Bản Chùa ở xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ (Quảng Trị) nghe có vẻ gần nhưng đường gập ghềnh rất xa. Đến đập Tân Kim - Đá Mài, một công trình thủy lợi lớn của Quảng Trị là bắt đầu thấy nhà sàn của bản lấp ló. Phía sau Bản Chùa là núi Cù Đinh, trước mặt là núi Cu Lơ, bao bọc bản làng Vân Kiều duy nhất của H.Cam Lộ. Những dãy núi này đều có ngọn đồi không tên. Ông Hồ Văn Via, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh (CCB) Bản Chùa cho biết đồi Không tên gắn với trận đánh diệt Mỹ vang dội của "Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ" 51 năm trước trong bài hát "Ơi con suối La La" thuộc núi Cù Đinh mà bản dựa lưng vào. Suối La La hiền hòa qua Bản Chùa và róc rách quanh cả ngọn đồi không tên trước mặt trước khi đổ ra sông Hiếu.
Con suối La La chảy qua Bản Chùa trước khi đổ ra sông Hiếu (H.Cam Lộ).
|
Trước khi lên đây, chúng tôi hỏi thăm qua trưởng thôn Bản Chùa về con suối và đồi Không tên trong bài hát "Ơi con suối La La" của nhạc sĩ Huy Thục thì được anh Hiền trưởng thôn nhiệt tình hướng dẫn gặp CCB Via, người cao niên uy tín của bản bởi ông từng chiến đấu giữ bản những năm tháng ác liệt, nắm bắt và hiểu nhiều chuyện của vùng núi oanh liệt, trung kiên này. Vừa đến đầu bản, tình cờ gặp anh Hồ Văn Hiếu (1978) đang từ rẫy về, chúng tôi vội bắt chuyện để xác thực thêm về con suối đang tìm. "Bản Chùa chính xác có suối La La, mà thôi đi đến nhà già Via hỏi thêm cho kỹ vì trước đây không ai gọi tên đó", anh Hiếu kể mà cũng như tò mò. Chúng tôi tiếp tục đi ngang qua đồi Máu, nghe gọi đã lạnh lưng. Tuy nhiên, đồi Máu là tên do đồng bào đặt chừng 2 thập kỷ trước, không liên quan đến lịch sử kháng chiến mà do từng xảy ra một vụ cướp có đổ máu nên dân bản đặt để nhắc nhớ, răn đe. Đối lập với tên gọi, đồi Máu lấp lánh rừng cây tươi mát. Đặc biệt, màu tím mơ rẫy dứa trải dài, kéo tận lòng bản đẹp đến nao lòng.
Già Via niềm nở đón chúng tôi và bày tỏ sự thú vị khi được hỏi về con suối La La, về đồi Không tên trong năm 1967. Điều ấy cũng bất chợt gợi lên trong ông nhiều hồi ức khác về những năm kháng chiến chống Mỹ. Bản Chùa có vị trí vô cùng hiểm trở, nằm gọn giữa núi Cù Đinh và Cu Lơ với những cao điểm ác liệt, và trên tuyến đường vận tải từ bắc vào, Bản Chùa gần như bị bom đạn cày nát. "Bom Na-pal, máy bay giặc quần thảo, rải chất độc da cam. Cây cối trụi hết, chỉ mỗi tre là sống sót, dân bản phải dần được rút ra Bắc. Còn bộ đội với du kích địa phương trụ bám, chiến đấu", ông Via nhớ lại. Không chỉ Bản Chùa, trên chiến trường Quảng Trị đều khốc liệt từng phút giây.
Theo sử liệu, trên chiến trường Quảng Trị, trong năm 1967, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã phối hợp chiến đấu, độc lập chiến đấu 281 trận, tiêu diệt 13.219 tên địch, bắn cháy 129 máy bay, 708 xe quân sự, thu được 667 súng các loại, phá hủy hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh của địch. Cùng với hoạt động quân sự mạnh mẽ ở vùng đồng bằng, bộ đội Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị đã mở chiến dịch tiến công lớn, dài ngày từ tháng 2 đến 9 - 1967, tổ chức 1.621 trận đánh, trong đó có những trận hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt 32.657 tên địch; thực hiện tốt ý định "giam chân, thu hút" một lực lượng quan trọng binh hỏa lực của Mỹ -ngụy, tạo điều kiện cho đồng bằng đô thị giành thế chủ động tiến công. Cũng vào tháng 2-1967, tại chân núi Cù Đinh, tiểu đội 10 chiến sĩ do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ làm tiểu đội trưởng (Sư đoàn 324) nhận nhiệm vụ bảo vệ kho đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở TX Đông Hà. Hàng ngày, các chiến sĩ lấy nước để uống từ một con suối chảy từ cao điểm 544 xuống. Đây là con suối nhỏ, kéo dài qua nhiều chân đồi. Sáng 28-2- 1967, 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bất ngờ đổ bộ xuống đồi Không tên (nay cách Bản Chùa vài km). Rơi vào thế bị động, lực lượng không cân sức nhưng tiểu đội Bùi Ngọc Đủ quyết tâm bẻ gãy từng đợt tấn công, chặn bước tiêu diệt quân địch. Cho đến hoàng hôn, khi tên chỉ huy của địch bị tiêu diệt buộc chúng đành rút lui, tiêu hao lực lượng gần hết. Phía tiểu đội anh hùng cũng đã có 7 chiến sĩ ngã xuống... Để ca ngợi 10 chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác ngay bài hát "Ơi con suối La La". Bài hát sau đó đã được vang lên khắp các chiến trường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Và cũng từ đây, tên gọi suối La La gắn chặt với địa danh Cù Đinh - Cu Lơ, trong đó có Bản Chùa.
CCB Via (phải) cùng già bản Vàn kể về con suối La La.
|
Chúng tôi hỏi dân làng Bản Chùa về con suối gắn với chiến công anh hùng của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ có phải tên là La La? Già Via cũng như trưởng bản Hồ Văn Vàn đều kể rằng tên gọi đó là bộ đội đặt, còn trước đó theo tiếng Vân Kiều, con suối qua bản được gọi một cách dễ hiểu là Tun Nhả, tiếng Kinh là Khe Chùa. Dân bản cho biết trên con suối đó có một cây cổ thụ tán rộng, có hình như mái chùa nên bà con gọi như thế. Từ năm 1967 về sau, tên gọi gốc gần như biến mất và được mặc định là suối La La một cách tự nhiên. Đến tận bây giờ, người dân Bản Chùa không mấy băn khoăn vì sao con suối được gọi là La La, mà họ tự hào vì do Bội đội Cụ Hồ đặt. Thực tế, suối La La nhỏ và nông, nhưng đến mùa mưa nó cũng hung tợn, nguy hiểm không kém. Chúng tôi được già Via và dân bản dẫn ra tận con suối. Tháng 3, con nước hiền hòa, mát rượi, uốn lượn quanh bản. Tại đây, công nhân cũng đang gấp rút thi công cầu qua suối. Công trình có quy mô khá lớn, sắp tới sẽ góp phần thay đổi lớn đời sống kinh tế của bà con nơi đây. "Khai thác rừng trồng hay sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn, xe cộ vận chuyển dễ dàng hơn", già Via phấn khởi. Chúng tôi nhìn ra đôi bờ suối, những rẫy dứa trông lấp lánh hẳn, nối với màu xanh của những cánh rừng chạy ngút ngàn. Hỏi thêm về đời sống bà con, già Via cho hay Bản Chùa có trên 70 hộ, đều mang họ Bác Hồ, tuy kinh tế vẫn khó khăn nhưng nơi đây mọi người sống hòa nhã, thương yêu đùm bọc nhau. Đặc biệt, những hủ tục lạc hậu như "nối dây" đã được loại bỏ. Chúng tôi trở ra bản trên con đường đang được mở rộng, lại nhớ nhịp cầu qua suối La La vừa hoàn thành, tin lắm đời sống của đồng bào Bản Chùa mai này sẽ đổi thay nhiều hơn...
BẢO HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét