Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Tòa thành đất sớm và quy mô nhất Đông Nam Á

Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, có thể khẳng định, thành Cổ Loa được đắp vào thế kỷ III - II TCN dưới thời An Dương Vương, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn, là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất ở Đông Nam Á, do cư dân thời kỳ này đã triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn để đắp thành, đào hào.

Khai quật Cổ Loa. Ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp.

Thành Cổ Loa đã được nhiều bộ sử cổ Trung Quốc và Việt Nam ghi chép. Về cơ bản, các nguồn sử liệu thành văn đều cho rằng, sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi vào năm 208 TCN, An Dương Vương đã thay thế Hùng Vương và chuyển từ Việt Trì về Cổ Loa lập nước Âu Lạc, sau đó định đô, đắp thành kiên cố phòng vệ và xây dựng đất nước. Nước Âu Lạc tồn tại trong vòng 30 năm, từ 208 TCN đến năm 179 TCN, Triệu Đà nhân cơ hội phát quân đánh chiếm Âu Lạc. Từ đó, Âu Lạc bị nhà Triệu thống trị. Tuy nhiên, trong các bộ cổ sử đó nhiều sự kiện không thống nhất về địa điểm, nội dung, thời gian mở đầu và kết thúc, nên rất khó tra cứu, đối sánh để tìm ra cái chung thống nhất.




Những phát hiện mới về Cổ Loa sau đợt khai quật gần đây 2007 – 2014 của chúng tôi cùng các nghiên cứu trước đây, đã cho thấy rõ nét quá trình xây dựng ba vòng thành Cổ Loa, cũng như các lát cắt về đời sống văn hóa thời kỳ Cổ Loa.

Một diễn trình lịch sử liên tục

Nghiên cứu khảo cổ học Cổ Loa cho đến nay đã giúp chúng ta đã có đủ tư liệu để hệ thống và xây dựng một phổ hệ phát triển văn hoá khảo cổ từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn trong bối cảnh phát triển của văn minh Sông Hồng.

Cổ Loa và khu vực xung quanh có phân bố di tích dày đặc, ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Cụ thể: Giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên (4.000 các ngày nay - BP), gồm các di tích: Đồng Vông, Bãi Mèn (lớp dưới), Đình Tràng (lớp văn hoá thứ tư). Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu (3.500 BP), gồm các di tích: Tiên Hội, Xuân Kiều, Bãi Mèn (lớp giữa), Đình Tràng (lớp văn hoá thứ ba). Giai đoạn văn hoá Gò Mun(3.000BP), có lớp văn hoá thứ hai ở Đình Tràng. Giai đoạn văn hoá Đông Sơn (2.800 BP) (hay giai đoạn văn hoá Cổ Loa), gồm các di tích: Bãi Mèn (lớp văn hoá trên cùng), Đường Mây, Đình Tràng (lớp văn hoá thứ nhất với tính chất cư trú – mộ táng), Cầu Vực, Mả Tre, Xóm Hương, Xóm Nhồi, di tích đúc mũi tên đồng Đền Thượng, Xóm Thượng, Bãi Miễu và di tích ba vòng thành Cổ Loa. Thời kỳ sau giai đoạn văn hoá Đông Sơn, ở khu di tích Cổ Loa, đã phát hiện, khai quật và nghiên cứu một loạt di tích, chủ yếu là mộ gạch, khẩu giếng bằng đất nung thời Đông Hán (Thế kỷ 1-3 AD), mộ gạch thế kỷ VII - IX, hệ các di tích thờ tự An Dương Vương và Mỵ Châu thế kỷ XVIII – XIX, hệ thống các lò nung gốm, gạch và ngói thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XX.


Các giai đoạn đắp thành - địa tầng vách tây ở vòng Thành Ngoại. Ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp.

Thành Cổ Loa đã được khai quật 5 lần ở cả 3 vòng thành. Thành Ngoại được cắt 02 lần tại xóm Mít, năm 1970 và tại xóm Thượng năm 2012. Thành Trung được khai quật tại xóm Thượng, năm 2007-2008. Thành Nội được khai quật 02 lần: 01 hố ở Đền Thượng, năm 2005 và 03 hố tại xóm Hương, 01 hố ở xóm Lan Trì năm 2014.Cấu tạo các lớp đất đắp ở thành Trung và thành Ngoại khá giống nhau, với 4 lớp đất đắp trải qua 3 giai đoạn: trước An Dương Vương, An Dương Vương và sau An Dương Vương. Trong 5 lần cắt 3 vòng thành Cổ Loa, bốn di tích quan trọng đã được phát hiện.

Thứ nhất là phát hiện lớp văn hóa Đông Sơn nằm dưới thành do An Dương Vương đắp, trong hố khai quật thành Trung năm 2007-2008. Trong lớp văn hóa Đông Sơn ở đây, cùng với đồ gốm, hiện vật sắt, đã phát hiện được di tích phòng thủ có quy mô nhỏ hơn và khác phương vị với thành Cổ Loa của An Dương Vương. Di tích có cấu trúc (từ ngoài vào trong) là: Hào -Tường thành - Hào - Vọng gác + tường chắn. Trong nền của vọng gác còn phát hiện được di tích bếp lửa, hiện vật sắt và gốm Đông Sơn.

Phát hiện thứ hai là nền gia cố bằng đất gốc trước khi đắp thành trong hố khai quật thành Ngoại năm 2012.

Phát hiện thứ ba trong hố khai quật thành Ngoại năm 2012 tại xóm Thượng. Theo các chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản, có một số hiện tượng lạ trong cấu trúc của đất đắp thành có thể là dấu vết của hiện tượng động đất. Vấn đề này đang tiếp tục được nghiên cứu. Nếu hiện tượng động đất được xác nhận, cũng đồng thời xác nhận cốt lõi của truyền thuyết thần Kim Quy/ Thanh Giang xứ được Huyền Thiên Trấn Vũ sai xuống giúp An Dương Vương khắc phục hiện tượng “thành cứ xây xong lại đổ”.




Phát hiện thứ tư gần đây nhất (2014) trong hố cắt thành Nội và ụ hỏa hồi tại thôn Hương đã phát hiện được di tích gốc của thành Nội và ụ hỏa hồi trong cùng bình diện xuất lộ, nằm dưới mặt thành Nội hiện nay khoảng trên 2m. Đây là phát hiện quan trọng khẳng định An Dương Vương đã đắp cả 3 vòng thành và hệ thống ụ hỏa hồi trong hệ thống thành Nội cũng được An Dương Vương đắp cùng với thành Nội.

Một công trình phòng thủ sớm nhất trong lịch sử Việt Nam

Các giai đoạn đắp thành

Căn cứ vào cấu tạo và sự khác biệt trong cấu trúc, kết cấu các lớp đất đắp thành trong các hố khai quật thành Ngoại, thành Trung và thành Nội, chúng tôi phân thành 04 lớp tương đương với 03 lần đắp thành dưới thời An Dương Vương: Đợt 1: Gia cố nền (thành Ngoại) và đắp đất bằng cách đổ tự nhiên trùm lên trên nền gia cố (thành Ngoại) và trùm lên di tích Phòng thủ (thành Trung); Đợt hai: Mở rộng thành sang hai bên; Đợt ba: Đắp theo từng lượt có san và đầm nện chặt.

Lớp trên cùng có gốm Cổ Loa.

Ngoài ra, trên lớp gốm Cổ Loa là các đợt đắp, tu bổ thành Cổ Loa sau thời An Dương Vương (nhiều hiện vật thời Lê, Nguyễn Huệ cho thấy điều này).


Các giai đoạn đắp thành Trung và công trình phòng thủ sớm. Ảnh: Lại Văn Tới.

Hệ thống lại các tư liệu khảo cổ học thu được từ các cuộc khai quật từ năm 1970 cho đến nay, kết hợp với nguồn sử liệu thành văn, chúng tôi khẳng định: cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) đã xây dựng hào, lũy ở Cổ Loa. Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật của nhà Hán. Người Việt xây dựng cả ba vòng thành này, bằng kỹ thuật của người Việt trước khi người Hán tới, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật xây thành của người Hán. Ví dụ, khi phân tích các lớp đất ở thành Trung, chúng tôi thấy có kỹ thuật cắt đất nhưng hoàn toàn không giống với kỹ thuật cắt đất đắp thành ở Trung Quốc cổ (Phương pháp cắt đất thường được dùng để xây dựng tường thành và nền móng cho các tòa nhà tại văn hoá Long Sơn (khoảng 3.000 - 1.800 năm trước Công nguyên) và các di chỉ thuộc văn hóa Thương (khoảng 1.600 - 1.046 năm trước Công nguyên) ). Phương pháp cắt đất ở các di chỉ thuộc nhà Hán có xu hướng mỏng và có độ dày thống nhất, khoảng 12 - 14cm, trong khi các lớp đất cắt của giai đoạn 2 ở Cổ Loa rất dày, thô và thiếu tính đồng nhất. Từ cơ sở này, chúng tôi cho rằng, quá trình đắp thành giai đoạn 2 của Thành Trung được thực hiện hoàn toàn bởi người Việt chứ không phải bởi người Hán. Đồng thời, kỹ thuật đắp Thành Nội, ụ hỏa hồi trong Thành Nội có các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau nhưng đều có tính thống nhất, tạo thành mặt phẳng, chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất như kỹ thuật đắp Thành Trung. Kỹ thuật đắp lũy Thành Ngoại khác với kỹ thuật đắp giai đoạn 2 của Thành Trung (kết quả phân tích niên đại vào năm 2007 - 2008 là 399 – 206 trước công nguyên - BC).

Cư dân thời này đã có truyền thống xây dựng lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên có sẵn để đắp thành, đào hào. Đất để đắp thành lũy được khai thác từ hào nằm bên ngoài thành. Địa tầng thành cho thấy, thành có cột địa tầng đảo ngược so với hào. Sông được dùng làm hào tự nhiên cho Thành Ngoại và cung cấp nước cho cả hệ thống hào của tòa thành. Nhiều gò, đống, doi đất cao được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của tòa thành.

Kiến trúc “quân thành” của một nhà nước mạnh và tập trung hóa

Sự phân bố của các di tích văn hóa Cổ Loa kết hợp với sự hiện diện của ba vòng thành cho phép chúng ta phác dựng cấu trúc thành Cổ Loa, với thiết kế chi tiết và quy định chức năng cho từng khu vực, từng vòng thành.

Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.650m. Thành cao trung bình, so với mặt đất hiện nay khoảng 5m, mặt thành rộng 6 – 12m, chân rộng 20 – 30m. Thành Nội chỉ có một cửa thành mở về phía Nam trông thẳng vào Ngự triều di quy, tương truyền đó là nơi thiết triều của Vua Thục.

Thành Trung là một vòng thành khép kín, không có hình dáng cân xứng, bao bọc phía ngoài thành Nội. Thành Trung dài 6.500m. Một đặc điểm đáng lưu ý của cửa Nam đó là được bố trí thành cửa chung của thành Trung và Thành Ngoại do hai vòng thành nối liền nhau tạo thành, cửa Đông là cửa đường thủy (nhân dân gọi là cửa Cống Song) mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội.

Thành Ngoại là một đường cong khép kín không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 7.780m. Những đoạn thành còn lại cao trung bình 3 – 4m, chỗ cao nhất gọi là gò Cột Cờ ở phía Nam cao khoảng 8m. Chân thành rộng khoảng 12 – 20m. Ngoài cửa Nam là cửa chung với thành Trung, Thành Ngoại còn có ba cửa: Cửa Bắc (nhân dân quen gọi là cửa Khâu), cửa Đông và cửa Tây – Nam, trong đó cửa Đông là cửa sông nối liền với Hoàng Giang.

Ngoài chức năng là nơi vua định đô, Cổ Loa còn có chức năng là quân thành. Với hệ thống ba vòng lũy và hào nước, thành Cổ Loa vừa là căn cứ bộ binh, vừa là căn cứ thủy binh mà Đầm Cả là một cảng thuyền lớn.Tính chất trung tâm quyền lực được thể hiện rõ khi mà trong thành đã tìm thấy trống đồng to đẹp - trống Cổ Loa I, xưởng đúc mũi tên đồng Đền Thượng ở trung tâm tòa thành đất kỳ vĩ đã cho thấy rõ vị thế kinh đô của thành Cổ Loa thời nước Âu Lạc.

Cùng với 3 vòng thành đất Cổ Loa còn hiện diện đến ngày nay, khảo cổ học đã phát hiện trong hố khai quật cắt thành Trung tại Xóm Thượng một đoạn tường đất nằm dưới lớp thành do An Dương Vương đắp. Cùng với các bộ phận khác, như: hào trước-sau (trong-ngoài), nền và tường đất của vọng gác (hay chòi canh) tạo thành một cấu trúc liên hoàn dạng làng phòng thủ hay pháo đài. Ở bình diện xuất lộ di tích phòng thủ này đã phát hiện các di tích, di vật thuộc văn hoá Đông Sơn, như: gốm thô màu nâu sẫm, dao sắt, bếp lửa... Niên đại này phù hợp với mẫu than nằm cùng mảnh gốm thô Đông Sơn cho niên đại 179 ± 30 trước Công nguyên BC.

Các dãy lũy đất phòng thủ hay bảo vệ bên ngoài của vòng thành Ngoại Cổ Loa đã phát hiện được ở nhiều nơi: Bãi Miễu (1978), Đình Tràng (2010) và dãy gò ở xã Dục Nội có kỹ thuật đắp giống các vòng thành Cổ Loa. Ở phía Nam thành Ngoại, cạnh Hoàng Giang, tại di chỉ Bãi Mèn, đã phát hiện những nền đất đắp, di tích hình lòng chảo...có thể có kết cấu dạng đồn trú bảo vệ Nam Môn. Những công trình này là những phòng tuyến tiền tiêu từ xa, khiến cho Cổ Loa trở thành công trình phòng thủ có quy mô to lớn, kiên cố và vững chắc nhất vào thời cổ đại trong lịch sử nước ta.

Toàn bộ quy mô và kích cỡ của Cổ Loa và những công trình phòng thủ hoành tráng đã cho thấy rằng sự tập trung chính trị ở cấp độ cao nhằm quy hoạch xây dựng. Đồng thời, các cộng đồng ở khu vực này có thể đã quen với các công trình công cộng được xây dựng trước khi xây dựng thành Cổ Loa, những công trình như thế có quy mô nhỏ (như mương, đê điều, đường đi...) và diễn ra trong thời gian nông nhàn. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ Sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa, và để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa để huy động nguồn lực cần thiết cho xây thành Hơn nữa, những yêu cầu cao về lao động cũng là chỉ báo cho thấy mật độ dân số cao ở thời kỳ này. Bằng chứng khai quật khảo cổ học cũng cho thấy, cư dân ở đây đã cư trú ổn định và tập trung thành những trung tâm lớn trong ba khu vực: Ở phía Nam thành Cổ Loa với di tích Bãi Mèn là trung tâm cùng với các di tích Đồng Vông (thuộc văn hóa Phùng Nguyên), Tiên Hội (thuộc văn hóa Đồng Đậu) và Cầu Vực (thuộc văn hóa Đông Sơn). Ở phía Bắc thành Cổ Loa với Di chỉ Đình Tràng trải qua quá trình phát triển lâu dài và liên tục từ các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn đến Đông Sơn cùng với di chỉ Đình Chiền (thuộc văn  hóa Phùng Nguyên và trống đồng loại I thu nhỏ Hà Phong (xã Liên Hà); Ở khu vực trung tâm thành Cổ Loa với di tích Mả Tre là trung tâm cùng với xưởng đúc mũi tên đồng Đền Thượng và các di tích Đông Sơn khác như Đường Mây, Xóm Thượng, Xón Nhồi, Xóm Hương.  



Sự phân hóa xã hội trong cộng đồng cư dân Đông Sơn ở Cổ Loa thể hiện ở hai hiện tượng: những ngôi mộ có số lượng hiện vật không nhiều lắm, chủ yếu là vũ khí, công cụ sản xuất, cho thấy chủ nhân của ngôi mộ chưa hoàn tòan tách khỏi sản xuất. Hiện tượng thứ hai là những nơi chôn giấu tài sản có thể của các thủ lĩnh giàu có và giữ vai trò, địa vị cao trong xã hội, như sưu tập trên 200 hiện vật Đông Sơn trong trống đồng Cổ Loa, kho cất giữ 1 vạn mũi tên đồng ở Cầu Vực, sưu tập trên 50 hiện vật Đông Sơn ở Xóm Nhồi…

Các nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử có thể khẳng định, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất Đông Nam Á, do An Dương Vương đắp vào thế kỷ III - II TCN. Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
-------
* PGS.TS, Viện Nghiên cứu Kinh thành.
** TS. Viện Khảo cổ học
*** PGS.TS. Khoa Nhân học, Đại học Wisconsin - Madison, Hoa Kỳ

Cổ Loa: Liệu có thể cứu vãn?

Có lẽ, hầu hết người Việt Nam đều thuộc nằm lòng truyện An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy, vốn là bài học được nhắc đến nhiều lần trong sách Ngữ Văn và sách Lịch sử phổ thông. Nhưng Thành Cổ Loa, nằm cách Hà Nội chưa đầy 20 km, là nơi khởi nguồn của truyền thuyết từ 2300 năm trước, vẫn còn dấu tích kiến trúc độc đáo của Kinh thành năm xưa lại không nằm trong tâm trí của nhiều người Việt và du khách quốc tế đến Hà Nội.

Ảnh "Một thoáng Loa Thành" do Ban quản lý khu di tích Cổ Loa cung cấp.

Mỗi năm, khu di tích Cổ Loa đón khoảng 130 nghìn lượt khách (để tiện so sánh, cố đô Huế đón một triệu lượt khách trong ba tháng) nhưng chỉ tập trung vào những ngày xung quanh thời điểm Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào tháng Giêng. Hơn nữa, mang trong mình những huyền sử đầy bi tráng và lãng mạn, đậm chất Phương Đông, nhưng kì lạ là, nếu tìm kiếm trên mạng Internet, Cổ Loa chỉ có một bài review Tiếng Anh duy nhất trên trang blog du lịch Rusty Compass, được lập ra bởi một người Úc yêu Đông Nam Á đang ở Việt Nam, Mark Bowyer. Mark viết rằng, Cổ Loa được ít người biết đến một cách đáng kinh ngạc, và anh là khách du lịch duy nhất trong hai lần đến thăm.
TS. Richard A. Engelhardt, nguyên là chuyên gia tư vấn khu vực về Văn hóa vùng Châu Á Thái Bình Dương của UNESCO cho biết, lần đầu tiên đến Cổ Loa cách đây 20 năm, ông đã bị ấn tượng bởi kiến trúc thành nhiều lớp được tạo nên bằng đất, hệ thống hào và kênh mương, dựa trên hiểu biết về địa thế và sông nước, thể hiện tài năng quy hoạch địa hình đầy tiên tiến và đổi mới sáng tạo thời kì bấy giờ. Theo nhận định của ông, một nhà Nhân học, Khảo cổ và Lịch sử học tốt nghiệp tại Đại học Yale và Harvard, Mỹ, đó là một công trình độc nhất vô nhị, dung hòa được cả mục đích quân sự và dân sinh, mang tính tiên phong và có ảnh hưởng trên khắp các công trình kiến trúc quân sự và quy hoạch của khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và phía Nam Trung Quốc sau đó. Lúc bấy giờ, ông ngạc nhiên về sự nguyên vẹn của ba vòng thành của Cổ Loa và đường nét của nó vẫn có thể thấy rõ trên thực địa, sau hơn 2000 năm. Nhưng vào thời điểm cách đây hai năm khi quay trở lại thăm một lần nữa, ông vô cùng thất vọng bởi những gì mình chứng kiến trước đó đã xuống cấp thê thảm, đến mức không còn nhận ra hình dáng của ba vòng thành nữa trước quá trình hiện đại hóa ở vùng quê này.
Cổ Loa có số phận khá long đong, lận đận cả về mặt được công nhận giá trị, công tác quản lý cho đến quy hoạch. Được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962 nhưng đến mãi gần đây, năm 2012, Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về Lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật và Khảo cổ. Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương. Sau đó, được chuyển qua nhiều đơn vị quản lý, từ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng thuộc Sở Văn hóa đến Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội (hiện là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) nhưng phụ trách trực tiếp chỉ là một tổ trong một phòng với quyền hạn vô cùng khiêm tốn. Đến năm 2014, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa mới được thành lập, là đơn vị hành chính cấp hai trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn với tỉ lệ 1/2000. Để thực hiện qui hoạch này thì công việc tiếp theo  là phải triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích. Ban đầu, Trung tâm được giao lập qui hoạch “Vùng lõi” (tức vùng trung tâm di tích) nhưng đến năm 2017, nhiệm vụ lập qui hoạch chi tiết cho toàn bộ Khu di tích đã được Thành phố giao cho tập đoàn Bất động sản Sun Group thực hiện.
Khi ban quản lý không thể bảo vệ di tích

Một đoạn thành Nội đang bị san phẳng chỉ vài ngày trước khi chúng tôi đi Cổ Loa thực địa. Trước thực trạng này, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị: “Cần tiến hành bảo vệ và khai quật khẩn cấp với những đoạn thành đang bị phá”. Ảnh: Hảo Linh.
Điều gì là giá trị lớn nhất của Cổ Loa mà từ trước đến nay đều bị đánh giá một cách sai lầm trong các quy hoạch?
Đến thăm Cổ Loa, đa số du khách thường chỉ tập trung tham quan ở “vùng lõi”, thuộc khu vực Thành Nội, với các địa điểm nổi bật như Đền Thượng thờ An Dương Vương, Hồ Giếng Ngọc, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, … Và, không ngạc nhiên, quy hoạch chi tiết cũng ưu tiên khu vực này và Ban quản lý khu di tích chỉ được phép phụ trách các địa điểm trên, cùng vài khu đất gần trụ sở làm việc với tổng diện tích khoảng 04 ha. Trong khi đó, toàn bộ khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất mà ông Lê Viết Dũng, Phó ban Quản lý (phụ trách) khu di tích Cổ Loa khẳng định rằng “đó mới là giá trị cốt lõi, là cái quý nhất ở đây” thì lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, (khai thác) không phải như với đối tượng là đất di tích mà như là đất đai thông thường. Vì thế, vì nhu cầu dân sinh, người dân canh tác trên thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân thành đã được cấp sổ đỏ, một số đoạn trên mặt thành được xẻ, làm thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại... Giờ đây, vòng thành nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Hào trong Thành Nội thì đã được lấp để xây nhà và đường hoặc không thì cây và cỏ dại mọc um tùm. Còn hai vòng Thành Trung và Thành Ngoại, mặc dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được độ cao như trước (chiều cao gốc của thành là từ 7-8m, có nơi có thể lên tới 10m, nhưng giờ đây chỉ còn là 3m trở xuống, có nơi chưa đầy 1m) còn hào thì được trưng dụng để làm diện tích trồng lúa. Đó còn chưa kể, các di tích khảo cổ học (chẳng hạn như di chỉ Đồng Vông ở trên doi đất bên sông Hoàng hết sức quan trọng, thể hiện các giai đoạn khảo cổ học phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn) đều đang trên bờ vực xóa sổ vì các công trình dân sinh.
Hơn nữa, nhìn thấy những “vi phạm” trên, Ban quản lý di tích chỉ có chức năng “kiểm tra, phát hiện và báo cáo” chứ không được xử phạt. Gửi báo cáo và góp ý nhiều lần nhưng ý kiến của Ban quản lý thường không được lắng nghe. Một ví dụ nhỏ, đó là Cửa Trấn Nam – một điểm rất quan trọng của di tích, bị che khuất hoàn toàn bởi hàng quán. “Tôi đã làm việc với lãnh đạo xã nhiều lần, kể cả đã phát biểu trong một số cuộc họp trên huyện, đề nghị ủy ban nhân dân xã lưu ý dẹp hàng quán, giao cho ai đó quản lý, có thể giao cho thôn, mà nếu khó khăn thì giao cho chúng tôi. Thì hiện nay nó vẫn cứ như thế thôi. Lời nói vẫn cứ như là viên gạch ném xuống hồ” – ông Dũng nói.
Có một cách trao thêm quyền cho Ban quản lý di tích mà không chồng chéo lên nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khác đó là tham gia giám sát độc lập việc xây dựng, thi công trong khu vực Cổ Loa, theo đó bất cứ công trình nào cũng chỉ được triển khai sau khi xin ý kiến và được Ban quản lý chấp thuận. Đó là gợi ý từ quy chế Quản lý, Bảo tồn Phố cổ Hà Nội, mà ông Lê Viết Dũng là người viết Đề án thành lập Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội vào năm 1997. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi công bố Qui hoạch Tổng thể 1/2000 thì Qui chế Quản lý qui hoạch, trong đó có xác định trách nhiệm của từng cơ quan vẫn chưa được ban hành.
“Vừa làm vừa dò dẫm”

Một đoạn thành nội đã bị một nhà dân san lấp và xây nhà ở. Ảnh: Bảo Như.

Khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, mọi hoạt động bảo tồn di tích cổ Loa đều bị ngưng trệ. Là một người nhiệt tình với việc bảo vệ di sản và “đau xót” với Cổ Loa từ cách đây hơn 20 năm lúc còn làm trong Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, khi đến với Ban quản lý di tích Cổ Loa cách đây hai năm, ông Dũng “ngay trong tuần đầu tiên” đã đề ra một số việc cần làm ngay, trong số đó là làm biển chỉ dẫn cho khách tham quan đi từ các tuyến đường chính vào Khu di tích Cổ Loa và đi khắp các vòng thành. Ngay cả khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa, ý tưởng đơn giản này cũng không dễ thực hiện, vì các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ sẽ e ngại một khi biết rằng sẽ có một tập đoàn khác tiếp quản khu vực. Ông Dũng kể lại: “Từ khi tôi mới về đây tôi đã phát tín hiệu với rất nhiều người, anh em bạn bè chiến hữu, những người có quan tâm đến di tích, thậm chí là những nhà đầu tư. Nhưng khi đến đây tìm hiểu xong thì họ đều lặng lẽ không thấy quay trở lại bởi vì họ đã biết là khu này rồi sẽ được giao cho ai, rồi làm gì, xu thế như thế nào.”.
“Hiện tại các công việc mà chúng tôi làm vẫn trong tình trạng là vừa làm vừa dò dẫm, vừa nghe ngóng chứ chả dám làm gì lớn” – ông Dũng nói và cho rằng Ban quản lý di tích đang huy động bằng tất cả những gì có thể khai thác được để quảng bá di tích đến với mọi người. Họ cũng đề xuất kế hoạch quản lý di tích đến năm 2020, bản kế hoạch đã hoàn chỉnh qua nhiều lần lấy ý kiến của người dân, của các sở, ngành, chính quyền xã, huyện và cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố nhưng đến nay còn đang chờ Thành phố phê duyệt thì mới có kinh phí. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động quản lý thường xuyên còn chiến lược phát triển Cổ Loa vẫn là câu chuyện quy hoạch, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên (bao gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, các cấp chính quyền) với một sự cam kết lớn. Hiện nay, Ban quản lý di tích cũng chưa được biết Sun Group có “động tĩnh” gì về qui hoạch 1/500 hay chưa.
Lợi thế chưa thể đánh thức


 Một đoạn Thành Nội đã bị xẻ đôi để làm nhà ở từ nhiều năm nay. Ảnh: Hảo Linh. 

Cổ Loa bây giờ vẫn giữ được không khí thanh bình của làng quê Việt Nam với hàng chục ngôi nhà cổ, mỗi xóm đều có điếm, trong số đó nhiều nơi có kiến trúc và không gian đẹp và nếp sinh hoạt truyền thống gắn với nghề trồng lúa. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa có ý định biến những đặc trưng này thành lợi thế du lịch. Ban đầu, họ còn không dành nhiều thiện cảm cho Ban quản lý di tích. Khi Ban quản lý di tích tạo lập Không gian Việt – một chỗ vui chơi cho người tham quan, giới thiệu về văn hóa Việt và tổ chức các trò chơi dân gian trên nền của khu trường cấp II cũ (do Ban đang quản lý) đã chịu sự phản đối kịch liệt của người dân mà đại diện là Hội người cao tuổi xã Cổ Loa, họ cho là “xẻ thịt di tích”. Đối với chính quyền địa phương cũng vậy, lúc đầu cũng tưởng Ban quản lý khu di tích sử dụng vào mục đích kinh doanh thu lợi. Phải mất nhiều thời gian mới có thể thuyết phục được họ.
Đánh thức tiềm năng của Cổ Loa đòi hỏi việc xây dựng ý thức của cộng đồng, để người dân tham gia vào làm du lịch là điều không hề đơn giản đối với ban quản lý. Ông Dũng mong ước có thể tổ chức những buổi nói chuyện hằng tuần về phát huy giá trị di sản, về du lịch cộng đồng cho những người dân trong xã Cổ Loa nhưng ý định này chưa nhận được được sự quan tâm của các cấp quản lý. Từng có kinh nghiệm bảo tồn phố cổ Hà Nội, ông Dũng cho biết, một tác động lớn mà khu phố cổ này trở nên nổi tiếng và sôi động trong một thời gian ngắn là nhờ một loạt các dự án nghiên cứu và truyền thông của các tổ chức nước ngoài (từ Thụy Điển, Úc, Pháp, Bỉ và Nhật Bản) trong nhiều năm liền đã làm thay đổi nhận thức người dân qua việc treo paneau, áp phích khắp các đường phố cho đến trao đổi trong các cuộc họp tổ dân phố. Làm về quản lý di sản hơn 20 năm, ông Dũng quá rõ quá trình từ ý tưởng đến thực tế trong lĩnh vực này đòi hỏi sự kiên nhẫn như thế nào (ông đã chứng kiến việc nhỏ như chỉnh trang mặt phố và lát gạch trên đoạn ngắn phố cổ Tạ Hiện ở Hà Nội theo nghiên cứu bảo tồn của chuyên gia người Pháp phải mất gần mười năm mới có thể hoàn thành) nhưng hiện nay số phận của khu di tích Cổ Loa đang hết sức mong manh: “tốc độ di tích bị hủy hoại càng ngày càng lớn và điển hình trong mấy tháng trước, chỉ cần một ca máy xúc là đã đi một đoạn thành rồi” – ông Lê Viết Dũng nói.

Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa không chỉ là việc của Ban quản lý khu di tích, của người dân, của chính quyền mà còn là của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp, các nhà Khoa học, … và của tất cả những người yêu nước Việt, yêu văn hoá Việt và có trách nhiệm với truyền thống lịch sử của Tổ tiên người Việt. - ông Lê Viết Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét