Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Về ba ông vua cuối cùng nhà Trần

Lên ngôi khi quyền hành của Hồ Quý Ly lấn át, ba vua cuối cùng nhà Trần phải chịu kết cục bi thảm và cuối cùng đành nhường ngôi cho nhà Hồ. 

trac-nghiem-ve-ba-ong-vua-cuoi-cung-nha-tran
Đền Trần (Nam Định) là nơi thờ các vua của nhà Trần.
Trần Phế Đế sinh năm 1361, tên húy Trần Hiện, là con thứ của vua Trần Duệ Tông và hoàng hậu Lê thị. Sau khi Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành vào năm 1377, Phế Đế được thượng hoàng Nghệ Tông đưa lên ngôi. Khi ấy ông mới 16 tuổi, mọi quyền hành vẫn do thượng hoàng nắm giữ.
Nhân đà chiến thắng vua Duệ Tông, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga liên tục kéo quân tiến đánh và cướp phá Đại Việt. Năm 1378, quân Chiêm từ phía nam tấn công ra bắc, chiếm cả kinh thành Thăng Long. Vì lo sợ giặc cướp, vua Trần Phế Đế đã hai lần sai người mang tiền vàng đi giấu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 9/1379, vua sai quân dân chở tiền đồng giấu vào núi Thiên Kiện (trước gọi là núi Địa Cận, tục truyền có cây tùng cổ, rồng quấn ở trên, Trần Thái Tông dựng hành cung ở đó). Mùa đông, tháng 10, giấu tiền vàng ở khám Khả Lãng thuộc Lạng Sơn, vì sợ nạn người Chiêm đốt cung điện”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Thiên Tử có cả bốn biển, kho tàng phủ khố đâu chẳng phải là của mình. Đương khi nước nhà nhàn hạ thì làm tỏ chính mình, sửa sang lễ nghĩa, ví như con chim đi lấy rễ dâu rang buộc cửa tổ, thì ai làm nhục mình được. Thế mà sợ nạn Chiêm Thành đốt cướp, đem chở tiền của giấu tận hang cùng núi thẳm, làm kế tránh giặc, thực là nhử giặc đến, chuốc lấy tiếng cười chê của đời sau”.

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quá tin dùng ngoại thích là Quý Ly dẫn đến cảnh giết hại cả tôn thất. Trần Phế Đế hiểu được mối nguy hại mang tên Quý Ly nên có âm mưu trừ bỏ. Biết được tin đó, Quý Ly nghe theo lời khuyên của Phạm Cự Luận, gièm pha và khuyên Nghệ Tông không nên bỏ con mà lập cháu làm vua.
Nghệ Tông nghe xong thấy có lý liền phế truất Phế Đế và sai người giam ông lại. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi đó (năm 1388), tướng chỉ huy các phủ quân cũ như Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp. Vua biết được, viết hai chữ “Giải pháp” (nghĩa là giải tán quân lính) đưa cho các tướng và răn họ không được trái ý vua cha, các tướng mới thôi. Lát sau, thượng hoàng sai dìu vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ chết.
Trần Phế Đế ở ngôi được 12 năm, mất khi 28 tuổi. Thượng hoàng Nghệ Tông sau đó lập con út là Trần Ngung làm vua, lấy hiệu là Trần Thuận Tông.
dung-vua-tran-phe-de-khong-muon-lam-trai-y-vua-cha
Tượng vua Trần Phế Đế trong đền Trần. 

Trần Thuận Tông sinh năm 1378, là con út của thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, việc nước trong tay quyền thần, tai họa đến thân mà không biết”.
Sau khi Trần Phế Đế mất, Trần Thuận Tông được thượng hoàng lập làm vua. Tiếng là làm vua trong 10 năm (1388-1398) nhưng thực ra Trần Thuân Tông không có quyền hành. Thời gian đầu, mọi việc quan trọng do thượng hoàng Nghệ Tông quyết định. Sau khi Nghệ Tông mất thì quyền điều hành chính sự do quyền thần Hồ Quý Ly hành xử.
Năm 1397, Hồ Quý Ly cho dựng đàn xã tắc ở Thanh Hóa với ý định dời đô. Nhiều đại thần phản đối, nhưng Quý Ly không nghe. Còn Trần Thuận Tông không có quyết sách gì, để mặc Quý Ly định đoạt, và bị ép dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa.
Muốn thực hiện mưu đồ cướp ngôi nhà Trần, nhưng do trước đó đã thề với thượng hoàng Nghệ Tông “Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần” nên Quý Ly không thể phế truất Trần Thuận Tông.
Năm 1398, Quý Ly ép Thuận Tông nhường ngôi cho con là Trần An (có tài liệu ghi Trần Án) mới 2 tuổi để lên làm thái thượng hoàng. Như vậy, Quý Ly vừa thực hiện được lời thề là “giúp truyền đến đời sau”, vừa thuận lợi trong việc nắm giữ quyền định đoạt mọi việc triều chính vì Trần An là cháu ngoại của Quý Ly
Đại Việt sử ký toàn thư viết năm 1399, Quý Ly cưỡng bức vua xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh), bí mật sai Nguyễn Cẩn đi theo trông coi. 
Vua hỏi rằng “Ngươi theo hầu ta muốn gì chăng?”, Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ đưa cho Thuận Tông với nội dung: “Trước có vua hèn ngu/ Hôn Đức và Linh Đức/ Sao không sớm liệu đi/ Để cho người nhọc sức”.
Nhận được thư, Nguyễn Cẩn bèn dâng thuốc độc ép vua uống, lại bắt uống thêm nước dừa và không cho ăn để thuốc nhanh phát tác, nhưng vua không chết. Nghe tin báo bức tử không thành, Quý Ly sai Phạm Khả Vĩnh đến thắt cổ vua. Năm đó, Trần Thuận Tông mới 21 tuổi.
dung-vua-thuan-tong-con-bi-quy-ly-ep-di-tu-va-tu-tu
Tượng vua Trần Thuận Tông trong đền Trần. 

Trần Thiếu Đế là con trưởng của vua Trần Thuận Tông và hoàng hậu Lê Thánh Ngâu, con gái lớn của Hồ Quý Ly. Ông lên ngôi năm 1398, khi mới 2 tuổi, trẻ nhất trong các vua nhà Trần và cũng tại vị ít nhất (2 năm).
Thiếu Đế tuy gọi là vua nhưng chỉ là hư vị. Sau khi ông lên ngôi, Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 28/2/1400, Quý Ly ép Thiếu Đế phải nhường ngôi và buộc người tôn thất, các quan ba lần dâng biểu khuyên ông lên ngôi. Quý Ly giả vờ từ chối nói “Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa” rồi tự lập mình làm vua, đặt quốc hiệu là Đại Ngu.
Thiếu Đế bị phế nhưng vì là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng làm Bảo Ninh đại vương. Về sau, sử sách không còn nhắc đến vị vua này nên không rõ năm mất của ông.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét