Nem nướng có mùi thơm lá chuối nướng, vị chát lá ổi lẫn vị ngọt của thịt nạc ủ chín trong thính gạo.
Thanh Hóa có nhiều đặc sản thơm ngon, nức lòng thực khách như nem chua, chả tôm, cháo canh, bánh khoái tép, gỏi cá nhệch, măng đắng… Trong đó, có cả món nem nướng lá ổi làm những người con xa quê thương nhớ.
Nem nướng được làm từ thịt ba chỉ hoặc nạc vai loại ít mỡ. Để nguyên liệu được tươi ngon, người làm phải chọn mua thịt của con lợn vừa mổ, sờ tay thấy còn ấm. Vì thịt làm nem không được rửa hay dính nước, nên người làm phải thái bỏ diềm ngoài, chỉ lấy phần thịt phía trong để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nem nướng Thanh Hóa thưởng thức cùng lá đinh lăng, tương ớt. Ảnh: Vũ Đậu
|
Lá chuối hột tươi được nướng qua lửa cho dai, thơm, rồi mới lau sạch và xếp nơi thoáng mát. Ngoài ra, không thể thiếu lá đinh lăng non và lá ổi bánh tẻ để lót thịt trước khi gói.
Khác với nem chua, nem nướng có thêm thính làm từ gạo tẻ rang, giã nhỏ bằng cối. Theo kinh nghiệm của người làm, thính giã tay sẽ có vị thơm hơn so với xay bằng máy.
Cầu kỳ nhất là công đoạn thái thịt. Thịt lợn thái phải mỏng vừa, đều tay để gia vị ngấm đều, nhưng không được quá vụn. Thịt thái xong được cho vào khạp (lu sành, sứ) đã thau rửa sạch sẽ, hong khô từ trước để trộn với mắm muối, tiêu, tỏi, bột ngọt. Sau nửa giờ, thịt ướp được trộn thêm thính gạo.
Hỗn hợp nhân nem được nắm chặt tay thành từng miếng theo khối lượng định trước. Cứ 2-3 lớp lá chuối, người dân lại xếp lần lượt lớp lá ổi, đinh lăng, thịt rồi cuộn lại.
Nem gói xong được xâu lại thành chuỗi, treo nơi thoáng mát. Nếu thời tiết nắng ấm thì khoảng 3 ngày là nem chín. Còn vào mùa lạnh, thì độ 5 ngày mới có thể ủ chín thịt trong những lớp lá xanh.
Trước khi ăn, nem được đặt nướng trên than hồng cho tới khi lớp lá chuối ngoài cháy xém gần hết, tỏa ra mùi thơm lừng. Nếu bếp không nhiều than, nem lại được vùi trong tro nóng để chín bằng hơi. Và điều đặc biệt là dù nướng bằng than hồng hay gio ấm, thì nem vẫn giữ nguyên hương vị.
Vũ Đậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét