Tại vị trí thành thuộc TP Bắc Giang, ngôi đền Xương Giang vừa được xây dựng trở thành điểm tham quan, học tập truyền thống của con cháu hôm nay.
Xương Giang là tên ngôi thành bằng đất do quân Minh xây dựng vào năm 1407. Dấu tích còn lại cho thấy thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng đông-tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng bắc-nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dày, 4 góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía tây. Thời đó, thành Xương Giang là trung tâm của chiến trận lại nằm ở vị trí hiểm yếu nên nghĩa quân Lê Lợi phải mất nhiều ngày cùng mưu trí dũng cảm mới giành được thành. Năm 2009, Xương Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa đông bắc, cửa đông, cửa bắc, cửa tây nam, cửa nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: Cửa đông nam, cửa tây. Gần khu vực này vẫn còn bến phà Chia Ly (nay đổi thành bến Chi Ly)-nơi những người tài giỏi đất Bắc phải chia tay gia đình để đi sứ sang triều đình phương Bắc.
  Hướng dẫn viên Trần Thị Minh Trang giới thiệu bức tranh mô tả Chiến thắng Xương Giang.
Đền Xương Giang được xây dựng từ năm 2012 theo đúng nguyên mẫu của điện Lam Kinh (Thanh Hóa). Đáng chú ý, đền có xây các lối lên cho người khuyết tật. Các hoành phi, câu đối… trong đền đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, để bất kỳ du khách nào đến đền đều có thể tự tìm hiểu lịch sử của cha ông. Bên trong tòa chính cung là nơi thờ Đức Thái tổ Lê Lợi cùng 17 vị danh tướng tham gia trận chiến Chi Lăng-Xương Giang năm 1427. Đặc biệt, danh tướng được thờ trong đền là Tạ Đình Liêu (một số sử sách ghi là Lê Văn Liêu), có công chỉ huy nhân dân quanh vùng công phá thành Xương Giang. Ông được vua Lê Lợi cử ở lại trấn ải thành phía bắc và sau này lập cơ nghiệp. Điều quý giá là gia đình vị danh tướng này hiện ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Cháu đích tôn của ông đang gìn giữ hơn 28 tấm sắc phong từ thời vua Lê Lợi đến giờ, ghi nhận công lao của ông. Thời gian gần đây, Ban quản lý di tích thành phố Bắc Giang cũng tìm được cả con cháu của danh tướng Lê Văn Linh còn ở Bắc Giang. Theo chị Trần Thị Minh Trang, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang: “Bắc Giang hy vọng đây sẽ là địa chỉ đỏ kết nối con cháu các vị danh tướng, cùng du khách thập phương về tìm lại lịch sử, học tập truyền thống, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân”.
Tại Đền Xương Giang, chúng tôi gặp chị Lê Minh Thi (Hà Nội) đang chăm chú xem bức tranh mô tả Chiến thắng Xương Giang. Chị cho hay: "Về đền Xương Giang, chúng tôi hình dung rõ hơn về lịch sử và ý nghĩa của Chiến thắng Xương Giang. Chỉ tiếc rằng, dấu tích thành Xương Giang xưa không còn nhiều. Qua giới thiệu của hướng dẫn viên, tôi biết rằng thành cổ còn một số góc thành, mương nước cổ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nếu những di tích này được chỉ dẫn và giới thiệu rõ hơn hoặc có tái hiện lại một phần thực cảnh của trận chiến công thành năm xưa, nơi đây sẽ hấp dẫn du khách nhiều hơn”.
Bài và ảnh: LAN DỊU