Bà chủ quán bún bò Tuyết tiết lộ, mở quán đã 20 năm, trung bình mỗi ngày bà bán được 5 nồi bún. Thu nhập từ việc bán bún bò giúp bà mua được 4 mảnh đất ở Huế và nuôi 4 người con ăn học trưởng thành.
Huế có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng nhưng có lẽ chỉ có bún bò Huế mới là món được mọi người liệt kê vào danh sách các món nhất định phải ăn khi đến mảnh đất cố đô này.
Tôi người Hà Nội và cũng không ngoại lệ, trong chuyến du lịch đến Huế dịp tốt nghiệp ra trường của mình, tôi tự nhủ sẽ phải ăn món này đầu tiên.
Bún bò Huế thì ở đâu cũng có, ở Sài Gòn hay Hà Nội, không khó để bạn có thể tìm được quán ăn với tấm bảng hiệu "Bún bò gốc Huế" hay "Bún bò Huế" thật nổi bật trên đường phố. Nhưng ở Huế, người ta gọi đơn giản đây là món bún bò, dĩ nhiên rồi, vì bún bò bán ở Huế thì là bún bò Huế chứ gì nữa. Hóa ra, những nơi khác gọi là "bún bò Huế" là chỉ là để chỉ xuất xứ của món ăn này.
Ở đâu cũng vậy, trong 1 tô bún bò Huế sẽ có bún, thịt bắp bò, giò heo, gân, chả,...cùng nước lèo pha thêm nước màu để ra màu đo đỏ, vàng vàng đặc sánh hay còn gọi là nước béo.
Bún bò bà Tuyết nằm ở số 47 đường Nguyễn Công Trứ (khu vực cầu Vĩ Dạ). Ngay khi bước vào quán, tôi đã bị ấn tượng bởi hình ảnh bà chủ quán cười niềm nở, khác hẳn với một vài chủ quán ăn ở Hà Nội mà tôi thường ghé.
20 năm luôn tấp nập khách
Lúc tôi đến quán là 7 giờ 30 sáng nhưng bên trong đã chật cứng khách, bên ngoài không còn chỗ để xe. Ngay từ khi bước vào quán, mùi thơm thơm của mắm ruốc tỏa ra từ nồi nước lèo khiến bụng tôi sôi sùng sục. Nhìn vào menu, tôi gọi ngay cho mình một tô bún bò đặc biệt để thưởng thức.
Tôi đã từng ăn bún bò Huế ở Hà Nội rất nhiều lần nhưng khi được thưởng thức bún bò Huế tại đất Huế, lại là quán do chính dân Huế giới thiệu thì quả thực, đây đúng là sự khác biệt một trời, một vực.
Nếu như ở Hà Nội, bún bò Huế chỉ có mùi mắm đậm đặc, mằn mặn thì bún bò Huế ở Huế lại có vị ngọt thanh của nước lèo, miếng huyết dai dai, giòn giòn ăn rất ngon, ngoài ra bún bò ở Huế còn thoang thoảng mùi thơm của mắm ruốc và sả không lẫn vào đâu được.
Tô bún bò đầy ắp, cho thêm 1 ít sa tế làm từ sả và ớt, nặn miếng chanh rồi cho thêm rau sống đã trụng qua nước sôi vào tô khiến tôi không thể không thòm thèm.
Với sự niềm nở của bà chủ quán, tôi cũng không ngại ngần khi tới hỏi chuyện. Chủ quán cho biết bà tên là Lê Thị Tuyết (53 tuổi). Suốt 20 năm qua, ngày nào bà cũng dậy từ 2 giờ 30 để nấu nước lèo và chuẩn bị nguyên liệu cho kịp trước lúc trời sáng.
Theo bà Tuyết, để làm nên một món bún bò đúng vị đầu tiên là ở nước lèo. Nguyên liệu làm nước lèo ở quán của bà là từ xương heo, bà Tuyết cho biết chỉ có xương heo mới làm cho nước lèo có vị ngọt thanh tự nhiên. Nồi nước lèo còn được cho thêm một ít mắm ruốc để tạo nên hương vị riêng của bún bò Huế. Bà Tuyết tiết lộ, quán nào cũng cho mắm ruốc nhưng cách thêm và lượng mắm ruốc thêm vào sẽ tạo nên hương vị riêng của mỗi quán.
Bán bún bò mua 4 mảnh đất, nuôi 4 người con
Bà Tuyết cho hay, trung bình mỗi ngày bà bán được 5 nồi bún, thu nhập từ việc bán bún bò giúp gia đình bà mua được 4 miếng đất ở Huế và nuôi 4 người con ăn học trưởng thành.
Bún bò bà Tuyết không chỉ hấp dẫn người dân ở đây mà còn thu hút cả dân mê ẩm thực xứ Huế từ phương xa đến, như tôi là một ví dụ.
Giá mà Hà Nội cũng có một quán bún bò với hương vị và thái độ niềm nở với khách như bà Tuyết thì chắc ngày nào tôi cũng ghé...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét