Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Vua nào lên ngôi trẻ nhất lịch sử Việt Nam?

Lên ngôi khi mới được 1 tuổi 6 tháng, nhưng ông vua nhà Hậu Lê này luôn giữ đất nước được bình yên, được quần thần và nhân dân đánh giá là vua nhân ái.

vi-vua-nao-len-ngoi-khi-con-nho-tuoi-nhat-trong-su-viet
Tranh minh họa vua thời xưa.
Vua Lê Nhân Tông có tên húy là Lê Bang Cơ, là con thứ ba của vua Lê Thái Tông, mẹ là Nguyễn Thị Anh (thời đó xuất hiện tin đồn vua không phải là con của Thái Tông). Sinh ngày 9/6/1441, đến ngày 6/6/1442 Bang Cơ được lập làm hoàng thái tử.
Do vua cha Lê Thái Tông mất sớm, lúc mới 19 tuổi trong vụ án Lệ Chi Viên ngày 4/8/1442, chỉ 4 tháng sau vào ngày 8/12, Nhân Tông được các đại thần là Trịnh Khả, Lê Thụ và Nguyễn Xí lập lên ngôi. Khi ấy, ông được 1 tuổi 6 tháng, là vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua tuổi còn ấu thơ đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại".
Các vua Trần Thiếu Đế lên ngôi lúc 2 tuổi, Lý Cao Tông lên ngôi lúc 2 tuổi 2 tháng và Lý Anh Tông lên ngôi lúc 2 tuổi 6 tháng.
Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc hơn 1 tuổi, Nguyễn Thị Anh, mẹ vua được tôn làm hoàng thái hậu, phải buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước. Theo Đại Việt thông sử, các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính nhưng bà không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ tư, bà mới nhận lời. Trong thời gian nhiếp chính, hoàng thái hậu giúp cả nước được bình yên.
Trong hai năm 1444 và 1445, vua Chiêm Thành hai lần đem quân vây cướp Hóa Châu. Triều đình cử nhiều tướng lĩnh như Lê Bôi, Trịnh Khả, Lê Thận, Nguyễn Xí đi đánh dẹp. Đến năm 1446, thái hậu sai Trịnh Khả, Lê Thụ và Trịnh Khắc Phục dẫn 60 vạn quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Quân Đại Việt đánh tới Đồ Bàn thì phá tan quân Chiêm, bắt sống vua Chiêm Thành là Bí Cai và nhiều tướng tá, thủ lĩnh bộ tộc, cung nữ và khí giới.
Năm 1448, quốc gia Bồn Man chịu nội thuộc của Đại Việt. Vua Nhân Tông và thái hậu đã sáp nhập Bồn Man trở thành châu Quỳ Hợp của nhà nước Đại Việt. Cũng trong những năm tháng nhiếp chính, thái hậu và triều đình đã cho đào sông Bình Lỗ ở Thái Nguyên, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải.
Năm 1451, thái hậu Nguyễn Thị Anh đã giết cha con Trịnh Khả và tướng Trịnh Khắc Phục. Người xưa cho rằng hai người này bị oan.
Về trường hợp của Trịnh Khả, Việt sử giai thoại chép vì vua Nhân Tông lên ngôi khi còn nhỏ tuổi nên Trịnh Khả rất sợ nhà vua bị nhiễm thói hư, lúc nào cũng nghiêm cẩn trong việc chăm sóc. Thế nhưng, bậc đại thần này lại bị kẻ ghen ghét gièm pha, khiến thái hậu Nguyễn Thị Anh cả tin mà nổi giận, giết ông cùng với con trai là Trịnh Bá Quát vào tháng 7/1451. 2 năm sau, ông được minh oan.
Năm 1453, vua Lê Nhân Tông đã lên 12 tuổi, có thể tự coi chính sự. Thái hậu trả lại quyền chính cho vua và lui về hậu cung. 
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ ngày 21/2/1453, vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi niên hiệu, đại xá. "Các điều lệnh ân xá có: tăng chức một bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện. Cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả (tức Trịnh Khả), Lê Khiêm và Trịnh Khắc Phục, đồng thời cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết".
Tháng 3/1454, vua ra thánh chỉ cho xã Đào Xác, huyện Chí Linh, thuộc lộ Nam Sách Thượng rằng: "Vợ góa của Nguyễn Văn Điều là tiết phụ, cho cấp bảng vàng treo ở cổng làng để biểu dương và miễn phu dịch cho 11 người con cháu để phụng dưỡng". Hành động này cho thấy sự quan tâm của vua với dân và sự độ lượng của ông.
Ngoài việc ân xá, trong thời gian làm vua, Lê Nhân Tông đã cho đúc tiền Diên Ninh vào năm 1454, sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước vào năm 1455. Ngoài ra, ông còn xuống lệnh khuyến khích nông nghiệp, miễn giảm thuế khóa rất nhiều cho người dân.
Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông và bà Dương Thị Bí. Ông sinh vào tháng 6/1439 và đến tháng 3/1440 được lập làm hoàng thái tử. Lúc ấy, bà Dương Thị Bí được nhà vua đặc biệt yêu quý nên sinh ra kiêu căng, bởi vậy ai cũng ghét. Nhà vua thấy bà xử sự như vậy cũng không ưa, liền giáng làm Minh nghi (hàng thấp của vợ vua). 
Bà không sửa lỗi lại còn oán hận ra mặt. Vua Lê Thái Tông giận, cho rằng tính khí người mẹ như vậy thì con bà đẻ ra chưa chắc đã là người hiền, bèn giáng bà xuống làm thứ nhân, xuống chiếu ban bố khắp thiên hạ là ngôi thái tử vẫn chưa định. Con bà là Nghi Dân bị truất, xuống làm Lạng Sơn vương.
Ngày 9/6/1441, bà Nguyễn Thị Anh sinh hạ Bang Cơ. Khi Bang Cơ lên 1 tuổi 6 tháng đã được nối ngôi vua và trở thành vua Lê Nhân Tông. Ngôi vị thứ bậc của hoàng tộc đến đó kể như định đoạt xong. Nhưng Lê Nghi Dân vẫn ngầm nuôi ý khác, đặc biệt khi có lời đồn Nhân Tông không phải là con đích của vua Lê Thái Tông. Theo Đại Việt thông sử, Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng.
Theo Việt sử giai thoại, Lê Nghi Dân tập hợp hơn một trăm thủ hạ thân tín. Ông còn có nội ứng trong triều là Lê Đắc Ninh, Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng. Đêm 3/10/1459, Lê Nghi Dân quyết định khởi sự thí vua. Ông cùng bộ hạ bắc thang trèo tường và lẻn vào giết chết nhà vua. Hôm sau, Lê Nghi Dân giết bà Nguyễn Thị Anh và một số người khác, rồi tự lập mình làm vua.
Bấy giờ, các đại thần như Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ... đều căm tức, bí mật bàn chuyện lật đổ Lê Nghi Dân, nhưng chẳng may âm mưu bị lộ. Họ đều bị Lê Nghi Dân giết chết. Bọn gian trá, xu nịnh được dịp hoành hành.
Ngày 6/6/1460, các bậc đại thần khác là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Qúy cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại đồng lòng giết Lê Nghi Dân và tay chân thân tín. Triều thần đón Lê Tư Thành về, lập làm vua Lê Thánh Tông.
Như vậy, ở ngôi chưa được một năm, Lê Nghi Dân đã bị đại thần lật đổ. Sử sách thường không coi ông là vị quân chủ chính thống nhà Hậu Lê.
Nguyễn Khắc Thuần bàn trong Việt sử giai thoại: "Giết vua là mang trọng tội với nước, giết em ruột và giết người nói chung là mang tội ác không thể dung tha, dùng bọn gian xảo và xu nịnh là chà đạp lương tâm của bậc trung nghĩa, sống mà như vậy, độn thổ còn nhục, lẽ đâu lại dám cả gan ngồi lên ngai vàng"?
Hiện tại, Hà Nội và TP HCM chưa có đường, phố nào mang tên vua Lê Nhân Tông. Nhận xét về Lê Nhân Tông, sử gia Phan Phu Tiên: viết "Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vị vua nhân từ".
Bài văn bia Mục Lăng do Nguyễn Bá Kỷ cũng ghi nhận xét về Lê Nhân Tông: "Vua thần sắc anh tuấn, dung dáng đúng đắn, mỗi khi tan chầu, thân đến kinh diên đọc sách, mặt trời xế bóng về Tây mới thôi. Khi đã thân coi chính sự thì tế thần kỳ, thờ tôn miếu đối với thái hậu thì dốc lòng hiếu lễ, đối với anh em thì hết lòng thương yêu, hòa thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn chuộng Nho thuật, xét lời gần, nghe lời xa, chăm sóc chính sự, cẩn thận thưởng phạt. Trong việc nông chuộng nghề gốc rễ, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không ham săn bắn, không gần thanh sắc, không hám tiền của, hậu đối với người, bạc đối với mình, bên trong yên tĩnh, bên ngoài thuận lòng, răn cấm tướng ngoài không gây hấn khích".

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét