Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Mộ Bà Rịa

Qua khỏi Ủy ban nhân dân xã Tam Phước (Long Điền) một đoạn, sát bên đường thấy một chiếc cổng khang trang dán gạch men màu vàng, mái cổng màu gạch đỏ tươi. Trên cổng có tấm bảng màu nâu với hàng chữ vàng nhạt: Mộ Bà Rịa. Hai bên cổng là dãy hàng rào đẹp đẽ, trang nghiêm. Khu mộ rộng lớn với những hàng trúc, tre đằng ngà, bồ đề cùng nhiều loại cây xanh cho bóng mát. Đường và sân trong khuôn viên lót đan sạch sẽ. Bên trái là Điện thờ "Bà Rịa tiên nữ nương nương". Trước điện thờ là một ngôi nhà hình bát giác. Bước sang phải là khu mộ bà Rịa, được tôn tạo năm 2010. Vòng thành mộ bà Rịa bằng đá ong mài, ngang 7m, dài 8,2m, tường dày 0,5m, cao 1m, bốn góc gắn bốn chiếc đèn trang trí hình tròn. Nằm thấp bên trong vòng thành là ngôi mộ bà Rịa được xây bằng ô dước. Nấm mộ hơi gồ lên, nằm trên ba bậc cấp. Bốn góc mộ có bốn trụ xi măng, đầu trụ nào cũng được tạo hình bông sen. Một đầu mộ, bia ghi: "Mộ Bà Rịa". Đầu mộ bên kia là tấm bia ghi bốn chữ Hán, có nghĩa "Bà Rịa tiên nương", chữ vàng trên nền đỏ. Hai bên bia là hai câu liễn chữ đỏ nền vàng.
Mộ Bà Rịa ngày trước.
I. Đôi nét về Bà Rịa:
Sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong cuối thế kỷ XVII được thể hiện trong hai sử liệu quan trọng, đó là "phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn và "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức.
Trịnh Hoài Đức (1765-1825), bắt đầu làm quan năm 1788 khi chúa Nguyễn Ánh lấy lại đất Gia Định. "Gia Định thành thông chí" được viết trong khoảng thời gian Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành (1805-1808) và 1816.
"Gia Định thành thông chí" là bộ địa lý học - lịch sử được biên soạn công phu theo thể loại địa chí, gồm 6 quyển ghi chép về Trấn, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Trong bộ sách này, Trịnh Hoài Đức ghi chép tỉ mỉ cụ thể từng tên sông, tên núi, tên vùng đất mà còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các địa danh ấy.
Về Bà Rịa, Trịnh Hoài Đức đề cập như sau: Bà Rịa người Phú Yên (1665-1759). Năm 15 tuổi (1670) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ. Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, bà lao vào công việc khai khẩn ở vùng rừng núi Đồng Xoài (xã Hòa Long), tiếp đó hướng về hướng biển đến Lữ Khê rồi mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (xã Tam An - do hai xã An Nhất và Tam Phước hợp nhất) và tiếp tục khai hoang đến Láng Dài - Xuyên Mộc. Đặc biệt, Bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ. Bà Rịa không rõ họ gì, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó có tên là Nguyễn Thị Rịa.
Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua năm đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759 thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) tại Hắc Lăng, Phước Liễu (xã Tam An) hưởng thọ 94 tuổi. Bà Rịa không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được sung vào công điền chia cho người nghèo. Hiện nay, mộ và miếu thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, phần bia mộ còn khắc dòng chữ "Nguyễn Thị Rịa tiên nương". Năm 1902, Trường Viễn đông bác cổ Đông Dương xây lại mộ Bà Rịa, năm 1936, chính quyền sở tại cho sửa sang lại để ghi nhớ công lao của Bà.
Mộ Bà Rịa ngày nay.
II. Những ý kiến khác nhau về địa danh Bà Rịa:
1. Gia Định Thành thống chí của Trịnh Hoài Đức bên cạnh ca ngợi bà Nguyễn Thị Rịa cũng viện dẫn tài liệu Trung Quốc đưa ra một số giả thiết để cắt nghĩa địa danh Bà Rịa và xếp loại đây là một địa danh chưa rõ ràng bởi có nhiều cách giải thích khác nhau.
Các tác giả dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc, cụ thể là Tân Đường thư: "Bà Ly ở ngay phía đông nam Chiêm Thành từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thố, Đan Đan rồi đến đại địa châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai, đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang lưng) phía nam nước ấy có Thủ Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) bị Chân Lạp thôn tính".
Căn cứ Tân Đường thư, Trịnh Hoài Đức viết: Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn (ngữ) rằng "Cơm - Nai - Nịa, Cá Rí - Rang".
Trịnh Hoài Đức là người Minh Hương, tuân thủ đặc điểm ngữ âm tiếng Hán nên ông cắt nghĩa: "Tra theo chánh văn thì chữ Lợi âm là lục địa, thiết âm là lịa, vậy nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Lợi thuở xưa" (1).
Một số học giả theo hướng này (2) giải thích địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ vương quốc Bà Lợi, Bà Ly, Bà Lịa hoặc cho rằng Bà Rịa vẫn là tên đất (Bàn Ray, Bàn Rey) do biến âm trở thành Bà Rịa.
2. Địa danh Bà Rịa được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa - một người phụ nữ quê gốc Phú Yên có công to lớn khai khẩn vùng đất này. Dùng nhân danh chuyển hóa thành địa danh là phương thức cấu tạo địa danh quen thuộc của địa danh học.
Các nhà nghiên cứu người Pháp đồng tình theo hướng này. Hiệp hội nghiên cứu Đông Dương (Societé dus Études Indochinoises) xuất bản cuốn "địa chí Bà Rịa" căn cứ sự lưu truyền của dân gian, giải thích nguồn gốc địa danh Bà Rịa là để tưởng nhớ bà Nguyễn Thị Rịa.
Xuất phát từ quan điểm này, Viện Viễn đông bác cổ Pháp (E.F.EO) xây dựng lại mộ Bà Rịa năm 1902 và được chính quyền địa phương trùng tu năm 1936 (3).
Tuy nhiên, sách "Địa chí Bà Rịa" năm 1902 có một chi tiết chưa chính xác. Tài liệu này nói rằng Bà Rịa vào nam khai khẩn đất hoang lập làng Phước Liễu năm 1789 và mất năm Gia Long thứ hai (1803). Không đồng tình về mốc thời gian này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (tác giả Địa bạ Phú Yên và Địa bạ Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: Trong danh mục "Các họ đạo của xứ Đồng Nai từ năm 1747 có ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo Công giáo (4). Như vậy vùng đất có địa danh Bà Rịa đã có từ trước đó rất lâu.
Theo chúng tôi, địa danh Bà Rịa được chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa. Quan điểm này được soi sáng và có căn cứ vững chắc dưới nhiều phương pháp tiếp cận khoa học về lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa dân gian.
Về mặt lịch sử, từ dinh Trấn Biên (Phú Yên), theo tiếng gọi của các chúa Nguyễn, có nhiều đoàn di dân được Nhà nước tổ chức khai khẩn vùng đất biên cảnh ở Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay) trong thế kỷ XVII, trong đó có bà Nguyễn Thị Rịa.
Về mặt dân tộc học, có tài liệu của Trung Quốc như Hán thư, Đường thư chỉ đề cập đến quận Nhật Nam mà nhà Hán đã từng tạm chiếm. Biên giới quận Nhật Nam là Lăng già Bát Bạt Đa (phiên âm địa danh Chăm Linga Pravta - Linga đại sơn thần) - tức núi Đá Bia. Ngoài ngọn núi này là "Nhật Nam ngoại khiếu" (ngoài cõi Nhật Nam). Tân Đường thư đề cập đến Vương quốc Bà Ly nào đó là mơ hồ.
Về mặt ngôn ngữ học, không có phương thức biến thể ngữ âm (dân gian gọi là đọc trại) từ Bà Lợi, Bà Ly, Bà Lịa thành Bà Rịa hoặc từ Bà Ray - Bàn Rey thành Bà Rịa.
Về nhân danh, quê gốc Phú Yên có nhiều người tên Rịa. Thế kỷ XX còn có anh hùng thời chống Mỹ Trần Rịa đang được HĐND Phú Yên chọn đặt tên đường.
Về văn hóa dân gian, làng Phước Liễu xã Tam An nói có mộ bà Nguyễn Thị Rịa có phương thức cấu tạo địa danh giống với quê gốc Phú Yên. Xã Tam An do hai xã An Nhất và Tam Phước nhập lại. Xã An Nhất (cũ) có các làng An Lạc, An Hòa, An Đồng, An Trung…
Mộ Bà Rịa vẫn còn đó. Cây cầu nối Tam Phước - An Nhất (nơi Bà Rịa khai hoang 300 mẫu ruộng) được mang tên là cầu Bà Nghè (Bà Rịa được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Hàm Nghè - như tiến sĩ danh dự ngày nay) vẫn còn đó. Ngày giỗ bà Nguyễn Thị Rịa là ngày 16/6 âm lịch, cúng lúc 12 giờ vẫn là một phong tục đẹp mà nhân dân địa phương tiến hành hàng năm.
Vòng thành Mộ Bà Rịa.
Từ những căn cứ trên, nhiều nhà khoa học tán thành cách giải thích địa danh Bà Rịa được chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa trong phương thức cấu tạo địa danh. Điều đó càng nâng thêm niềm tự hào về lịch sử và di sản của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét