(Baonghean.vn) - Bánh mướt sau khi tráng được cuốn chặt, mặt bánh rắc thêm hành, chỉ cần chấm ăn với nước mắm cũng đủ ngon, hoặc có thể ăn kèm với nham, xáo lòng, vịt. Đơn giản thế thôi, nhưng với người dân Diễn Châu là món ăn sáng không thể thiếu, với khách thập phương đây là món ăn đặc trưng nhất định phải thử mỗi khi đặt chân đến vùng đất này.
Làm bánh mướt là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân Diễn Châu. Chẳng vậy mà đến nay có những xóm ở xã Diễn Hoa có đến cả chục hộ làm nghề. Ảnh: Sách Nguyễn
Được biết, làm bánh mướt quan trọng nhất là khâu chọn gạo tẻ, xay bột và tráng bánh.Tuy không đòi hỏi sự cầu kỳ nhưng rất tỷ mẩn và công phu. Ảnh: Sách Nguyễn
Trước hết, đãi gạo sạch đem ngâm trên 3 tiếng đồng hồ cho nở ra rồi xay nhuyễn thành bột nước. Muốn có bánh ngon, sau khi đã xay gạo phải đợi khoảng 2 tiếng đồng hồ cho bột lắng xuống mới đem đi tráng bánh. Ảnh: Sách Nguyễn
Những người làm nghề phải thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị các công đoạn nhen lửa, đun nước... Ảnh: Sách Nguyễn
Nồi tráng bánh, trên miệng được đặt một lớp vải mịn và đun cho nước sôi. Khi nước sôi, lấy môi múc bột gạo trải mỏng lên lớp vải mịn, rồi đậy vung lại khoảng 3 phút. Công đoạn này đặc biệt quan trọng vì nó quyết định đến sự dày, mỏng của từng chiếc bánh. Ảnh: Sách Nguyễn
Bánh mướt chấm với nước mắm có thêm ớt và chanh luôn là lựa chọn. Tuy nhiên, với người dân quê ngày nay còn làm cả nham từ rau nhút hoặc củ chuối ăn kèm. Sang hơn có thể ăn với xáo lòng, vịt, gà... Ảnh: Sách Nguyễn
Với người dân Diễn Châu, bánh mướt là món ăn sáng quen thuộc, chỉ cần 2.000 đồng là đã có đĩa bánh mướt. Trong ảnh là cảnh chờ mua bánh mướt để đưa về. Ảnh: Sách Nguyễn
Cũng có những người ăn tại chỗ. Với người dân quê ở Diễn Châu, thời điểm ăn sáng cũng là lúc để mọi người bàn chuyện trong làng, ngoài xã, để sau đó là một ngày làm việc mới với những lo toan, tất bật. Với những người ở nơi khác đến thì đây là món ăn gây không ít sự tò mò bởi hương vị đặc trưng của bánh, để ăn một lần rồi nhớ mãi. Ảnh: Sách Nguyễn
Nức danh bánh mướt chợ Gám
(Baonghean.vn) - Bánh mướt chợ Gám - xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) từ bao đời nay đã được khắp nơi biết đến với vị thơm ngon, đậm đà không lẫn vào đâu.
Ai từng một lần thưởng thức bánh mướt Xuân Thành sẽ không quên được mùi vị ngọt thơm, đậm đà được làm nên bởi bàn tay những người phụ nữ chịu thương, chịu khó nơi đây.
Chị Phan Thị Lợi, ở xóm 4, xã Xuân Thành có thâm niên trên 10 năm làm bánh, cho biết: Để làm ra những chiếc bánh mướt thơm ngon nức tiếng, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ khâu chọn gạo, làm sạch gạo ngâm, vò thật sạch, đem xay…
Loại gạo làm bánh là gạo Khang dân có độ nở cao, không quá khô cũng không quá dẻo. Sau khi nhặt sạch sạn đem ngâm với nước lạnh 2 tiếng đồng hồ rồi vo nhiều lần, hết nước đục rồi đem xay.
Bột gạo xay xong pha thêm nước lạnh vào khuấy đều sao cho bột không quá loãng cũng không quá đặc. Sau đó, cho thêm muối trắng và mỳ chính vào trộn đều để bánh có vị thơm ngon, đậm đà.
Theo kinh nghiệm của chị Lợi, nếu bột loãng làm bánh dễ bị gãy, còn bột quá đặc sẽ làm ra những chiếc bánh cứng.
Khi bánh chín, bằng kinh nghiệm và sự khéo léo, bánh được lấy ra khỏi lò đặt lên mâm sao cho khi cuốn, lớp hành nằm ở mặt ngoài của chiếc bánh giúp hành lá không bị hấp hơi để bánh chỉ thoảng thoảng mùi thơm của hành, không gây cảm giác ngán cho người ăn.
Nhờ những bí quyết riêng mà bánh mướt chợ Gám trở thành món ăn được người dân khắp đất Yên Thành ưa chuộng. Mỗi khi gia đình có cưới, giỗ hay chỉ là những lúc họp mặt sum vầy, bên mâm cỗ không thể thiếu đĩa bánh mướt.
Đậm đà bánh mướt Kẻ Gám
(Baonghean.vn) - Ai có dịp về Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) thưởng thức đặc sản bánh mướt làng Kẻ Gám thì không bao giờ quên được hương vị đậm đà của sản phẩm đồng chiêm.
Bánh mướt là một trong những món ăn dân dã của người dân và du khách khi về quê lúa Yên Thành. Ảnh: Thái Dương
Vào khoảng 3 giờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, những hộ dân làm nghề tráng bánh mướt ở làng Kẻ Gám đã bắt tay vào công việc của một ngày mới. Trong gia đình, mỗi người một công việc, người vớt gạo xay bột, người nhóm bếp củi lò, chị em phụ nữ tất bật hơn với các công đoạn tráng bánh.
Chị Nguyễn Thị Thịnh - xóm 3, xã Xuân Thành chia sẻ: "Nghề làm bánh cũng vất vả, phải thức khuya, dậy sớm. Muốn có đông khách thì yếu tố đầu tiên chất lượng bánh phải đảm bảo. Trước đây ở công đoạn xay bột phải làm bằng thủ công, dùng cối đá để xay phải tốn nhiều thời gian, công sức, thì nay gạo được xay bằng máy, bột mịn hơn, nhanh hơn rất nhiều.
Do nhu cầu của người dân ngày càng cao, bình quân mỗi ngày làm được từ 50-60 kg bánh, bán ngay tại nhà. Ngoài khách quen trong và ngoài xã, còn có nhiều người ở Vinh, Hà Nội về đặt bánh, thậm chí có người còn đưa bánh vào các tỉnh miền Nam để làm quà quê. Vào những ngày lễ, lượng khách đến mua rất đông, nhà có 3 người làm nhưng vẫn không xuể."
Nói đến bánh mướt của làng Kẻ Gám, không thể không nhắc đến bà Lê Thị Oanh, có thâm niên gần 70 năm làm nghề tráng bánh mướt. Nghề này đã gắn bó với bà từ năm 10 tuổi, được mẹ truyền bí quyết để rồi giữ được thương hiệu nổi tiếng cho đến ngày hôm nay.
Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng bà vẫn thủy chung với nghề, trau nghề và truyền đạt bí quyết cho các thế hệ con cháu. Bà cho biết, để làm được chiếc bánh ngon, trước hết phải rất kỹ lưỡng trong từng công đoạn, từ khâu chọn gạo, xay gạo, tráng bánh và hành mỡ để tạo gia vị.
Có nhiều loại gạo ngon để chế biến nguyên liệu làm bánh, nhưng thông dụng nhất vẫn là gạo Khang dân, bởi chất bột loại gạo này vừa có độ nở cao, độ dẻo lại vừa phải, bánh làm ra còn có độ dai, không bị gãy.
Sau khi đem ngâm trong khoảng thời từ 2-3 tiếng, gạo được vớt ra đại sạch nước chua, đưa vào máy để xay, nhưng yêu cầu lượng nước và bột phải phù hợp và có một ít lá hành tươi thái nhỏ trộn lẫn trước khi đưa vào lò tráng.
Cũng theo bà Oanh, mỗi kg gạo chỉ cần làm ra thành phẩm 3 kg bánh là vừa đủ, chiếc bánh sẽ to, chất lượng hơn, giá thành sản phẩm cũng vừa phải, chỉ ở mức 12 ngàn đồng/kg. Song quan trọng nhất vẫn là công đoạn tráng bánh bằng nồi hơi nước qua một loại vải mỏng bịt kín.
Ngoài giữ nhiệt độ ổn định từ lò củi, yêu cầu đặt ra đối với người tráng bánh phải thao tác nhanh nhẹn, tráng bột đều tay, không quá dày và cũng không mỏng, vung nồi phải kín và chỉ mở duy nhất một lần khi vớt bánh (Trong khoảng thời gian 2 phút bột gạo sẽ chín thành bánh, được vớt ra khéo léo cuốn đều, bánh sẽ ngon).
Nếu người làm không quen, vớt bánh sớm khi cuốn sẽ gãy bánh, nếu để hơi muộn chiếc bánh sẽ bị nớt, ăn không ngon, khó vận chuyển và không để được lâu.
Một thứ gia vị không thể thiếu trong món bánh mướt là củ hành khô, thái nhỏ đem rang với mỡ lợn, nhưng phải đủ độ giòn, thơm để phết mỏng phía ngoài chiếc bánh, tạo cảm giác ngon miệng, nhưng không bị ngán.
Để có chiếc bánh ngon, ngoài khâu chuẩn bị kỹ lưỡng nguyên liệu chế biến, phải có sự cần cù, chịu khó và khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ. Ảnh: Thái Dương
Hiện tại ở làng Kẻ Gám có gần 20 hộ làm nghề, lao động chủ yếu là chị em phụ nữ. Trung bình mỗi ngày, các hộ này tiêu thụ từ 15-20 kg gạo, trừ mọi chi phí đi thu nhập 200 ngàn đồng, chưa kể phụ phẩm để phát triển chăn nuôi.
Sản phẩm bánh mướt làng Kẻ Gám hiện nay không chỉ bán ở các chợ quê, mà khách hàng nhiều nơi đã tìm về làng Kẻ Gám ngày càng nhiều, để được thưởng thức món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng chiêm.
Ông Lê Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, cho biết: Phát huy lợi thế của địa bàn thuần nông, có khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám, để tạo ấn tượng cho du khách khi về với Xuân Thành, xã đã tuyên truyền vận động bà con phát triển nghề làm bánh mướt truyền thống, gắn với đảm bảo ATVSTP, tiến tới xây dựng làng nghề, vừa phục vụ nhu cầu du lịch, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.
Thái Dương
Lan Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét