TTO - Không chỉ nổi tiếng là điểm hành hương của các phật tử, chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ởthôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh còn được biết với những huyền tích linh thiêng nơi Trung tâm Phật giáo nước Việt xưa.
Cổng chính vào chùa Tổ chỉ mở trong những ngày lễ hoặc mùng 1 và rằm - Ảnh: Minh Đức |
Chúng tôi đến thăm chùa cận ngày rằm nhưng vẫn cảm nhận không khí ảm đạm, tĩnh mịch. Sân chùa thơm mùi thị và tiếng xào xạc quét lá của người trông chùa. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về ngôi chùa gần như bị “bỏ quên” ở vùng đất Phật giáo lâu đời nhất tại Việt Nam.
“Chùa mẹ-chùa con”
Nằm bên bờ sông Lục, chùa Tổ được xây dựng từ thế kỉ 2 sau công nguyên và được tu sửa lại hoành tráng vào năm 1313 với 50 gian. Hỏi bác trông chùa tại sao lại có tên như vậy, bác bảo vì đây là nơi thờ nàng Man Nương, tổ mẫu của phật giáo hệ thống tứ pháp.
Sân trước điện chính chùa Tổ - Ảnh: Minh Đức |
Tương truyền rằng, Man Nương sinh hạ được một bé gái, sau đó nhà sư Khâu Đà La - vị tổ của đạo Phật đến vùng Luy Lâu thuyết đạo - đã đưa hài đồng đến gần một cây dâu. Chẳng may tán cây xòe rộng, đứa trẻ biến mất vào đó.
Mấy năm sau, mưa bão làm đổ cây rồi thân cây theo dòng sông trôi về Luy Lâu. Người dân mơ thấy điềm báo, liền lấy thân cây đúc thành 4 bức tượng, tương ứng với 4 vị thần linh Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. 4 bà được coi là 4 người con gái của Man Nương.
Về sau, cứ vài năm mở một lễ lớn, người dân lại rước tượng từ các chùa thờ bà Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ về chùa Dâu thờ bà Pháp Vân, là chị cả; sau đó cả 4 bức tượng được rước về “chùa mẹ” là chùa Tổ.
"Với nhiều phật tử, trước khi ghé chùa Dâu phải ghé qua chùa Tổ vì muốn thăm con gái thì phải đi thăm mẹ, mặc dù quy mô và vị trí của chùa Tổ không được như chùa Dâu nổi tiếng. Làng tôi cứ vài năm một lần lại có đám rước bà chúa của làng về “chầu” ông Hoàng, nhưng chưa bao giờ tôi được xem một đám rước 4 chùa quy về một chốn như ở chùa Tổ", bác kể.
Tượng phật mẫu Man Nương trong chùa Tổ với dáng khoan thái, tay bắt vô úy ấn - Ảnh: Minh Đức |
Ao nước không bao giờ cạn
Nhắc tới các truyền thuyết tại ngôi chùa Tổ, mấy người bạn "thổ địa" dẫn tôi đến chùa vẫn truyền nhau về ao nước không bao giờ cạn nơi sân chùa. Vòng từ gian trước sang phía sân bên phải sẽ gặp một ao nước.
Tương truyền năm đó mất mùa, người dân vùng quanh đó đói khổ, đất đai khô cằn. Khi Man Nương cắm cây gậy tích trượng của vị sư Khâu Đà Là xuống đất thì có mạch nước phun lên trời, tưới tắm cho cả vùng đồng ruộng.
Mạch nước năm xưa ngày càng mở rộng, trở thành một ao bèo đằng sau chùa Tổ. Ao nước này được cho là không bao giờ cạn, dù người dân xung quanh đã vài lần tát ao, nhưng cứ bơm nước ra thì mức nước lại dâng lên.
Nhiều người thử cắm que tre xuống lòng ao thì không thấy chạm đáy. Bây giờ, người dân cũng không ai đụng tới ao đó vì coi đây là nơi linh thiêng của chùa.
Có giả thuyết cho rằng, ao nước được thông với sông, nên cứ khi nào nước vơi thì lại tự động dâng cao. Chiều chiều, những người cao tuổi lại tới sân chùa trò truyện, cạnh bên ao nước và kể lại những câu chuyện xưa.
Sân trong với ao nước nằm bên hông trái của chùa - Ảnh: Minh Đức |
Giếng nước mắt rồng
Ngồi nói chuyện với các cụ cao niên trong làng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về kiến trúc cũng như những vị trí đặc biệt trong ngôi chùa. Trước cửa sân chùa Tổ có 2 ao nước nhỏ, mùa mưa nước ngập đầy, mùa cạn xâm xấp nước, có thả súng tím.
Hai giếng nước đặt cạnh nhau, cách lối đi thẳng dẫn vào gian chính cổng chùa. Nhìn từ xa, hai ao nước nhỏ như hai con mắt của rồng với một đầu tròn bầu, một đầu hất nhọn lên như đuôi mắt.
Với ý nghĩa tâm linh và lịch sử lâu đời, các nhà phong thủy cho rằng ngôi chùa Tổ được xây trên long mạch phần ở đầu rồng. Vị trí hai giếng nước chính là mắt rồng.
Người ta cho rằng khi người lễ chùa đi từ cổng chính ngôi chùa qua sân gạch và soi mình xuống giếng nước thì mắt rồng có thể phân biệt được ai là người tốt ai là người xấu.
Giếng nước mắt rồng phải với lối lên xuống như hàng lông mi - Ảnh: Minh Đức |
Tạo hình nghê trong sân chùa - Ảnh: Minh Đức |
Trong khi những ngôi chùa khác ngày càng được tu sửa quy mô, rộng rãi thì chùa Tổ vẫn nằm lặng lẽ trong khuôn viên rợp bóng cây xanh. Gian chính chùa ẩm thấp, với nhiều khoảng mái bị dột.
Mãi tới tận bây giờ, ngôi chùa mới được tu sửa do tượng bà Man Nương và Khâu Đà La bị nước mưa làm hư hại phần nào.
Nhưng với nhiều người thích vãn cảnh chùa, có lẽ ai cũng mong ngôi chùa mãi giữ được vẻ tĩnh mịch, thanh bình như bây giờ, để lại có những buổi chiều ghé thăm chùa và quên đi hết những bộn bề của cuộc sống.
BÙI MINH ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét