Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Vui Tết cơm mới

(Baonghean) - Thời điểm này, các nương lúa nếp ở các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn đã vào kỳ chín rộ. Mùa gặt bắt đầu. Khi lúa nếp trên nương về đến nhà, là lúc đồng bào Thái, người Khơ Mú tổ chức Tết cơm mới - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào.
 
Làm cơm mới chuẩn bị lễ cúng.
 
Chúng tôi được cô bé người Thái Lô Mai Sương mời về bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) ăn Tết cơm mới được tổ chức theo dòng họ. Đây không chỉ là dịp gặp gỡ, đoàn tụ của những người thân trong một đại gia đình, ý nghĩa của lễ ăn cơm mới còn lớn hơn thế - đó là nhớ ơn tổ tiên, tạ ơn trời đất năm qua đã cho mưa thuận, gió hòa, cầu mong mùa tiếp theo sẽ bội thu.
 
Lễ ăn cơm mới ở nhà ông Mạc Văn Nguyễn - ông ngoại Sương bắt đầu lúc 16 giờ chiều. Ông Nguyễn trịnh trọng trải chiếc chiếu mới ngay dưới bàn thờ tổ tiên rồi đặt lên đó chiếc mâm mây, đựng một thúng xôi nhỏ. Xôi có màu xanh xanh, mùi thơm nồng nàn. Trong lễ cúng, ông Nguyễn đọc bài khấn kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đá làm nên đồng, nên ruộng để con cháu lao động sản xuất ra hạt lúa, hạt gạo dâng lên tổ tiên. 
 
Sau lễ cúng, mọi người bày biện những thức ăn khác như gà, vịt, cá, các món ăn mang đặc trưng của người Thái lên chung vui. Xôi được xới, bỏ vào ép; mỗi người nhón tay một ít thưởng thức. Để làm nên món “cơm mới” này phải theo một quy trình nghiêm ngặt: Bông lúa nếp được chọn là thứ lúa nếp non ngậm sữa, gần chín, sắc xanh còn lẫn sắc vàng. Những bông lúa được buộc thành từng bó nhỏ, đem luộc lên bằng nước sôi. Những bó lúa nếp sau khi luộc, được đem lên phơi khô trên giàn bếp. Khi chuẩn bị làm lễ, lúa được đem giã thành gạo, rồi ngâm. Độ dẻo của xôi tùy vào độ khéo léo của người phụ nữ Thái.
 
Thời gian tổ chức Tết cơm mới thường vào khoảng tháng 8-9 âm lịch hàng năm khi lúa nếp trên nương đã chín. Ông Lương Bá Vin, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương cho biết: Từ bao đời nay, người Thái ở Tương Dương rất coi trọng lễ cơm mới, bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng và cũng mang tính nhân văn sâu sắc. Lễ cúng cũng là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động và đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong ngày Tết cơm mới.
 
Ngày nay, nhiều gia đình không còn làm nương rẫy, nhưng đến thời gian làm lễ cơm mới, họ cũng mua nếp mới về cúng. Ngày trước, những gia đình cùng làm chung một khoảnh nương lớn thì cùng làm chung một lễ tạ ơn trước lễ cơm mới ngay tại mảnh nương đó để tạ ơn thần thổ địa. Lễ vật tạ ơn rất “hậu”, có rượu cần, lợn, gà, cá... 
 
Còn người Khơ Mú quan niệm: Để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Do vậy, sau mỗi mùa vụ, khi thóc, lúa đã đầy bồ, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất. Với người Khơ Mú, lễ ăn cơm mới là dịp vui hiếm có trong năm, vậy nên lễ được tổ chức lớn hơn so với người Thái và kèm theo đó là nhiều lễ tục, nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh, nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn. Mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công, rộn rã những lời chúc tụng và cùng cầu chúc bước sang năm sản xuất mới gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 
 
Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét