Đi phượt khu vực miền Tây Nam Bộ, chắc chắn không thể bỏ lỡ những món ăn vô cùng đặc sắc ở nơi đây. Với giá thành vô cùng hợp lý và hương vị hấp dẫn không thể cưỡng lại, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi “no nê” hơn bạn nghĩ nhé!
1. Hủ tiếu bò viên
Đặc sản Hủ tiếu bò viên là một trong những món “số dzách” cần phải thử ngay khi đặt chân tới khu vực miền tây Nam Bộ. Một tô hủ tiếu bò viên bình dân thường chỉ có những nguyên liệu hết sức đơn giản: sợi hủ tiếu, bò viên, rau thơm, giá trụng, đôi chỗ còn cho thêm tôm khô và cả củ cải trắng xắt miếng để nấu nước dùng cho thật ngọt.
Sợi hủ tiếu Mỹ Tho thường to và trong, làm từ gạo thơm, nếu là sợi mỳ tươi thì phải dùng ngay trong ngày, có mùi thơm của gạo mới, trụng trong nước sôi thì mềm nhưng không hề bị bở, vẫn giữ được vị dai dai và vị ngọt tự nhiên của gạo. Bò viên được giã tay nên đâu đó vẫn còn sót chút gân, nhai rất đã miệng. Những viên bò được cắt làm bốn nở xòe trên bát hủ tiếu như những bông hoa lớn, rất thơm và ngọt. Húp phần nước dùng ngọt nhẹ, thêm chút ớt bằm và xì xụp phần hủ tiếu mới thấy người miền Tây nấu món ăn này quả thật kì công và khéo léo.
Một phần hủ tiếu bò viên bình dân thế này chỉ có giá 12.000-15.000 đồng/ tô.
2. Bún nước lèo
Bạn chắc chắn sẽ “phải lòng” ngay món bún nước lèo bởi hương vị đặc biệt của nước dùng. Nấu nước dùng là công đoạn cầu kỳ nhất trong tất cả các công đoạn làm bún nước lèo. Nước lèo được nấu từ một số loại mắm khá thông dụng như mắm cá sặc, mắm cá linh hoặc cá kèo, cá lóc. Những con mắm cá được rã trong nước để lấy thịt và lọc bỏ xương, bỏ thêm sả đập dập, một chút ớt , ngãi bún ( một loại củ giống nghệ, màu đậm hơn nghệ) để khử bớt mùi tanh của mắm, nêm đường, bột ngọt cho vừa ăn. Có thể dùng nước dừa xiêm bỏ vào nồi nước lèo để thay thế cho đường và khiến nước dùng ngọt tự nhiên.
Rau trụng ăn kèm với bún nước lèo cũng rất thú vị. Hiếm nơi nào người ta lại sử dụng nhiều thứ rau như thế trong một bát bún như ở miền Tây Nam Bộ: rau muống chẻ, rau răm, húng lũi, hẹ lá, giá, bắp chuối,… Những thứ rau dung dị trụng qua nước dùng rồi đổ thẳng lên bát bún, ăn vừa bùi, lại có chút nhặng nhặng đắng khiến bát bún đỡ ngấy hơn bao nhiêu. Tùy từng địa phương mà người ta sử dụng các loại thịt cá khác nhau để ăn cùng bún, phổ biến nhất là thịt lợn quay thái miếng vuông, tôm tươi bóc vỏ, cá lóc lọc xương…
Bún nước lèo rất phổ biến tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngon nhất phải kể đến bún nước lèo Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá… Giá của một phần bún nước lèo bình dân khoảng 10.000 – 20.000 đồng/ tô.
3. Bún mắm
Bún mắm có vị mắm rõ ràng hơn so với bún nước lèo, nguyên liệu cũng tương tự như bún nước lèo nhưng nước dùng thì lại được nấu ít kì công hơn. Mắm cá được lọc thật kĩ rồi cho vào nấu cùng nước, tỉ lệ mắm cũng nhiều hơn, thêm nhiều sả và ớt hơn để khử bớt vị tanh. Thịt quay, tôm tươi, cà tím thái lát chiên qua trên bếp, mực tươi cắt khoanh chần qua rồi bỏ lên trên, vậy là có một tô bún ngon lành.
Bún mắm tưởng là khó ăn nhưng hóa ra lại là một món ăn dễ ngây nghiện. Mùi mắm cá lúc đầu không quen sẽ thấy rất khó chịu, nhưng ăn vào lại thấy ngọt ngọt, bùi bùi, quyện với vị ngọt của hải sản và thịt quay khiến sợi bún cứ trôi tuột xuống cổ họng. Nếu bạn thích ăn chua chua ngọt ngọt có thể bỏ ra ngoài một chút mắm me, làm từ quả me tươi và đường để chấm thêm.
Giống như bún nước lèo, ăn kèm bún mắm có rất nhiều loại rau trụng, nhưng lại được bỏ riêng ra ngoài chứ không ăn chung trong tô. Những quán bún mắm thường có một tủ những thức rau trụng ăn kèm, đủ màu sắc và tươi rói vô cùng hấp dẫn: rau đắng, cọng bông súng, kèo nèo, rau muống chẻ, hoa chuối,…
Một tô bún mắm giá khá cao, trung bình từ khoảng 25.000 – 40.000 đồng/ tô, đặc biệt nhất có thể lên tới 60.000 đồng/ tô.
4. Canh chua
Người miền Tây rất thích ăn canh chua cá. Ở bất kỳ vùng miền nào bạn cũng có thể ghé vào một hàng cơm ven đường và gọi một bát canh chua cá ngon lành mà không sợ “chặt chém”. Một phần cơm sườn canh chua bình dân cũng chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/suất là có thể no nê cho một bữa trưa hoặc bữa tối.
Canh chua của khu vực miền tây Nam Bộ nổi bật nhất là vị ngọt và vị chua thanh, ăn rất dễ chịu. Người miền Tây chủ yếu sử dụng vị chua của me, dứa, kết hợp với vị chát nhẹ của thân dọc mùng, bông súng làm nổi bật vị béo của cá. Hãy thử tưởng tượng vào một buổi trời trưa nắng gắt, tạt vào ven đường và được thưởng thức món canh chua ngọt bùi, thanh thanh mới dễ chịu làm sao!
5. Bánh xèo rau rừng
Đây là một trong những món ăn tưởng quen mà lại vô cùng hấp dẫn tại xứ sở miền Tây. Bánh xèo rau rừng nhiều nhất có lẽ ở khu vực núi Cấm, An Giang. Trưa hè chói chang, tấp vào một hàng bánh xèo, thấy quầy rau rừng xanh mướt đã thấy cái nóng dịu đi bao nhiêu. Khi khách gọi đồ, chị chủ quán lại khéo léo lựa những cành rau tươi nhất, sạch nhất thả vào rổ, dọn kèm là nước chấm chua ngọt với đu đủ xắt sợi. Bánh xèo được dọn ra sau cùng, và quả thật bánh xèo ở đây to phải gấp hai, gấp ba lần những nơi khác. Bánh xèo An Giang không được tráng giòn mà lại mềm, dẻo và thơm ngậy mùi nước dừa. Ẩn sau lớp vỏ ngọt dịu, vàng ươm là phần nhân đầy đặn gồm thịt, giá, bông điên điển, tôm, củ sắn… còn đang nóng hổi và chín tới.
Bánh xèo ở đây không dùng bánh tráng để cuốn mà dùng trực tiếp lá rau rừng. Rau rừng cũng vô vàn nhiều loại, có thể tha hồ nếm thử, lựa chọn để cuốn cùng bánh xèo mà không biết chán: nào là vị bùi bùi của rau xà lách, vị chua của lá giang, vị chát nhẹ của rau cải xanh, ngoài ra còn vô vàn các loại rau “lạ tai, lạ miệng” khác như đọt bứa, đọt muối, đọt dâu rừng, sung rừng, bằng lăng rừng, bơ, sộp, quỳnh, tam lan, cát lối, chồi mòi, cẩm xuyên, đinh lăng, càng cua... Ngon nhất là mỗi loại bứt ra một chiếc lá, đặt tất cả vào lá xà lách rất rộng bên ngoài, đặt một miếng bánh xèo có cả vỏ cả nhân vào giữa rồi cuốn chặt lại, chấm cùng nước chấm và đưa vào miệng.
Một phần bánh xèo rau rừng đầyđủ như thế này có giá khoảng 30.000- 40.000 đồng.
6. Lẩu mắm Bạc Liêu
Lẩu mắm Bạc Liêu được đánh giá là một trong những món nhậu dễ “ghiền” nhất khi ghé thăm miền Tây. Nếu không quen ăn, lẩu mắm sẽ có mùi khá nặng, nhưng chỉ cần động đũa vào phần nước lẩu tuyệt vời ấy một lần là chắc chắn không thể không “nhúng, nhúng nữa, nhúng mãi”.
Nước lẩu mắm chủ yếu được làm từ cốt mắm cá sặc hoặc rô cùng nước dừa tươi, có nơi bỏ thêm sả và tỏi phi để dậy mùi. Lẩu mắm cá sặc phải ăn với rau đồng mới hợp vị: càng cua, rau dừa, cải xanh, hẹ, rau đắng, rau mác, rau muống, bồn bồn, rau ngổ, tần ô, cần nước, rau muống chẻ, giá, bắp chuối,… Bông dùng trong lẩu cũng cầu kỳ: bông bí, thân súng, bông súng, bông so đũa, hẹ, bông điên điển,… Lẩu mắm ngon nhất là rau, những thức đạm đi cùng cũng là để nâng mùi và vị của món lẩu mắm lên: thịt heo, cá ba sa, cá bông lau, cá kèo, tôm, mực,…Lẩu mắm không phải là thức ăn ào ào cho qua, lẩu mắm là thứ phải “nhậu” theo đúng kiểu miền Tây: nhúng dần từng thức rau vào nước lẩu đang sôi, nhấm nháp chén rượu chuối hột chát chát ngọt ngọt, thêm chút bún rối, vừa ngon, vừa đậm đà.
Lẩu mắm tại miền Tây đa phần đều có mức giá chấp nhận được, khoảng 150.000-180.000/ nồi có thểăn được từ 3-4 người.
7. Nước thốt nốt
Thốt nốt là một trong những đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Nước thốt nốt được cắt trực tiếp từ cuống hoa, để qua đêm sẽ thu được nước rất ngon, ngọt nhẹ và rất thơm. Đến với miền tây, đừng quên ghé lại ven đường và thưởng thức một ly nước thốt nốt tươi, nhấm nháp một chút cùi thốt nốt giòn giòn, bùi bùi hấp dẫn không kém dừa xiêm. Nước thốt nốt còn được cô đặc làm đường thốt nốt, giá cũng rất dễ chịu, có thể mua về nấu chè rất ngon.
Có một thời gian báo chí rộ lên việc làm đường thốt nốt tại miền tây sử dụng nhiều chất bảo quản, nhưng đã đặt chân đến miền Tây thì đừng ngại ngần thưởng thức nước thốt nốt tươi bạn nhé!
Nước thốt nốt tươi có giá khoảng 10.000 đồng/ ly, khá rẻ phải không nào?
8. Ốc len xào dừa
Ốc len có“quê gốc”ở Cà Mau, vì vậy không đâu mónốc len xào dừa lại ngon và hấp dẫn nhưở Cà Mau hay Bạc Liêu. Ốc len rửa sạch, dùng dao chặt bỏ phần nhọn củađuôi ốc, vắt nước cốt dừa vào nồi, nêm nếm thật nhẹ rồiđảo cho chín. Ốc len ăn bằng cách hút vào miện gốc, thịt ốc sẽ tự chui tọt vào miệng, vừa ngậy, vừa béo, rất hấp dẫn.
Ốc len thịt chắc, hòa cùng cốt dừa béo ngậy, ngòn ngọtđúng kiểu miền Tây quả là một món nhậu tốn bia. Chậm rãi nếm phần cốt dừa xào cùngốc đậm đà, thơm phức, đưa con ốc len lên miệng nhấm nháp, thêm cốc bia là dân nhậu miền Tây rồi!
Một đĩa ốc len xào dừa có mức giá khoảng 50.000-80.000 tùy từng địa phương.
Diệp Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét