Làng mây tre đan Triệu Đề
Cách cầu Bến Gạo 5km là làng nghề mây tre đan Triệu Đề (Lập Thạch), làng nghề có từ thời nhà Nguyễn, chuyên đan từ tre, mây ra các đồ dùng sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp như: thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng, gầu tát nước, một số loại dùng để đánh bắt thủy sản... Gần đây, do nhu cầu phát triển, một số mẫu mã mới, sản phẩm mới có giá trị thẩm mỹ đã được sáng tạo: chao đèn, lẵng hoa, làn, hộp đựng vv... được khách hàng nhiều nơi hợp đồng, kể cả xuất khẩu, nên vào vụ nông nhàn, làng nghề lại bận rộn, hối hả để kịp cho đơn hàng thông qua một số doanh nghiệp của làng, đi muôn nẻo...
Làng gốm Hương Canh
Những câu ca xưa còn âm vang mãi trong ký ức của nhiều lớp người về một thời xa vắng mộc mạc, hiền hòa, đằm thắm, an vui của Đất và Người nơi đây nổi tiếng một vùng từ thời Hậu Lê cách nay chừng 250 năm. Là gốm dân dụng gần gũi, thân thương với bao gia đình nhiều miền quê, nào chum, vại, chĩnh, chậu, tiểu sành... rất được ưa chuộng. Vì gốm Hương Canh bền chắc, không thấm nước, ngăn được ánh sáng, giữ nguyên hương vị của vật đựng lại rất đẹp, đẹp tự nhiên, dân dã, mộc mạc mà trầm lắng, nhất là màu sắc của nó? Hay còn bởi nghệ nhân đã dồn bao tâm sức, tay nghề và lòng yêu đất, yêu người đã thổi vào đất? Tất cả đã làm nên bản sắc quý hiếm hút hồn cả nghệ sỹ, đã nâng cánh bay lên tầm mỹ nghệ, mỹ thuật còn được giải trong nước, được triển lãm ở nước ngài .
Hôm nay du khách đến Hương Canh không chỉ thấy gạch gói như hồi nào, mà là đồ mỹ nghệ từ đất: tranh, tượng, phù điêu... đậm hồn quê Đất Việt lại rất thích thú được tham gia vào việc chế tác, tạo dáng... bằng phương pháp thủ công thật thú vị... Ra về lại có thêm những đồ dùng, những tác phẩm gốm đặc sắc chỉ có ở Hương Canh ...
Làng đá Hải Lựu
Vào mùa Lễ hội du xuân, du khách trẩy hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô) sẽ có dịp tham quan làng nghề đụcđá độc đáo của Vĩnh Phúc – Nghề này có chừng 100 năm. Nhờ làng có đá xanh, đá xám chất thành núi, lại có trí sáng tạo và đôi tay khéo đã đục đẽo nên nhiều loại đồ dân dụng sinh hoạt (Cối xay giã, đá mài dao, máng lợn, đế kê cột nhà...), tiến lên đáp ứng yêu cầu cuộc sống có: lọ hoa, tượng Phật, tượng sư tử, voi, chó...đèn vườn... là đồ mỹ nghệ. Một số họa sỹ trong tỉnh còn chọn đá Hải Lựu sáng tạo tượng đá nghệ thuật vv... Đến đây, du khách được xem công việc khai thác đá không kém phần nặng nhọc, biết được quá trình chế tác đá để tạo nên các sản phẩm tiêu dùng và tác phẩm nghệ thuật kỳ công như thế nào. Ra về, đem theo những sản phẩm từ đá, vĩnh cửu, kết tinh linh khí đất trời và lòng người...
Làng mộc Bích Chu
Là một làng quê khá điển hình bên sông Hồng, trên bến dưới thuyền, đường giao thông thuận lợi, cách nay 300 năm trở thành một làng mộc nổi tiếng cả vùng. Cha truyền con nối, chí thú với làng, với nghề, còn có,nhiều hiệp thợ đi làm ăn ngoài thiên hạ rồi gieo nghề đến nhiều nơi... Sản phẩm Mộc Bích Chu đa dạng, bền đẹp, phong phú, tinh xảo: Bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ, phục chế đồ cổ, trùng tu di tích, phục dựng nhà cổ, đáp ứng nhiều loại nhu cầu từ truyền thống đến hiện đại mà du khách lại đang tìm về truyền thống... Bích Chu có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện tham dự hội chợ, còn xuầt khẩu ra nước ngoài, có nhiều quầy hàng lớn bán sản phẩm Bích Chu. Nhiều câu ca về Bích Chu vẫn được khách hàng nhớ mãi: Đồ tre Vĩnh Mỗ, đồ gỗ Bích Chu...
Làng rắn Vĩnh Sơn
Rất thuận lợi cho du khách, từ Lý Nhân, chỉ có 20 phút chạy xe là đến làng Rắn Vĩnh Sơn, cạnh thị trấn sầm uất Thổ Tang - một trung tâm kinh tế đầu mối của Vĩnh Tường, cùng là của Vĩnh Phúc về phía Tây. Đến đây, du khách sẽ rất ngỡ ngàng, lạ lầm, hồi hộp khi được xem các chuồng nuôi rắn, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác... Du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon từ rắn và mua về làm quà đặc sản. Nào rắn xào lăn, xương rắn chiên, băm viên, hầm thuốc bắc có hàm lượng dinh dưỡng cao, rồi rượu rắn, cao rắn, nọc rắn... đã được huy chương tại nhiều hội chợ, dược khách hàng trong nước ưa chuộng, còn có mặt ở một số nước phương Tây, châu Á. Giá trị độc đáo của sản phẩm rắn Vĩnh Sơn là kết tinh truyền từ nhiều đời săn bắt và thuần dưỡng rắn của cư dân châu thổ sông Hồng.
Làng rèn Lý Nhân
Từ Bích Chu, chỉ hơn 1 km là đến làng Rèn Lý Nhân, tập trung ở thôn Bàn Mạch (Thùng Mạch).Tuy có đưa kỹ thuật tiên tiến vào một số khâu, song khách được trải nghiệm quá khứ cha ông đã biến thỏi thép cứng như thế thoắt trở nên sắc như nước…Thật kỳ diệu, nhờ cơ bắp và ý chí sắt thép, Lý Nhân đã làm ra bao nhiêu đồ dùng sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống từ con dao, cái kéo, đục, búa, liềm hái, cuốc xẻng cho đến một số dụng cụ trong ngành y tế, quân sự… Nhiều loại còn xuất sang Lào, Trung Quốc, Cu Ba…tất cả chỉ bằng điều kỳ diệu ấy…
Nguồn Cổng TT-GTĐT Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét