Bột chiên không phải món quá lạ lẫm với người Sài Gòn. Thế nhưng, ăn bột chiên ở một quán cũ 44 năm vào một ngày mưa thì là một trải nghiệm đáng để thử.
TP.HCM đã vào mùa mưa nên chiều nào mưa cũng rả rích. Thời tiết thế này đi ăn mấy món nóng nóng thì thật không còn gì sướng hơn. Vì chỉ thích ăn gì đó nhẹ nhẹ, không cần no nên theo gợi ý của một người bạn, chúng tôi quyết định tìm đến một quán bột chiên lề đường ở "hẻm" Cheo Leo.
Cheo Leo không phải là tên thật của hẻm này, mà người ta hay gọi vậy như một biệt danh bởi nơi đây có quán cà phê Cheo Leo mà người Sài Gòn ai cũng biết. Đó chính là hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM).
Rẽ vào ngay đầu hẻm là đã thấy ngay xe bột chiên của bà Từ Kim Ngọc (64 tuổi) đậu sát vách tường, bột chiên trên chảo còn nóng giòn, phát ra tiếng kêu xì xèo.
Trong lúc chờ đợi dĩa bột chiên mang ra, chúng tôi trò chuyện với bà chủ và được biết về cơ duyên đến với nghề của bà. “Từ hồi 20 tuổi, tôi thất nghiệp rồi không biết làm gì mới cùng mẹ bàn cách kiếm gì buôn bán, chứ ở không vậy lấy gì mà ăn. Rồi tôi nghĩ, hay là mình bán thử bột chiên. Bán được nên tôi cứ bán mãi tới giờ luôn”, bà Ngọc nói.
“Cho đến năm 2000, mẹ mất, tôi vẫn tiếp tục cuộc sống với chiếc xe bột chiên. Ấy vậy mà giờ nhìn lại đã 44 năm rồi, nhanh thật! Bán riết rồi quên luôn cả cưới chồng, nên giờ tôi mới đơn chiếc như vầy nè”, bà Ngọc hóm hỉnh.
Chủ quán kể xong cũng là lúc món ăn của chúng tôi đã hoàn thành. Mỗi phần bột chiên bao gồm phần bánh bằng bột gạo được cắt nhỏ, trộn với nước màu, sau đó mang lên chiên với trứng và hành lá cắt nhỏ được áp chảo rồi rắc lên. Trứng thì thực khách có thể lựa chọn trứng gà hoặc trứng vịt, người sành ăn sẽ chọn trứng vịt vì béo hơn.
Phần nguyên liệu kèm theo có đu đủ bào sợi ngâm giấm, ớt tươi, tương ớt, nước tương ngọt và một ít giấm đỏ trộn chung. Đặc biệt, bột ở đây được chiên với mỡ để tăng vị béo.
Được biết, cả cha mẹ của bà Ngọc là người gốc Hoa, nên món ăn này trước đây mang đậm hương vị của ẩm thực Hoa, nhưng giờ cũng có thay đổi đôi chút. “Hồi đó, món này chỉ có độc bột chiên với trứng, rồi chan nước tương nguyên chất vào ăn thôi. Sau này, thị hiếu khách thay đổi nên tôi mới làm thêm phần đu đủ bào ngâm giấm ăn kèm và pha nước tương ngọt cho phù hợp”, bà Ngọc nói.
Chị Phạm Thị Phón (20 tuổi), thực khách mới đến ăn lần đầu cảm nhận: “Bột chiên ở đây giòn và thơm hơn những chỗ khác. Có lẽ bà chủ dùng mỡ để chiên nên có phần béo hơn rất nhiều. Đu đủ bào nếu thích có thể gọi thêm mà không phải trả thêm tiền. Giá cả từ 25.000 đến 30.000 đồng tùy vào 1 trứng hay 2 trứng, cũng khá hợp lí nên chắc chắn mình sẽ ủng hộ dài dài”.
Vừa bán bột chiên, vừa mê du lịch
Vì là quán vỉa hè nên bà chủ chỉ một chiếc xe đẩy và bày ra ba chiếc bàn nhỏ, đủ khoảng chục khách ngồi lại ăn. Khi nào khách đông, khách sẽ ngồi ăn ngay trên mép chiếc xe bột chiên luôn.
Chúng tôi hỏi, không chồng con vậy suốt hơn 40 năm qua, mỗi ngày bà chỉ gắn bó với chiếc xe bột chiên này hay sao. Bà Ngọc nghe vậy thì cười lớn: “Đâu có, mình làm thì mình phải hưởng thụ chứ. Tôi bán bột chiên nhưng mê du lịch lắm. Cứ chừng vài tháng, tôi cùng mấy người bạn đi du lịch khắp nơi. Nhiều thì chúng tôi đi chục ngày, ít thì đôi ba bữa, lấy lại tinh thần rồi về bán tiếp”.
Nói đoạn, có khách đến. Vừa bán, bà vừa kể luôn cho khách nghe: “Thấy vậy chứ Việt Nam này tôi đi hết rồi đó. Có tỉnh, tôi đi thường xuyên luôn, như Đà Lạt thì năm nào cũng ghé. Còn nước ngoài thì Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào,… tôi cũng thăm nốt rồi. Mà đặc biệt là Thái Lan thích lắm nhé, cái gì cũng rẻ, đồ ăn thì ngon tuyệt,…”
Cứ vậy, xe bánh bột chiên của bà Ngọc luôn rôm rả, đông khách cùng với tiếng người, tiếng bột chiên trên chảo và xen lẫn cả tiếng mưa ngoài phố.
Nghỉ tay, khách vắng bớt, bà mới tâm sự: “Vậy chứ mấy năm nay sức khỏe yếu, tôi nào có đi đâu nhiều. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ này hành tôi quá, rồi chân cũng yếu theo, đứng bán lâu thì không vững, phải ngồi chút rồi mới đứng lên được. Chắc một vài năm nữa, tôi để lại chiếc xe cho thằng út bán rồi nghỉ ngơi thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét