Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Về đồng ăn bông

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn ... bông”, câu ca đó người Nam bộ đã trở nên nổi tiếng khi mà bông hoa các loại ngày càng được bà con miệt vườn tận tình đưa vào bữa ăn hằng ngày.


Đó là bông hoa nở từ các loại thực vật trồng sau vườn đến bông hoa dại mọc hoang ngoài đồng, dọc theo mé sông, tất thảy đều được tận dụng để chế biến món ăn. Những dĩa bông xào, những tô canh nấu từ các loại bông không chỉ ngon ngọt mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, điều ngày càng trở thành một vấn nạn lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Thịt trâu, thịt bò xào không thể thiếu các thứ rau bổi đi kèm mà đệ nhất hạng có lẽ là bông thiên lý. Bông thiên lý thơm về đêm, được trồng làm cảnh che mát sân nhà và lấy hoa làm món ăn.

Tô canh bông thiên lý nấu với thịt băm hay tôm tươi giải nhiệt mùa hè. Còn xào với thịt bò, thịt trâu thì hết chê!

Thường người ta chọn thịt nạc để xào, nhưng có người chọn phần gân, hay dựng bò (phần từ đầu gối con bò trở xuống theo cách gọi của người miền Nam) vì cho rằng ăn dai dai, giòn giòn mới ngon.

Thịt hay gân được xắt thành miếng vừa ăn, bắc chảo mỡ phi tỏi cho thơm rồi cho thịt vô xào xăn, vừa chín, nhanh tay nêm nếm vừa ăn thì trút ra dĩa. Cho bông thiên lý vô đảo đều nêm lại rồi trút ra dĩa thịt. Bò xào bông thiên lý thường chấm với nước tương kèm thêm vài lát ớt cay.
Về đồng ăn bông
Canh chua lươn nấu bông so đũa, bông lục bình

Những ngày hè, đám lục bình xanh thẳm điểm bông tim tím trôi đặc kín trên mặt sông. Vớt bông lục bình xào thịt hoặc tép đều ngon. Người ta còn nấu canh chua với bông lục bình.

Trái giác mọc hoang được nấu lấy nước chua, thả vô nồi vài khúc lươn hay lịch đã làm sạch. Rau bổi là bông lục bình và cọng bông súng.

Tô canh chua có màu tím đẹp mắt, mời gọi người thưởng thức. Canh chua bông lục bình đã được đưa vào thực đơn trong các nhà hàng sang trọng.
Về đồng ăn bông
Canh chua cá rô bông lục bình

Tương tự, từ lâu rồi người dân vùng sông nước đã nấu canh chua với bông so đũa. Mùa bông so đũa nở, những cánh hoa trắng ngà như vầng trăng lưỡi liềm đơm đầy cành. Bông so đũa thường được hái sớm mai còn tươi, bỏ đài, cuống và nhụy đắng, rửa nhẹ để tránh bầm dập mất ngon.

Canh chua bông so đũa cá rô đồng phải nấu với cơm mẻ mới “đúng bài” và nêm rau tần dày lá hoặc ngò gai, ít lát ớt. Sau khi nêm nếm vừa ăn nhắc xuống ngay, để lâu bông so đũa rục mất ngon. Món canh chua miệt đồng chỉ nêm đường, muối, ít xài đến bột ngọt.

Ăn canh chua cá rô bông so đũa phải có chén nước mắm nguyên chất và mấy trái ớt hiểm. Có câu ca gắn người phụ nữ với món ăn này: Canh chua nấu cá rô đồng/ Nửa đêm thức giấc nhớ chồng đi xa.
Về đồng ăn bông
Dưa chua bông điên điển

Dưa chua bông điên điển là thức ăn quen thuộc ở đất phương Nam. Bông điên điển hái về rửa sạch, để ráo nước rồi ngâm trong nước vo gạo lắng, có pha chút muối trong khạp da lươn, đậy bằng lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là ăn được.

Có người còn xắt thêm ít lát gừng để lên trên. Dưa chua bông điên điển vừa chua, vừa giòn, nhân nhẩn đắng mà hậu ngọt. Chấm dưa với nước cá kho, thịt kho hay nước tương dầm ớt ăn đều ngon miệng, no cơm.
Về đồng ăn bông
Thịt bò xào bông thiên lý

Một loại bông ưa dùng làm món ăn là bông bí rợ. Bông ngoài vườn được ngắt bỏ nhụy, tước lớp xơ cứng xung quanh đài hoa, rửa sạch rồi đem luộc hay hấp cơm ăn với mắm kho, cá kho hay tép rang cùng cơm nóng.

Bông bí còn được xào với tép bạc. Bữa cơm dọn ra có dĩa bông bí xào tép, dĩa cá kho đậm đà hương vị biết dường bao. Ngày rằm, mùng 1 Âm lịch, người ăn chay có thể nấu canh bông bí với rau tập tàng, thêm miếng tàu hũ càng ngon miệng.
Về đồng ăn bông
Bông bí xào tép

Không biết có phải vì bông bí ngon, bổ và ít nhiều có tác dụng tăng cường sinh lực cho phái mạnh hay không mà có câu ca dao: Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.

Không có bông bí rợ thì xào tép bạc lột vỏ với bông mướp đã là món ăn sang, bởi xào bông mướp với mỡ tỏi cũng đủ ngon ngọt với bữa cơm dân dã miệt vườn: Ngọt ngon bông mướp em xào/ Xa quê anh vẫn dạt dào nhớ quê.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét