Gần trọn cuộc đời, bà Lộc gắn bó với chiếc xe đạp cũ, cái làn con đi khắp Hà Nội bán buôn từ miếng đậu phụ đến chiếc nem cuốn, để rồi người ta nhớ thương trân quý bà vì món ăn dân dã ngon lành, rẻ hơn cả chiếc kẹo cao su.
Trời mùa hè xầm xì như sắp mưa rào. Ngước nhìn trời, tôi cũng thấy khó hiểu, mới buổi trưa còn hầm hập chói chang, thế mà ngả chiều đã đầy những đụn mây xám, gió vun vút qua tán cây mang theo hơi lạnh mùi ngai ngái như thể tháng Mười Một.
Ngã ba Ngô Sĩ Liên - Nguyễn Như Đổ, ai cũng vội vã về trước cơn dông. Chỉ một góc nhỏ ngay giữa ngã ba, có một chiếc ô màu tím cắm vào cái ghế úp ngược, bên dưới là bà bán hàng bình thản ngồi bên chiếc mâm nhôm, thoăn thoắt gói từng chiếc nem chờ khách đến, xung quanh bày đầy túi nào rau thơm, bánh đa, thính, lạc, tương... bên chiếc thùng nhựa dựng tạm làm bàn.
Hàng nem cuốn 1.500 đồng nổi tiếng đông khách số 22 Nguyễn Như Đổ.
Hình như, bà chẳng bận tâm đến bầu trời xám xịt nặng nề bên trên, người ta hớt hải giục giã nhau về nhà, riêng bà vẫn ung dung với cái góc chưa đầy 1 mét vuông mượn tạm bậc thềm nhà đầu phố.
'Sống ở phố Nguyễn Như Đổ từ bé đến giờ nhưng tôi cũng không rõ bà Lộc ngồi đây từ lúc nào. Chắc cũng phải 40 năm rồi, vì đầu những năm 80 tôi còn loắt choắt theo mẹ chạy ra đây ăn quà chiều đã thấy bà ngồi cuốn nem rồi.
Mùi vị vẫn như thế, chỉ khác là bây giờ chẳng mấy khi được ngồi ghế bưng bát nước chấm ăn tại chỗ, chỉ được mua mang về thôi. Mà không mua nhanh là hết, đứng lâu bà cũng chửi cho đấy, vướng víu'.
Vừa ngồi xuống gọi vài chiếc nem, tôi tò mò hỏi bà đã ngồi ở đây bao lâu, bà mới kịp cười thôi đã có một vị khách nữ trả lời hộ, cười giòn tan khi bị... bà lườm. Vốn là, tôi nghe tiếng ở ngã ba này tồn tại một hàng nem nổi danh từ lâu mà giá thì rẻ giật mình: chỉ một nghìn rưỡi cho chiếc nem cuốn đầy nhân với rau thơm.
Bà chỉ bán tầm 3 giờ chiều đến xẩm tối, hết hàng rất nhanh nên sau vài lần ghé qua thất bại thì hôm nay tôi mới gặp được.
Bà cụ bán hàng cũng nổi tiếng vì 'chiêu' mắng khách nhưng lại được rất nhiều người thương mến.
Ngắm bà hồi lâu, tôi nghĩ mãi vẫn không đoán nổi bà bao nhiêu tuổi. Làn da sạm đồi mồi, bàn tay gân guốc đen đúa, mái tóc ngả bạc rối tinh, chẳng còn nét nào trẻ trung nữa nhưng bà nhanh nhẹn còn hơn thanh niên.
Cách bà làm nem không có gì lạ kỳ đặc biệt, đầu tiên trải bánh đa ra mâm, cho lớp đu đủ nạo sẵn lên, thêm nhúm rau thơm và trong cùng là nem chạo, chỉ 10 - 15 giây là xong một chiếc nem cuốn. Bù lại món nước chấm ngon xuất sắc.
Chẳng biết bà pha chế theo công thức gì, dù không có tí tỏi ớt xắt nhỏ nào, mấy cái túi bóng gói sẵn chỉ thấy nước mắm vàng trong veo như mật chấm bánh gio nhưng mà ngọt mặn đều vừa xinh. Lấy chiếc nem chấm vào đó rồi đưa vào miệng, tất cả mùi vị từ rau thơm đến nhân thính đều hòa quyện lại với nhau, ngon lành theo cách giản đơn khó tả.
Cứ chiều chiều, bà Lộc đạp xe chở túi to túi nhỏ ra Nguyễn Như Đổ bán nem cuốn.
Cách làm rất đơn giản và truyền thống: vỏ nem ngoài rồi đến nhân thập cẩm rau dưa, chạo bên trong.
1 phút bà Lộc làm ra được hơn chục chiếc nem.
Thức quà chiều giản dị này đã khiến bao thế hệ người dân Hà Nội 'phải lòng'.
Cái hàng nem của bà Lộc bé xíu xiu mà như cục nam châm hút bao nhiêu là khách, tôi ngồi độ nửa tiếng thôi mà hơn chục lượt người tấp vào, í ới huyên náo cả ngã ba. Ai cũng vội về nấu cơm chiều, rồi lo sợ mưa to, nên cứ giục 'bà ơi nhanh lên, cho cháu chục nem cuốn', 'cho tôi nửa cân nem thính và rau về tự gói', 'cho tôi 2 cân nguyên liệu về tự cuốn bà ơi', 'cho cháu, cho cháu'...
Thế mà bà cụ nhớ hết, không nhầm lẫn tí nào! Biết là sẽ đông nên bà tranh thủ cuốn sẵn mấy chục cái cất gọn dưới gầm chiếc thùng dựng tạm làm bàn, ấy vậy mà 2-3 lượt khách qua là hết sạch, bà lại cặm cụi làm không xuể.
Cô bán hoa quả gần đó vừa ăn bánh rán vừa thì thào: 'Muốn nói chuyện với bà ấy hơi khó, khách đến mua hàng còn bị bà quát cho sợ chạy mất dép, nhưng mà người ta vẫn thích đến đây ăn, thế mới lạ. Người dân phố này còn ăn nem của bà ấy từ bé đến lớn, mấy thế hệ luôn.
Nghe nói bà ấy bươn chải từ nhỏ nên mới chửi khách như hát hay, nhưng mà vui tính lắm, không phải bà chửi ngoa đâu. Mấy ông nhậu hay đến mua nem còn suốt ngày trêu, bị bà vác ghế đuổi, mua 3 cân bà chỉ bán cho cân rưỡi thôi, vì bà quát: chúng mày ôm hết thế thì lấy đâu cho người mua sau ăn nữa'.
Nhiều vị khách quen đến mua nem là phụ, trò chuyện với bà cụ là chính.
Bà bán nem rẻ đến nỗi mua cả túi to cũng chỉ mất có chục nghìn, đủ no bữa xế.
Bảo sao ai ghé mua nem cũng hồ hởi, có người còn sà vào gói giúp bà cho nhanh, người thì quen thân sẵn rồi tự nhặt rau thơm, nước chấm mang về... Họ thích món nem của bà như nếp ăn quà chiều khó bỏ, nhưng điều quan trọng hơn mà tôi hiểu ra, đó là tấm lòng trân quý người Hà Nội dành cho bà cụ 'người thì nhỏ nhưng tiếng quát thì to' này.
Bà dầm sương dãi nắng ngồi ở góc phố đầu Nguyễn Như Đổ suốt 4 thập kỷ qua đương nhiên vì phải mưu sinh, nhưng không vì đồng tiền mà làm mất lòng ai cả, bà bán theo cái tâm của mình, thế nên bao năm qua nem cuốn của bà chỉ tăng giá có 1 lần, từ 1.000 lên... 1.500 đồng, còn rẻ hơn cục kẹo cao su.
Ngoài nem cuốn thì bà Lộc bán cả nem chua tự làm, và cái đặc biệt ở đây là khách có thể yêu cầu cho nem chua vào nem cuốn, ăn ngon hơn hẳn.
Muốn biết rõ hương vị độc đáo của món nem 2 trong 1 ấy ra sao, chỉ có cách duy nhất là ghé số nhà 22 Nguyễn Như Đổ tìm bà vào buổi chiều để ăn thử, còn bây giờ, tôi tả sơ sơ như này: nem chua ở đây không giống đặc sản Thanh Hóa có tỏi ớt đậm đà mà thanh nem trơn láng một màu hồng, nhỏ xíu, bọc trong nilon và lá chuối, với điểm nhấn duy nhất là mấy miếng lá ổi già, ăn vào chan chát, se se nơi đầu lưỡi.
Cách thưởng thức nó trọn vẹn nhất là chấm tương ớt, hoặc gói vào nem chạo rồi ăn với nước mắm bà Lộc pha. Đấy, cái thú nhâm nhi đơn giản lắm, vừa đỡ đói lòng vừa thấy hay hay.
Tất cả nguyên liệu như bánh đa, nem chạo, thính, đu đủ, rau sống... đều do bà Lộc tự làm, học theo món ăn truyền thống quê chồng Nam Định.
Vắng khách, bà lại tranh thủ cuốn sẵn nem vì chỉ một lát thôi có người tới mua là trở tay không kịp.
Người mua ít thì 5-6 cái, người mua nhiều thì... hẳn vài cân cả chạo cả rau về tự thưởng thức tại nhà.
Độ 4 giờ chiều thì mấy túi nguyên liệu quanh bà cụ cũng vơi gần hết, khách vãn vãn, tôi mới dám mon men xích lại gần bà. Lúc mắng khách thì 'mạnh mẽ' lắm, thế mà tôi hỏi sự tích đi bán nem cuốn thì bà lại cười ngại ngùng, hàm răng trắng đều tăm tắp nhìn trông thật lạc điệu với gương mặt khắc khổ của bà.
'Ui giời ơi có cái gì mà kể. Tao đi chợ nhặt hàng đi buôn từ hồi 8 tuổi, lúc ấy chúng mày còn ở tận đẩu tận đâu, bố mẹ chúng mày còn chưa đẻ ra cơ. Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm, Hàng Bè... chỗ nào tao cũng từng ngủ qua đêm rồi, đi bán đậu Mơ đây, tao sinh ra ở làng Mơ cũ mà.
Bán mấy chục năm xong đến 1976 thì nghỉ, ông chồng quê Nam Định nên cũng học được chút ít nghề làm nem chạo, nem thính, nem chua, chiều nào cũng vứt cả vào thúng rồi đạp xe ra đây bán. Đầu tiên ngồi ở góc đầu chợ Ngô Sĩ Liên cơ, sau đó mới chuyển ra phố này'.
Cái góc hiên chưa đầy 1 mét vuông này bà Lộc đã ngồi hơn 30 năm, xưa bà bán ở đầu chợ Ngô Sĩ Liên.
Hóa ra bà Lộc đã 62 tuổi, 'thâm niên' đi buôn ở đất Hà thành phải liệt vào hàng tiền bối sành sỏi bậc nhất. Con đường nào bà cũng đi qua, chứng kiến hết mọi đổi thay của phố thị. Từ hồi chợ Ngô Sĩ Liên còn lèo tèo ít hàng quán, cũng chưa có tiệm bún chửi nổi tiếng lên cả tivi, bà đã 'cắm dùi' sinh nhai quanh cái ngã ba ồn ào đông đúc.
Bà có 2 đứa con thì giờ đã lớn cả, muốn bà ở nhà nghỉ ngơi nhưng tất nhiên 'cá tính' của bà chẳng ai cản nổi: 'Quen vất vả rồi giờ không đi bán hàng thì cuồng tay cuồng chân, ngồi một chỗ không chịu được'.
Cứ nói được dăm ba câu lại có người chạy xe đến, bà gói hàng luôn tay luôn chân, tôi ngồi xổm phụ bà giữ túi nilon, mới lại thấy bà cẩn thận và truyền thống đến độ hiếm có khó tìm.
Ai mua ít thì không nói, nhưng mua nhiều thì bà gói rất kỹ: đầu tiên lót miếng lá chuối tươi cắt gọn gàng hình chữ nhật, xếp 5 chiếc nem cuốn xuống, sau đó lại 1 lớp lá chuối nữa, rồi 5 chiếc nem, cứ thế đến khi đầy thì bà cho thêm bọc rau thơm, lạc rang giã nhỏ, nước chấm vào cạnh túi rồi gửi lại khách.
'Lót lá chuối như thế để nem không bị dính vào nhau. Vỏ nem không phải loại cứng như bánh đa nem rán đâu, mà tráng mỏng nên dễ ỉu lắm. Không biết cuốn là nát bét ngay'.
Cách gói hàng cẩn thận gọn gàng, đầy tấm lòng thảo thơm của người phụ nữ dành gần trọn đời với nghiệp bán buôn.
Túi hàng này chưa đến 40k mà đầy nhóc đồ ăn.
Nhiều khách thân quý bà còn cho thêm rau dưa, nước chấm, lãi lời chẳng biết được bao mà lúc nào cũng thấy bà cười nói không ngớt.
Tôi vừa gọi thêm chục chiếc nem nữa, bà quát luôn: 'Ăn như thế còn gì là ngon. Về nhà đổ nước chấm ra bát ăn cho tử tế, con gái con lứa gì mặc váy ngồi vỉa hè với bà già ăn vã như thế. Ngày xưa lúc mới mở, tao bán có 2 hào 1 cái nem, nước chấm từ bấy đến giờ vẫn vậy đó, nhưng trước khách còn ngồi đây bưng bát ăn nem được, giờ chỗ ngồi bé quá nên tao cuốn cho mang về, mà một buổi bán bao nhiêu cân cũng không nhớ nổi nữa'.
Lạ ghê, bà nói nhanh ơi là nhanh mà chẳng lắp líu tí nào, quát xong bà còn bật cười, khuyến mãi thêm chiếc nem chua cuối cùng trong mẹt.
Trả tiền bà ra về, tôi ái ngại nhìn trời rồi hỏi sao bà chưa về đi, cũng gần hết hàng rồi. Bà xua xua tay đuổi: 'Ơ hay con bé này, hỏi lạ. Về nhanh cho tao còn bán hàng. Hết sạch thì mới về chứ. Nắng mưa chuyện của giời, kệ ông ấy.
Mấy hôm trước mưa to lụt cả chỗ này tao còn cắp thúng xuống mạn cuối phố, không nghỉ, nhé. Chống cái ô lên là có chỗ để cuốn nem rồi, không phải lo cho bà, về nhanh không ướt bây giờ. Tao khỏe lắm, mưa tí không ốm được, bọn trẻ chúng mày hay chủ quan chẳng bao giờ áo mưa mũ nón gì...'.
Nếu một chiều không còn tiếng bà Lộc 'lạc điệu' giữa ngã ba ồn ào đông đúc, sẽ nhớ tiếc lắm thay...
Đi xa xa vẫn nghe tiếng bà thao thao với khách, tôi bỗng bật cười. Có khi người ta nhớ đến dáng vóc quen thuộc của bà, thích ăn nem 1.500 đồng vì lối nói chuyện hơi ngộ ấy. Có người chiều nào không nghe tiếng bà khàn khàn lại thấy nhớ nhung. Chẳng biết bà còn ngồi ở bậc thềm ấy bao nhiêu mùa nắng mưa nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét