Khác hẳn với vẻ trầm mặc, yên bình của cố đô trong mắt du khách, Huế những ngày đầu xuân trở nên nhộn nhịp, sôi động với các lễ hội đầy màu sắc, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.
Lễ hội Bài chòi: Bài chòi là một trong những lễ hội đầu xuân phổ biến ở miền Trung. Người xưa có câu: “Đầu năm bói toán đâu xa/Bài chòi một hội biết là rủi may”. Do đó, trong không khí vui tươi rộn rã, người dân trong một làng sẽ cùng nhau tham gia đánh bài chòi để vui chơi, giải trí và cầu may, cầu lộc đầu năm.
Từ mùng 1-10 Tết, dân làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, Hương Thủy) lại tổ chức lễ hội Bài chòi, thu hút từ người già đến trẻ em tham gia hoặc đến đây theo dõi. Làng Thanh Thủy Chánh cũng là nơi duy nhất còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo này. Không gian lễ hội ngập tràn tiếng cười bởi những câu vè, điệu hò dí dỏm được lấy từ ca dao xưa hoặc tự sáng tác, gần gũi đời thường của người rao bài.
Lễ hội Đu tiên: Hàng năm cứ vào ngày mùng 2 Tết, người dân xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, lại nô nức tổ chức lễ hội đu tiên. Trong tiết trời tuyệt đẹp những ngày đầu năm mới, giữa khoảng đất rộng, cây đu tiên chuẩn bị từ nhiều ngày trước được buộc chắc chắn đặt giữa sân.
Trong tiếng reo hò của người xem, nam thanh nữ tú trong những bộ quần áo sặc sỡ sau khi được trang bị thiết bị bảo hộ chắc chắn sẽ bước lên chiếc đu, cố gắng đu thật cao và lâu. Đây là một nét truyền thống độc đáo của địa phương, thu hút đông đảo người dân trong vùng và các địa phương lân cận.
Lễ hội Đua ghe: Vào mùng 7, mùng 8 Tết, hai bên bờ sông Vực thuộc thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) và ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng hò reo của những cổ động viên dành cho các đội đua ghe.
Không khí càng về cuối càng nhộn nhịp hơn khi các đội thi gắng sức cán đích. Ngoài ra, hội đua ghe cũng được tổ chức tại vịnh Lăng Cô, huyện Phú Lộc, vào sáng mồng 6 Tết. Nơi đây trở thành một điểm nhấn du lịch gây nhiều hứng thú cho du khách thập phương khi đến Huế du xuân vào những ngày đầu năm.
Lễ hội Cầu Ngư: Lễ hội Cầu Ngư là một trong những nét văn hóa tâm linh độc đáo của ngư dân vùng cửa biển, nhằm tràn cổ vũ cho ngư dân thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước. Vào ngày 12 tháng giêng hàng năm, tại làng Thái Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, sẽ tưng bừng diễn ra lễ hội đặc sắc này.
Trong lễ hội, mọi người sẽ chuẩn bị những trang phục ngư dân xưa sẽ thực hiện phần nghi lễ trang trọng và không kém phần thú vị nhằm tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt, lao động trên sông nước. Lễ hội có sự tham gia đầy đủ các tầng lớp từ người lớn tuổi cho đến những trẻ nhỏ ở địa phương.
Lễ thượng nêu: Nghi lễ thượng nêu (dựng nêu) là một tập tục có từ thời nhà Nguyễn, nhằm đánh dấu sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, điện Thái Hòa và các miếu trong Đại Nội. Cây nêu được làm bằng loại tre đực, cao, to và khỏe, bên trên treo ấn tín, bút lông… và có lính canh từ khi dựng cho đến ngày khai hạ.
Năm nay, vào ngày 28/1, tức 23 tháng 12 Âm lịch, tại Hoàng cung - Đại Nội Huế, nghi lễ này đã được tái hiện lại tạo không khí vui tươi cho người dân vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Hội vật Thủ Lễ: Được xem là hội vật cổ xưa, hội vật Thủ Lễ đã được duy trì từ hàng trăm năm nay với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Vào mùng 6 Tết hàng năm, tại làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, rất nhiều thanh niên trai tráng, khỏe mạnh sẽ hội tụ để tham gia thi đấu với nhau.
Trong vòng tròn được bao bọc xung quanh là các cổ động viên, những đô vật sẽ đấu theo hình thức đối kháng, loại trực tiếp để vào vòng trong. Người thắng phải vật “lấm lưng trắng bụng” đối thủ (vật để đối thủ chạm lưng xuống đất) với tinh thần thượng võ được đặt lên hàng đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét