Theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh từ những ngày đầu, anh em họ Đinh đã lập nhiều chiến công và được vinh danh là khai quốc công thần nhà Hậu Lê.
Tranh minh họa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Đinh Lễ và Đinh Liệt là anh em ruột và đều là khai quốc công thần, tướng giỏi của nhà Hậu Lê (còn gọi là Lê sơ) trong lịch sử Việt Nam. Họ là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, con của đất Lam Sơn, Thanh Hóa ngày nay. Sử sách không ghi rõ năm sinh của hai tướng này.
Hai anh em Đinh Lễ và Đinh Liệt đều dũng cảm, nhiều mưu lược, là một trong những danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu, cùng Lê Lợi đánh đuổi nhà Minh, lập nên nhà Hậu Lê.
Theo một số tài liệu như Gia phả họ Đinh, không chỉ Đinh Lễ và Đinh Liệt mà người anh em khác của họ là Đinh Bồ cũng là danh tướng nhà Lê sơ. Theo đó, Đinh Bồ là em của Đinh Lễ và anh của Đinh Liệt. Chính sử cũng nhắc đến nhân vật lịch sử này. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị dựng cờ cứu nước, cứu dân, Đinh Liệt cùng với anh là Đinh Lễ và Đinh Bồ tích cực hưởng ứng. Lam Sơn thực lục cũng nhắc tới Đinh Bồ.
Tuy nhiên, một số tài liệu như Đại Nam nhất thống chí lại chỉ chép có hai người là Đinh Lễ và Đinh Liệt. Các tài liệu có nhắc đến Đinh Bồ cũng không chép rõ về những chiến công của ông như hai người còn lại.
Đinh Liễn, cái tên khác xuất hiện trong các phương án, là con trai cả của vua Đinh Tiên Hoàng. Ông không liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nhà Hậu Lê.
Đinh Lễ là một trong những danh tướng theo Lê Lợi từ ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và lập được nhiều chiến công như giúp nghĩa quân chiến thắng quân Minh ở Khả Lưu vào năm 1424, ở thành Nghệ An vào năm 1425. Nhưng chiến thắng vang dội nhất phải kể đến trận Tốt Động - Chúc Động.
Trong trận Tốt Động - Chúc Động, tháng 10/1426, khi quân nhà Minh rơi vào thế “xác quân Minh ngổn ngang đến vài mươi dặm, hơn 500 lính bị nghĩa quân bắt sống” (theo Đại Việt sử ký toàn thư), tướng Vương Thông đã phải mang thêm quân sang tiếp viện. Không thể đối phó với đại quân của nhà Minh, tướng Đại Việt là Lý Triện và Đỗ Bí đã sai người cấp báo với Đinh Lễ, Trương Chiến và Nguyễn Xí.
Đinh Lễ cùng hai vị tướng kia đã đem 3.000 quân đến, đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động (đều thuộc Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Các tướng tương kế tựu kế, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, phá tan được quân Minh, tiêu diệt 50.000 lính và bắt sống hơn 10.000. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quân Minh bị chết đuối rất nhiều, xác trôi nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta thu được ngựa, quân tư, khí giới nhiều không kể xiết”. Vương Thông và các tướng nhà Minh phải chạy về Đông Quan cố thủ.
Theo sách Danh tướng Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần, chính Đinh Lễ là một trong những người đã bắt được khá nhiều quân do thám của địch, ông đã nắm được toàn bộ mưu đồ của Vương Thông. Kế hoạch tác chiến của quân Lam Sơn trong trận đánh lịch sử này chủ yếu dựa trên những thông tin quý giá mà ông lấy được, đồng thời cũng là dựa trên những ý kiến xuất sắc của ông.
Sau thất bại thảm hại ở Tốt Động - Chúc Động, tháng 3/1427, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành Đông Quan ra đánh nhau với quân Lam Sơn tại Tây Phù Liệt. Cuộc tấn công bất ngờ khiến tướng Lê Nguyễn của quân Lam Sơn khi đó lúng túng, buộc phải cố thủ và chờ viện binh. Lê Lợi đã lập tức sai Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân thiết đột tiếp viện đánh đuổi khiến Vương Thông thua to, phải bỏ chạy.
Đến Mỹ Động (có tài liệu viết My Động, nay thuộc đất Hoàng Mai, Hà Nội), Vương Thông nhận thấy nghĩa quân Lam Sơn không nhiều, bèn quay lại đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy rồi bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng nên bị địch giết. "Đó là ngày 9/6/1427, Lê Lợi vô cùng thương xót", Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Về cái chết của Đinh Lễ, Đại Việt thông sử viết: "Trước đây, mỗi lần ra trận, nhà vua thường căn dặn rằng chớ khinh địch. Khi thắng ở Tốt Động - Chúc Động, ai ai cũng khen ông giỏi nhưng nhà vua vẫn nói Trăm trận trăm thắng chưa hẳn là hay đâu. Nếu cứ cậy nhanh, cậy giỏi quen mãi với chiến thắng, thì thất bại có thể trông thấy ngay đó thôi. Đến đây, quả nhiên là thế, người đương thời không ai không thương tiếc ông. Nhà vua vô cùng thương xót, cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập nội Thiếu úy, tước Á Hầu. Các vợ lẽ của ông là bọn Hà Ngọc Dung, tất cả năm người đều được làm Tông Cơ (tương đương với quận chúa)".
Năm 1428, vua Lê Thái Tổ truy tặng Đinh Lễ hàm Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng thêm cho ông hàm Thái sư, tước Bân Quốc Công, sau lại được truy phong là Hiển Khánh Vương.
Ngô Sĩ Liên bàn trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Khuất Hà quen với trận thắng ở Bồ Tao mà đến nỗi bại vong. Nhưng là quân đi cướp nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập. Lê Lễ (tức Đinh Lễ vì được ban quốc tính họ Lê) quen với trận thắng ở Tốt Động nên cũng vì thế mà bị bại vong. Nhưng là đội quân khảng khái đánh phục thù. Tuy hai người đều bại vong như nhau nhưng xem ra ý nghĩa lại mỗi người một khác. Tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện là người xứng đáng đứng đầu".
Đinh Liệt là một trong 19 nghĩa sĩ góp mặt trong hội thề Lũng Nhai. Ông theo Lê Lợi chiến đấu từ những ngày đầu gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn. Ròng rã 10 năm, ông đã tỏ rõ lòng trung thành với Lê Lợi và ý chí đánh bại giặc.
Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn chiếm được châu Trà Lân và chuẩn bị vây đánh thành Nghệ An thì bị quân Minh bất ngờ kéo đến phản công. Lê Lợi chia cho Đinh Liệt 1.000 quân, bí mật luồn xuống phía Đỗ Gia (nay thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh) để từ đó vòng lên đánh tập hậu, hỗ trợ cho Đinh Lễ. Quả nhiên, giặc sa vào ổ mai phục của Đinh Lễ, chưa biết xoay xở như thế nào thì đã bị quân của Đinh Liệt bồi cho cú đánh ồ ạt từ phía sau, giặc đại bại.
Cuối năm 1427, được tin Liễu Thăng cùng nhiều tướng lĩnh nhà Minh mang viện binh gồm 10.000 tên sang Đại Việt, nghĩa quân Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến với giặc tại Chi Lăng và Xương Giang. Đinh Liệt cùng Lê Sát được giao đem quân lên Chi Lăng để trực tiếp đánh trận đầu tiên với viện binh của giặc. Đội quân do Đinh Liệt chỉ huy đã có công lớn trong trận tập kích tại núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng ngay tại trận. Thắng lợi vang dội của trận tập kích này đã kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ Lam Sơn, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn cho những trận đánh sau đó.
Đóng góp nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Đinh Liệt được phong tước vị ngay sau khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi nhưng phải đến đời vua Lê Thánh Tông, ông mới được nắm giữ chức quan đầu triều, quyết định nhiều việc lớn.
Năm 1428, Đinh Liệt được vua Lê Thái Tổ ban cho chức Thứ thủ (tức chức Phó chỉ huy) của vệ quân Thiết Đột, được xếp vào hạng cao nhất trong số các khai quốc công thần từng có mặt từ Hội thề Lũng Nhai. Năm sau, khi khắc biển công thần, ông được phong làm Đình Thượng hầu rồi được gia hàm Nhập nội tư mã, được tham dự triều chính vào năm 1432.
Năm 1434, đời vua Lê Thái Tông, quân Chiêm Thành vào cướp phá, Đinh Liệt được giao thống đốc các đạo quân Nghệ An, Tân An, Thuận Hóa đi đánh địch.
Năm 1444, đời vua Lê Nhân Tông, vua còn nhỏ, có người vu cáo Đinh Liệt khiến thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính khi đó đã sai giam cả nhà ông dưới hầm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, 4 năm sau, người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan xin hộ ông mới được tha ra, nhưng gia đình vẫn bị giam thêm gần hai năm sau đó.
Năm 1454, ông được phục chức, được ban hàm Thái Bảo. Năm 1460, ông cùng các tướng Lê Lăng và Nguyễn Xí giết chết Lê Nghi Dân - kẻ giết vua Lê Nhân Tông để cướp ngôi, rồi cùng nhau tôn phò hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Từ đó, ông liên tiếp được gia phong nhiều chức cao.
Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, Đinh Liệt được làm quan đầu triều, thường xuyên quyết định nhiều việc lớn của triều đình và được các quan rất tôn trọng. Cuối năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông là lão tướng, được sung chức Chinh Lỗ Tướng quân, cùng tướng Lê Niệm dẫn quân tiên phong, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn.
Năm 1471, Đinh Liệt mất, được truy phong là Trung Mục vương. Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập. Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê - Trịnh.
Để ghi nhớ công ơn của hai anh em Đinh Lễ và Đinh Liệt, tên hai ông đều được đặt làm tên của những con phố ở trung tâm Hà Nội.
Phố Đinh Lễ nằm gần hồ Hoàn Kiếm, chạy song song với phố Tràng Tiền, nối đường Ngô Quyền với đường Đinh Tiên Hoàng. Đây là con phố tập trung nhiều hiệu sách lớn. Phố Đinh Liệt nối từ Hàng Bạc ra Cầu Gỗ, chạy cắt ngang phố Gia Ngư. Cả hai phố này đều thuộc quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, tên của Đinh Liệt còn được đặt cho nhiều tuyến phố ở TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng.
Thanh Tâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét