(PLO)- Khu vực ngập nước Láng Sen vừa được công nhận là khu Ramsar thứ bảy của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, Long An) vừa đón quyết định công nhận là khu Ramsar, khu vực ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn.
Ngoại trừ QG Tràm Chim (Đồng Tháp), khu Ramsar thứ tư của Việt Nam đang xúc tiến cho hoạt động du lịch, Láng Sen Long An là nơi cuối cùng còn giữ được nét đặc trưng tự nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được UBND tỉnh Long An ra quyết định thành lập từ năm 2004. Đến nay Láng Sen có tổng diện tích hơn 4.800 ha, gồm ba khu chính là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô...
Dự kiến lễ đón quyết định khu Ramsar sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11-2015.
Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý ở các vùng đất ngập nước, nhằm mục đích công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. |
Một số hình ảnh về Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Ong rừng tại khu bảo tồn
Một góc cánh đồng lúa ‘‘ma’’ bất tận. Đây là loài lúa trời tự nhiên, trổ bông theo con nước, chín từng hạt và dễ rụng
Người Nhật đã từng đến đây để nghiên cứu bảo tồn nguồn gien quý của loài lúa nà
Những ‘‘cư dân’’ của Láng Sen
Nhân viên khu bảo tồn làm nhiệm vụ
Phần lớn diện tích mặt nước phủ kính bởi những cánh đồng sen
Láng Sen - đến là... khen
Láng Sen là tên gọi thông dụng của Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen tọa lạc tại xã Vĩnh Lợi (Tân Hưng – Long An), trải rộng 4.802ha trên hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy Đồng Tháp Mười, với nhiều quần thể động thực vật phong phú mang tính đặc trưng.
Đến đây du khách không chỉ được thỏa mắt ngắm nhìn trên 150 loài thực vật khoe sắc màu trên những đồng cỏ bạt ngàn ngập nước theo mùa, với hình ảnh đặc trưng của lung, trấp và đặc biệt là tràm, là sen, là súng... mà còn có dịp thả hồn theo những cung đường chao liệng của 148 loài chim nước, trong đó có trên chục loài có tên trong Sách đỏ.
Ngoài những cò ốc, giang sen, quắm đen, điêng điểng..., còn có Sếu đầu đỏ, loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới.
Năm 2015, Láng Sen được công nhận là Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 trên thế giới, tuy nhiên từ nhiều năm qua, nơi đây là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Và dù đến từ nhiều quốc gia, nói nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung: Đến Láng Sen là khen...
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tọa lạc trên địa phận xã Vĩnh Lợi, Tân Hưng, Long An. |
Trải rộng trên vùng đất trũng thấp nên phương tiện đẹp nhất để khám phá Láng Sen chính là xuồng... |
Địa mạo đặc thù của đầm lầy đã khai sinh cho Láng Sen sinh cảnh đặc trưng... |
Điển hình nhất là những cánh đồng cỏ bạt ngàn ngập theo mùa |
Những cánh đồng Lúa Ma hiếm thấy trong tự nhiên bên ngoài khu bảo tồn. |
Nhưng đặc sắc nhất vẫn là những cánh đồng sen bản địa tự nhiên |
Nơi đây còn được xem là thủ phủ của chim nước với gần 150 loài. |
Cò ốc có tên trong Sách đỏ Việt Nam |
Và có trên chục loài thuộc vào hàng quý hiếm, như: Giang Sen |
Quắm đầu đen... |
Đây cũng là một trong số ít địa điểm ở Việt Nam được Sếu đầu đỏ chọn làm bãi ăn vào thời điểm mùa khô. |
Cá lóc bông khủng dày đặc ở Láng Sen
Chuyện về những con cá lóc bông khủng ở đây ai cũng biết, nên những con cân nặng 7- 8kg chỉ là chuyện nhỏ, anh em ở đây thường gọi là cá… nhi đồng
Ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen này (huyện Tân Hưng- Long An), những bầy cá lóc bông mà có con nặng hơn 10kg vẫn là chuyện bình thường, còn con 7- 8kg được coi là cá “nhi đồng”… Tất cả đã tạo thành một quần thể cá “khủng” quý hiếm cho miền Tây Nam Bộ.
Anh Nguyễn Linh Em đang đo kích thước một con cá lóc bông dài 90cm, nặng khoảng 10kg.
7 -8 kg/con- là cá “nhi đồng”
Chúng tôi tìm về Láng Sen trong những ngày nước lũ. Trong khi cá ngoài thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do bị đánh bắt và nhiều năm lũ kém, thì ở Láng Sen mọi chuyện lại khác, tất cả cứ như “chuyện ngày xưa”: các loài cá ngày càng sinh sôi nảy nở, trong đó có những bầy cá lóc bông cực kỳ đặc biệt.
“Ở đây, những con cá lóc bông nặng 10kg là chuyện bình thường, tôi về đây mới có mấy năm nhưng con cá lớn nhất mà tôi từng cầm tận tay nặng đúng 13,5kg.
Chuyện về những con cá lóc bông khủng ở đây ai cũng biết, nên những con cân nặng 7- 8kg chỉ là chuyện nhỏ, anh em ở đây thường gọi là cá… nhi đồng”- ông Trương Thanh Sơn- Giám đốc Khu bảo tồn cho biết.
Ngồi cạnh bên, ông Nguyễn Công Toại- Phó Giám đốc Khu bảo tồn nói thêm: “Tôi về đây từ năm 2004. Mười mấy năm nay chứng kiến những bầy cá lóc bông sinh sôi nảy nở là một niềm vui lớn.
Con cá lớn nhất lúc nhân viên khu bảo tồn bắt được nặng 15kg, tuy nhiên con cá này có lẽ vừa đẻ nên rất ốm, đầu to, mình dài thoòng, tưởng tượng nếu đủ… thịt chắc nó cũng tầm 18- 20kg”.
Chuyện về con cá lóc bông khủng khiến chúng tôi tò mò, ông Toại liền kêu anh Nguyễn Linh Em- nhân viên khu bảo tồn để “kể chi tiết hơn”. Anh Linh Em cho biết, bầy lòng ròng (cá lóc con) ở đây thường đông gấp 2- 3 lần so với ngoài đồng và luôn có cá mẹ bên dưới chực chờ bảo vệ đàn con.
Anh Linh Em cũng từng chứng kiến cảnh con cá chép bị đàn lóc bông “xử đẹp” cách đây không lâu. “Lúc đó, con cá chép dường như tuyệt vọng bởi đàn cá lóc quá đông lại háu ăn.
Con cá chép lúc vớt lên đã bị ăn mất phần đuôi, chỉ còn khoảng 2/3 chiều dài nhưng khi cân vẫn còn nặng đến 7kg. Cá chép lớn vậy nhưng bị cá lóc bông khủng tấn công mà vẫn không thể chống cự, thấy… ghê hông?”
Nghe anh Linh Em kể chuyện cá lóc bông vùng đất Tân Hưng này mà chúng tôi tưởng như nghe bác Ba Phi kể về con cá lóc miệt rừng U Minh thuở trước.
Ông Nguyễn Công Toại cũng nói, ngay cả những người rành nhất về khu Láng Sen này cũng không thể biết cá lóc bông nhiều cỡ nào, con lớn nhất là bao nhiêu ký. Nhưng có thể nói, quần thể cá lóc bông hiện nay rất nhiều, có giá trị về độ hiếm và là nguồn gien quý.
“Ngay cả tôi làm việc ở đây hơn chục năm cũng chưa dám xuống sông, còn nếu bơi xuồng trong khu bảo tồn, nhất là trong khu bảo vệ nghiêm ngặt thì không dám đưa tay, chân xuống nước vì sợ… cá táp”- ông Toại nói.
Bảo tồn nguồn gien quý
Một bầy lòng ròng cá lóc bông trong khu bảo tồn lúc nào cũng được cá mẹ bảo vệ.
Trong khi cá tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, thì nhiều loài thủy sản nói chung và cá lóc bông nói riêng ở Láng Sen ngày càng sinh sôi phát triển, đó chính là nhờ công tác bảo tồn cực kỳ nghiêm ngặt.
“Với phương châm không can thiệp vào tự nhiên, Láng Sen đã đóng cửa, tự biến mình thành khu biệt lập để bảo vệ hàng trăm loài chim, cò, thủy sản.
Chuyện có cá lóc bông cực lớn ở đây cũng chính là nhờ chúng có một môi trường tự nhiên đúng nghĩa, không có sự can thiệp của con người vào sinh cảnh”- ông Toại cho biết. Rồi cũng chính nhờ vào sự “nổi tiếng” của bầy cá lóc bông mà nhiều hãng sản xuất cần câu nổi tiếng trên thế giới đã tìm đến.
“Một hãng sản xuất cần câu nổi tiếng của Singapore đã từng lặn lội sang tận Láng Sen năn nỉ chụp hình cá lóc bông để quảng cáo, ấy vậy mà khi bắt được con cá 7kg lên cả đoàn ai cũng bất ngờ, cười hớn hở. Họ bảo chưa bao giờ thấy được con cá lóc lớn tới cỡ này”- ông Sơn nhớ lại.
Bảo vệ cá lóc bông cũng chính là bảo vệ nguồn gien quý. Ông Nguyễn Công Toại cho biết, ở Láng Sen có đủ điều kiện để cá phát triển vượt bậc, ở một số khu bảo tồn khác cũng có cá lóc bông nhưng số lượng ít và kích thước cũng không “khủng” như ở đây.
“Hiện rừng quốc gia U Minh thượng đã xin trao đổi về con cá lóc bông này. Cá lóc bông khủng ở đây có giá trị cực kỳ lớn về mặt bảo tồn, bởi đây là giống cá lóc thuần chủng không bị lai tạp có giá trị lớn về nguồn gien.
Nếu chia sẻ loài cá này cho các khu bảo tồn khác thì cá lóc bông không chỉ được bảo tồn tại đây mà còn vươn ra bên ngoài…”.
Cuối năm 2015, Tổ chức công ước Ramsar đã ra quyết định công nhận khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.
Với tổng diện tích 5.030ha, Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Ở đây có sự hiện diện 149 loài thực vật hoang dã thuộc 60 họ; 176 loài động vật thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Theo Khánh Duy (Báo Vĩnh Long)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét