Đột ngột qua đời bên ngoài hoàng cung, ông vua nhà Lê sơ đã vô tình gây ra vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi và họ hàng ba đời bị xử tử.
Vua Lê Thái Tông tên thật là Lê Nguyên Long, sinh ngày 21/11/1423 (âm lịch), là con thứ hai của Lê Thái Tổ và bà Phạm Thị Ngọc Trần. Năm 1433, Lê Thái Tổ qua đời, Lê Thái Tông nối ngôi, khi đó mới 11 tuổi, có tướng Lê Sát làm phụ chính.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ. Song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa”.
Đền thờ vua Lê Thái Tông ở Sơn La.
|
Lê Thái Tổ không lập chính thất, ông có ba người vợ. Hai người vợ chính là bà Trịnh Thần Phi sinh ra người con trưởng là Lê Tư Tề và bà Phạm Thị Ngọc Trần sinh ra con thứ là Lê Nguyên Long, bà vợ lẽ Phạm Thị Nghiêu không có con.
Năm 1428, đất nước thái bình, vua Lê Thái Tổ phong con thứ Lê Nguyên Long (tức vua Lê Thái Tông) làm lương quận công. Năm 1429, vua lập con trưởng là Lê Tư Tề làm quốc vương và hoàng tử Nguyên Long làm hoàng thái tử.
Theo Đại Việt thông sử, năm 1432, Lê Thái Tổ mắc nhiều bệnh, chính sự nhà nước đều giao cho quốc vương Lê Tư Tề nhưng quốc vương mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tì thiếp, dần dần không hợp ý Lê Thái Tổ.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mời người cháu ruột là Lê Khôi, lúc ấy đang trấn thủ Hóa Châu, về triều để bàn lập thái tử. Lê Khôi bàn với vua nên lập hoàng thái tử Nguyên Long. Vua nghe lời và quyết định lập Lê Nguyên Long làm thái tử nối ngôi.
Lên ngôi ngày 8/9/1433 thì đến tháng 2/1434, vua Lê Thái Tông tổ chức thi học sinh trong cả nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khoa thi này “lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch”. Nhà vua cũng bổ dụng các Ngự tiền học sinh làm quan.
Tháng 8 cùng năm, nhà vua lại định khoa thi chọn học trò, xuống chiếu rằng “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiệt như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái lao để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi”.
Cũng trong chiếu này, vua Lê Thái Tông đã định rõ thể lệ khoa thi, kỳ thi. “Bắt đầu từ năm 1438, thi hương ở các đạo; năm 1439, thi hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó là quy định lâu dài, người nào thi đỗ, đều được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân. Tất cả khoa mục của các kỳ thi được quy định như sau: Kỳ thứ nhất: một bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, mỗi bài đều 300 chữ trở lên. Kỳ thi thứ hai: Chế, chiếu, biểu. Kỳ thi thứ ba: thi, phú. Kỳ thi thứ tư: một bài văn sách từ 1.000 chữ trở lên”, Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Ngoài ra, vua Lê Thái Tông còn tổ chức thi lại viên, hỏi về ám tả. Những người đỗ hạng nhất được bổ vào Quốc Tử giám, hạng nhì bổ làm sinh đồ và thuộc bên văn.
Năm 1433, khi vua Lê Thái Tổ sắp mất, ông đã giao cho Lê Sát phò giúp vua Lê Thái Tông mới lên ngôi. Việt sử giai thoại viết Lê Sát là tướng tài, quyết đoán, nhưng ít chữ nghĩa, phép xử sự thường thiếu tế nhị, bị lắm kẻ ghét. Đây có thể là lý do sâu xa dẫn đến vụ án Lê Sát và cái chết thê thảm của ông năm 1437.
Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: "Bấy giờ, tuổi vua đã tương đối lớn, đã có thể xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng Lê Sát thì vẫn tham quyền cố vị, cho nên vua rất ghét Sát. Ngoài mặt, vua vẫn tỏ ra điềm nhiên nên Sát không biết sự ghét bỏ này".
Tháng 6/1437, biết vua không thích Lê Sát, hai viên quan là Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích bèn mách tội "Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ". Theo tờ tâu của hai viên quan này, vua trao cho hình quan xét hỏi. Lê Sát cởi mũ, tâu vua rằng: "Nếu ngày nay mà thần bị khép vào tội chuyên quyền thế thì chẳng phải tội của thần mà là do tiên đế sắp đặt mà ra đó sao".
Các tướng Lê Văn Linh và Lê Ngân đều cố sức gỡ tội cho Lê Sát, nhưng vua không nghe. Ông xuống chiếu: "Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước, ghét người tài, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời ngôn quan… Mọi việc hắn làm đều trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết quan chức".
Sau, vua tiếp tục xuống chiếu: "Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ phải đem chém để rao". Lê Ngân và Bùi Cầm Hồ cùng tâu xin không đem xác rao vì Lê Sát từng là đại thần. Vua nghe theo, bèn cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản của Lê Sát đều bị tịch thu. Vua sai đem đồ đạc nhà Lê Sát ban cho các quan.
Về sau, một vị tướng Lam Sơn khác là Lê Ngân cũng bị vua Thái Tông xét xử tử giống như Lê Sát chỉ vì có kẻ tố giác Lê Ngân thờ phật Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình được vua yêu thương hơn.
Theo Việt sử giai thoại, lúc mới 15-16 tuổi, vua Lê Thái Tông có đến 5 người vợ chính thức được sắc phong, đó là các bà: Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Ngọc Dao, Lê Nhật Lệ.
Bà Dương Thị Bí sinh con trai cho vua sớm hơn cả, đó là hoàng tử Lê Nghi Dân. Lê Nghi Dân nhanh chóng được phong làm thái tử, nhưng chỉ một năm sau địa vị của hai mẹ con sụp đổ.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, do bà Dương Thị Bí kiêu căng vì cậy con là thái tử, sau còn hằn học khi bị vua xử phạt. Vua Lê Thái Tông nghĩ một người mẹ như vậy thì đứa con chưa hẳn đã là người khá nên giáng bà Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân, xuống chiếu cho thiên hạ biết là ngôi thái tử chưa định.
Bà Nguyễn Thị Anh sinh ra hoàng tử Lê Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông sau này). Về sau, bà bị Lê Nghi Dân, con trai bà Dương Thị Bí giết hại.
Bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này).
Bà Lê Nhật Lệ (con gái của Lê Ngân) sinh ra hoàng tử Khắc Xương. Khi cha bị xử tội, bà bị phế làm tu dung (bậc thứ năm trong 9 bậc cung tần).
Bà Lê Ngọc Dao là con gái của Lê Sát. Khi cha bị xử tử, bà bị phế làm dân thường.
Tháng 7/1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Lúc ấy, đất nước đang thái bình, nhà vua đang ở tuổi thanh xuân sung sức, không ai nghĩ đó là chuyến tuần du cuối cùng của ông.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Ngày 27/7/1442, vua đi tuần về phía Đông, đến thành Chí Linh để thân duyệt quân đội. Nguyễn Trãi (lúc này đã nghỉ hưu và đang ở Côn Sơn, Hải Dương) mời vua về ngự ở chùa Côn Sơn. Đến 4/8/1442, vua về đến Lệ Chi Viên (tên nôm là Trại Vải) thì bỗng bị bạo bệnh rồi mất.
Trước, vua thích vợ của Nguyễn Trãi, tên Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ đẹp người lại có tài văn chương. Vua gọi vào cung, cho làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận. Khi tuần du miền Đông về, qua Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa linh cữu về. Ngày 6/8 thì đến kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua".
Về nguyên nhân cái chết của vua, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Trăm quan đều giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về cung. Nửa đêm, vào đến cung mới phát tang. Người ta nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt Thị Lộ".
Vì Nguyễn Thị Lộ bị nghi giết vua nên ngày 16/8/1442, có lệnh "giết quan Hành khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ".
Câu hỏi Nguyễn Thị Lộ có thực sự giết vua gây tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng nhằm củng cố vị thế của con trai (hoàng tử Lê Bang Cơ, sau là vua Lê Nhân Tông), một trong 5 bà vợ vua đã đổ oan cho Nguyễn Thị Lộ. Nhưng cũng có tác giả phủ nhận quan điểm này, cho rằng Lê Thái Tông chết đột ngột ở Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi chỉ là người không may mắn.
Nguyễn Khắc Thuần bàn trong Việt sử giai thoại: "Sau chiến tranh, hàng loạt anh hùng Lam Sơn bị tha hóa, lo vinh thân phì gia mà sao nhãng việc ích nước lợi dân, người đức độ như Nguyễn Trãi bỗng dưng trở thành cái gai khó chịu trước mắt họ. Nguyễn Trãi đã cáo quan xin về trí sĩ, lùi xa chốn kinh thành hỗn tạp mà nào có được sống yên… Vụ án Lệ Chi Viên là vết nhơ nhục nhã muôn đời vậy. Triều thần bấy giờ chém được Nguyễn Trãi, tru di được tam tộc của Nguyễn Trãi, có biết đâu tên tuổi của Nguyễn Trãi lại đời đời bất diệt với non sông".
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét