Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Rộn ràng lễ “cúng trăng” của đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Bài, ảnh: Hiền Lê 

(Dân Việt) Từ ngày được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, lễ hội Ok-Om-Bok, còn gọi là lễ cúng trăng dường như đã tràn ngập trên khắp phố phường ở thành phố Trà Vinh.

   
Ngày lễ Ok-Om-Bok đã chính thức diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Mười Âm lịch với nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi, thu hút nhiều đồng bào các dân tộc khác tham gia. Nhưng cứ trước lễ vài ngày thì không khí chuẩn bị mùa Ok-Om-Bok đã nhộn nhịp lên hẳn, không chỉ ở phum sóc mà còn lan toả trên khắp phố phường.
Lễ Ok-Om-Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng được xem là lễ hội lớn nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như một vị thần điều tiết mùa màng, phù hộ cho dân làm kinh tế khá giả trong năm, nên trong ngày này, mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng.
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 1
Không khí phố phường trong ngày lễ Ok-Om-Bok.
Dù là một người Kinh nhưng sống ở Trà Vinh, tôi vô cùng hào hứng với không khí tưng bừng của lễ hội. Gần đến ngày lễ, tôi cũng tự mình chuẩn bị một mâm lễ để cúng kiếng ông bà rồi mời mọi người đến chung vui trong ngày lễ quan trọng này của người Khmer. Không khí thật rộn ràng, khắp các con đường quanh thành phố đều có trang trí biểu ngữ, băng rôn chào đón ngày lễ này. Người dân ở khắp nơi cũng đều tụ hôi về đây để cùng đồng bào Khmer thưởng thức một mùa Ok-Om-Bok an lành, hạnh phúc.
Theo phong tục của bà con, Lễ Ok Om Bok bao gồm các hình thức như: Lễ tại gia đình, lễ ở chùa hoặc các điểm của cộng đồng trong phum sóc. Nhưng quy mô tổ chức lớn nhất là tại Khu di tích danh thắng cấp quốc gia Ao Bà Om. Trong ngày 14 âm lịch, mọi người tập trung hai bên bờ sông Long Bình (thành phố Trà Vinh) để xem đua ghe ngo truyền thống. Sáng hôm sau mọi người lại tề tựu về Ao Bà Om tham dự các trò chơi dân gian như kéo co, đập nồi, nhảy bao,... thi đấu bóng chuyền, tham quan hội chợ trưng bày, tham quan Bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer. Tối đến, mọi người xem biểu diễn trang phục, xem văn nghệ. Đặc biệt, sau khi chứng kiến lễ, mọi người được dự khán cuộc trình diễn hoành tráng của các đoàn diễu hành là các nhà chùa đi vòng quanh Ao Bà Om, rồi xem thả đèn nước, ngắm nhìn đèn trôi trên mặt ao trong đêm trăng rằm lung linh, huyền ảo.
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 2
Chiếc thuyền gió cùng các lễ vật đặc trưng chuẩn bị đón lễ Ok-Om-Bok.
Mùa Ok-Om-Bok càng thêm phong phú khi trong đêm cúng thần Mặt Trăng, bà con sẽ dâng lên vị thần này một mâm lễ phẩm với đầy đủ các món ăn đặc trưng của đồng bào. Trong số các món ấy không thể thiếu món cốm dẹp đặc trưng của người Khmer Trà Vinh. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, người cao tuổi trong phum sóc sẽ tận tay đút từng miếng cốm vào miệng của trẻ nhỏ kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bảo và cuộc sống tương lai. Kết thúc nghi lễ “đút cốm”, mâm cúng được dọn xuống chiếu, mọi người sẽ cùng quây quần bên nhau thưởng thức các món ăn, thể hiện sự đoàn kết, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
Mùa lễ Ok-Om-Bok, thành phố Trà Vinh đón chào từng lượt khách đến nơi đây để hoà cùng niềm vui với đồng bào đang sống trong phum sóc. Lễ hội mang tính văn hoá và thống nhất trong cộng đồng các dân tộc. Đối với người Khmer Trà Vinh, họ luôn tự hào vì chính lễ hội này đã mang lại cho tất cả mọi người một niềm vui to lớn, góp phần duy trì và phát triển nét đẹp văn hoá mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam bộ.
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 3
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 4
Một gia đình dân tộc Khmer đang chuẩn bị đón mùa Ok-Om-Bok.
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 5
Chuẩn bị ghe đua ghe ngo- một hoạt động sôi nổi trong ngày hội.
ron rang le “cung trang” cua dong bao khmer o tra vinh hinh anh 6
Cốm dẹp - lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng dưới ánh trăng rằm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét