Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Di tích Thành nhà Bầu ở Tuyên Quang

Thành nhà Bầu vốn có tên là thành Việt Tĩnh (thuộc châu Thu Vật, Tuyên Quang, nay thuộc tỉnh Yên Bái) ở trên núi Bầu, đây là một kiến trúc thành lớn của họ Vũ. Theo một số tài liệu nghiên cứu của các nhà chuyên môn, di tích Thành nhà Bầu ngày nay có chiều dài khoảng 1.385m trải dài trên một vùng rộng lớn suốt từ ngã ba Đoan Hùng ngược lên hết địa phận huyện Lục Yên (Yên Bái) và địa phận xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Thành nhà Bầu ở Tuyên Quang là công trình phòng thủ quân sự do hai anh em họ Vũ là Khánh Bá Hầu Gia Quốc Công Vũ Văn Uyên và An Tây Vương Gia Quốc Công Vũ Văn Mật từng được Vua Lê phong là Tống binh trấn thủ Tuyên Quang tổ chức xây đắp để phù nhà Lê, chống nhà Mạc trong thời kỳ những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI, tại xã Thúc Thủy, huyện Quả Sùng hay Cảo Sùng (nay thuộc xóm Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).


Di tích Thành nhà Bầu ở Tuyên Quang

Thành nhà Bầu nằm cách bến Bình Ca khoảng 400m, ở vị thế thuận lợi của sông núi, với ý định lập đại bản doanh ở nơi đây, họ Vũ  đã cho xây dựng thành trên hai quả đồi Bông Thượng và Bông Hạ với quy mô khá bề thế với diện tích khoảng 9ha; đồng thời lợi dụng khe đất trũng để đào một đoạn sông nối liền hai đầu chữ U, tạo nên vị trí địa lý - quân sự rất đắc lợi, hiểm yếu. Ngoài ra, xung quanh tường thành, anh em họ Vũ cho đặt các bệ súng thần công, sử dụng đạn được làm bằng đá hướng ra sông Lô, trấn giữ thủy lộ từ phương Bắc xuống, tận dụng sông Lô làm hào ngoài, như một sức mạnh “mềm”, nhằm ngăn trở kẻ địch từ xa. Chính vì vậy, trong suốt mấy chục năm, nhà Mạc đắp thành ở Tuyên Quang, theo dòng Lô đánh lên thành nhà Bầu mà không sao hạ nổi. Khi Trịnh Kiểm tiến quân chống Mạc đến Thanh Hóa, anh em họ Vũ làm nội ứng từ Tuyên Quang đánh xuống, khiến nhà Mạc không chống nổi, phải chạy lên Cao Bằng.

Hiện nay, xung quanh xóm Tân Thành, xã An Khang còn khoảng hơn 200m chân tường thành. Kết cấu mặt bằng của thành không theo một hình dáng nhất định, chủ yếu dựa vào vị thế tự nhiên. Đặc biệt ở hướng Đông của thành, nơi tiếp giáp với bến đò Bình Ca, có dấu tích của hai vòng thành, vòng trong cách vòng ngoài khoảng 50m. Ở khoảng giữa hai vòng thành có dấu tích của một ngôi miếu nhỏ. Trên bề mặt của hai quả đồi Bông Thượng và Bông Hạ còn lưu nhiều mảnh gạch vỡ, đạn đá. Tuy nhiên, phần lớn hiện vật của di tích được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang như: Súng thần công, đạn đá, gạch vồ xây tường thành, gạch lát đường và các đồ sành, sứ, gốm dùng trong sinh hoạt..
 


Dấu tích một con rùa đã bị mất bia trên lưng tại di tích Thành nhà Bầu
 
Để đánh giá đúng tầm giá trị của di tích, tháng 5 năm 2013 Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại một số địa điểm xung quanh khu vực di tích như: Vòng nội thành, vòng ngoại thành, khu miếu cổ, khu vực sông đào, ngoài ra mở rộng khu vực khảo sát tại thôn Trường Thi A và Trường Thi B. Kết quả khảo sát khảo cổ cho thấy kết cấu chân thành có 2 hàng đá chạy song song được đặt trực tiếp trên đất nền sinh thổ. Những tảng đá được đẽo có hình khối chữ nhật có chiều dài trung bình 75cm x 45cm được kê lót dưới chân thành, điều này khiến cho tường thành rất vững chắc, giữa các tảng đá nối với nhau theo chiều dọc không hề có chất dính kết nối. Tường thành được xây bằng loại gạch vồ có hình khối chữ nhật, kích thước 38cm x 18cm, ước tính tường thành cao hơn 2m. Trong quá trình khảo sát phát hiện được nhiều lon sành còn khá nguyên vẹn; đặc biệt có cả những viên đạn đá tròn, mầu trắng, với nhiều kích cỡ khác nhau, điều này cho thấy tại di tích Thành nhà Bầu có những chứng cứ về sự kết hợp giữa sinh hoạt sản xuất với việc canh phòng quân sự. Cách đồi Bông Thượng khoảng 200m về phía Tây có khu đất khá rộng, bằng phẳng, hiện còn cây thàn mát cổ thụ, cành lá xum xuê, đây là địa điểm ngôi miếu nhỏ, là nơi tế lễ xuất quân hay báo tiệp của các vị chúa Bầu. Tại địa điểm ngôi miếu còn dấu tích một con rùa đã bị mất bia trên lưng. Rùa được chế tác bằng đá xanh, có kích thước dài 1,95cm, rộng 95cm, dày 45cm. Rùa được tạo tác khá tinh tế có đầy đủ các móng vuốt chân rùa.

Di tích thành nhà Bầu có ý nghĩa lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc, là cứ liệu tin cậy để nghiên cứu về lịch sử quân sự, nghệ thuật chiến tranh, về xây dựng, kiến trúc thành lũy, đồng thời là nguồn tài liệu giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử địa phương.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu, ngày 31 tháng 10 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 3832/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia Thành Nhà Bầu, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.

Trải qua 5 thế kỷ, di tích thành nhà Bầu đến nay đã thay đổi hoàn toàn. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nhằm ghi nhớ công lao các vị thành hoàng làng đã có công khai phá vùng đất và các vị chúa Bầu, ngày 23/12/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 1531/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương tôn tạo Miếu Chúa Bầu thuộc di tích Thành Nhà Bầu, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hiện nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Miếu Chúa Bầu  thuộc di tích Thành Nhà Bầu sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang được nhiều du khách biết đến, góp phần vào công cuộc phát triển xây dựng nông thôn mới của xã An Khang và phát triển kinh tế du lịch của thành phố Tuyên Quang.
                                                                                              
   Nguyễn Thị Thúy Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét