Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đình Bình Đông, đường Phạm Thế Hiển, Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách khi đến thành phố. Nơi đây còn được biết đến với dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc, là địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920.
Đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan triển lãm cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Nhà tưởng niệm Bác Tôn trong khuôn viên của Đình Bình Đông nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Dấu ấn Đình Bình Đông
Đình Bình Đông tọa lạc trên một cù lao, cách đầu cầu Bà Tàng, quận 8 khoảng 300 mét. Theo chia sẻ từ Phòng Văn hóa-Thông tin, Ủy ban Nhân dân quận 8, Đình Bình Đông được xây dựng từ những năm 1852, với kiến trúc lúc đầu là ngôi nhà lá đơn sơ thường xuyên tổ chức hội họp, cúng lễ của dân cư trong vùng.
Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Theo ông Dương Quang Đông (nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ), Chủ tịch Câu lạc bộ Hưu trí Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian từ năm 1925-1928, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến Đình Bình Đông để dự, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Công hội. Tại đây, Bác Tôn đã thuyết giảng về Chủ nghĩa Mác, lòng yêu nước cho các công nhân nòng cốt của Hội.
Nhờ vào địa thế của Đình nằm ở một cù lao khá hoang vắng, nổi tiếng linh thiêng nên lính Pháp rất e ngại, không dám đến gần. Vì thế, trong khoảng thời gian 3 năm này, ngay tại Đình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội mà không bị địch phát hiện. Hơn thế nữa, các mật thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ nước ngoài về và các sách báo tuyên truyền cho Chủ nghĩa Marx cũng đều được cất giấu rất an toàn ngay chính tại chánh điện của Đình Bình Đông.
Vào những năm 1926-1927, Công hội tại Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân.
Với chức trách được giao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đình Bình Đông tiếp tục là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chánh quận 7 của chế độ cũ năm 1968.
Nhằm tưởng nhớ công lao của Bác Tôn, vào năm 1991, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động quận 8 đã đóng góp, xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngay tại khuôn viên của Đình Bình Đông.
Bên trong Nhà tưởng niệm là bàn thờ và di ảnh Bác Tôn được đặt trang trọng, ngoài ra còn trưng bày các hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Trước khu Nhà tưởng niệm còn đặt tượng bán thân Bác Tôn bằng đồng tôn nghiêm.
Hiện nay, Đình Bình Đông vẫn còn lưu giữ khá nhiều hiện vật bằng gỗ xưa được chạm trổ công phu, tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao với rồng vờn châu, tứ linh (long, ly, quy, phụng)..., có chiếc ngai thờ Thần cổ…
Gắn bó với Đình Bình Đông và Nhà tưởng niệm Bác Tôn hơn 12 năm qua, ông Nguyễn Văn Vinh (77 tuổi), Hội trưởng Ban Trị sự Đình Bình Đông cho biết ngay từ khi còn nhỏ ông đã được ông, bà, cha mẹ dẫn đến đình nhiều lần. Đình Bình Đông là nơi linh thiêng nên nhiều lượt du khách từ thập phương đã kéo đến cầu bình an, may mắn và tài lộc.
Đặc biệt, từ khi Nhà tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng, người dân càng thêm tự hào hơn, thường xuyên đến đình thắp hương, tưởng nhớ đến cống hiến của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với Cách mạng Việt Nam và thế giới.
Bà Trần Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận 8 giới thiệu với đoàn viên thanh niên về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Nhà tưởng niệm Bác Tôn trong khuôn viên Đình Bình Đông. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ông Ba, 66 tuổi, ngụ tại quận 8, thường xuyên làm công việc quét dọn tại đình rất tự hào và hạnh phúc khi mỗi ngày được tiếp xúc các hình ảnh, tư liệu về Bác Tôn.
Ông Ba kể từ lúc nhỏ đã được nghe kể nhiều câu chuyện về Bác Tôn, một vị Chủ tịch nước chính trực, liêm khiết. Tại Nhà tưởng niệm Bác, ông được hiểu hơn về công ơn của Bác Tôn đối với đất nước và trong lòng biết ơn vì những đóng góp của Bác trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc.
Phát huy truyền thống Công hội đỏ
Khắc ghi sâu sắc công ơn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Đình Bình Đông và Nhà tưởng niệm Bác Tôn, những năm qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 8 đặc biệt quan tâm, chú trọng tôn tạo, bảo tồn và giữ gìn những giá trị về lịch sử văn hóa; đồng thời, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 8, Bác Tôn là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng; là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.
Bác Tôn là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiến sỹ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Kế thừa truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 8 tiếp tục nỗ lực học tập, làm theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một tấm gương đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đồng thời, thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ các bài học về lịch sử và được lắng nghe câu chuyện đời thường về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bà Trần Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận 8 rất cảm phục và biết ơn sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, luôn cống hiến hết mình vì mọi người.
Ngay trong giai đoạn khó khăn của đất nước, Bác Tôn dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những suy nghĩ, lý tưởng cao cả, luôn trăn trở về vận mệnh dân tộc. Đây là tấm gương mà các thế hệ sau này, nhất là các bạn trẻ phải luôn học hỏi.
Chia sẻ thêm về công tác bảo tồn, phát huy truyền thống của Đình Bình Đông, bà Trần Thị Thu Trang cho biết nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương luôn xác định nơi đây là một trong những địa điểm truyền thống lịch sử của Đảng bộ và nhân dân quận 8. Do vậy, lãnh đạo chính quyền và nhân dân quận 8 luôn quan tâm sát sao, triển khai nhiều hoạt động tại đình.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Bình Đông (cơ sở hoạt động của Công hội bí mật đầu tiên do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập), trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Vào cuối năm 2017, cây cầu bê tông bắc qua Đình Bình Đông (từ đường Phạm Thế Hiển qua cù lao Đình Bình Đông) được khánh thành, đưa vào sử dụng đã giúp người dân và du khách qua lại thuận lợi hơn rất nhiều.
"Không còn cảnh chèo đò đưa khách qua sông mới đến đình nữa. Vì vậy, trung bình mỗi tháng đã có hơn 600-700 lượt khách đến viếng, thắp hương và chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, Đình Bình Đông cũng đã được đưa vào danh sách điểm đến, tour tuyến tham quan của quận; đồng thời, kết hợp với Sở Du lịch giới thiệu với các đoàn, thể đến tham quan, tìm hiểu," bà Trang chia sẻ.
Cùng với việc trùng tu, cải tạo cảnh quan tại Đình Bình Đông, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Công đoàn, đoàn thể Quận 8 còn thường xuyên triển khai các hoạt động với nội dung, hình thức hấp dẫn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, quá trình hình thành Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam cho các cán bộ đoàn viên, nhân viên, công nhân, học sinh, sinh viên của trường học trên địa bàn.
Các lớp tìm hiểu về Đảng, đảng viên mới còn bổ sung thêm các chuyên đề giáo dục truyền thống lịch sử với mong muốn các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét