Cuốn sách của tác giả Emmanuel Poisson nghiên cứu về hệ thống quan lại ở miền Bắc Việt Nam (1820-1918), cho thấy bộ máy hành chính này có những cải cách quan trường.
Cuốn sách Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918) của tiến sĩ Emmanuel Poisson. Sách nghiên cứu bộ máy hành chính Việt Nam thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đặt ra nhiều vấn đề như cấu trúc và sự vận hành của bộ máy quan lại, những cách thức tuyển chọn quan lại, mối quan hệ giữa nền hành chính và người dân…
Nhân dịp ra mắt sách, thạc sĩ Lê Huy Hoàng đưa ra những nhận định, đánh giá về công trình của Emmanuel Poisson.
Hệ thống quan lại đầu thế kỷ 20 có cải cách mạnh mẽ
- Theo anh, cuốn sách mới phát hành cung cấp những gì cho bạn đọc Việt Nam hôm nay?
- Nó cung cấp một góc nhìn về toàn bộ hệ thống quan lại và đưa ra những đánh giá mới hơn, không hẳn mới, nhưng chi tiết hơn rất nhiều, không chỉ về hệ thống quan lại, mà cả khoa cử, các chi tiết về cải cách xã hội do những nhân sĩ trí thức Việt Nam thực hiện vào thời kỳ cuối 19 đầu thế kỷ 20.
Cuốn sách Quan và Lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính nhiều thử thách (1820-1918) do Nhã Nam và NXB Tri Thức mới phát hành. |
- Anh vừa nhắc tới sự cải cách, vậy hệ thống quan lại thời đó cải cách như thế nào?
- Trong sách, tác giả nêu nhiều ví dụ để chứng minh hệ thống quan lại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có sự cách tân trong nội tại của nó. Ta có thể thấy những người làm quan có tư tưởng cải cách mạnh mẽ như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Xuân Bảng.
Nguyễn Trường Tộ nhận ra mâu thuẫn giữa tiền lương và triết lý quan thanh liêm. Ông đặt ra vấn đề không thể kêu gọi quan thanh liêm nhận lương thấp như vậy mà vẫn làm việc bình thường, không tham nhũng.
Hoặc như Đặng Xuân Bảng muốn cải cách qua giáo dục. Ông lập trường ở Nam Định, đưa vấn đề tư tưởng kinh tế vào cải cách giáo dục. Trường của Đặng Xuân Bảng rất nổi tiếng, đào tạo ra nhiều quan lại từ lò luyện thi ấy. Hệ thống quan lại ấy cũng có tư tưởng cải cách riêng của mình.
Hoàng Trọng Phu ủng hộ cải cách trong quan trường. Nghiêm Xuân Quảng ủng hộ cải cách, làm diễn giả cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông xin nghỉ làm quan một năm, để đi làm kinh tế.
Ta cũng thấy cải cách cả thi cử, đưa nội dung thi mới thay vì chỉ có kinh nghĩa, chiếu biểu trong nội dung thi. Từ đó cho thấy hệ thống quan lại thời đó không chỉ có bảo thủ, trì trệ. Tất nhiên, trở lực trong hệ thống quan lại cũng cực kỳ lớn, kéo lùi cải cách xã hội.
- Khi nhắc tới hệ thống quan lại, chúng ta nghĩ tới lạc hậu, thối nát, bảo thủ. Vậy ngoài cải cách, hệ thống này có ưu điểm gì không?
- Ngay cả vấn đề đạo đức quan lại, chúng ta thấy thời đó có những vị quan lại theo xu hướng cổ động, ủng hộ cho phát triển kinh tế đất nước chứ không chỉ tập trung vào làm quan để bóc lột. Đó là những xu hướng có lợi cho đất nước. Mặc dù những vị quan ấy đang trực tiếp hay gián tiếp làm việc cho Pháp.
Ví dụ Nghiêm Xuân Quảng tổ chức diễn thuyết ở Đông Kinh Nghĩa Thục kêu gọi làm kinh tế, hưng nghiệp (vực dậy những ngành nghề khác để cạnh tranh với nước ngoài).
Đồng thời có những vị quan khác mở công ty và tham gia vào nền kinh tế, chứ không chỉ theo kiểu để người nhà quan làm kinh tế không minh bạch như trước nữa. Ví dụ như Nguyễn Quyền mở công ty chuyên sản xuất chè.
- Tên phụ của sách là "Một bộ máy hành chính trước thử thách". Vậy hệ thống quan lại thời này gặp những thách thức gì?
- Hệ thống bộ máy quan lại lúc đó về cơ bản giống bộ máy hơn 1.000 năm trước, nó giống với bộ máy từ đầu thế kỷ 15. Đó là hệ thống cố hữu, kéo dài hàng thế kỷ rồi.
Từ thời Trần sang Lê, đến lúc Lê Lợi lập triều đình mới không có cả quan phục, mỗi ông mặc một phách. Sau đó tiến hành quy chế hóa, Nguyễn Trãi lo việc ấy, học theo bộ máy nhà Minh. Quy chế ấy kéo dài tới nhà Nguyễn.
Đến khi xã hội biến thiên, phương Tây ập đến, hệ thống quan lại ấy không còn đáp ứng được nhu cầu trực tiếp của xã hội nữa. Nhiều sĩ phu Bắc Hà không được làm quan, họ về nhà đòi cải cách, làm kinh tế, cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa, đòi thay đổi tiền lương…
Những vấn đề ấy xuất hiện bởi nguyên nhân sâu xa là xã hội phương Tây đã tìm tới Đông Á, mâu thuẫn cũ - mới lập tức nảy sinh. Một ngày đẹp trời, ta nhìn sang Nhật Bản - một nước lâu nay quân chủ, Nho học - đùng một cái làm đường sắt, súng ống, đánh nhà Thanh.
Một nước từ hệ thống cũ mà giờ làm được nhiều điều, trở thành cường quốc, nhìn thấy điều đó, xã hội đặt ra vấn đề thay đổi. Đó là yêu cầu, thử thách lớn cho hệ thống quan lại cũ.
Khi Pháp vào tham gia hệ thống quan lại (hình thức bảo hộ), sẽ thấy hệ thống này cực kỳ nhiều vấn đề, phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Thạc sĩ Lê Huy Hoàng (phải) trong buổi tọa đàm về cuốn sách tối 12/6 tại Hà Nội. |
- Chế độ quan lại đã kết thúc năm 1945 rồi. Nhưng những thứ cố hữu, tinh thần của nó có còn tồn tại trong tổ chức bộ máy hành chính hôm nay hay không?
- Tôi nghĩ không có tư tưởng nào có thể kết thúc quá đột ngột theo mô hình hành chính được. Khi mô hình hành chính này sụp đổ thì thay vào đó là mô hình hành chính mới. Nhưng chắc chắn những tư tưởng đó sẽ còn rơi rớt lại chứ không kết thúc hoàn toàn.
Hiện nay, Đảng và Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng, rõ ràng khi chuyện tham nhũng còn tồn tại, thì cho thấy một số người có tư tưởng làm cán bộ là thành tầng lớp khác, chứ không nghĩ được làm cán bộ là phục vụ cho người dân.
Những tư tưởng đó không phải một sớm một chiều mà mất ngay, mà nó vẫn còn rơi rớt sau thời kỳ đổi mới khá dài.
Một công trình thận trọng, tính khoa học cao
- Anh đánh giá như thế nào khi cuốn sách nghiên cứu về hệ thống quan lại này được in mới?
- Công trình này được xuất bản, phổ biến là điều rất tốt, vì chúng ta ít có cơ hội tiếp xúc với những nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn trọng như thế này. Công trình này không đưa ra những kết luận quá mạnh mẽ, hay thay đổi quan điểm hoàn toàn, thậm chí một số quan điểm trước đây có rồi.
Tuy nhiên, làm việc một cách tỉ mẩn với các số liệu như vậy, và đưa ra phương pháp làm việc khoa học thì các tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam không nhiều. Quyển sách này là sự đóng góp quan trọng trong nghiên cứu sử học gần đây ở Việt Nam.
- Ngoài đối tượng nghiên cứu lịch sử, sách này còn phù hợp đối tượng bạn đọc nào?
- Cuốn sách này phù hợp với tất cả những người yêu thích lịch sử, bởi đây không phải là một nghiên cứu quá khó đọc. Tác giả nói đến những thứ rất chi tiết, có số liệu thống kê cho mọi nhận định của mình. Những nhận định này gói gọn trong một thời kỳ với những thống kê xã hội học cụ thể.
Thành phần xã hội học trong sách rất nhiều. Nên tôi nghĩ một độc giả bình thường không làm nghiên cứu vẫn có thể đọc và hiểu nội dung cuốn sách này.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu của một người công tác nhiều năm tại viện Viễn Đông Bác cổ. |
- Anh đánh giá như thế nào về cách làm việc tác giả trong cuốn sách này?
- Tác giả Emmanuel Poison trong công trình này đã làm việc thận trọng và có tính khoa học cao. Đó là bất kỳ một kết luận gì cũng phải dựa trên số liệu chứng minh, ví dụ từ lý lịch quan lại cụ thể, chứ không đưa ra những kết luận chung chung hay quá võ đoán. Tư liệu nào ông cảm thấy không rõ trích dẫn nguồn, ông cũng nói rõ là: có quan điểm này nhưng không rõ nguồn ở đâu.
Công trình này có một hạn chế là có nhiều tư liệu cấp hai, tức là đã qua một bản dịch hoặc là qua một người khác thuật lại rồi. Ví dụ một số tư liệu qua công trình của nhà sử học Trần Huy Liệu, một số điểm về Trung Hoa là dịch qua bản dịch của Pháp. Đó là hạn chế không tránh khỏi được.
- Dư luận xã hội đánh giá giới trẻ ngày nay quay lưng lại với lịch sử, có nhiều vấn đề về giáo dục lịch sử. Anh nghĩ gì khi đội ngũ biên tập, thực hiện cuốn sách này đều còn trẻ?
- Giới trẻ không quay lưng lại với lịch sử. Có nhiều người đọc lại lịch sử, nghiên cứu theo hướng sâu hơn, toàn diện hơn như Trần Quang Đức nghiên cứu trang phục, Nguyễn Sử nghiên cứu thư pháp, Kiều Mai Sơn (biên tập cuốn sách này) am hiểu lịch sử địa lý sâu sắc.
Tất nhiên về mặt số lượng, có lẽ không quá nhiều người nghiên cứu chuyên sâu được. Vấn đề phổ cập lịch sử cần nhìn nhận cẩn trọng, giới trẻ cần đọc về lịch sử nhiều hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét