Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Ai khôi phục vương triều Hậu Lê sau khi bị nhà Mạc giành ngôi?

"Cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm" là nhận xét của Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử về nhân vật lịch sử này.

sau-khi-bi-nha-mac-cuop-ngoi-ai-khoi-phuc-vuong-trieu-hau-le
Tranh minh họa tướng xưa.
Năm 1527, sau gần 100 năm thống trị đất nước, quyền thống trị của nhà Hậu Lê tạm thời chấm dứt. Mạc Đăng Dung lên ngôi và lập ra vương triều nhà Mạc. Tuy nhiên, vương triều mới vừa thiết lập gặp phải một làn sóng chống đối mạnh mẽ do các cựu thần triều Lê khởi xướng. Một bộ phận lớn tầng lớp quan lại, quý tộc cũ triều Hậu Lê bất hợp tác với vương triều mới dưới nhiều hình thức, quyết liệt nhất là nổi dậy chống lại vương triều Mạc.
Một số cựu thần nhà Lê như Lê Công Uyên, Lê Ý nổi dậy nhưng nhanh chóng bị nhà Mạc đánh bại. Người duy nhất chiến thắng vương triều Mạc và gây dựng nền móng cho giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, khởi đầu thế Nam - Bắc triều là Nguyễn Kim.
Nguyễn Kim sinh năm 1468. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là người Bái Trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa). Có tài liệu nói rằng ông là con của đại thần Nguyễn Hoằng Dụ nhưng cũng có tài liệu nói ông là em của Nguyễn Hoằng Dụ.
Nhận xét về công lao của Nguyễn kim với nhà Hậu Lê, Lê Quý Đôn viết trong Đại Việt thông sử: "Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lật đật nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm, cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây".
Dưới triều nhà Lê, Nguyễn Kim giữ chức Hữu vệ Điện tiền tướng quân, tước An thanh hầu. Đầu năm 1529, nhân lúc loạn lạc, Nguyễn Kim đã đem con em lánh sang đất Ai Lao. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Chúa nước ấy là Sạ Đẩu cho rằng ta là nước có quan hệ môi răng với họ, mới đem nhân dân và đất đai Sầm Châu cấp cho Kim. Từ đó, Nguyễn Kim nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp những kẻ chạy trốn, làm phản, ngầm tìm con cháu họ Lê để mưu khôi phục".
Hành động này của Nguyễn Kim là đúng đắn trong bối cảnh năm 1528, Lê Công Uyên cùng Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Trường và Nguyễn Nhân Liên nổi binh đánh nhà Mạc với một đội quân ô hợp, thiếu kỷ luật và nhanh chóng bị thất bại.
Kết quả, cuối năm 1530, Nguyễn Kim đã gây dựng được lực lượng gồm vài nghìn người, 30 con voi và 300 con ngựa, trong đó có nhiều quân lính và thuộc tướng của Lê Ý, người khởi binh chống lại nhà Mạc vào năm 1530.
Đại Việt thông sử chép theo lời thỉnh cầu của các tướng, Nguyễn Kim đã đưa quân từ Ai Lao về đánh chiếm Lôi Dương (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhưng bị phục binh của quân Mạc đánh bại.
Đầu năm 1531, nhà Mạc sai tướng Nguyễn Kính đem quân vào Thanh Hoa đánh Nguyễn Kim nhưng bị Nguyễn Kim đón đánh, phá tan quân của Nguyễn Kính, "vừa chém giết, vừa bắt sống được mấy trăm quân". Nguyễn Kim chia binh tướng đi đóng chiếm các huyện, đồng thời thừa thắng tiến công ra tận Gia Viễn, Điềm Độ chiêu dụ dân và chiếm đất.
Tháng 10/1531, trời mưa nhiều, nước sông dâng cao, lương thực thiếu thốn lại bị quân Mạc thường dùng thuyền tiến đánh, Nguyễn Kim đành phải đưa quân trở lại Ai Lao. Triều Mạc lấy lại được xứ Thanh Hóa, cử hoạn quan Dương Chấp Nhất làm đại tướng quân quản lãnh binh dân ở đó. 
Cuối năm 1533, trên đất Sầm Nưa thuộc Ai Lao, Nguyễn Kim cùng với bề tôi cựu triều là Trịnh Duy Thuận, Trịnh Duy Duyệt, Trịnh Duy Liêu… tôn phò Lê Duy Ninh lên làm vua, tức vua Lê Trang Tông. 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Trang Tông là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu xa đời của Thánh Tông, mẹ là Phạm thị. “Khi Đăng Dung cướp ngôi, tiếm hiệu, vua tránh về Thanh Hoa, thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim sai người dò tìm, đón vua sang nước Ai Lao tôn lập”, sách này viết.
Vua Lê lên ngôi liền đặt niên hiệu, tôn Nguyễn Kim làm thượng phụ thái sư hưng quốc công, còn lại người nào cũng được phong thưởng và ban chức tước. Ngay sau đó, vua Lê cử đoàn sứ bộ gồm hơn 10 người do Trịnh Duy Liêu dẫn đầu vượt biển sang nhà Minh tâu rằng vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống và xin nhà Minh dấy binh hỏi tội nhà Mạc.
Sự nghiệp nhà Lê bắt đầu lại từ đây và miền đất Thanh - Nghệ trở thành địa bàn của công cuộc khôi phục.
Được tin Lê Trang Tông khởi sự ở Ai Lao, kẻ sĩ hào kiệt khắp nơi theo về giúp ngày càng đông.
Đầu năm 1539, Trịnh Kiểm được phong làm đại tướng. Ông vốn theo Nguyễn Kim đi đánh dẹp và lập được nhiều chiến công nên được Nguyễn Kim gả con gái cho. Khi ấy, Trịnh Kiểm cùng các tướng Trịnh Công Năng, Lại Thế Vinh… đem quân bản bộ chia đường tiến đánh các địa phương xứ Thanh Hoa, đánh bại nhà Mạc và chiếm được huyện Lôi Dương.
Cuối năm 1540, Nguyễn Kim tiến quân vào Nghệ An, phần nhiều hào kiệt ở đấy đều theo, xa gần đều hàng phục. Từ Nghệ An, Nguyễn Kim kéo quân ra Thanh Hóa, nhiều lần đánh bại quân Mạc.
Cuối năm 1543, vua Lê Trang Tông đưa quân về chiếm lại thành Tây Giai (tức Tây Đô), tổng trấn Thanh Hóa của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu hàng. Từ Ai Lao, Nguyễn Kim chỉnh đốn quân ngũ kéo về hội quân với vua Lê tại Nghĩa Lộ. Trong lúc thế lực của quân triều Lê đang ngày một hứng khởi thì Trịnh Công Năng nổi quân làm phản, chiếm giữ đầu nguồn Quảng Bình (thuộc Thanh Hóa), dựng doanh trại, chống lại triều Hậu Lê. Không bao lâu, Trịnh Kiểm dẫn quân đến dẹp tan quân của Trịnh Công Năng.
Từ lúc này, toàn bộ địa bàn Thanh - Nghệ thuộc quyền cai quản của nhà Hậu Lê. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản giúp cho công cuộc trung hưng của triều Lê nhanh chóng hoàn thành. Như vậy, Trịnh Kiểm cũng có công lớn giúp đỡ Nguyễn Kim cùng phò vua Lê Trang Tông chống lại nhà Mạc.
Tháng 5/1545, Nguyễn Kim quyết định mở cuộc tấn công lớn ra Bắc. Lê Trang Tông sai thái úy Đinh Công coi giữ ngự dinh còn tự mình đem các tướng tiến ra miền Sơn Nam, đóng dinh ở Yên Mô (Ninh Bình).
Tại Yên Mô, Nguyễn Kim bị hàng tướng triều Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 20/5, hàng tướng Mạc là Trung Hậu ngầm chứa hai lòng, mời thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ. Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất. Trung Hậu đêm ấy trốn đi, quay về với họ Mạc”.
Vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc Nguyễn Kim, liền xuống chiếu truy tặng là Huân Tĩnh công, thụy là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa) để hậu táng. Vua phong con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông làm lãng quận công, con thứ tên Hoàng làm hạ khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc.
Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm được vua Lê phong làm Lượng quốc công, thay Nguyễn Kim nắm giữ binh quyền, tiếp tục sự nghiệp trung hưng.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét