Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng

Lưu Trân

Xe bánh bột ở hẻm 242 Hàn Hải Nguyên (phường 9, quận 11) là một trong những địa điểm ăn uống khá nổi tiếng của nhiều thế hệ người Sài Gòn nhờ hương vị thơm ngon, giá bình dân và đặc biệt chỉ bán trong 2-3 giờ.
Xe bánh bột không tên, nổi tiếng suốt hơn 40 năm của một gia đình người Hoa /// LÊ NAM
Xe bánh bột không tên, nổi tiếng suốt hơn 40 năm của một gia đình người Hoa
LÊ NAM
“Ai muốn ăn thì tranh thủ tới sớm hoặc muốn chắc chắn thì hôm nay ghé dặn trước để ngày mai có phần”, một người dân gần đó vừa nói vừa chỉ đường đến chỗ bán bánh. Ngay cuối hẻm là một chiếc xe đẩy nhỏ bằng inox, bên trên được xếp ngay ngắn các thứ gồm: nồi đựng bánh, nước mắm, rau sống, giá trụng, lọ đựng muỗng, chén dĩa… Ba bộ bàn ghế cỡ nhỏ được xếp dọc theo vách tường đã kín khách ngồi.
VIDEO: Xe bánh bột 40 năm bán vài tiếng là hết
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
Bà chủ tay chân thoăn thoắt, vừa đem bánh ra bàn cho người này, đã nhanh chóng quay lại làm bánh cho người khác mua đem đi. Bánh ở đây có hai vị là bánh bột gạo truyền thống và bánh bột gạo khoai môn.
Bà Huỳnh Ngọc Lan (50 tuổi, chủ xe bánh) cho biết: “Đây là một món ăn của người gốc Hoa, ngoài cái tên bánh bột thì nó còn được gọi là bánh đúc. Cha mẹ tôi sau khi di cư sang Việt Nam thì bán món bánh này để sống qua ngày. Ban đầu mẹ tôi gánh đi bán rong khắp nơi, đến khi dành dụm được số vốn kha khá mới dám thuê miếng đất trống ở đây bán cố định. Giờ mẹ có tuổi rồi nên truyền lại nghề cho tôi”.
Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng  - ảnh 1
Ở đây có hai loại bánh là bánh bột gạo
Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng  - ảnh 2
và bánh bột khoai môn
LÊ NAM
Gọi là bánh đúc, nhưng không phải loại bánh đúc nóng dẻo, sền sệt của miền Bắc hay bánh đúc nguội sần sật, chấm cùng mắm nêm của người miền Nam. Bánh đúc ở đây có độ mềm tương tự món bánh nậm ở miền Trung, nhưng không mịn láng mà có chút lợn cợn của hạt gạo và khoai môn.
Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng  - ảnh 3
Bánh bột được ăn kèm với thịt bằm, tép khô, hành phi và nước mắm
ẢNH: LÊ NAM
Bánh đúc bà Lan được ăn kèm với nhân thịt bằm xào, tép khô, hành phi, thêm chút xà lách, giá trụng, chan nước mắm tỏi ớt pha loãng, có vị ngọt do chủ quán tự chế biến.
“Tôi ăn bánh ở đây từ hồi còn học cấp ba, thích nhất là nhân thịt, hành phi mằn mặn, ăn rất vừa miệng. Tôi thích bánh vị khoai môn hơn, ăn rất thơm và béo”, một thực khách tên Thu An nhận xét.
Chia sẻ cách thức chế biến món bánh “danh bất hư truyền” của gia đình, bà Lan chậm rãi nói: “Muốn làm ra được món bánh ngon thì ngay từ bước lựa chọn nguyên liệu cũng phải đảm bảo sạch và ngon. Để làm được điều đó thì tất cả mọi thứ đều phải do tự tay tôi làm ra, từ nước mắm, hành phi, đậu phộng rang cho đến cả bột gạo. Tôi ngâm gạo trong nước vài tiếng rồi vớt ra để ráo, sau đó đem xay thành bột. Làm vậy cực, nhưng bánh sẽ ngon".
Bà nói tiếp, bột gạo sẽ được pha với nước theo một tỉ lệ nhất định rồi “hấp thành nhiều lớp chồng lên nhau trong vòng bốn tiếng đồng hồ”. Bột bánh khi chín sẽ có độ mềm, hơi dai và có mùi thơm của gạo rất rõ.
Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng  - ảnh 4
Giá cho mỗi phần bánh là 15.000 đồng
LÊ NAM
Khi được hỏi có biết việc nhiều thực khách nói bà chủ “chảnh” không, bà Lan cười hiền rồi giải thích: “Tôi biết chứ, khách tới ăn quen chọc tôi hoài. Ý nói sao tôi bán ít quá, làm nhiều người đi xa tới mà hết bánh lại về tay không. Nhưng thực ra chính vì công đoạn làm ra món bánh này quá cầu kỳ nên mỗi tôi chỉ dùng 10kg gạo và 5kg khoai môn để nấu ra đúng hai nồi bánh với hai vị khác nhau. Tôi không có làm quá ít, cũng không làm dư quá nhiều, cái gì cũng vậy, cứ vừa phải là tốt nhất”.
Xe bánh bột 'danh bất hư truyền' hơn 40 năm, chỉ bán trong vòng 3 tiếng  - ảnh 5
Quán mở bán từ 12 giờ mỗi ngày, thường sẽ bán hết trong 2 - 3 tiếng sau khi dọn ra
LÊ NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét