Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Điện Hải cổ thành - chuyện chưa kể

 Kiệt tác thành quân sự triều Nguyễn

Tròn 160 năm kể từ ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng (năm 1858), thành Điện Hải - dấu tích cuộc chiến oai hùng - đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến thành cổ, hé lộ những câu chuyện thú vị chưa từng được nhắc đến.
Sự tiếp biến phong cách Vauban trong thành cổ Điện Hải, theo các chuyên gia nằm ở 4 góc thành  /// Ảnh: Hoàng Sơn
Sự tiếp biến phong cách Vauban trong thành cổ Điện Hải, theo các chuyên gia nằm ở 4 góc thành
ẢNH: HOÀNG SƠN
“Con đẻ” của vua Gia Long
Nhiều tài liệu ghi lại thành Điện Hải, trước là đồn Điện Hải, xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền và trấn giữ Đà Nẵng.
Thời bấy giờ, đồn được xây dựng trên một gò đất cao cách chỗ cũ 150 trượng (637,5 m). Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đồn được đổi là thành. Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành Điện Hải được xây bằng gạch có chu vi 139 trượng (556 m). Cũng vì kiểu thức, lối kiến trúc hình vuông, 4 góc cửa biển nên đã bị hư hại. Sau 10 năm (1823), đồn được dời vào phía trong (chỗ lồi theo dạng hình thoi mà nhiều tài liệu về sau đều cho rằng thành được xây dựng theo phong cách Vauban - tên một kỹ sư quân sự, thống chế người Pháp) dưới sự giúp sức của Oliver de Puymanel. Tuy nhiên, tại hội thảo về thành Điện Hải vừa tổ chức hồi cuối năm 2017, các nhà sử học đã bác bỏ điều này.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho biết kiểu thành quân sự Vauban có từ thế kỷ 17 và theo chân đội quân xâm lược người châu Âu “lan rộng” ra ngoài. Ông Hải cho rằng có một thời gian dài, các nhà nghiên cứu ở VN thiếu nguồn tư liệu lại dựa theo tư liệu của người Pháp, nên nhận định rằng kiểu thành quân sự đầu thế kỷ 19 là do vua Gia Long cho xây dựng với sự cố vấn của người Pháp. “Tuy nhiên, khi thẩm tra lại tư liệu thì không phải như thế”, ông Hải nói và cho biết, năm 2016 bà Thụy Khuê (nhà báo VN sống ở Pháp) đã viết và giới thiệu cuốn sách, trong đó đề cập thành Điện Hải là do vua Gia Long sáng tạo.
Ông Hải cho biết: “Thực tế, các thành trì VN vào đầu thế kỷ 19 đều do người VN xây nên. Trong các sách quan trọng về triều Nguyễnđều ghi rõ việc này. Một trong những người đóng vai trò quan trọng là vua Gia Long”. Vua Gia Long là người cực kỳ am hiểu, được linh mục Bá Đa Lộc giúp đỡ ngay từ những buổi đầu nên tiếp cận người Pháp rất sớm. “Từ mẫu đóng thuyền đến thành trì, vua đều tự mày mò thiết kế. Do đó, các mẫu thành trì lúc đó là của vua Gia Long”, ông Hải nhận định.
Kiểu thức độc đáo
Phân tích thêm về kiểu kiến trúc thành Điện Hải, ông Phan Thanh Hải cho hay kiểu thành của VN vào thế kỷ 19 “chỉ ảnh hưởng” phong cách Vauban. Cấu trúc thành Vauban ít nhất phải có 5 cạnh trở lên, còn hầu hết thành trì của VN là kiểu thành tứ giác. Ảnh hưởng của Vauban là cho các pháo đài vào 4 góc thành.
“Ví dụ, kinh thành Huế gần như là hình chữ nhật, cái Vauban là việc gắn vào 24 pháo đài cho 4 cạnh, làm lồi ra lõm vào. Nhìn bên ngoài thì rất giống kiểu thành Vauban, nhưng không phải. Đó chính là việc tăng cường tính chất quân sự kiểu Vauban vào kiểu thành phương Đông. Các thành trì thời Nguyễn đều mang phong cách này. Đây là ý chí của vua Gia Long mà ông đã học hỏi để áp dụng vào thành trì của VN chứ không phải sao chép”, ông Hải nhấn mạnh.
Bác bỏ sự giúp đỡ của người Pháp trong việc giúp nhà Nguyễn xây dựng thành Điện Hải, theo ông Hải, đơn cử người được cho là kiến trúc sư thành nhà Nguyễn (Oliver de Puymanel) lại... không có chuyên môn về thiết kế. “Trong thời gian Puymanel giúp vua Gia Long, ông chỉ giúp hậu cần chứ không giúp những việc nòng cốt trong triều đình. Điều này phủ nhận vai trò của Puymanel trong xây dựng thành Điện Hải. Puymanel cũng giúp vua Gia Long khi chưa lên ngôi chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Nói Puymanel cố vấn giúp Gia Long xây dựng kinh đô Huế vào năm 1805 là điều vô lý, vì ông đã chết trước đó 6 năm, vào năm 1799", ông Hải nhấn mạnh. Vị “cố vấn” đó thậm chí chết trước cả khi Nguyễn Ánh lên ngôi vào năm 1802 và lấy niên hiệu Gia Long.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế) khẳng định, lịch sử ghi nhận Puymanel không phải người được đào tạo gì về kiến trúc. Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng, cũng ủng hộ quan điểm thành Điện Hải có sự tiếp thu phong cách thành Vauban, chứ không phải sao chép nguyên mẫu.

Trận thắng vẻ vang nhất thời nhà Nguyễn

Ít ai biết rằng, trong 87 năm chống thực dân, trận chiến đầu tiên nhằm ngăn bước chân đổ bộ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào năm 1858 - 1860 cũng chính là trận thắng oanh liệt nhất, vẻ vang nhất của triều Nguyễn.
Hình ảnh mô phỏng liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ vào thành Điện Hải /// Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu
Hình ảnh mô phỏng liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ vào thành Điện Hải
ẢNH: HOÀNG SƠN CHỤP LẠI TƯ LIỆU
“Lá chắn” của Kinh Đô Huế
PGS-TS Ngô Văn Minh, Ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đã có những phân tích sâu sắc về thành Điện Hải khi đề cập hệ thống phòng thủ ven biển Đà Nẵng thời triều Nguyễn. Theo ông Minh, thành giữ vai trò là cơ sở phòng thủ kiên cố nhất với các đồn, đài... được xây dựng liên hoàn. Dù có sự phòng bị tốt như vậy, nhưng khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược vào ngày 1.9.1858, mặt trận Đà Nẵng nhanh chóng bị vỡ. Chỉ đến khi Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức sung chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam, trực tiếp vào điều khiển chiến trường, tình hình mới có sự chuyển biến. “Với tư duy quân sự thực tiễn, ông đã cho đắp một lũy cát từ ngoài biển, vòng vào bao quanh các đồn Phước Ninh, Thạc Gián... đến sát thành Điện Hải. Ông lại chia vùng chiến sự ra làm các khu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Liên Trì đưa quân đến đóng…”, PGS Minh phân tích.
Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú trong bộ phim tài liệu Sóng cửa Hàn (dài 30 phút do Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng đạo diễn) có nhắc lại chuyện ngày 15.9.1859 quân Pháp tịch thu tấm bản đồ của một vị quan tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Tấm bản đồ này mô tả rất kỹ cảnh chiến sự giữa Pháp và VN vào năm 1858. “Phòng tuyến của VN giăng khắp nơi, quân VN cũng thả những lồng tre chứa đá để cản tàu Pháp vào. Quân triều Nguyễn cũng làm nhiều hàng chông tre tại cửa sông và dày đặc phòng tuyến khắp Đà Nẵng. Trong suốt 18 tháng, cuộc chiến đấu diễn ra giằng co. Nhiều lần quân Pháp đã chọc thủng phòng tuyến nhưng cuối cùng phải rút về vì nơi nơi đều giăng đầy lũy”, ông Tú nói.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế), bộ binh Pháp khi vào được đất liền cũng vấp phải những lũy phòng ngự hàng hàng lớp lớp của triều Nguyễn. “Vì phong thổ không phù hợp dẫn đến bị tiêu hao lực lượng, nên tháng 3.1860 thực dân Pháp phải chấp nhận thất bại và rút khỏi Đà Nẵng”, ông Tiến dẫn sử liệu và phân tích thêm: Quân số của tướng Nguyễn Tri Phương có tại Đà Nẵng không nhiều hơn quân Pháp, nên nhà Nguyễn tìm cách chế ngự sở trường của quân Pháp và buộc phía địch phải dùng sở đoản.
Thắng lợi vang dội về chiến lược
Tại hội thảo về thành Điện Hải diễn ra cuối năm 2017, nhiều nhà sử học đã khẳng định đây là trận đầu chiến thắng vẻ vang nhất của triều Nguyễn trong lịch sử kháng Pháp. “Có thể nói những chiến lũy trong cuộc chiến xuất phát từ chiến thuật lấy phòng thủ để tiến công mà Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ đạo tại mặt trận Đà Nẵng lúc bấy giờ”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đánh giá.
Cuộc chiến tại Đà Nẵng diễn ra trên “diện rộng”, từ cửa sông đến đất liền nhưng tập trung nhất vẫn là khu vực trong và ngoài thành Điện Hải. Ý nghĩa cuộc chiến, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, vì thế cũng rất đặc biệt: “Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là trận thắng đầu tiên kể từ khi Pháp nổ súng đến lúc VN giành độc lập vào năm 1945. Trong quá trình này, chúng ta liên tục khởi nghĩa, hết sĩ phu này đến sĩ phu khác nổi dậy chống Pháp nhưng bị thất bại, nhiều lãnh tụ đã hy sinh, cũng có những trận thắng nhưng mang tính nhỏ lẻ”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, về tầm chiến dịch, trận thắng ở Đà Nẵng oai hùng nhất bởi Pháp đánh 18 tháng nhưng không chiếm được, buộc phải rút quân đánh ở phía bắc và phía nam. “Pháp cũng không bao giờ trở lại Đà Nẵng bằng giải pháp quân sự. Khi ký được hòa ước năm 1884, Pháp trở lại bình định mà thôi. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đây là trận thắng về mặt chiến lược duy nhất trong thời kỳ Pháp thuộc và là câu chuyện rất ít người biết”, ông Hùng phân tích thêm. Câu chuyện Pháp tấn công Đà Nẵng và thành Điện Hải cũng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử VN từ cổ - trung đại sang cận hiện đại với dấu mốc 1858. “Khi làm hồ sơ xin công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, chúng tôi đã đưa ra quan điểm này và nhanh chóng thuyết phục được Bộ VH-TT-DL”, ông Hùng tiết lộ.
Tiếc rằng, đây là thắng lợi đầu tiên và... duy nhất của nhà Nguyễn, bởi sau này quân Pháp tiến quân vào miền Nam hay đưa quân ra miền Bắc đều đánh thắng rất nhanh, buộc vua Tự Đức phải ký hòa ước.

Bi kịch của vua Tự Đức

Sử liệu ghi nhận vua Tự Đức có công lao to lớn trong buổi đầu kháng Pháp, thế nhưng ông cũng là vị vua mang nhiều bi kịch khi buộc phải ký hòa ước với thực dân và mang tiếng 'bán nước'.
Hình ảnh vua Tự Đức trong vở tuồng Bi kịch hoàng đế thi sĩ do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng /// Ảnh: Hoàng Sơn
Hình ảnh vua Tự Đức trong vở tuồng Bi kịch hoàng đế thi sĩ do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng
ẢNH: HOÀNG SƠN
Tổng tư lệnh cuộc chiến thành Điện Hải
Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng khi xúc tiến thực hiện bộ phim tài liệu Sóng cửa Hàn đã đặt vấn đề “bi kịch” của vua Tự Đức trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858, nhưng cũng nhấn mạnh đến tư duy chiến lược của vị vua này. Bộ phim muốn đưa ra cái nhìn khách quan hơn về vai trò của vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn.
“Lâu nay, có những đánh giá về vai trò vua Tự Đức tôi cho là chưa thật sự khách quan. Nhiều người nói triều đình nhà Nguyễn bán nước, vua Tự Đức nhu nhược… Nhận xét như vậy là thiếu công bằng. Tại cuộc chiến kéo dài 18 tháng ròng rã tại Đà Nẵng, thực dân Pháp đã không thắng được bằng giải pháp quân sự”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, lịch sử ghi nhận vua Tự Đức đã điều binh khiển tướng đến Đà Nẵng, trong đó có tướng Nguyễn Tri Phương. Vua Tự Đức cũng có nhiều chỉ dụ như “ai có công sẽ được thưởng, ai thấy giặc mà chạy thì xử phạt, có khi là chém trước tâu sau”...
Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Lưu Anh Rô, sau khi Nguyễn Tri Phương đưa ra phương lược “lấy thủ làm lợi”, vua Tự Đức đã dụ “phải tùy việc khuyên răn” khi cho rằng giữ thế thủ như thế có “6 điều hại”. Tháng 12 cùng năm, quân triều Nguyễn đã có những chiến công đầu tiên từ phương pháp phục kích. Đến tháng 3.1860, quân Pháp đốt phá Sơn Trà, Điện Hải rồi kéo thuyền quân đi; kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường ra kinh đô Huế thất bại. Và như vậy, trong suốt thời gian giằng co, thành Điện Hải là điểm quyết chiến chiến lược của đôi bên và trở thành biểu tượng của dân tộc trong buổi đầu chống Pháp tại Đà Nẵng. Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng đánh giá: “Nhiều chỉ dụ anh minh của vua Tự Đức, đặc biệt là với chiến lũy Nguyễn Tri Phương, đã tạo bước ngoặt trên chiến trường đánh Pháp. Có thể nói đây là nét son trong nghệ thuật quân sự đầy mưu trí của cha ông ta thời bấy giờ”.
Giới nghiên cứu lịch sử ghi nhận trong toàn bộ cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải, vua Tự Đức là tổng tư lệnh tối cao. Chính vua là người trực tiếp điều binh khiển tướng. Và việc cử Đỗ Thúc Tịnh, một người Đà Nẵng, vào Nam kỳ lục tỉnh và tin tưởng giao nhiều quyền hạn (để tổ chức lực lượng kháng chiến tại chỗ sau khi Vĩnh Long thất thủ), càng chứng tỏ vua Tự Đức có quyết tâm chống xâm lược, ít ra là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Cần nhìn nhận công bằng hơn
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, lịch sử từ năm 1945 đến nay đã có một độ lùi rất xa đủ để nhìn nhận lại, nhất là đối với triều Nguyễn - một triều đại mà hiện VN đang kế thừa trực tiếp di sản của họ. “Vua Tự Đức chính là ông vua bi kịch nhất. Thời ông làm vua cũng chính là thời kỳ phương Tây xâm lược VN. Thành Điện Hải lại là nơi chứng kiến cuộc va đập đầu tiên với liên quân Pháp. Phải nói rõ rằng vua Tự Đức từ năm 1858 đến khi ông mất (năm 1883) vẫn trăn trở bảo vệ đất nước, lấy lại cơ nghiệp của tổ tiên”, ông Hải nói.
Ông Hải khẳng định luận điểm cho rằng Tự Đức là ông vua bán nước sẽ “không bao giờ đúng”. “Chuyện thắng hay thua người Pháp là do thực tế. Lúc đó, gần như các nước châu Á đều thất bại, kể cả Trung Quốc cũng bị liên quân 8 nước giành hết chủ quyền”, ông Hải phân tích, “Nguyễn Tri Phương chỉ là ông tướng dưới quyền, còn vua Tự Đức mới là tổng chỉ huy với quan điểm cương quyết đánh Pháp. Sau này, khi thất bại thì vua mới ký hòa ước. Đó là giải pháp để Pháp tạm thời dừng lại vì đánh chỗ nào chúng ta thua chỗ đó. Đó cũng là bi kịch lớn nhất của vua Tự Đức và đã được ông ghi rõ trên Khiêm cung ký trên lăng mộ ông”. Từ quan điểm này, ông Hải cho rằng cần phải đánh giá lại một cách công bằng về Tự Đức, vị vua tài giỏi về thơ văn, hết lòng làm việc vì quốc gia và yêu nước theo cách của ông.
Một số nhà nghiên cứu khác, trong đó có ông Bùi Văn Tiếng, cũng gợi ý TP.Đà Nẵng nên đặt tên đường Tự Đức nhân kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng cùng cả nước đánh Pháp trận đầu (1858 - 2018), nhằm thể hiện cái nhìn công bằng của hậu thế đối với vị tổng tư lệnh trong cuộc chiến đấu bi tráng này.

Hai nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam

Xét về tính chất và cách thức quy tập, các nhà sử học cho rằng nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung gắn liền với thành Điện Hải trong buổi đầu kháng Pháp. Đây cũng chính là 2 nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên ở VN.
Nghĩa trủng Phước Ninh nơi có tấm bia ghi nhận công đức từng được đề nghị là bảo vật quốc gia  /// Ảnh: Hoàng Sơn
Nghĩa trủng Phước Ninh nơi có tấm bia ghi nhận công đức từng được đề nghị là bảo vật quốc gia
ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau 18 tháng ròng rã giằng co cho đến khi liên quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng (tháng 2.1860), lực lượng triều đình nhà Nguyễn cũng bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn nghĩa sĩ đã ngã xuống, nhất là trong 2 trận đầu Pháp tấn công vào tháng 9 và 11.1858.
Chứng tích cuộc chiến
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, nghĩa sĩ tử trận chỉ được mai táng vội vã và sơ sài. Nhiều năm sau chiến tranh Mậu Ngọ 1858, vua Tự Đức đã chỉ đạo quy tập hài cốt tử sĩ vào 2 nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung.
Vào năm Tự Đức 19 (1866), nghĩa trủng Hòa Vang (tên cũ của nghĩa trủng Khuê Trung) được lập lần đầu tiên ở làng Nghi An (nay thuộc P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ) với 1.300 ngôi mộ. Năm 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay, nghĩa trủng lại dời đến vị trí hiện tại (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) và được công nhận di tích quốc gia năm 1999.
Còn nghĩa trủng Phước Ninh qua nhiều lần quy hoạch hiện chỉ sót lại nhà bia tưởng niệm bằng sa thạch cao 1,2 m, rộng 0,8 m, năm 1988 di tích này được công nhận di tích quốc gia. Trong khi đó, hơn 1.500 nấm mộ tại đây đã được cải táng vào nghĩa trang Sơn Gà ở xã Hòa Khương (H.Hòa Vang). Nhắc lại, nghĩa trủng Phước Ninh do ông Nguyễn Quý Linh (húy Đạo Trai, làm chức Sung chánh Thương biện hải phòng) khởi xướng lập nên vào năm Tự Đức 29 (1876).
Tấm bia cổ ở nghĩa trủng Phước Ninh lưu giữ nhiều thông tin quý giá. Vì vậy, hồi năm 2014 sau khi tổ chức thẩm định giá trị hiện vật, Trung tâm quản lý di sản Đà Nẵng kiến nghị nên công nhận tấm bia này là bảo vật quốc gia (nhưng đến nay chưa được công nhận). Qua thời gian, bia đã mờ nét nhưng vẫn có thể đọc được những dòng chữ đậm tính nhân văn. Bia ghi: “Các vị Phó quản cơ Nguyễn Lân, Hiệp quản Nguyễn Đề được phái đến để cùng với quân binh phát dọn gai gốc, cỏ rác tìm nơi bờ bụi thu nhặt hài cốt tản mác đó đây, rồi dùng giấy, vải mà gói lại đặt vào quách để đưa về chung một khu vực, chôn cất thành nhiều lớp…”.
Tấm bia còn thể hiện nội dung chính ông Đạo Trai “tâu xin giao cho dân lo việc cung phụng gìn giữ, sửa sang quét dọn. Lại xin mua hơn 2 mẫu ruộng đất để chi dùng trong việc giỗ chạp hằng năm”.
Nghĩa trủng độc nhất vô nhị
Nói về nghĩa trủng Phước Ninh, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho biết nơi đây vẫn còn cây đa, tấm bia và đến ngày rằm người dân địa phương vẫn thường xuyên hương khói.
“Liệt sĩ là những người hy sinh vì đất nước trong khi làm nhiệm vụ. Những người dưới trướng Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý tham gia chống Pháp mà hy sinh thì cũng là liệt sĩ. Nên gọi nghĩa trủng này là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của cả nước cũng đúng, bởi trong lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, những người hy sinh vì nghĩa chưa được quy tập vào nghĩa trang. Chưa thấy nơi nào trên cả nước có nghĩa trủng kiểu này”, ông Hùng phân tích. Thật xúc động khi theo dõi trong kế hoạch kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng kháng Pháp, thấy có sự kiện khởi công trùng tu dự án tôn tạo nghĩa trủng Khuê Trung với kinh phí 5 tỉ đồng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, là người kiểm tra hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với thành Điện Hải, đã chia sẻ: “Việc có nên đưa 2 nghĩa trủng vào di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống thành Điện Hải hay không cũng đã được bàn đến. Tuy nhiên, trong hồ sơ cần phải bổ sung thông tin đầy đủ chứng minh gắn liền với thành Điện Hải. Bản thân tôi rất muốn nghĩa trủng không rời rạc, nằm ngoài thành Điện Hải, mà cần có sự liên kết theo hệ thống”.
Trong bài viết Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải - 155 năm sau nhìn lại đăng trong cuốn Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860 (NXB Giáo dục VN 2014), ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cũng nhận định: Cái độc đáo chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh không lâu, lần đầu tiên ở nước ta có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh và Khuê Trung.
Hồi năm 2013, nhân kỷ niệm 155 năm cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải, theo đề nghị của Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, lãnh đạo TP đã đến dâng hương ở 2 nghĩa trủng này.

Kỳ lạ 'tháp hài cốt'

Đây là nghĩa trang chôn cất những kẻ xâm lược bị tử trận khi đánh vào thành Điện Hải (Đà Nẵng) trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858, được một tác giả nước ngoài gọi là “tháp hài cốt”.
Nhà thờ lính viễn chinh liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại nghĩa trang Y Pha Nho /// Ảnh: Hoàng Sơn
Nhà thờ lính viễn chinh liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại nghĩa trang Y Pha Nho
ẢNH: HOÀNG SƠN
Nghĩa tử là nghĩa tận
Khu nghĩa trang này có tên Y Pha Nho nằm trên một ngọn đồi thấp sát lối vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) với 32 ngôi mộ lớn, nhỏ được cho là mộ của những sĩ quan thực dân trận vong khi giao tranh với nhà Nguyễn. Trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis ngày 18.11.1859.
Trung tâm nghĩa trang là nhà thờ nhỏ với kiến trúc kiểu Pháp, trên nóc gắn cây thánh giá. Bên trong, một bàn thờ nhỏ thiết kế theo nghi thức Công giáo. Cũng tại nghĩa trang này, có hầm mộ quy tập hàng chục hòm kẽm chứa hài cốt được cất bốc từ nhiều nơi về. Thời gian đầu, hài cốt bị rơi vãi ra ngoài nên sau đó miệng hầm mộ đã được trám lại bằng bê tông. Theo nhiều tài liệu, công việc quy tập hài cốt được tiến hành vào năm 1895 dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng TP.Đà Nẵng, cho biết trên những tấm bia ghi rõ thông tin các sĩ quan và lính Pháp - Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Regault de Genouilly (tên vị tướng chỉ huy) chết trong những năm 1858 - 1860 tại chiến trường Đà Nẵng khi tấn công vào thành Điện Hải và các đồn, bốt của nhà Nguyễn. Số lượng hài cốtquân viễn chinh không được nêu chính xác, nhưng theo tư liệu Một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá (cuốn Lịch sử Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1983 của tác giả P.Héduy) thì con số này có đến cả ngàn.
PGS-TS Ngô Văn Minh, Ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nói thời gian qua người dân vẫn đến phát cỏ, quét vôi cho khu mộ này vì cho rằng đó cũng là những người bị chính phủ buộc đi xâm lược. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cũng cho biết dù ở khía cạnh quản lý nhà nước chưa có động thái liên quan việc bảo vệ nghĩa trang Y Pha Nho, nhưng người dân xung quanh vẫn thường xuyên chỉnh trang, hương khói thể hiện tính nhân văn sâu đậm của người Việt. “Với người Việt, sống thì thù nhưng chết là bạn, nghĩa tử là nghĩa tận. Quan điểm của Sở VH-TT khi bảo vệ nghĩa trang này là phải đối diện với những ý kiến cho rằng tại sao lại quan tâm đến... mộ kẻ thù của chúng ta. Tôi cho rằng suy nghĩ như thế là không đúng với đạo lý dân tộc”, ông Hùng nói.
Đề nghị công nhận di tích
Ông Huỳnh Văn Hùng đánh giá, nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha độc đáo nhất VN bởi nơi đó đang chôn cất chính những người đến VN xâm lược. Quan điểm của ngành văn hóa là phải bảo vệ nghĩa trang này, coi đó là một chứng tích quan trọng trong chuỗi các di tích về buổi đầu kháng Pháp. Nếu người nước ngoài “tận mục sở thị” nghĩa trang này, họ sẽ hiểu hơn cuộc chiến oai hùng của người VN cũng như sự thất bại của người Pháp. “Nghĩa trang nếu được giữ gìn tốt thì vừa thể hiện đạo lý của người Việt vừa là nơi tham quan du lịch cho người nước ngoài, nhất là đối với người Pháp. Hiện Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã làm xong hồ sơ khoa học trình UBND TP đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp TP”, ông Hùng nói.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nét độc đáo của nghĩa trang này không chỉ ở chỗ chôn xác những người lính viễn chinh trong cuộc xâm chiếm Đà Nẵng 1858 -1860. “Nghĩa trang do chính người Pháp xây dựng và quy tập hài cốt từ nhiều nơi trên chiến trường Đà Nẵng, nhưng khi người Pháp rút khỏi VN, những hài cốt này vẫn bình yên nằm lại và cả thế kỷ nay người Đà Nẵng vẫn hương khói như những con người - chứ không phải những kẻ từng nổ súng giết hại đồng bào mình”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng phân tích. Theo ông Tiếng, trong nhà trưng bày chuyên đề về cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải, không thể thiếu hình ảnh về nghĩa trang này.
Dưới góc nhìn của PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nghĩa trang Y Pha Nho là di tích của cuộc chiến tranh kháng Pháp “gần như duy nhất trên lãnh thổ VN”. “Tôi mong di tích này được đề đạt là di tích quốc gia. Đó cũng là cách làm tốt cho việc phát triển mối quan hệ trong một cách nhìn mới hiện nay”, ông Bang nói trong bộ phim Sóng sông Hàn. Cũng trong bộ phim này, nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý việc giữ lại nghĩa trang Y Pha Nho làm chứng tích về thời kỳ chiến tranh xâm lược. “Đó là việc hết sức cần thiết đứng từ góc độ văn hóa, lịch sử và du lịch”, ông Quốc nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét