Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Nhận diện tộc người Đan Lai còn lại duy nhất ở Nghệ An


Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai: Bản đề án dang dở – Kỳ 1

Bản Búng một buổi sáng đầu mùa hè. Chúng tôi gặp Lê Văn Chín khi chàng trai 27 tuổi này đang vác dao vào rừng chặt mét.
“Ta đi chặt mét về làm nhà mấy (mới) cho anh trây (trai). Nhà cũng được đông người ở nhưng lại không được rộng” – chàng trai hiện là Phó bản Cồn vui vẻ thông báo. Cũng xin nói thêm bản Cồn là điểm dân cư lẻ thuộc bản Búng – cộng đồng Đan Lai sinh sống đầu nguồn khe Khặng, thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông).
Cũng như nhiều người Đan Lai khác, Lê Văn Chín có vóc người vừa phải, da xạm đen, có lẽ nét đặc trưng nhất của chàng trai này là có hàm răng trắng và khuôn miệng cười gần gũi.
“Anh làm cán bộ bản lâu chưa ?” – Tôi hỏi Chín. Lại cười: “Cũng chưa được lâu, từ năm ngoái thôi”.
Chúng tôi đứng giữa bản Búng trò chuyện, xung quanh là những ngôi nhà tranh tre làm theo kiểu nhà sàn, cột kèo, sàn, vách phần lớn đều làm từ tre nứa, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một vách nhà thưng bằng ván gỗ mỏng. Con đường đất gồ ghề chạy dọc theo 112 nóc nhà tranh mọc sin sít nhau khiến có cảm tưởng chật chội quá đỗi. Mà chật thật. 500 con người chen nhau trên một thẻo núi hơi bằng phẳng, đã thế cái nắng đầu mùa nó vừa dội lên màu vàng đỏ của bụi, của mái tranh vừa nhúc lên những khí thải nặng mùi khiến không gian càng như ních thêm những bức bối. Sự tuềnh toàng, giản đơn đến hoang sơ, tạm bợ là cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai mới lần đầu đặt chân đến cộng đồng này.
Lê Văn Chín không mời khách đến nhà mình hoặc vào nhà ai đó. Có vẻ như người Đan Lai không có thói quen này. Ngó quanh bản Búng thấy có rất nhiều người đang ở nhà, nhất là phụ nữ và trẻ em, vài nhóm đàn ông còn tụm lại ngồi uống rượu với vài thứ quả gì đó vừa hái được.
“Mọi người không đi làm à?” – Tôi hỏi Chín. “Có làm chi, hết mùa rồi” – Chín đáp. “Vậy không ai đi măng sao?” – Tôi ngần ngừ. Đến đoạn này thì Chín chuyện trò cặn kẽ hơn: “Dừ bắt đầu vào mùa oong. Hết mùa con oong rồi mới được đến mùa măng”. Tôi lại hỏi: “Dân bản có đói nhiều không?”. Vẫn cách nói luôn có chữ được trong câu, Chín sửa lại chiếc dao bên hông rồi ngó tôi cười thật bụng: “Nói đói thì cũng được đói, nói no cũng không được no. Ngày mùa có lúa, có măng thì không được đói, hết mùa thì không được no”.
Tôi cũng hỏi người phó bản chưa đến 30 tuổi nhưng có tới 5 đứa con này là bản có ai phải ngủ ngồi như truyền thuyết về người Đan Lai hay không. “Đó là chuyện ngày trước, nhưng có lẽ cũng đúng đấy” – Bỗng chốc Chín trở nên trầm tư khi nhắc đến cội nguồn của mình.
Theo truyền thuyết, thuở xưa trên vùng đất Hoa Quân, Thanh Chương có một dòng họ La (hoặc Lê) lành hiền, tốt bụng. Con cháu của dòng họ lại được biết đến là những người hay lam, hay làm. Một ngày, chúa đất Hoa Quân tham lam, gian ác gọi trưởng tộc họ La đến yêu cầu trong vòng 1 tháng phải cống nạp cho hắn 1 chiếc thuyền liền mái chèo cùng 100 cây nứa bằng vàng. Nếu không có những vật phẩm ấy cống nạp thì chúa đất sẽ sát hại cả dòng họ.
Trước đòi hỏi của tên bạo chúa miền Hoa Quân, con cháu họ La phân công nhau đi kiếm tìm nhưng không được. Sau nhiều ngày kiếm tìm trong vô vọng, người họ La đi đến quyết định: Phải bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn mà đi biệt tích. Có như vậy mới mong thoát khỏi kiếp nạn.
Trong đêm tối, trẻ già, trai gái, vợ chồng, cha con dắt díu nhau nhằm hướng Tây mà chạy. Tiếng khóc than thấu trời. Từ đất Hoa Quân họ ngược theo sông Giăng gồng gánh trốn cái họa diệt thân. Đêm đi ngày ngủ, họ còn không dám bén mảng gần những nơi có cư dân sinh sống để tránh bị phát hiện. Những lúc dừng chân, họ không dựng lán mà chỉ nấp dưới các bụi cây, chặt lá chuối làm mái che, khi nào lá héo lại tiếp tục di chuyển. Để cảnh giới, tránh thú dữ, người họ La ngủ ngồi ngay bên bếp lửa. Họ dùng cây gậy nhỏ, giữ lại một đoạn mắt nhánh rồi chống xuống bên bếp lửa, khi ngồi ngủ sẽ gác cằm lên nhánh gậy, vừa không để ngã vào bếp lửa lại có thể linh hoạt trong việc đề phòng thú săn mồi và người lạ.
Đến một ngày kia khi đã thấy đủ an toàn mọi người dừng lại. Đó là nơi núi cao, đèo sâu, là chốn sơn cùng, thủy tận. Ví trí mà dòng họ La quyết định trú chân lâu dài chính là thượng nguồn sông Giăng, hay còn gọi là khe Khặng. Nơi này cũng là đầu nguồn của dòng khe Búng chảy từ Lào trước khi đổ vào khe Khặng.
Một giả thuyết khác. Người Đan Lai thuộc nhóm dân tộc Thổ. Sinh sống ở khu vực miền Tây Nghệ An, dân bản địa vẫn gọi cộng đồng Đan Lai là người Tày Poọng. Và nếu đúng như giả thuyết này thì người Tày Poọng không chỉ có ở huyện Con Cuông mà còn được tìm thấy ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, thậm chí cả trên đất Lào. Sở dĩ một số nhà dân tộc học cho rằng người Đan Lai và Tày Poọng là một là do cả hai cộng đồng này có nhiều nét tương đồng như: ngôn ngữ đến 60% là vay mượn của dân tộc Thái; kiến trúc nhà ở, tính cách, tập tục cũng khá tương đồng. Và nhóm người này cũng không có bản sắc rõ rệt nên không được công nhận là một dân tộc riêng biệt.
Nếu căn cứ vào các tài liệu được phổ biến lâu nay thì người Đan Lai chỉ có ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Với khoảng 3.000 người họ, sinh sống rải rác ở các xã: Môn Sơn, Châu Khê và Lạng Khê. Trong đó, tại xã Môn Sơn hiện có gần 1.000 người sống tại bản Búng và bản Cò Phạt, thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây cũng là khu vực có đường biên giới Việt – Lào.
Chỉ cách huyện lỵ Con Cuông khoảng 40 cây số và cách trung tâm xã Môn Sơn non nửa số đó nhưng bản Búng và Cò Phạt gần như thuộc một thế giới riêng. Trước năm 2017, để vào đến 2 bản thuộc tộc người Đan Lai này duy nhất chỉ có cách đi thuyền vượt ghềnh thác khe Khặng. Và vài chục năm về trước, người Đan Lai ở khe Khặng thậm chí được xem như là nhóm thổ dân giữa rừng sâu. Trên vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, phương thức sinh sống của họ là săn bắt, hái lượm, cuộc sống dựa hẳn vào tự nhiên. Không điện, đường, trường, trạm… người Đan Lai ở khe Khặng thuở trước tuyệt nhiên không biết về điều gì khác ngoài tán cây rừng. Và điều này nữa, người ta nói đến tộc người Đan Lai là nói đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Con anh lấy con em, con chú lấy con bác, con dì con già thành hôn với nhau… thực tế này khiến cho tộc người Đan Lai càng ngày càng suy thoái, giống nòi đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu.
Với mục tiêu bảo tồn bền vững tộc người Đan Lai gắn với đảm bảo an ninh biên giới, bảo vệ rừng Quốc gia Pù Mát…, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”. Đề án có thể coi là một sự “cứu cánh” đối với tộc người “ngủ ngồi” trên thượng nguồn sông Giăng. Tuy vậy sau hơn 10 năm, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với thực tế..
Bài và ảnh: Đào Tuấn – Nhật Lân – Diệp Phương
Thiết kế và kỹ thuật: Hà G

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét