêng”. Cũng chỉ bà chủ lúa mới được tỉa lúa làm phép, đem gùi lúa đầu tiên về nhập kho.
Người H'rê ở nhà sàn và khi dựng xong, ngôi nhà phải đáp ứng đầy đủ các đặc trưng của nhà truyền thống, từ hướng nhà, cách bài trí trong nhà tới những vật liệu tạo nên. Lễ cúng vào nhà mới là sự kiện quan trọng không chỉ đối với gia chủ mà còn là một lễ hội vui chúng của cả làng. Lễ cúng mừng vào nhà mới được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ thầy cúng (không nhất thiết phải là già làng) sẽ làm lễ cúng hai lần. Lần một diễn ra bên ngoài khoảng sân phía trước hoặc chái nhà. Lễ vật để cúng thần linh không thể thiếu thịt lợn, gà, cơm gạo, rượu...tất cả bày biện trên chiếc “mang” đựng lễ vật là những chiếc lá dưới được đỡ bằng nhiều chiếc nan tre đặc trưng cho văn hóa tâm linh của người H'rê. Phần Hội là phần diễn ra cuối cùng để mọi người trong buôn làng chúc mừng gia chủ. Với gia đình có điều kiện phần hội có thể diễn ra trong suốt một tuần lễ, không thì sẽ chỉ làm một đêm. Trong ngày này, các thành viên trong gia đình không được ra khỏi nhà, không đi nương.
Đối với đồng bào H’rê lễ cúng dọn nhà ăn Tết đầu năm cũng là nghi lễ không thể thiếu. Lễ cúng dọn nhà này tuy đơn giản nhưng vẫn được thực hiện theo đúng phong tục truyền thống. Ông Phạm Văn Đạt nhà nghiên cứu dân tộc ít người khu vực Trường Sơn Tây Nguyên, cho biết: "Đầu năm trước khi gói bánh ăn Tết thì người H’rê có lễ cúng dọn nhà. Cúng dọn nhà rất đơn giản chỉ một quả trứng gà trống. Ý nghĩa của nó là xaa đuổi những cái xui xéo, xấu xa của năm cũ và đón những cái tốt đẹp nhất về trong năm mới. ch gia đình ăn Tết đầm ấm vui vẻ".
Trong dịp lễ Tết người H’rê còn có nhiều nghi thức cúng và lễ hội khác. Theo phong tục truyền thống Tết của người H’rê thường được tổ chức vào đầu tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch. Mỗi làng H’rê có thể định ngày tổ chức đón Tết riêng. Để đón Tết người H’rê chuẩn bị rất chui đáo, từ lễ vật thức ăn đồ uống đến dọn dẹp nhà cửa, nguồn nước, dọn đường làng, dựng cây nêu ngày Tết, lau chùi chỉnh sửa chiêng cồng,nhạc cụ, sửa soạn những bộ áo váy đẹp nhất. Vào những ngày này, không khí hội hè rộn ràng khắp các làng. Người H’rê đón Tết vừa trang trọng vừa ấm cúng, thể hiện tình cảm đoàn kết cộng đồng sâu sắc. Các lễ cầu cúng của người H’rê tập trung nhiều trong dịp đầu năm mới để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên gây dựng cuộc sống và cầu mong thần linh ban cho sức mạnh, làm ăn được thuận lợi trong năm mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét