Đồng bào người Thái ở miền Tây Nghệ An với truyền thống lâu đời đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, hiếm nơi nào có.
Các lễ hội từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân, mỗi bản làng, đó là những lễ hội đậm đà bản sắc, tinh túy, mang hương sắc của núi rừng.
Lễ hội Kí Xa của người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) tái hiện hình ảnh của những vị tướng khao quân lính sau những trận chiến căng thẳng. Thông qua lễ hội, bà con dân bản mong muốn những bất hạnh, đau khổ sẽ được xua tan, thay vào đó là những may mắn, tốt đẹp sẽ đến với gia đình nói riêng và bản làng nói chung. Phong tục này cũng thể hiện lòng biết ơn những người khai phá tạo mường, lập bản, đánh giặc cứu dân. Theo thông lệ, lễ hội Kí Xa 8 năm mới tổ chức một lần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc thực hiện lễ hội Kí Xa sẽ được thực hiện, không cần phải chờ đến 8 năm.
Trước đây, lễ hội thường kéo dài khoảng 5 ngày 5 đêm với nhiều hoạt động cộng đồng như đánh cồng, đánh chiêng, giã gạo..., nhưng nay lễ hội thường gói gọn trong 1 ngày 1 đêm. Vì là “lễ hội khao quân lính” của các vị tướng, do đó chỉ có một ông mo “phắn quai” (ông mo được quyền chém trâu) mới được quyền lập lễ. Việc chuẩn bị cho lễ hội Kí Xa khá cầu kỳ, bài bản và mất nhiều thời gian. Những con vật, đồ vật tượng trưng cho những cuộc khai phá bản mường, đánh giặc giữ yên bờ cõi được xếp thủ công, trang trí trong gian chính nhà sàn gồm voi, ngựa, thuyền… Điều thú vị là ngay cả các vũ khí chiến đấu thời hiện đại cũng được bổ sung vào, như: Máy bay, xe tăng, tên lửa... Bên cạnh đó, những hình ảnh tái hiện sự nên thơ, bình dị của núi rừng cũng được trang trí như chim, chuồn chuồn, tổ chim én, sông, nước, núi.
Nghi lễ chính của lễ hội Kí Xa thường được tổ chức vào khoảng 1 giờ sáng. Ông mo chính của lễ hội sẽ dâng lên thần sông, thần núi và tổ tiên một mâm cúng đầy đủ lễ vật gồm thịt gà, mọc, chẻo, rượu, trứng, cá muối chua, nem, cá nướng... Sau khi dâng lễ vật, sẽ tiến hành lễ cúng. Bên cạnh ông mo chính là một ông mo phụ ngồi thổi sáo. Tiếng sáo bay bổng, réo rắt hòa cùng nhịp cúng tạo nên một không gian âm thanh rất lạ và huyền bí. Trong thời điểm này, mọi người sẽ quây quần quanh ông mo và cầu mong cho những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và bản làng. Kết thúc phần nghi lễ, mọi người trong bản cùng nhau đánh cồng, đánh chiêng, uống rượu cần, nhảy múa, hát hò vui vẻ…
Lễ hội Kí Xa không chỉ thể hiện sự biết ơn các bậc tiền nhân, tiên tổ mà còn là nơi gắn kết cộng đồng của đồng bào người Thái ở Quỳ Châu.
Theo Sài Gòn giải phóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét