Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành độc lập cho dân tộc sau 20 năm chịu ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh, vua Lê Thái Tổ là một trong những anh hùng tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam.
Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) ở Thanh Hóa.
|
Lê Lợi sinh ngày 6/8/1385, là con thứ ba của Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua sinh tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Khi mới sinh, trông vua thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc thật tinh anh, kỳ vĩ: mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, dáng đi như rồng, nhịp bước như hô, tiếng nói như chuông... Bấy giờ, kẻ thức giả đều cho vua là bậc phi thường".
Trưởng thành trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Việt. Năm 1418, Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh. Dưới sự lãnh đạo của ông, sau 10 năm chiến đấu anh dũng, nghĩa quân đã đánh bại quân xâm lược và giành lại độc lập dân tộc.
Rằm tháng 4/1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh (tức thành Thăng Long), đại xá, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Là hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ mở đầu cho triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 355 năm.
Khi khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh chuẩn bị đi tới thắng lợi cuối cùng, chủ soái Lê Lợi đã nghĩ tới việc tổ chức chính quyền trên phạm vi cả nước.
Năm 1427, Lê Lợi chia các lộ ở Đông Đô (vùng Bắc Bộ ngày nay) thành 4 đạo: Đông đạo, Tây đạo, Nam đạo, Bắc đạo. Đứng đầu các đạo là võ tướng giữ chức Tổng tri trông coi việc quân và dân. Sau khi lên làm vua, ông chia cả nước thành 5 đạo.
Dưới đạo còn có các chức nhiệm ở trấn, châu, huyện. Vùng ven biển hay vùng dân tộc thiểu số ở trung du và thượng du đều có người cai quản với chức sắc và nhiệm vụ riêng. Những tù trưởng có công, người dâng mưu kế hợp ý vua đều được đặc cách trao chức vụ quan trọng.
Tổ chức chính quyền trung ương vào năm 1427 còn đơn giản, chủ yếu làm nhiệm vụ củng cố hậu phương, lãnh đạo cuộc chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng giêng năm 1428, khi chưa lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã khẩn trương họp các đại thần để bàn bạc việc định ra luật trị nước. Tại ngôi điện tranh Bồ Đề (Gia Lâm), trước quan văn võ tham gia đánh thắng ngoại xâm, Lê Lợi tuyên bố: "Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật. Người không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật để dạy các quan, dưới đến nhân dân biết thế nào là thiện, ác. Điều thiện thì làm, điều ác thì tránh, không được phạm pháp".
Ngày 15/4/1428, Lê Thái Tổ lên ngôi thì đến ngày 17/4, ông đã cho ban bố Chiếu thư ra lệnh "Tất cả quân dân khi dâng thư tâu trình việc gì, phải ghi theo đúng niên hiệu, quốc hiệu, đô hiệu, ai trái thì đánh gậy, hoặc bắt đi đầy, giáng chức. Mọi giấy tờ khoán ước mua bán, đổi chác, vay mượn, nếu không theo đúng quy định như trong Chiếu thư thì không có giá trị".
Cũng dưới triều Lê Thái Tổ, nhà Lê đã ban hành một số điều luật mà đến nay vẫn còn được bảo lưu trong Đại Việt sử ký toàn thư như Luật lệnh về kiện tụng (năm 1428); luật lệnh cấm đánh cờ bạc, uống rượu (năm 1428); luật lệnh không được bỏ ruộng đất hoang (năm 1429).
Theo luật thời vua Lê Thái Tổ, hình thức xử phạt với người phạm tội (kể cả quan lại hay dân chúng) thường là giáng chức, cách chức và bắt đi đày. Những người phạm tội thường phải thích chữ vào mặt theo mức nặng, nhẹ khác nhau.
Hình luật và Bộ luật Hồng Đức xuất hiện ở các đời vua sau của nhà Hậu Lê.
Vua Lê Thái Tổ chủ trương xây dựng xã hội lấy nông nghiệp làm gốc. Ngay từ năm 1427, khi còn đang đấu tranh chống quân Minh, Lê Lợi đã chủ trương cho quân về quê cày cấy sau chiến tranh. Cùng năm, ông lệnh cho những người chạy loạn trở về quê quán cày cấy và xử tội nặng những người bỏ nghề nghiệp.
Trong năm 1428, triều Lê dưới sự trị vì của vua Lê Thái Tổ ra lệnh cho các địa phương thống kê tổng số ruộng đất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này: "Ruộng đất của quan ty ngạch cũ, của các thế gia triều trước, của nhân dân tuyệt tự, cùng là ruộng đất của ngụy quan, của lính trốn, các hạng vật theo mùa đều phải kê rõ đủ số, hạn đến tháng tư sang năm phải nộp".
Cuối năm 1428, vua Lê lại hạ lệnh cho các phủ, huyện làm sổ ruộng, sổ hộ. "Chỉ huy cho các phủ, huyện, trấn, lộ đến nơi khám xét các chằm bãi, ruộng đất và các mỏ vàng, bạc... cùng là các hạng ruộng đất của thế gia và nhân dân tuyệt tự, binh trốn đều sung làm của công, hạn đến năm 1429 trung tuần tháng hai, trình lên", Đại Việt sử ký toàn thư ghi.
Đầu năm 1429, triều Lê đã nắm số lớn ruộng đất. Bên cạnh số ruộng đất công, triều Lê còn sung công hàng loạt điền trang của các quý tộc nhà Trần, Hồ tuyệt tự, hàng loạt thửa ruộng tư của địa chủ, nhân dân bị chết trong chiến tranh, ruộng đất của những người Việt từng theo triều Minh. Tổng diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước tăng lên và chiếm ưu thế. Trên cơ sở ruộng đất mới cùng việc lập điền bạ mới hoàn thành, triều Lê ban hành chính sách chia cấp ruộng đất.
Cũng vào năm 1429, vua lệnh cho các đại thần trong triều bàn bạc về việc ban cấp ruộng cho từ đại thần xuống tới hạng người già yếu, mồ côi, góa bụa đều phân ra từng hạng mà chia ruộng. Ngoài ra, vua còn quan tâm đến việc miễn giảm tô thuế. Điều này góp phần kích thích nông nghiệp phát triển.
Những chủ trương của vua Lê Thái Tổ trong phát triển nông nghiệp được các vua Lê đời sau tiếp thu và phát triển hơn.
Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua đời vào ngày 22/8/1433 âm lịch, thọ 49 tuổi, được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Thanh Hóa). Trước đó, ông đã lập con thứ Lê Nguyên Long làm thái tử (tức vua Lê Thái Tông sau này).
Nhận xét về Lê Lợi, sử thần Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp".
Nguyễn Trãi viết về Lê Thái Tổ: Nhưng thịnh đức của vua ta ngày nay, chỉ quy mô rộnh lớn của Hán Cao Tổ mới sánh kịp/ Còn như Câu Tiễn, ngoài chí phục thù là đáng kể, thì trong muôn phần không so được với vua ta/ Đến như: uy thần chẳng giết, đức lớn hiếu sinh/ Nghĩ kế nước nhà trường cửu/ Tha cho mười vạn hàng binh/ Gây lại hòa hảo hai nước/ Dập tắt chiến tranh cho muôn đời/ Địch phải theo thượng sách: hai nước vẹn toàn dân được an ninh/ Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao tổ nhà Hán sao sánh kịp.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét