Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Món ngon "quên sầu" ở vùng gạo trắng nước trong Cần Thơ

Huyền Thanh (Tổng hợp)

(Dân Việt) Vào mỗi buổi chiều, các quán ăn ven đường ở quanh bến Ninh Kiều, Cần Thơ lại tấp nập thực khách. Đi bộ vài phút từ bến, dọc theo các con phố, bạn có thể khám phá cả thế giới ẩm thực của xứ “gạo trắng nước trong” này.

Bánh hỏi nem nướng
Bánh hỏi được làm từ loại gạo ngon của Cần Thơ. Gạo được ngâm qua đêm rồi xay thành bột mịn rồi đưa vào khuôn rồi hấp chín, tùy theo mỗi nơi mà có khuôn to hay nhỏ khác nhau. Khi có khách, chủ quán mới cho chút dầu cùng hành lá, hẹ phi thơm trên chiếc chảo nhỏ, rồi quết lên các lớp bánh hỏi mỏng tang. Những thanh nem được nướng vàng trên bếp, rồi xếp ra đĩa vẫn còn nóng hổi. Món ăn này ăn kèm với đĩa rau sống gồm khế chua, dưa leo, dứa, chuối xanh xắt nhỏ. Một số quán còn cuốn thêm ngô non, rau chuối, củ kiệu, ớt, sả…
 mon ngon "quen sau" o vung gao trang nuoc trong can tho hinh anh 1
Bánh hỏi nem nướng hấp dẫn du khách khi ghé Cần Thơ. Ảnh: I.T
Gắp mỗi thứ một chút, cuốn vào trong chiếc bánh hỏi, cùng nem nướng, đậu phộng rang giã nhỏ, chấm vào bát nước chấm đã pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt là bạn có thể thưởng thức ngay. Ở Ninh Kiều, thực khách có thể ăn bánh hỏi nem nướng ở quán trên đại lộ Hòa Bình hay đường Nguyễn Viết Hồng. Giá mỗi suất cho một người ăn từ 30.000 đồng.
Bánh tét lá cẩm
Bánh tét lá cẩm là món bánh đặc trưng của Cần Thơ. Người thợ làm bánh phải đặc biệt tỉ mỉ trong tất cả mọi công đoạn để làm ra những chiếc bánh ngon. Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, bánh tét lá cẩm được tạo nên từ hai thành phần chính là vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh được làm từ nếp ngon loại một, ngâm trong vòng 6 tiếng rồi để ráo rồi mang đi trộn với nước lá cẩm. Sau đó mới xào loại nếp đặc biệt này qua với nước dừa để màu của lá cẩm và vị thơm béo của nước dừa ngấm đề vào từng hạt nếp.
 mon ngon "quen sau" o vung gao trang nuoc trong can tho hinh anh 2
Bánh tét lá cẩm là đặc sản của xứ gạo trắng nước trong. Ảnh: Foody
Phần nhân bánh là hỗn hợp của các loại nguyên liệu: đậu xanh, trứng muối và thịt heo, đôi khi còn cho thêm tôm khô. Chính nhờ những loại nguyên liệu hấp dẫn như vậy cho nên dù là với những thực khách khó tính nhất, bánh tét lá cẩm vẫn có thể khiến họ cảm thấy hài lòng. Vị mằn mặn của trứng muối hòa quyện với độ dẻo của nếp chính là hai yếu tố tạo nên mùi thơm đặc trưng của bánh tét lá cẩm. Bên cạnh đó thì thịt heo và tôm khô chính là hai thứ nguyên liệu khiến chiếc bánh tét lá cẩm trở nên ngon miệng hơn.
Bánh xèo
Xóm Cái Sơn – Hàng Bàng nằm cách trung tầm thành phố Cần Thơ hơn 5km, nay thành địa danh, thành điểm du lịch Cần Thơ được biết bao du khách quan tâm tìm đến, bởi hương vị bánh xèo thơm ngon hấp dẫn dẫn lối. Bánh xèo xóm Cái Sơn thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều ngon không phải tự nhiên mà từ những bí quyết rất riêng của người dân xóm này. Bánh ở đây ngon không chỉ đòi hỏi người làm bánh phải biết làm bột bánh ngon, nhân ngon, biết đổ bánh đến thuần thục, mà còn phải làm nước mắm ngon và đầy đủ các loại rau ăn kèm, thì mới bảo đảm được hương vị tròn trịa của nó.
Phở cá Cần Thơ
Cũng như bún cá miền Tây, phở lại là một trong những đặc trưng nổi tiếng của Hà thành, và đến Cần Thơ, sự kết hợp hài hòa mạnh dạn và độc đáo, đã tạo thành món phở cá Cần Thơ thơm ngon.
 mon ngon "quen sau" o vung gao trang nuoc trong can tho hinh anh 3
Phở cá lạ vị là món ăn nhiều du khách muốn thưởng thức khi tới Cần Thơ. Ảnh: I.T
Phở cá ngon và lạ bởi vị béo vừa phải, ngọt thanh đạm từ nước dùng hầm từ xương cá, đầu cá, xương ống. Thêm vào đó, góp phần làm cho món phở cá được nhớ mãi đến, đương nhiên là vị thơm ngon chủ đạo từ những lát cá lóc rim ngấm da vị thật đậm đà. Về phần cá lóc cho vào phở, chính là phần cá đã được luộc và tách khỏi xương, rồi được chiên vàng, sau đó rim với nước sốt gồm chút ngũ vị hương, nước mắm, muối đường, bột ngọt, rim lửa nhỏ cho cá thật thấm thật ngon vừa vặn rồi mới tắt bếp.
Sau khi nước dùng và phần cá lóc đã sẵn sàng, người ta bỏ phở vào tô, xếp cá lóc rim lên, thêm chút thì là thái nhuyễn rồi múc nước dùng chan lên vừa ngập mặt phở. Kèm theo tô phở cá, không khi nào thiếu các loại rau phổ biến ở miền Tây như rau nhút, húng lủi,…và một chén nước mắm mặn nhỏ hơi cay.
Chuối nếp nướng
Ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.Trời mưa, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, vừa la ngon quá, là cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc.
Lẩu bần Phù Sa
Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Tùy theo mùa, đó có thể nấu lẩu bần bằng các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng… sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh. Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển – một loại bông dân dã nên rất “hợp tình hợp cảnh”.

Đến Cần Thơ ăn bánh cóng


66
Cóng là tên gọi vật dụng đong chất lỏng bán ở các quầy tạp hóa trước đây. Người ta dùng cóng để đong dầu, đong nước mắm, đong giấm… Và có một loại bánh được gọi là bánh cóng, xuất hiện từ xa xưa ở miền Tây Nam bộ nhưng ngày nay thường bị gọi nhầm (khá phổ biến) là bánh… cống!
Vốn cái tên bánh cóng có nguồn gốc từ cái cóng, là vật dùng để đổ bánh này có hình dạng như chiếc cóng nhưng thể tích nhỏ hơn chiếc cóng đong chất lỏng thật 3-4 cm.
Trước đây, bánh cóng chỉ làm từ bột gạo, bỏ ít hạt đậu xanh, vài miếng thịt heo xắt nhỏ cho vào chiếc cóng chiên chín vàng ăn với nước mắm chua ngọt. Ngày nay, bánh cóng nhỏ hơn so với trước đây nhưng có nhiều đậu xanh hơn, có nơi người ta còn bỏ thêm củ sắn hay khoai cao làm nhân, lại thêm vài con tôm đất nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn.
Người ta thường chọn loại gạo cho bột thơm để làm bột bánh, nguyên liệu chính quyết định hương vị của bánh. Bột được pha bằng nước ấm đổ từ từ trong lúc dùng tay khuấy đều cho đến khi đạt độ nhuyễn theo kinh nghiệm của người làm bánh. Thường thì người ta thêm một ít bột nghệ để có sắc vàng ngà, một ít muối, đường, tiêu để tạo vị và mùi thơm của vỏ bánh.
 Bánh cóng được ăn kèm với rau sống, nước mắm chua ngọt.
Bánh cóng được ăn kèm với rau sống, nước mắm chua ngọt.
Nhân bánh chủ yếu là đậu xanh, tôm đất tươi và thịt heo. Cũng có nơi người ta cho thêm củ sắn hay khoai cao xắt sợi để tạo nên mùi vị thơm lạ hơn. Thịt heo được rửa sạch, bằm nhỏ. Tôm cắt râu, rửa sạch và để ráo. Đậu xanh hạt ngâm mềm, luộc chín nhưng không để nát hạt đậu, sau đó để cho ráo. Phi vàng hành tỏi băm nhuyễn và lần lượt cho thịt, tôm vào chảo xào sơ, nêm nếm gia vị như đường, muối, bột ngọt cho vừa ăn. Trộn đều hỗn hợp thịt, đậu xanh và khoai cao.
Nước chấm là nước mắm ngon pha loãng với nước ấm, cho thêm đường, chanh, tỏi, ớt bằm nhuyễn, khuấy đều với đường, cho các loại ngấm đều vào nhau. Để tạo thêm màu sắc người ta còn cho thêm vào nước chấm cà rốt và củ cải trắng xắt sợi mỏng. Rau sống ăn kèm với bánh cóng gồm xà lách, dưa leo, cải xanh, rau thơm, rau húng đất, húng nhủi, dấp cá…
Trước khi chiên bánh, người ta cho bột vào chừng nửa cóng bánh, cho thêm muỗng nhân vào cóng, sau đó đổ bột đầy cóng, cuối cùng cho vài con tôm lên trên bề mặt bánh. Bánh phải được chiên trong dầu ngập để nhanh chín, có vỏ giòn và nhân mềm.
Người bán chỉ chiên bánh khi có khách để bánh nóng. Chiếc bánh cóng ngon phải có độ giòn bên ngoài, nhưng ruột bánh thì mềm xốp. Vì vậy, nếu chiên lửa quá lớn bánh sẽ bị cháy bên ngoài mà bên trong chưa chín. Khi vừa chín, bánh sẽ tự tróc ra khỏi khuôn và nổi lên mặt dầu, người ta dùng đũa trở bánh cho vàng đều. Sau khoảng vài phút thì gắp bánh ra để lên giấy hoặc đặt bánh lên vỉ cho ráo dầu. Bánh mới chiên vàng vớt ra còn nóng hổi, thơm phức.
Lâm Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét