Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Tìm hiểu ý nghĩa hoa văn trên thổ cẩm người Thái

(Baonghean.vn)- Qua bàn tay khéo léo của mình, người phụ nữ Thái ở Quỳ Châu (Nghệ An) trong khi dệt thổ cẩm không chỉ muốn tái hiện những sắc màu cuộc sống, mà còn gửi gắm qua đó không ít những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa, thông điệp khác nhau...
Với quan niệm “Gái phải biết làm vải, trai phải biết đan chài”, chính vì vậy phụ nữ Thái tiếp cận nghề dệt thổ cẩm rất sớm. Từ 6, 7 tuổi đã được làm quen với bông, sợi, đến 14, 15 công việc này đã trở nên thành thạo. Người truyền trao không ai khác đó là các bà, các mẹ...
Với họ, dệt thổ cẩm không chỉ là tiêu chuẩn để các chàng trai đánh giá được sự chăm chỉ, khéo léo, là một trong những tiêu chí để lấy chồng, mà đó còn là cách để họ nhắc nhớ những câu chuyện kể có từ xa xưa, những câu chuyện gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái, những câu chuyện được tái hiện không đâu khác chính qua những tấm thổ cẩm
"Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”, đó là cách ví von bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái một khi đã thành thạo trong tạo hình hoa văn thổ cẩm, hay nói cách khác là kể chuyện bằng hoa văn, họa tiết...
Họa tiết mặt trăng và mặt trời được phụ nữ Thái dệt nên gắn với chuyện kể: Một nhà có hai chị em gái một hôm ra suối bắt cá và tìm thấy một quả sung chín. Họ chia đôi quả sung ăn. Hai chị em bỗng có thai, chị sinh được con trai, em sinh được con gái. Cha mẹ sợ mang tai tiếng, cho hai đứa trẻ lên hai bè cho trôi sông. Ở cuối nguồn nước, có một bà hiếm con nhặt được mang về nuôi. Bé gái càng lớn càng xinh đẹp, bé trai càng lớn càng khôi ngô, tuấn tú. Ông bà nuôi gọi chàng trai là Tạo Hún Lu, người con gái là Nàng Uà Piểm. Khi Tạo và Nàng lớn, ông bà nuôi kể cho hai người biết là họ đã nhặt được hai người như thế nào. Tạo và Nàng liền xin phép đi ngược theo dòng sông để tìm lại cha mẹ. Ông bà ưng thuận. Hai người đi hết ngày này sang ngày khác, trên chặng đường nảy sinh tình cảm. Khi tìm được về nhà mẹ, hai người xin mẹ cho lấy nhau. Mẹ Nàng thấy không ngăn cản được tình yêu của hai người, mới đồng ý và sai đôi trẻ vào rừng kiếm nấm và cá cho lễ cưới. Vừa đi đến bìa rừng, trời đất tối sầm, sấm sét rạch đôi bầu trời, chia tách hai người ra hai phía, Tạo bị bắn về phía Đông, biến thành Mặt Trời; Nàng bị bắn về phía Tây, biến thành Mặt Trăng. Hàng tháng, Tạo và Nàng phải đợi đến cuối tháng, lúc mặt trời mọc lên còn nhìn thấy mặt trăng lặn muộn ở đằng Tây, hai người từ hai phía chân trời nhìn nhau, chỉ còn biết khóc, nước mắt đầm đìa nhỏ xuống trần gian thành những trận mưa cuối tháng.
Hoa văn có hình quả trám, loại quả thường chín vào tháng 8 được người phụ nữ Thái thuê lên trang phục với ý nghĩa để tưởng nhớ món ăn đã cứu giúp mình trong ngày cơ hàn những năm tháng đói khổ trước đây . Hoa văn quả trám có rất nhiều dị bản, nhưng chủ yếu đều có các mô típ hình trám đồng tâm và điểm xuyết các hoa văn nhỏ hơn ở giữa. Vì vậy, từ một loại quả tự nhiên đơn giản, người dệt thủ công dân tộc Thái đã biến thành một loại hoa văn độc đáo thể hiện sự khéo léo của bàn tay và trí tưởng tượng của trí óc.
Hoa tám cánh (booc san), đây là hình hoa được mô phỏng lại theo truyện kể trước đây. Truyện kể rằng, khi xưa có một người Thái đi vào rừng khai hoang mở đất. Người đó cứ đi sâu mãi vào rừng đến khi bị lạc, không có gì ăn. Người đó kiệt sức và đói quá, đành ngồi tựa ở gốc cây san. Bỗng có quả san rụng xuống, người đó nhặt lên ăn, nhờ đó mà có sức lực trở lại. Để ghi nhớ loại quả đã cứu sống tổ tiên của mình từ thuở khai hoang lập địa, người Thái dệt booc san lên vải vóc của họ
Hình rồng đối xứng (sóng ngược). Hình ảnh đôi rồng đối xứng nhưng vẫn gắn kết với nhau thường được người Thái gắn với tình cảm vợ chồng. Vì vậy người Thái dệt hoa văn rồng đối xứng để bày tỏ lòng mong muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Hình con voi là loài vật to nhất trong các loài động vật sống trong rừng, có sức mạnh phi thường, sống tập trung thành bầy đàn thể hiện tình đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Khi xưa, voi còn giúp người Thái thồ hàng qua núi rừng, sông suối. Chính vì vậy, người Thái dệt hoa văn con voi để bày tỏ lòng yêu mến con vật này, đồng thời cũng để ca ngợi sự trung thành và tính cộng đồng của voi.
Một loại hoa văn hay gặp trong thổ cẩm của người Thái, cả thêu và dệt, đó là hình con hươu. Theo quan niệm của người Thái, đây là con vật tượng trưng cho sự tự do và trung thành. Có câu chuyện kể về một cậu cậu bé nghèo chăm sóc con hươu, bảo vệ nó khỏi lão đồ tể gian ác. Cậu bé và con hươu trở thành bạn thân. Khi lớn lên, cậu bé được đón lên thành phố học, không kịp chào từ biệt hươu. Hươu lớn lên trở thành đầu đàn, kiêu hãnh với đôi sừng to đẹp. Một ngày nó ăn được một ít muối của những người đi rừng làm rơi và nhớ lại vị cơm nắm muối mà cậu bé mang lên nuôi nó. Hươu tìm về cái hang mà cậu bé từng giấu nó khi còn bé và chờ người bạn thơ ấu. Câụ bé giờ đã thành đạt và có gia đình, một ngày về thăm quê nhà, nhớ con hươu ngày nào nên lên cửa hang tìm hươu không thấy, chỉ thấy một cái cây thân như sừng hươu lá như tai hươu và có hoa trắng tinh khôi thơm ngát...
   
Còn nhiều nữa những câu chuyện được kể từ chính những hoa văn họa tiết trên nền thổ cẩm được dệt nên bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó cũng là cách để người Thái lưu giữ kho tàng truyện kể của riêng mình.
Và hơn hết là lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình - nghề dệt thổ cẩm. Ngoài góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, còn gìn giữ và phát huy, góp phần tạo nên một bản sắc văn hoá đặc thù, mang màu sắc riêng có dù xuất hiện bất cứ đâu...
Không chỉ trong cộng đồng làng xã mà ngay trên cả những sân khấu lớn, trang phục thổ cẩm của đồng bào Thái với những hoa văn, họa tiết tinh tế và không kém phần huyền bí vẫn luôn là điểm nhấn, là hình ảnh được tôn vinh.
                                                                                  Quảng An - Kế Kiên

Bí quyết nhuộm màu thổ cẩm của đồng bào Thái

(Baonghean.vn)- Sử dụng cỏ cây, hoa lá để nhuộm màu cho thổ cẩm là bí quyết của đồng bào Thái Quỳ Châu mà ít người còn biết tới. Và cũng chính bí quyết đó đã định hình nên những sắc màu thổ cẩm riêng có của vùng đất này.
Để tạo ra được những gam màu tự nhiên, tươi tắn, bền đẹp cho từng sản phẩm thổ cẩm, người phụ nữ Thái ở Quỳ Châu phải tìm hái lá cà phê, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, rễ xẹt, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng, cắm phộng, gỗ mít,... để làm màu nhuộm.
Sau khi rửa sạch, các loại lá, rễ cây được cắt nhỏ cho vào nồi đun trong khoảng 10 phút, vừa đủ thời gian để các loại lá, rễ cây ra màu.
Tùy vào từng mẫu hoa văn, bà con có từng cách thức pha chế, với tỷ lệ khác nhau để cho ra các màu sắc như đỏ tím, xanh rêu, màu vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lá cây,...
Màu có thể được nhuộm lên các loại chất liệu vải bông, lụa,... để tạo màu cho một tấm vải hoàn chỉnh, nhưng chủ yếu là nhuộm màu cho sợi.
Tất cả các màu nhuộm đều bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên có trong rừng như màu vàng da cam được chiết ra từ rễ xẹt, lá nhãn vôi ra màu xanh nõn chuối, màu nâu từ lá cà phê, màu đỏ từ cánh kiến.... Còn các màu khác phải pha trộn nhiều loại màu với nhau. Đây là bí quyết pha màu của mỗi "nghệ nhân" để có màu tự nhiên như ý.
Sau khi phơi khô để "bắt màu" là công đoạn se sợi. Bởi được nhuộm màu tự nhiên nên sợi sau khi se có màu sắc tươi tắn, không bị phai màu và điều quan trọng hơn đó là không ảnh hưởng sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Sau khi lên thiết kế riêng với từng loại sản phẩm như váy, khăn... là công đoạn dệt. Đây là khâu đòi hỏi sự tỉ mẫn của người thợ
Chính nhờ sự khéo léo đó, qua từng tấm vải thổ cẩm, chúng ta có thể cảm nhận ngay được nét phong phú của sắc màu đời thường, trong đó nổi bật như màu xanh của cây cối, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, màu trắng, màu hồng, màu đỏ… của các thứ hoa dại trong rừng sâu, trên nương rẫy, ven bờ suối...
Chính bởi được nhuộm màu từ chính cỏ cây, hoa lá, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái Quỳ Châu mang một nét đẹp, giá trị riêng có. Và hơn hết, chính qua đó sẽ không khó nhận ra tình yêu và niềm đam mê nghề như một nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái ở Quỳ Châu. (Ảnh: Sách Nguyễn)
Đó cũng là lý do trang phục của người phụ nữ Thái không pha lẫn dù xuất hiện bất cứ nơi đâu. Ảnh: Sách Nguyễn
                                                                             Đặng Nguyễn- Kế Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét