Nhờ áp chế của Trần Thủ Độ mà cái nạn thái hậu can chính cuối thời Lý bị chặn đứng vào đầu thời Trần. Các vua sau đó nhà Trần theo phép đó mà khiến hậu cung không được can dự việc triều chính.
Trong một bài viết trước, chúng tôi đã từng đề cập chuyện Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải bỏ Lý Chiêu Hoàng và lấy chị dâu là Thuận thiên công chúa. Hành động vô luân đó là cách để Trần Thủ Độ dẹp bỏ mối nguy Lý Chiêu Hoàng trở thành thái hậu sau đó thì cơ đồ nhà Trần có thể tan thành mây khói. Nhưng Trần Thủ Độ không chỉ thủ tiêu vai trò của Lý Chiêu Hoàng mà chính ông cũng thủ tiêu luôn cả vai trò thái hậu trong cung đình nhà Trần.
Các Thái hậu là mẹ của vua có vai trò ảnh hưởng cực lớn trong các triều đại Trung Quốc trước nhà Trần và cả nhà Lý ở nước ta. Sở dĩ chúng tôi nhắc nhiều đến một số điển tích Trung Quốc bởi lý do đơn giản là phải đưa nhân vật vào đúng bối cảnh lịch sử để hiểu thêm về suy tính của họ khi ấy. Thời phong kiến, cách hành xử của vua quan nước ta vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều từ những bài học trong lịch sử Trung Quốc. Ví dụ như chuyện Hưng Đạo vương khi viết Hịch tướng sĩ thì dùng một loạt điển tích của người Hán, người Mông để tỏ lòng với binh sĩ. Hay sau này, khi Trần Nghệ Tông gửi gắm con côi cho Hồ Quý Ly cũng tặng tấm tứ phụ đồ thì 3 trong số 4 điển tích ở đó xuất phát từ Trung Quốc.
Trở lại câu chuyện của Trần Thủ Độ. Dù Trần Thủ Độ tự nhận là người ít học nhưng với những năm tháng làm chính trị lọc lõi thì ông không thể không hiểu tấm gương Lữ Hậu (vợ Lưu Bang) suýt khiến nhà Hán đổi họ hay chuyện Võ Tắc Thiên từ ngôi thái hậu đã hất cả 2 con trai xuống để làm nữ hoàng, suýt khiến nhà Đường gãy cơ đồ.
Và Trần Thủ Độ có lẽ cũng không thể quên vai trò Thái hậu ở nước ta trước thời Trần cũng rất ghê gớm, có khả năng hô mưa gọi gió, thậm chí thay đổi triều đại. Chẳng hạn như việc nhà Đinh chuyển sang nhà Tiền Lê có vai trò lớn của Thái hậu Dương Vân Nga. Nếu không được Dương Vân Nga hậu thuẫn thì chưa chắc Lê Hoàn đã lên ngôi hoàng đế dễ dàng như vậy khi các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú vẫn một lòng hướng về nhà Đinh.
Còn các thái hậu nhà Lý thì đã tác động khiến triều đại từ thịnh sang suy như đã phân tích ngay trong bài trước. Trong bài viết "Nhà Lý mất nước vì nạn thái hậu tham nhũng quyền lực", chúng tôi có nhắc việc Linh Chiếu thái hậu trọng dụng Đỗ Anh Vũ vì tư tình, Chiêu Linh hoàng thái hậu mưu đảo chính vì muốn có ngôi cho con trai, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu dùng em trai bất tài Đỗ An Di, Đàm thái hậu phong Đàm Dĩ Mông ít học làm thái sư...
Ngoài ra Đàm Thái hậu còn là người khiến vua Lý Huệ Tông từ bỏ thế lực người cùng họ là Lý Bát để quay về nương náu nhà họ Trần. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Trước đây, nhà vua sách lập Trần Thị làm Thuận Trinh phu nhân. Thấy Tự Khánh là người phản trắc, Thái hậu nhiều lần chỉ vạch phu nhân là bè đảng của giặc, khuyên nhà vua ruồng bỏ, nhưng nhà vua không nghe. Thái hậu bắt phu nhân phải tự sát, nhưng nhà vua ngăn cản lại. Thái hậu lại bỏ thuốc độc vào các món ăn, thức uống của phu nhân. Cứ mỗi bữa ăn, nhà vua lại chia sẻ cho phu nhân một nửa và cho cùng ở chung, chứ không để rời khỏi bên mình. Rồi đang đêm, nhà vua cùng với phu nhân vi hành lén đi; đến sáng, vào trú tại nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện An Duyên. Nhân bấy giờ Tự Khánh sai bộ tướng Vương Lê đem chu sư đến đón, nhà vua mới đóng ở Cứu Liên châu, vời Tự Khánh đến chầu".
Chi tiết này cho thấy cuối thời Lý thì quyền lực thái hậu còn hơn cả vua nên xã tắc mới chông chênh. Tuy nhiên, việc Đàm thái hậu cảnh giác nhà họ Trần, và đặc biệt là Trần Thị Dung là có cơ sở. Các vị Linh Chiếu thái hậu, Chiêu Linh thái hậu, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu hay kể cả Đàm Thái hậu cũng chỉ làm suy yếu nhà Lý còn Trần Thị Dung sau khi lên làm thái hậu lại chính là người khai tử triều đại Lý thông qua việc cùng Trần Thủ Độ sắp xếp việc chuyển ngôi từ Lý Chiêu hoàng sang Trần Thái Tông.
Vai trò và ảnh hưởng của Trần Thị Dung thời điểm đầu nhà Trần vẫn rất lớn. Bà lúc đó không chỉ là mẹ vợ vua Trần Thái Tông (dù Lý Chiêu Hoàng hay Thuận Thiên công chúa là hoàng hậu thì mẹ của họ vẫn là Trần Thị Dung) mà còn là em gái của Thái thượng hoàng Trần Thừa, đặc biệt là vợ của Trần Thủ Độ - người nắm giữ toàn bộ binh quyền khi ấy. Có thể nói vai trò của bà có ảnh hưởng tới triều đình nào có kém gì Thái hậu khi Trần Thái Tông phải rất kính nể bà. Đó là lý do vì sao sau khi nhà Trần được thiết lập, bà được tôn phong làm Thiên Cực công chúa, biệt hiệu Quốc mẫu, được hưởng quy chế ngựa, xe, nghi trượng ngang hàng với Hoàng hậu.
Tuy trọng tình với Trần Thị Dung nhưng Trần Thủ Độ khi ấy lại không cho phép vợ mình lợi dụng vai trò để tham nhũng quyền lực. Có một số giai thoại ghi rõ hành xử cứng rắn của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung. Sử chép: "Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ có làn ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại,về dinh khóc bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.
Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là bà Linh Từ xin riêng cho một người làm chức nhỏ ở địa phương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ, Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có công chúa (tức bà Linh Từ) xin cho được làm câu đương (tên của chức vị ở địa phương), không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa".
Nhờ áp chế của Trần Thủ Độ mà cái nạn thái hậu can chính cuối thời Lý bị chặn đứng vào đầu thời Trần. Các vua sau đó nhà Trần theo phép đó mà khiến hậu cung không được can dự việc triều chính.
Tuy nhiên, cuối cùng thì nhà Trần cũng lại mất nước bởi tay người nhà một vị thái hậu. Ấy là chuyện gần 2 thế kỷ sau. Năm thứ 11 (1398), Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An, tức Trần Thiếu Đế. Khâm Thánh hoàng hậu vốn là con gái của Hồ Quý Ly được tôn làm Hoàng thái hậu. Khi ấy Thiếu Đế mới lên 3 tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai bà lạy trước cho Thái tử lạy theo.
Có thể thấy Hồ Quý Ly học đúng chiêu của họ Trần cướp ngôi nhà Lý khi cũng cho con gái nhập cung làm hoàng hậu, rồi leo lên ngôi thái hậu để thúc đẩy việc chuyển giao từ họ Trần sang họ Hồ. Tất nhiên, vai trò và ảnh hưởng của thái hậu cuối nhà Trần rất mờ nhạt vì dù có bà hay không thì Hồ Quý Ly cũng sẽ quyết cướp được ngôi.
Anh Tú
Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần
Nếu Trần Thủ Độ không làm triệt để thì tôn thất nhà Lý sau đó có cơ hội vùng lên cũng không để con cháu nhà Trần được sống yên ổn. Sau này, chúng ta cũng thấy được sự trả thù tàn khốc của con cháu nhà Lê dành cho nhà Mạc hay cụ thể hơn là Gia Long với con cháu nhà Tây Sơn khi giành lại được quyền lực.
Người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc chuyển giao triều đại từ Lý sang Trần phải kể đến Trần Thủ Độ và hoàng thái hậu lưỡng triều Trần Thị Dung. Người được hưởng lợi nhất trong cuộc đổi ngôi này chắc chắn là vua Trần Thái Tông. Cho đến sau này, sử sách không hề có một lời chê bai Trần Thái Tông trong khi có rất nhiều lời phê bình cho Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ thừa đủ khôn ngoan để hiểu các lời phê phán hậu thế dành cho các hành động của mình. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện mọi bước đi chính trị cứng rắn, thậm chí tàn khốc để bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần. Thậm chí, có thể tin Trần Thủ Độ chấp nhận vơ vét hết tiếng xấu về mình để đảm bảo Trần Thái Tông giữ ngôi mà không hề có tì vết.
Khi Trần Thủ Độ nhận thấy có cơ hội đổi họ cho ngôi vua thì việc đầu tiên là lo sợ. Sử chép: Trần Cảnh lên 8 tuổi, đến phiên vào hầu, Chiêu Hoàng thấy Cảnh, đem lòng ưa thích, đêm đến, thường vời vào hầu, nô nghịch cười đùa. Trần Cảnh đem việc đó mách bảo Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu quả vậy, thì họ ta sẽ là họ nhà vua hay là cả họ sẽ bị giết sạch?".
Ngay trong câu nói này đã cho thấy Trần Thủ Độ nhắm Trần Cảnh làm vua nên mới dùng "họ ta" chứ không có bụng khác. Việc phản tặc cướp ngôi là phạm tội tru di tam tộc. Trần Thủ Độ đã quyết tâm liều 3 họ để đoạt ngôi nhà Lý nên hành động rất cẩn thận và dứt khoát. Cẩn thận đó thể hiện qua việc thà mang tiếng ác chứ không để hậu hoạ.
Việc trừ hậu họa đầu tiên là bức tử vua cũ Lý Huệ Tông. Sử chép: "(1226) Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, thường ngồi xổm nhổ cỏ ở trước cửa chùa. Thủ Độ đi qua trông thấy, nói: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu". Thượng hoàng đứng dậy, xoa tay, nói: "Lời của anh nói, ta đây biết rồi". Sau Thượng hoàng ra chơi chợ cửa Đông, nhân dân ganh nhau chạy ra xem, có người động lòng thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người tưởng nhớ đến vua cũ, sẽ sinh ra sự biến loạn chăng, nên lại càng canh giữ dò xét nghiêm mật hơn trước". Cuối cùng, Trần Thủ Độ cũng bức tử mà sử chép: Thủ Độ sai người đem hương hoa đến dâng và nói rằng: " Quan Thượng phụ (tức Thủ Độ) có lời trần thỉnh". Lý Thượng hoàng giận lắm, nói rằng: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Rồi vào buồng ngủ, khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế". Nói rồi liền thắt cổ ở vườn sau chùa. Thủ Độ bắt các quan đến khóc viếng, đào tường phía nam thành để làm cửa, di chuyển cữu ra phường An Hoa, dùng phép hỏa hóa, còn hài cốt thì đem chôn cất ở tháp chùa Bảo Quang".
Tuy Lý Huệ Tông đã đi tu nhưng Trần Thủ Độ có lý để lo lắng. Chừng khoảng 15 năm trước đó (1211), Lý Huệ Tông từng bỏ phe họ Trần để sang phe họ Đoàn (Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi) khiến Trần Tự Khánh suýt bỏ mạng. Sau Lý Huệ Tông còn phong phản tướng của họ Trần là Nguyễn Nộn tước hầu để mượn tay chống họ Trần. Đến 1216, Lý Huệ Tông phải bất đắc dĩ quay lại nhờ cậy họ Trần mà thôi.
Thời điểm Lý Huệ Tông đi tu thì thiên hạ vẫn loạn lạc chứ chưa thống nhất trong tay họ Trần. Cục diện lúc đó họ Trần mạnh nhất rồi đến thế lực của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng. Phải mãi đến 1228 thì Trần Thủ Độ mới dẹp được thế lực quân sự họ Nguyễn, họ Đoàn. Nếu chẳng may mà Lý Huệ Tông rơi vào tay của Nguyễn Nộn hay Đoàn Thượng thì các thế lực này lại có quân bài để kêu gọi Cần vương. Khi ấy thì e rằng cơ đồ của họ Trần vừa dựng sẽ lại tan theo dòng nước. Trong bối cảnh phải lựa chọn nhân nghĩa hay sự triệt để thì Trần Thủ Độ chọn phương án 2.
Một sự kiện nữa khiến Trần Thủ Độ mang tiếng ác là diệt tộc nhà họ Lý vào 1232. Sử chép: "Thủ Độ đã giết vua Huệ Tông, bọn tôn thất nhà Lý nhiều người ấm ức thất vọng. Nay nhân lúc họ làm lễ tế tiên tổ ở thôn Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ cho người ngầm đào cái hố sâu, dựng nhà lên trên, rồi giật máy cho nhà đổ, chôn sống hết tôn thất nhà Lý".
Cũng có thuyết cho rằng chuyện này không có thật vì sau này vẫn có người họ Lý làm quan nhà Trần. Nhưng trên thực tế thì chúng ta có thể tin rằng việc Trần Thủ Độ thi hành chính sách tận diệt nhà họ Lý là có thật. Bằng chứng sống động hơn cả chính là việc hoàng tử nhà Lý là Lý Long Tường đã phải bỏ xứ mà đi cùng với 6.000 gia binh. Nếu tình hình giữa họ Trần - Lý khi đó không thực sự căng thẳng đến mức sống chết thì hoàng tử Lý Long Tường đâu đến mức phải bỏ cả sản nghiệp, đất phong để làm "thuyền nhân" vô định.
Tuy nhiên, cũng không trách được Trần Thủ Độ khi ông có những hành động cứng rắn. Nếu Trần Thủ Độ không làm triệt để thì tôn thất nhà Lý sau đó có cơ hội vùng lên cũng không để con cháu nhà Trần được sống yên ổn. Sau này, chúng ta cũng thấy được sự trả thù tàn khốc của con cháu nhà Lê dành cho nhà Mạc hay cụ thể hơn là Gia Long với con cháu nhà Tây Sơn.
Nhưng điểm cần chú ý là trong mọi việc làm này Trần Thủ Độ đều tự ý hành động mà không có ghi chép nào nói rằng ông phải thỉnh thị ý kiến từ Trần Thái Tông. Điều này tạo ra vẻ ngoài chuyên quyền của Trần Thủ Độ nhưng về sâu xa thì nó giúp Trần Thái Tông cách ly hoàn toàn với những tiếng xấu trong mắt người dân Việt khi đó.
Trần Thủ Độ không chỉ giúp Trần Thái Tông có ngôi báu mà còn giúp cho Trần Thái Tông danh tiếng sạch sẽ hoàn toàn. Điều đó giúp vị vua trẻ nhà Trần sau này có uy tín tuyệt đối với quân dân Đại Việt và nhờ đó thống nhất sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến kháng Nguyên. Giả sử như việc Thái Tông lên ngôi có tì vết e rằng ông khó hiệu triệu người dân cả nước một lòng chống quân Nguyên.
Vai trò của Trần Thủ Độ trong cuộc chiến chống Nguyên lần thứ nhất
Cuối năm 1257, tướng Mông Cổ Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) dẫn quân xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Trần Thái Tông đích thân đốc chiến, thế giặc mạnh, nhà vua lui quân về sông Lô, rồi lui về sông Thiên Mạc. Nhà vua ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu kế sách chống quân Mông Cổ, Nhật Hiệu chấm nước viết chữ lên hai chữ Nhập Tống. Thái Tông lại hỏi quân Tinh Cương, quân do Nhật Hiệu chỉ huy, Nhật Hiệu nói rằng "Không gọi được chúng đến".
Sau đó, Thái Tông lại dời thuyền đến hỏi Trần Thủ Độ, Thủ Độ tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Ngày 24 tháng 12 năm đó, Trần Thái Tông tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông Cổ, khiến họ phải triệt thoái về Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét