Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Truyện dài kỳ trên báo Sài Gòn xưa




Gia Định báo và Nông Cổ Mín Đàm - những tờ báo quốc ngữ đăng truyện dài kỳ sớm nhấtẢNH: T.L
Feuilleton - tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ - là một trong những “đặc sản” không thể thiếu trên báo Sài Gòn từ năm 1975 trở về trước.
Nhiều người mua báo hằng ngày, chỉ lướt sơ qua tin tức, đa số giống nhau của các tờ báo đăng ở trang 1, rồi lật vô trang trong chăm chú đọc những tiểu thuyết feuilleton mà họ ưa thích.
Không chỉ thu hút độc giả, feuilleton còn là “nguồn sống” của các tờ báo và nhà văn Sài Gòn.
Viết bất kể chỗ nào
Khác hẳn với cách viết tiểu thuyết thường thấy là viết và sửa chữa rất kỹ trước khi đưa tới nhà in, người viết feuilleton phải viết mỗi ngày ngay sau khi nhận được phản hồi của phần viết ngày hôm trước. Họ ngồi viết bất cứ đâu chớ không chỉ ngồi trong phòng máy lạnh. Có người viết ở nhà riêng, có người ra nhà hàng, có người ngồi ở quán cà phê bệt bên lề đường, có người ngồi ngay trước cửa nhà in.
Viết xong là đưa ngay cho ấn công đem đi xếp chữ không cần phải biên tập, không cần có người “duyệt” trước. Bởi nếu viết “vướng” vào luật cấm thì kiểm duyệt sẽ cắt và tòa soạn thay vào đó chữ “tự ý đục bỏ” và tác giả sẽ lãnh bữa lương cuối cùng! Nếu phần viết ngày hôm trước thu hút độc giả thì người viết kéo dài thêm nội dung phần đó. Còn ngược lại thì... cho qua và lập tức chuyển hướng khác. Cái khó của feuilleton là truyện phải luôn hấp dẫn, hút bạn đọc cho đến phút cuối cùng. Nếu trong vòng 5 kỳ báo mà truyện bị người đọc chê thì chủ báo buộc người viết phải “đi chỗ khác chơi” và mướn người khác viết.
Viết feuilleton không lãnh nhuận bút mà lãnh lương tháng và không bị bó buộc phải sống chết với một tờ báo. Do đó, mỗi tác giả có khi mỗi ngày viết cho mấy tờ báo khác nhau. Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một bài phỏng vấn trên tờ Văn Hóa Nguyệt san ngày 9.10.1967, cho biết: “Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilleton. Nhưng sau đó, chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilleton mỗi ngày, nhưng tôi chưa thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do ta, cũng không do chủ báo. Đó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên”.
Viết nhiều tất nhiên là không thể gọn gàng, không tránh khỏi luộm thuộm trong câu chữ, đôi khi tình tiết cũng lộn xộn. Vì vậy, nhiều nhà văn sau đó thường dành thời gian để “tút” lại các tiểu thuyết feuilleton trước khi in thành sách. Cũng có thể vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá thấp các tiểu thuyết feuilleton đăng trên các báo ở Sài Gòn.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Nếu không viết feuilleton cho báo thì nhà văn sống ra sao? Liệu có tác phẩm không? Thực tế cho thấy đã có không ít những tác phẩm dài kỳ đăng báo đáng chú ý. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai của Bà Tùng Long, một nữ nhà văn viết feuilleton khá nhiều, từng nói: “Nhờ viết feuilleton mà má nuôi cả một bầy con ăn học đàng hoàng”.
Feuilleton có từ lúc nào?
Có lẽ có từ thuở có nhà văn viết truyện đăng báo! Riêng trên báo quốc ngữ ở Sài Gòn, feuilleton xuất hiện lần đầu tiên trên Gia Định báo ngày 22.11.1884 với 44 câu đầu Phú bần truyện dài 700 câu của ông Trương Minh Ký. Đó là về văn vần. Còn về văn xuôi thì có thể kể Chuyện thằng Lằng cũng của Trương Minh Ký (bút hiệu Mai Nham) đăng hai kỳ trên tuần báo Nam Kỳ số 61 ra ngày 22.12.1897 và số 62 ra ngày 29.12.1897. Từ đó về sau, feuilleton bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Có thể nói, từ năm 1884 trở đi, feuilleton có mặt trên báo chí quốc ngữ ở Sài Gòn. Và tờ báo đăng nhiều feuilleton ở thế kỷ 19 là tờ Nam Kỳ do ông Alfred Schreiner làm chủ nhiệm, Trương Minh Ký làm chủ bút. Và truyện nhiều kỳ hơn, cũng trên báo Nam Kỳ, là Đố ngộ cố nhân tương đàm thục ký của Nguyễn Dư Hoài đăng từ số 78 ngày 27.4.1899 đến số 83 ngày 1.6.1899. Đây là một chuyện tình lấy nước mắt độc giả của hai người, hai gia đình “có học” ở miền Nam.
Đó là về tiểu thuyết sáng tác. Còn về truyện dịch có lẽ là truyện Một ngàn lẻ một đêm với tích Bảy cuộc hành lý phi thường của ông Sindbad đăng trên báo Nam Kỳ. Đây chính là truyện về sau này được dịch ra Việt ngữ với tên Những cuộc phiêu lưu của Sinh Bá. Không rõ số bắt đầu từ ngày nào, nhưng tới cuộc hành lý thứ năm thì đăng ở số 61 ngày 22.12.1898. Truyện dài mấy chục kỳ không có tên dịch giả (chúng tôi đoán người dịch là ông Trương Minh Ký). Sau truyện này thì Nam Kỳ đăng tiếp truyện Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận với độ dài vài chục kỳ.
Sau khi báo Nam Kỳ đóng cửa vào đầu năm 1900, thì sang năm 1901 tờ Nông Cổ Mín Đàm xuất hiện feuilleton bộ truyện Tàu hoành tráng Tam quốc chí tục dịch do Canavaggio đăng từ số đầu tiên 1.8.1901, dài mấy trăm kỳ đăng suốt mấy năm liền. Về người thực sự dịch bộ truyện này, về sau các nhà nghiên cứu “đoán” có thể là ông Nguyễn Chánh Sắt, một nhà báo cộng tác tích cực với Canavaggio, là người thông thạo tiếng Pháp - Việt - Hoa và cũng là dịch giả dịch rất nhiều truyện Tàu sau này. Song đây cũng chỉ suy đoán.
Từ đó về sau, đến gần hết thế kỷ 20, feuilleton đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn ăn báo chí Sài Gòn và cũng là mảnh đất lý tưởng cho các nhà văn. Trên các tờ báo, hầu như không bao giờ thiếu feuilleton để thu hút bạn đọc. Người đọc báo có thể đọc truyện Tàu, Tây, Việt trên tất cả các tờ báo quốc ngữ ra hằng tuần, cách nhựt hay hằng ngày.
Trịnh Nhật Vy


 Nhà văn phơi truyện trên sào



Tiểu thuyết Đò dọc của Bình Nguyên Lộc từng được đăng trên báo Dân ChúngẢNH: TƯ LIỆU
Các nhà văn Sài Gòn trước đây đều viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Đầu tiên là có thu nhập hằng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là để độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời.
Sau khi đăng báo rồi, các feuilleton ấy được các nhà văn gọt giũa, biên tập cho gọn gàng, khúc chiết và in thành sách. Nếu truyện đã được độc giả khoái thì việc in thành sách bán chạy, tác giả có đời sống thoải mái. Chẳng hạn Phú Đức là nhà văn có tác phẩm dài kỳ rất được độc giả yêu thích. Truyện của ông sau đó được in thành sách cũng bán chạy như thường. Thậm chí, tới sau năm 1975, nhiều tác phẩm của ông in lại cũng được độc giả đón nhận như xưa. Do đó, lúc sanh thời, ông là nhà văn có cuộc sống thoải mái nhứt, có xe hơi để lái đi du hí, có ngựa đua để hằng tuần vô trường đua Phú Thọ.
Nhà văn Sơn Nam cũng là một cây feuilleton. Ông viết đằm thắm và thường lồng vào truyện những nét văn hóa riêng của miền Nam. Có lần, tôi vô nhà ông, lúc ông còn ở chợ Ông Địa thuộc Q.Tân Bình. Ngồi trong nhà ngó ra, tôi thắc mắc khi thấy mấy dây kẽm (thường dùng để phơi quần áo) giăng quá khít nhau, các dây cách nhau chừng một hai tấc. “Giăng sào vậy làm sao mà bố phơi đồ?”. Ổng cười: “Đâu có để phơi đồ! Đó là sào phơi bài!”. Nghe vậy, tôi hỏi kỹ hơn mới hay, mỗi ngày ông ngồi ngay bàn viết gần cửa sổ để viết. Viết xong thì lấy kẹp treo bài trên sào đó. Các tờ báo có người tới, cứ lật bài thấy tên báo mình thì đem về vì tác giả bận viết không tiếp khách.
Ai “chạy sô” nhiều nhứt làng feuilleton ?
Nhà văn nổi tiếng “chạy sô” nhiều nhứt trong làng viết feuilleton là An Khê, vốn là con của bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Bính (không phải Nguyễn Bính nhà thơ) có bút hiệu Biến Ngũ Nhy. Ông là một trong những nhà văn thuộc thế hệ đầu của văn học quốc ngữ. An Khê tên thiệt là Nguyễn Bính Thinh, gốc người Trà Vinh nhưng sanh tại Sa Đéc. Ông bắt đầu viết từ năm 1958 và viết khá nhiều, với đủ các thể loại. Ban đầu ông viết loại truyện dã sử cho các báo Đọc Thấy, Đời Mới với bút hiệu Cửu Lang như Xương máu Phiên Ngung, Người anh hùng mặt sắt, Đoàn quân ma... Sau chuyển dần sang loại tiểu thuyết tình cảm thì được độc giả ưa thích. Tác phẩm ăn khách nhứt của ông là Người vợ hai lần cưới viết năm 1960 (in thành sách năm 1961, tái bản năm 1962 và 1963). Khi feuilleton nầy đăng trên báo Tiếng Chuông, chỉ một thời gian ngắn số báo in tăng vọt ngoài sự chờ đợi của chủ báo. Truyện cũng đơn giản là khi đi rước dâu, bất ngờ chú rể nghi cô dâu chửa hoang nên cuộc đón dâu bị xù. Cô dâu buồn vô chùa tu. Sau đó, khi biết rõ chuyện đứa bé ấy là con của chị cô do ngoại tình mà có nên cô phải nuôi cháu, cuộc rước dâu lần thứ hai được tổ chức. Truyện còn được Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dựng thành tuồng Hai chuyến xe hoa với nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ vai chánh rất ăn khách. Từ 1958 đến 1972, ông viết tới 200 tiểu thuyết đủ loại, trong đó có cả tiểu thuyết gián điệp Người yêu của X13  X13 Trong lưới nhện với bút danh Nguyễn Bính Long (tên người anh ruột của An Khê).
Nhiều tác giả khác như Bình Nguyên Lộc, Dương Trữ La, Ngọc Linh, Lê Xuyên, Bà Tùng Long, bà Lan Phương... cũng sống bằng nghề viết feuilleton.
Bình Nguyên Lộc là một trong những cây viết “đại thụ” của làng báo, làng văn Sài Gòn. Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, gốc người Tân Uyên, Biên Hòa, trong một gia đình buôn bán. Từ năm 1942, ông bắt đầu theo nghề viết và năm 1949 thì ở hẳn tại Sài Gòn. Ban đầu ông chỉ viết truyện ngắn, đến năm 1965 thì mới thật sự viết những tiểu thuyết dài hơi. Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc như Đò dọc, Nhện chờ mối ai... dung dị, gần gũi với người miền Nam, mang hơi thở cuộc sống đương thời nên ông khá được độc giả ưa chuộng. Có năm ông phải viết mỗi ngày đến 11 feuilleton cho các tờ báo. Ông còn viết biên khảo có giá trị như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lột trần Việt ngữ... Ông mất năm 1987 tại Mỹ, để lại một gia sản đồ sộ với 50 tiểu thuyết dài, hơn 200 truyện ngắn, một số tác phẩm nghiên cứu và khoảng 100 truyện ngắn chưa in.
Dương Trữ La cũng là một tay feuilleton có hạng. Ông tên thật là Dương Ngọc Lạc, bắt đầu cầm viết từ cuối thập niên 1950 bằng nghề viết báo và làm thơ. Đến năm 1963, sau khi đoạt giải nhứt cuộc thi truyện ngắn của báo Tiếng Chuông thì ông bắt đầu viết tiểu thuyết và cũng từ đó bút danh Dương Trữ La xuất hiện. Đầu tiên ông viết chung với Bình Nguyên Lộc trong feuilleton mang tên Lòng ngỡ quên mà nhớ rất xa vào năm 1963 - 1964, rồi sau đó là một loạt tiểu thuyết như Nhớ nhung, Gái hoàn lương, Vẫn còn dang dở, Chiều nghiêng bóng nhỏ, Nắng bên kia đồi... Tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh cuộc sống của dân nghèo thành thị những năm 1955 - 1975. Văn phong ông giản dị mà chân thật thẳng thắn, bình dân mà súc tích, huỵch tẹt mà bao dung độ lượng, khác nào tính khí người Sài Gòn. Đây là nhận xét của nhà báo Thiên Hà, một người được coi là bạn của ông.
Trịnh Nhật Vy

Hai tác giả gây sóng gió làng feuilleton


Bìa cuốn Châu về hiệp phố
Người viết feuilleton tạo sóng gió đầu tiên của làng báo Sài Gòn có lẽ là ông Lê Hoằng Mưu. Người thứ hai là nhà văn Phú Đức.
Tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ
Ông Lê Hoằng Mưu xuất thân là nhà báo khá nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, nhưng cám cảnh nỗi: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương Phong Nguyệt”. Có lẽ vì chi tiết này nên tiến sĩ Võ Văn Nhơn nhận định rằng: “Hà Hương Phong Nguyệt là tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ”. Khoảng năm 1912, Lê Hoằng Mưu viết bộ truyện dài Hà Hương Phong Nguyệt đăng trên Nông Cổ Mín Đàm. Truyện khá dài, đăng lai rai khoảng 6 năm mới dứt.
Hà Hương Phong Nguyệt là một truyện tình “rất mới” đối với xã hội thời bấy giờ.
Truyện xảy ra quanh hai cô vợ của Đậu Hữu Nghĩa là Hà Hương và Nguyệt Ba. Truyện miêu tả nhiều cảnh tình tự nam nữ, điều mà trước đó chưa hề có trên sách báo. Lê Hoằng Mưu từng nói: “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì. Tôi mỉm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề xem phong nguyệt của các nước, còn lả lơi quá mười của tôi”. (Lục Tỉnh Tân Văn ngày 12.7.1926).
Viết feuilleton lương ngang đốc phủ sứ
Người viết feuilleton gây sóng gió thứ hai trong làng báo Sài Gòn là nhà văn Phú Đức. Nguyên là một thầy giáo dạy ở Trường Marc Fernando (Gia Định), năm 1924, nhân khi rảnh rỗi, thầy giáo Nguyễn Đức Nhuận (khi ấy chưa lấy tên Phú Đức) đã viết tiểu thuyết và gởi cho tờ Trung Lập Báo đề nghị đăng không lấy tiền. Đó là tiểu thuyết Câu chuyện Canh Tràng ký bút danh Phú Đức. Chuyện chẳng có gì đặc sắc nhưng phó chủ bút Trung Lập Báo là cụ Trương Duy Toản vốn là người viết có danh thuở ấy, lại thấy nơi Phú Đức một tương lai viết feuilleton! Và cũng còn lý do khác là lúc đó tờ Đông Pháp Thời Báo đăng feuilleton của Hồ Biểu Chánh rất ăn khách nên Trung Lập Báo muốn có người viết cạnh tranh giành độc giả. Vì vậy ông mời Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với lương 20 đồng/tháng.
Năm 1925, Phú Đức cho ra đời feuilleton Châu về hiệp phố, được đánh giá là hay nhứt của ông, ngay khi xuất hiện trên Trung Lập Báo đã thu hút độc giả. Vì tài năng ấy, chủ báo Trung Lập Báo khi ấy là ông De Lachevrotière tăng lương cho ông lên 40 rồi 80 đồng/tháng, tương đương với lương Đốc phủ sứ một quận thời bấy giờ. Khi Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành thì xảy ra vụ “De Lachevrotière đá dít Bùi Quang Chiêu ở Bến Nhà Rồng” nên tờ Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay.
Bùi Quang Chiêu vốn là một kỹ sư nông nghiệp, khi ấy dưới sự ủng hộ của chánh quyền, nên được bầu làm “nghị viên Nam kỳ đại diện trong nghị viện ở Pháp”. Ông cũng là người sáng lập đảng Lập Hiến với chủ trương giành lại độc lập cho Nam kỳ bằng con đường nghị trường. Vì vậy, khi ông từ Pháp về Sài Gòn thì được Đông Pháp Thời Báo kêu gọi ủng hộ nên người ta đi đón đông vô kể, kéo dài từ trước cổng Bến Nhà Rồng đến tận trung tâm Sài Gòn. Nhóm đón Bùi Quang Chiêu không thể chạy xe được mà phải đi bộ từ Bến Nhà Rồng đến tòa soạn tờ La Tribune ở đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn) mất tới một tiếng đồng hồ!
Đi đón Bùi Quang Chiêu có hai phe. Phe ủng hộ là phe của Đông Pháp Thời Báo do Nguyễn Kim Đính là chủ nhiệm và phe chống đối là Trung Lập Báo do De Lachevrotière làm chủ. Cũng nên biết, De Lachevrotière là một Tây lai (cha Pháp mẹ Việt), vừa là nghị viên Hội đồng TP.Sài Gòn, vừa là chủ báo ủng hộ chánh quyền vô điều kiện, lại được thế lực tư bản Pháp sau lưng ủng hộ hết mình nên tự coi mình là vua làng báo. Vì vậy, việc đón Bùi Quang Chiêu bị De Lachevrotière chống quyết liệt. De Lachevrotière xua người ra ngăn cản người đón, bày những trò đánh lộn, gây rối trật tự để hòng phá việc đón tiếp. Trong lúc tranh cãi với nhóm ủng hộ, De Lachevrotière đòi “đá đít” Bùi Quang Chiêu khiến chút nữa xảy ra ẩu đả với nhà báo Trịnh Hưng Ngẫu, một nhà báo trẻ và là người hăng máu nhứt trong việc ủng hộ họ Bùi.
Sau vụ đó, Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay. Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành ở Trung Lập Báo thì bỗng ngưng lại, vì Phú Đức cho rằng: “Chủ Trung Lập Báo phản động”. Nhưng một nhà báo khác lại thấy đó là một việc có lợi. Đó là nhà báo Nam Đình đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo, bản quốc ngữ của một tờ báo tiếng Pháp. Chính Nam Đình đã xúi chủ báo - đại tá Sée mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo. Nhưng De Lachevrotière là người cùng phe với đại tá Sée. Do đó, nếu mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo ngay khi ông bỏ Trung Lập Báo thì bỉ mặt bạn bè. Song chuyện làm ăn thì hồn ai nấy giữ, nên sau một thời gian tính toán, đại tá Sée mời Phú Đức về làm chủ bút tờ Công Luận Báo.
Châu về hiệp phố được tiếp tục đăng trên tờ... Công Luận Báo với cái tên mới Hiệp phố châu hườn! Cũng trên tờ báo này, khá nhiều tác phẩm hay của Phú Đức ra đời như Tiểu anh hùng Võ Kiết (được Đoàn cải lương Phước Cương dựng thành tuồng cải lương), Lửa lòng, Căn nhà bí mật... Sau đó, nhân thấy feuilleton của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân chỉ đăng toàn feuilleton. Vậy mà sau có 3 tháng ông đã mua được nhà lầu!
Trần Nhật Vy

'Đặc sản' báo Sài Gòn xưa: Từ 'Gỡ rối tơ lòng' đến 'Tìm bạn bốn phương'

Lê Minh Quốc
Khi viết tập chuyên luận Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng - 2006), tôi mày mò tìm kiếm tài liệu nhằm trả lời câu hỏi: Trên báo chí nước nhà, ai là trước nhất có sáng kiến tư vấn, tâm tình về hôn nhân - tình yêu dành cho các bạn trẻ?
Chuyên mục này cũng tựa như Vườn hồng (Báo Thanh Niên), Thư tâm sự (Phụ nữ Việt Nam), Nhỏ to tâm sự (Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh)... ngày nay.
Lẵng hoa cho bà Tùng Long
Câu trả lời của tôi: người đó chính là nhà văn Bà Tùng Long, tên thật Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1.8.1915 tại Đà Nẵng, quê gốc Hội An, mất năm 2006. Tại sao ký bút danh này, bà cho biết: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân tùng long, phong tùng hổ” (mây theo rồng, gió theo cọp) nên thuở xưa, nếu có ai lấy bút danh Tùng Hổ thì ta biết người ấy tên Phong, còn tôi tên Vân thì lấy bút danh Tùng Long là vậy”.
Trước khi chính thức bước chân vào làng báo, Bà Tùng Long là một nhà giáo có uy tín trong nghề. Năm 1944, do chuyển biến của thời cuộc, bà theo chồng về Quảng Ngãi, mở Trường tiểu học Tân Dân thực hiện chủ trương xóa nạn mù chữ của Việt Minh. Rồi năm 1951 vào lại Sài Gòn, bà tiếp tục dạy học tại các trường Tân Thịnh, Đạt Đức... và cộng tác với các báo như Đồng Nai, Tiếng vang, Tiếng chuông, Phụ nữ diễn đàn, Đông phương... Có thể nói bà chính là nhà báo tiên phong “nhỏ to tâm sự”, “gỡ rối tơ lòng” cho nữ giới trên nhiều tờ báo, tạp chí, chuyên san về phụ nữ tại miền Nam thuở ấy.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là đã chứng kiến lúc giao lưu nhân dịp bà ra mắt tập hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi tại Nhà văn hóa Phụ nữ (năm 2003): Một độc giả đã đến tặng lẵng hoa rất lớn và anh bày tỏ lòng biết ơn về câu tư vấn của bà đã dành cho thân mẫu của anh. Rằng, chừng năm mươi năm trước có cô gái nọ lỡ mang bầu nhưng tình nhân “quất mã truy phong” bèn viết thư hỏi Bà Tùng Long nên “xử lý” ra sao? Bà khuyên là nên giữ lại, nhờ đó anh mới có mặt đến ngày hôm nay.
Độc đáo “tâm thư” kết bạn một thuở
Đọc lại báo chí Sài Gòn xưa, ta còn thấy có chuyên mục “Tìm bạn bốn phương”, “Kết bạn tâm thư”... Không ngoa chút nào khi nhận định đây cũng chính là “đặc sản” của làng báo Sài Gòn. Mời bạn đọc lai rai cùng các mẩu tìm bạn trên báo chí thời ấy, khoảng thập niên 1970. Nói thật, tôi không đủ khả năng để “bịa” ra lời rao ấy. Chỉ chép lại nguyên văn, đọc đi, có những đoạn ta phải cười tủm tỉm. Và đây:
3075 - Nam sinh viên khoa học, 20 tuổi, chân thật, dễ nhìn. Yêu đại dương như yêu bản thân mình, trót vào đời mang nhiều mặc cảm nên sợ quen ai quá giàu. Mong được các vị hảo tâm, chị hay bạn gái mách giúp một chỗ dạy kèm tư gia Toán hay cho mượn 10.000 đồng. Hứa sẽ hoàn trả trong vòng 6 tháng. Thư về…
4268 - Một chàng trai bỏ nhà giang hồ theo nhịp đời buồn tẻ, bốn mùa phiêu bạt nơi quán gió cầu sương. Mang một tâm sự buồn và cô đơn cho đời lãng tử. Ưa trầm lặng suy tư, thích cải lương, mê tiếng hát Minh Phụng, Mỹ Châu. 21 tuổi đời chưa một lần yêu. Tha thiết làm quen với khách má hồng từ đất Thần kinh đến đồng chua nước mặn để tâm sự buồn vui trong những lúc dừng chân nơi quán trọ. Bạn thuyền quyên nào thích, xin cho cánh nhạn lướt gió về địa chỉ…
4262 - Năm thứ 19, muôn chiều lá đổ, khép nép trong màu áo học trò lớp 11 duyên dáng, thích những bản tình ca không hạnh phúc của Trịnh Công Sơn, muốn làm quen với các anh lớn tuổi để lắng nghe những an ủi, vỗ về, vo tròn trong một gãy đổ đặng sưởi ấm tâm hồn đơn vãng, xin thư về em gái theo địa chỉ…
4264 - Vân Phi là tên của một vì tinh tú bé nhỏ, dễ thương, 18 tuổi hiện là nữ sinh 11 Trưng Vương. Sống nhiều cho kỷ niệm, nhìn đời bằng đôi mắt an phận vì biết mình không là giai nhân. Thương màu tím của biển chiều cùng màu trắng hoa biển nhưng ngoan hiền và không ưa con trai nói dối. Muốn tìm người anh đứng đắn, tuổi từ 22 trở lên (có ảnh kèm theo càng tốt), thư về…
4292 - Ngọc là tên của một thằng con trai đã qua 29 mùa thu, thường mặc cảm và đang mang một tâm sự buồn, muốn đi đến hôn nhân trong thời gian ngắn nhất với các bạn gái tuổi từ 20 đến 26, có học, gia đình trung lưu, đẹp quý phái trong ngành hàng không hay công tư chức, thương mại, góa phụ một con càng tốt, thiết tha đón nhận những cánh thư của những tâm hồn đồng cảnh ngộ, hứa hồi âm dù thư đến muộn, ai mến xin thư về…
4293 - (Đăng lần thứ 2) Góa phụ cô đơn 27 xuân thì, 1 con đẹp khỏe mạnh, duyên dáng, hiền, thành thật, biết nấu ăn, may thêu và biết cách chìu chồng. Tìm chồng để nuôi con thơ, không phân biệt tuổi tác. Điều kiện: Biết thương trẻ, độc thân, beau trai, phải cao trên 1 m 70, độ lượng và có nhà ở những nơi thơ mộng như Bảo Lộc, Đà Lạt càng tốt, thư về...
Với nhiều nhà văn mà tôi đã gặp, họ thừa nhận rất khoái đọc các chuyên mục này vì cũng là chất liệu xây dựng tính cách nhân vật. Riêng Bà Tùng Long từng cho biết không ít tình huống, lời tâm sự, tâm tình của bạn đọc chính là tình tiết để bà tham khảo khi hư cấu trong tác phẩm. Do đó, không phải ngẫu nhiên, ngoài việc phụ trách chuyên mục giải đáp, tâm tình với nữ giới, bà còn là một nhà văn đeo đuổi đề tài hôn nhân gia đình một cách bền bỉ và có nhiều tác phẩm xuất bản, được bạn đọc rất ái mộ.
Nhà văn Bà Tùng Long; thể lệ đăng cùng một vài lời rao “kết bạn” trên báo Sài Gòn xưa /// Ảnh: Tư liệu
Lê Minh Quốc
Nhà văn Bà Tùng Long; thể lệ đăng cùng một vài lời rao “kết bạn” trên báo Sài Gòn xưaẢNH: TƯ LIỆU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét