Đến bây giờ, đồng bào vẫn còn kháo nhau câu chuyện có anh con rể và bố vợ ở bản Cờ Đỏ vì ăn chung thịt một con rắn mà vợ chồng người con rể… bỏ nhau.
Không chỉ có lễ hội đập trống mà chuyện kiêng cữ trong ăn uống giữa con dâu, con rể với gia đình bên nội, ngoại của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) cũng là phong tục “độc nhất vô nhị”.
Khấn “Ma mót” khi khách đến chơi nhà
Theo tiếng của đồng bào Ma Coong thì tổ tiên, ông bà mình được gọi là “ma mót”. Cũng như các tộc người khác tồn tại trên thế giới, người Ma Coong rất kính trọng tổ tiên của mình. Bất kể việc lớn, việc nhỏ nào có liên quan đến gia đình, họ cũng báo cáo với tổ tiên trước khi thực hiện.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Đinh Cu (SN 1978) ở bản Nịu, xã Thượng Trạch. Biết có khách đường xa, anh Cu đã chuẩn bị một hũ rượu cần và làm thịt một con gà để đãi khách.
Khách vừa ấm chỗ, anh Cu liền quay vào góc nhà bên phải lầm rầm khấn “ma mót” thông báo có khách đến chơi nhà. Ngoài báo cáo, chủ nhà còn xin cho con cháu và khách sức khỏe, công việc thuận lợi. Sau đó mới mang rượu cần ra đặt trên chiếu ngay giữa nhà. Trên miệng hũ rượu có một cái que nhỏ cỡ ngòi bút và dài chừng một ngón tay người lớn.
Đi với chúng tôi hôm đó có anh Nguyễn Trường Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, anh đã thay mặt đoàn nhận lời chúc, cảm ơn và chúc lại gia chủ rồi lấy que nhỏ bẻ gập lại, thả xuống chậu nước phía dưới hũ. Xong thủ tục này, chủ mới bắt đầu mời khách uống rượu.
Rượu một vòng, chủ nhà bưng lên một con gà luộc và một đĩa xôi chấm cheo (muối giã với ớt rừng). Khi đã ngà ngà, anh Cu kể về những phong tục “độc nhất vô nhị” trong bữa ăn của đồng bào mình.
Đáng chú ý nhất, trong tục ăn uống là sự kiêng khem nghiêm ngặt về một số món thịt trên bàn ăn giữa bố vợ, em (anh trai vợ) và con rể. Giữa bố, anh chồng và con dâu trong nhà.
Thịt một số loại bò sát, gà gây… mất đoàn kết
Từ nhỏ, trẻ em Ma Coong đã được người lớn dạy dỗ về những việc nên và không nên làm của dân tộc mình. Trong đó, việc kiêng cữ trong ăn uống khi ngồi chung mâm với một số người trong gia đình cũng là một phong tục vô cùng quan trọng.
Đồng bào Ma Coong hiện nay vẫn giữ thói quen bẫy thú để làm thức ăn. Và gà trắng, gà rừng, gà cụt đuôi, kỳ nhông, tắc kè, rắn, chuột lồ ô, nhái, rùa là những con vật nếu một vài người trong gia đình ăn chung sẽ gây “mất đoàn kết”.
Theo quan niệm của đồng bào, nếu trên bàn ăn, bàn nhậu có sự góp mặt của bố vợ, anh hoặc em vợ và con rể mà có những món ăn làm từ thịt của các con vật kể trên thì chỉ một trong hai bên được đụng đũa.
Nếu bố vợ và các anh em bên vợ đã ăn món đó trước thì người con rể không được phép đụng vào, ngược lại nếu con rể đã ăn thì bố và anh em bên vợ không được dùng những món đó nữa mà phải chuyển qua ăn món khác.
Điều này cũng được thực hiện tương tự giữa con dâu với bố chồng và anh trai bên nhà chồng.
“Vợ chồng mới cưới nhau về cũng thế, thịt của những loại động vật này cũng phải kiêng không được ăn chung. Trước đây có người phải kiêng 3 năm, giờ thì đỡ hơn, 1 năm, nhưng cũng có nhà mấy tháng”, anh Cu cho biết.
Người Ma Coong kiêng cữ rất kĩ, vì theo quan niệm của họ, nếu cùng ăn thịt những con vật trên thì sẽ mất tình cảm, xảy ra xích mích, không qua lại được với nhau nữa và cũng có trường hợp…chết.
Không chỉ trong gia đình mà bạn bè “cờ lờ xiều” (bạn bè thân thiết - PV) cũng kiêng không ăn chung thịt những con vật kể trên khi lần đầu tiên được mời về nhà chơi, những lần sau thì không vấn đề gì.
Cái tình trong đời sống của bà con là vô cùng quan trọng nên những điều tổ tiên đã đúc rút rồi truyền lại, họ không bao giờ làm trái.
“Kể cả rất đói nhưng bà con vẫn răm rắp làm theo và không ai làm trái với quy định. Đơn giản là vì chúng tôi không muốn bất hòa giữa những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nếu làm thịt một lúc hai con vật nói trên, mỗi bên ăn một con thì không sao cả”, già làng Đinh Mỳ nói.
Cuộc sống của bà con ở Nịu, Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aki, Tuộc, Troi… vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bắt được con rắn, con chuột lồ ô, gà rừng là sẽ có bữa ăn ngon cho cả gia đình. Nhưng vì sợ sứt mẻ tình cảm nên cho dù đói, dù thèm thì con rể vẫn nhường bố vợ, con dâu vẫn nhường bố chồng cầm đũa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét